Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Những dấu hiệu mang thai ngoài tử cung cần lưu ý

Ngày 14/09/2023
Kích thước chữ

Thai ngoài tử cung là một biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ, vì vậy mỗi người phụ nữ cần được trang bị những kiến thức cần biết về dấu hiệu mang thai ngoài tử cung và hướng xử trí khi không may mắc phải biến chứng này.

Trong những năm 1970, thai ngoài tử cung được xem là một bệnh lý cấp cứu ngoại khoa vì có thể dẫn đến xuất huyết nội, thậm chí gây tử vong. Tuy nhiên, ngày nay, nhờ sự tiến bộ vượt bậc của ngành y học, sự phát triển mạnh mẽ về siêu âm và các xét nghiệm sinh hóa máu, định lượng tốt nồng độ beta hCG, các bác sĩ có thể chẩn đoán thai ngoài tử cung ở giai đoạn rất sớm, từ đó giảm thấp được tỷ lệ tử vong, giải quyết và điều trị sớm bằng thuốc mà không cần phải phẫu thuật. Việc người mẹ nhận biết được các dấu hiệu mang thai ngoài tử cung sẽ góp phần giúp chẩn đoán sớm và điều trị tối ưu cho cả mẹ và bé.

Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung được định nghĩa khi thai làm tổ bên ngoài buồng tử cung, là một hình thức thai nghén bất thường và đây cũng là một bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe, tương lai sản khoa của người phụ nữ. Đa số các trường hợp thai ngoài tử cung xảy ra ở vòi trứng (95-98%) , một số ít có thể ở cổ tử cung, buồng trứng hoặc trong ổ bụng.

dấu hiệu mang thai ngoài tử cung 1
Thai ngoài tử cung được định nghĩa khi thai làm tổ bên ngoài buồng tử cung

Phân loại các vị trí thai ngoài tử cung:

  • Thai ở đoạn bóng vòi tử cung (75-80%): Đoạn này là phần tương đối rộng của vòi tử cung nên thường gặp và vỡ muộn.
  • Thai ở loa vòi tử cung (5-10%): Khối thai phát triển gây rỉ máu qua loa tạo huyết tụ thành nang.
  • Thai ở đoạn eo vòi tử cung (12%).
  • Thai ở đoạn kẽ (2%): Khi vỡ gây mất máu rất nặng.
  • Thai ở cổ tử cung (0,9%).
  • Thai trong ổ bụng: Do thai sảy qua loa vòi đi vào ổ bụng, gai nhau hình thành bám vào bề mặt các cơ quan trong ổ bụng.

Ngoài ra còn có những vị trí khác như thai bám vết mổ cũ, một thai trong tử cung và một thai ngoài tử cung cùng phát triển. Những thai phụ có thai ngoài tử cung trong thời gian đầu cũng sẽ có các dấu hiệu hướng đến có thai như trễ kinh, đau bụng, buồn nôn, căng tức ngực và vẫn có kết quả thử thai bằng que test dương tính. Tuy nhiên, vì thai nằm ngoài tử cung nên quá trình phát triển của thai sẽ không giống như một thai bình thường, người mẹ sẽ có những dấu hiệu khác lạ như:

Rối loạn kinh nguyệt, ra máu bất thường

Rối loạn kinh nguyệt là một trong những dấu hiệu mang thai ngoài tử cung mà bạn cần lưu ý, trong đó:

  • Trễ kinh chiếm 75-90% các trường hợp.
  • Rong huyết: Thai phụ có thể thấy ra máu trước ngày hành kinh và kéo dài trong nhiều ngày.
  • Kinh nguyệt không đều, máu ra ít, có màu bất thường.

Đây là các dấu hiệu rất dễ bị nhầm lẫn vì đa số trường hợp thai ngoài tử cung thường có triệu chứng ra máu âm đạo và nhiều người phụ nữ lầm tưởng rằng đó là kinh nguyệt, nhất là khi thời gian ra máu gần với ngày có kinh của họ. Do vậy cần phân biệt kĩ về số lượng, màu sắc, độ loãng của máu xem có khác so với những lần kinh nguyệt trước hay không.

Đau bụng dưới âm ỉ

Đây là dấu hiệu mang thai ngoài tử cung thường gặp nhất trong phần lớn trường hợp (99%), thai phụ có thể cảm thấy đau bụng tại vị trí thai làm tổ, đau bụng dưới âm ỉ, đau một bên (nơi có thai đóng). Cơn đau sẽ tăng dần theo thời gian do thai ngoài tử cung phát triển. Khi cơn đau dữ dội như dao đâm, khiến thai phụ muốn ngất xỉu, kèm theo vã mồ hôi, khó thở, vật vã thì đó là lúc thai ngoài tử cung đã vỡ. Đây là một tình trạng khẩn cấp, đe dọa tính mạng nên thai phụ cần được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức.

