Chăm sóc da dầu mụn - loại da đặc trưng với hai đặc điểm sáng bóng và mụn - là một trong những mối quan tâm phổ biến nhất. Quy trình chăm sóc loại da này không quá phức tạp như mọi người vẫn lầm tưởng.
Thông thường, da dầu thường có yếu tố di truyền, và bạn không thể kiểm soát gen của mình. Da dầu thường đi kèm với mụn là vì lượng dầu thừa làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản để kiểm soát lượng dầu trên da, giúp da trở nên khỏe mạnh hơn.. Dưới đây là những bước chăm sóc da dầu mụn mà bạn có thể tham khảo.
Bước 1: Rửa mặt hai lần mỗi ngày
Bạn nên rửa mặt với sữa rửa mặt hai lần mỗi ngày, vào buổi sáng và buổi tối. Với làn da dầu mụn, bạn có thể rửa thêm một lần nữa sau khi tập thể dục hoặc vào ngày có tiết trời oi bức, vì đây là những thời điểm làn da của bạn sẽ có thể đổ dầu nhiều hơn bình thường.
Mục đích của bước rửa mặt là để loại bỏ sợi bã nhờn - một chất được giải phóng bởi các tuyến nằm dưới da. Ngoài ra, sữa rửa mặt còn có tác dụng loại bỏ bụi bẩn, các tế bào da chết và cả mồ hôi của bạn.
Sữa rửa mặt bạn nên chọn cần có các đặc điểm sau:
Không gây mụn (Non comedogenic): Sản phẩm sẽ không làm cho lỗ chân lông của bạn bị tắc nên sẽ không sinh ra mụn mới, đồng thời không làm cho tình trạng mụn hiện tại tệ hơn.
Không gây khó chịu: Sản phẩm không gây ra tình trạng ngứa, phát ban hoặc mẩn đỏ trên da.
Không gây dị ứng (Hypoallergenic): Các thành phần trong công thức của các sản phẩm loại này ít gây kích ứng da. Tuy nhiên cần làm rõ một điều rằng những sản phẩm có gắn nhãn hypoallergenic không có nghĩa là bạn sẽ hoàn toàn không dị ứng khi sử dụng nó. Nếu có cơ địa nhạy cảm, tốt nhất bạn nên thử phản ứng dị ứng lên vùng da ở cẳng tay một lượng nhỏ trước hoặc tham khảo sự tư vấn từ người có chuyên môn.
Sản phẩm rửa mặt dạng bọt: Bạn có thể chọn những sản phẩm rửa mặt dạng bọt thay thế cho dạng kem để có thể làm sạch dầu thừa trên da một cách nhẹ nhàng.
Bước 2: Sử dụng một loại Astringent
Astringent là những sản phẩm có chứa hoạt chất làm se khít lỗ chân lông. Dưới một góc độ khác, astringent có thể xem như là “toner” dành cho da dầu và mụn do khả năng của nó trong việc điều tiết dầu, tẩy sạch bụi bẩn và các chất cặn từ lớp makeup không được loại bỏ hoàn toàn trong khi rửa mặt.
Sau bước rửa mặt, bạn cho một lượng vừa đủ astringent vào miếng bông rồi lau và massage nhẹ nhàng lên toàn bộ vùng mặt và cổ. Bạn chỉ cần thực hiện bước này 1 lần mỗi ngày. Trường hợp nếu da của bạn có quá nhiều dầu, có thể thực hiện 2 lần mỗi ngày.
Thành phần phổ biến của astringent có thể kể đến là chiết xuất từ cây phỉ - Witch hazel. Đây là hoạt chất được các bộ lạc người Mỹ bản địa sử dụng từ xa xưa để làm dịu da, cải thiện da nứt nẻ, trầy xước và kích ứng. Witch hazel cũng đã được chứng minh có thể xử lý tình trạng mụn trứng cá.
Ngoài chiết xuất cây phỉ được nêu ở trên, có một số thành phần khác có thể làm một astringent tốt cho việc chăm sóc da dầu mụn, đó là:
Acid citric, có nguồn gốc từ các trái cây thuộc họ cam quýt.
Acid salicylic - hợp chất nổi tiếng khi nhắc đến vấn đề mụn trứng cá.
Bước 3: Dưỡng ẩm - Một bước không kém quan trọng trong quy trình chăm sóc da dầu mụn
Có quan niệm cho rằng da dầu không cần được cấp ẩm. Thực tế, dầu không thể thay thế độ ẩm để duy trì sức sống cho da. Khi da bị mất nước, nghĩa là nước không được hấp thụ vào các lớp dưới da, da sẽ thiếu độ đàn hồi và căng mọng, dẫn đến bị đỏ, khô và nhăn nheo.
Dầu ra một rào cản tự nhiên có thể khóa lớp dưỡng ẩm, việc loại bỏ lượng dầu thừa ở hai bước trên có thể làm khô da, vì vậy việc dưỡng ẩm sau khi rửa mặt và sử dụng astringent là rất quan trọng.
Để lựa chọn sản phẩm dưỡng ẩm phù hợp, bạn cần lưu ý tới những điểm sau:
Khả năng “bảo vệ” lớp ẩm: Với cơ chế có thể tạo nên một lớp phủ để ngăn ẩm thoát ra ngoài, những sản phẩm gọi là occlusive có khả năng giữ lớp ẩm luôn ở trên da, duy trì sự ẩm mượt cho da. Những hoạt chất occlusive phổ biến là lanolin và petroleum jelly (mỡ khoáng) nhưng chúng có thể không phù hợp với da dầu mụn vì đặc tính quá nhờn. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng các sản phẩm chứa dimethicone hoặc cyclomethicone để làn da được cân bằng hơn.
Khả năng hút nước từ các lớp dưới da lên bề mặt: Sản phẩm với khả năng này được gọi là humectants - chất giữ ẩm. Bằng việc tạo liên kết với phân tử nước, các chất này có thể kéo các phân tử nước lên bề mặt da, giúp da ít bị bong tróc, nứt nẻ hơn.
Khả năng làm mịn và mềm da: Các sản phẩm dưỡng ẩm trong quy trình chăm sóc da dầu mụn nên có chất làm mềm (emollients) để giúp da không bị hiện tượng bong vảy hoặc nhăn nheo.
Bước 4: Tẩy da chết
Sự rạng rỡ của làn da được xác định bằng độ phản xạ ánh sáng từ bề mặt của một làn da mịn màng. Sự tươi sáng của làn da có xu hướng giảm dần theo thời gian do quá trình tái tạo tế bào biểu bì chậm lại, gây ra hiện tượng lũy tích tế bào sừng chết ở lớp sừng và nang lông. Hậu quả là da thô ráp, khô, lỗ chân lông to và khả năng phản xạ lại ánh sáng kém đi.
Tẩy da chết là quá trình loại bỏ các tế bào sừng dư thừa, từ đó kích thích quá trình thay đổi tế bào. Loại bỏ lớp da “cũ” sẽ mang lại vẻ ngoài mềm mại cho làn da, đồng thời nó cũng giúp giải quyết hai vấn đề phổ biến của làn da dầu mụn, đó là lỗ chân lông bị tắc và lỗ chân lông to.
Bạn có thể lựa chọn nhiều loại sản phẩm có tác dụng loại bỏ lớp tế bào thừa này. Các loại phổ biến bao gồm scrubs và kem tẩy tế bào chết có hạt, những loại này thường không được khuyên dùng cho da dầu. Thay vào đó, bạn có thể lựa chọn những sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học được thiết kế dành riêng cho loại da này. Tuy nhiên, bạn chỉ nên thực hiện tẩy da chết 2 - 3 lần/tuần, vì nếu thực hiện quá thường xuyên sẽ bào mòn da và làm cho lỗ chân lông trở nên to hơn.
Cách chăm sóc da dầu mụn dưới góc nhìn khoa học mà Long Châu vừa chia sẻ đến bạn nhìn chung khá đơn giản. Tuy nhiên, quy trình nào cũng đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn để có thể đánh giá được kết quả. Mong rằng bạn có thể tìm thấy một quy trình chăm da phù hợp để có được một làn da khỏe mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.