Dấu hiệu thai ngoài tử cung 1
Đau bụng dưới âm ỉ là một dấu hiệu thai ngoài tử cung

Nguyên nhân dẫn đến mang thai ngoài tử cung

Nguyên nhân của thai ngoài tử cung thường không rõ ràng, tuy nhiên những người có các yếu tố nguy cơ sau đây sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh lý trên:

  • Hút thuốc lá.
  • Mẹ bầu trên 35 tuổi.
  • Tiền căn hiếm muộn.
  • Tiền căn từng phẫu thuật vùng chậu trước đó.
  • Hỗ trợ sinh sản, điều trị hiếm muộn: Thực hiện chuyển nhiều phôi.
  • Đã từng phẫu thuật vòi trứng: Phẫu thuật vòi trứng, thắt vòi trứng, bệnh lý vòi trứng.
  • Đã từng bị thai ngoài tử cung(TNTC): 1 lần TNTC khả năng TNTC lặp lại là 10%, 2 lần TNTC khả năng TNTC lặp lại là 25%.
  • Yếu tố nguy cơ lớn nhất là bệnh lý ống dẫn trứng gây tổn thương ống, đặc biệt là di chứng sau nhiễm Chlamydia trachomatis sinh dục.

Để chẩn đoán một cách chính xác thai ngoài tử cung, các bác sĩ sẽ chỉ định thai phụ thực hiện thêm một số xét nghiệm như:

  • Thử thai: Xét nghiệm máu để định lượng nồng độ hormone HCG (βhCG) trong cơ thể là xét nghiệm không thể thiếu để chẩn đoán có thai. HCG là hormone chỉ xuất hiện khi phụ nữ mang thai, do đó xét nghiệm này sẽ cho biết người phụ nữ có mang thai hay không. Tuy nhiên, xét nghiệm này chưa cung cấp đủ thông tin thai nằm trong hay ngoài tử cung.
  • Siêu âm qua ngã âm đạo, bụng: Nếu nghi ngờ thai ngoài tử cung, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm qua ngã âm đạo và siêu âm bụng để xác định chính xác vị trí của túi thai. Kết quả siêu âm sẽ cho thấy trong buồng tử cung có hoặc không có túi thai, hoặc thấy được hình ảnh túi thai nằm ở ống dẫn trứng, có sự hiện diện của dịch trong ổ bụng và đánh giá tình trạng chảy máu trong trường hợp thai ngoài tử cung bị vỡ.
  • Các xét nghiệm máu khác: Ngoài kiểm tra nồng độ HCG, xét nghiệm máu còn dùng để định lượng Progesterone, tình trạng mất máu thiếu máu và nhóm máu để hỗ trợ cho chẩn đoán và điều trị sau này.
  • Nội soi ổ bụng: Đây là phương pháp hiện đại giúp chẩn đoán thai nằm ngoài buồng tử cung một cách nhanh chóng và chính xác. Soi ổ bụng có thể phát hiện được một bên ống dẫn trứng căng phồng, tím đen, đó chính là khối thai ngoài tử cung.
  • Nạo sinh thiết buồng tử cung: Chỉ thực hiện khi chẩn đoán thai không có khả năng sống, bệnh nhân không muốn giữ thai và siêu âm không xác định được vị trí của thai.
Dấu hiệu mang mang thai ngoài tử cung 3
Siêu âm có thể chẩn đoán mang thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung có nguy hiểm không?

Diễn tiến tự nhiên của thai ngoài tử cung (ở vòi trứng) sẽ theo 1 trong 3 khả năng sau:

  • Vỡ vòi trứng gây xuất huyết trong ổ bụng.
  • Sảy qua loa vòi trứng đi vào trong ổ bụng.
  • Thoái triển (teo nhỏ) do sự cung cấp máu đến khối thai giảm dần.

Nếu bệnh nhân không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể dẫn tới tử vong do xuất huyết nội trong ổ bụng, tổn thương ống dẫn trứng và ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe người mẹ cho những lần mang thai tiếp theo. Xử trí thai ngoài tử cung tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân, cơ sở vật chất và bác sĩ tại cơ sở y tế đó. Hiện tại có 3 hướng điều trị sau:

  • Theo dõi (không can thiệp) cho đến khi thai ngoài tử cung thoái triển hoàn toàn: Siêu âm thấy khối thai nhỏ, nồng độ beta hCG nhỏ và giảm dần theo thời gian kèm theo thai ngoài tử cung không vỡ, bệnh nhân tỉnh táo, huyết động ổn định.
  • Điều trị nội khoa: Điều trị với thuốc Methotrexate, sử dụng khi khối thai chưa vỡ và phải thỏa những điều kiện xác định một cách nghiêm ngặt. Thời gian điều trị kéo dài từ 1 đến 3 tuần.
  • Điều trị ngoại khoa: Khi có huyết động không ổn định (mạch nhanh nhẹ khó bắt, huyết áp tụt, tay chân lạnh), thai ngoài tử cung vỡ, chống chỉ định với điều trị nội khoa.

Việc phát hiện sớm các dấu hiệu mang thai ngoài tử cung vô cùng quan trọng cho sức khỏe của người mẹ hiện tại và quá trình sinh sản sau này. Khi có các dấu hiệu trên bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và kiểm tra kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm