Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Que thử thai hoạt động như thế nào? Thai chưa vào tử cung thử que có lên không?

Ngày 08/03/2023
Kích thước chữ

Tử cung là không gian mà trứng sau khi được thụ tinh với tinh trùng sẽ tiến đến làm tổ để phát triển thành hợp tử và bắt đầu quá trình thụ thai. Thông thường, sau khi quan hệ khoảng 2 tuần, phôi thai sẽ phát triển, tiến vào và bám lên tử cung. Lúc này cũng là thời điểm thích hợp nhất để kiểm tra bằng que thử thai. Tuy nhiên, nếu thai chưa vào tử cung thử que có lên không?

Que thử thai hiện đang là công cụ thuận tiện và phổ biến nhất để kiểm tra nhanh xem có mang thai không. Bên cạnh việc sử dụng que thử thai một cách chính xác thì vấn đề hiện đang được quan tâm rất nhiều là thai chưa vào tử cung thử que có lên không? Cùng đọc và theo dõi bài biết này để tìm hiểu về vấn đề này nhé.

Que thử thai hoạt động thế nào?

Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, khi trứng đã thụ tinh và làm tổ trong tử cung, một loại hormone nội tiết tố sẽ được sản sinh ra để thông báo cho cơ thể ngừng việc bong tróc niêm mạc tử cung (quá trình diễn ra chu kỳ kinh nguyệt bình thường). Hormone này có tên khoa học là Human Chorionic Gonadotropin, viết tắt là hCG. Ngoài ra hCG còn có tác dụng chính là duy trì hoàng thể, kích thích cơ thể người mẹ sản xuất estrogenprogesterone, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong suốt thai kỳ.

Khi phụ nữ mang thai, cơ thể sẽ tiết ra rất nhiều hCG, từ đó dẫn đến nồng độ hCG trong máu và nước tiểu cũng sẽ tăng cao. Các que thử thai đang được lưu hành trên thị trường hiện nay đều dựa trên nguyên lý là phát hiện nồng độ hCG trong nước tiểu. 

Đây là một phương thức kiểm tra định tính, dựa trên cơ chế kháng nguyên (hormone hCG) gắn vào kháng thể (có sẵn trên que thử thai) kết hợp cùng cơ chế đổi màu của enzyme làm xuất hiện 2 vạch đỏ trên que thử. Trong trường hợp không có hormone hCG trong nước tiểu hoặc nồng độ này quá thấp thì que thử chỉ hiện lên một vạch đỏ.

Que thử thai hoạt động như thế nào? Thai chưa vào tử cung thử que có lên không? 1 Que thử thai là biện pháp phát hiện mang thai tiện lợi và nhanh chóng

Thai chưa vào tử cung thử que có lên không?

Sau khi kết thúc quá trình thụ tinh, hợp tử sẽ di chuyển đến tử cung qua ống dẫn trứng và phát triển thành phôi thai. Thông thường giai đoạn này sẽ kéo dài từ 9 – 12 ngày, tuy nhiên đây là một quá trình khá phức tạp nên thời gian diễn ra có thể thay đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong cơ thể người mẹ. Một khi phôi thai bắt đầu phát triển, hormone hCG sẽ liên tục được sản xuất ra để phục vụ trong suốt quá trình thai nhi lớn lên sau này.

Từ đó có thể đưa ra kết luận cho vấn đề thai chưa vào tử cung thử que có lên không như sau: Nếu sử dụng que thử thai quá sớm, trước khi phôi thai tiến vào tử cung thì khả năng cao là sẽ không cho kết quả chính xác. Khi đó nồng độ hCG trong nước tiểu sẽ không đủ để làm xuất hiện vạch đỏ thứ hai.

Tuy nhiên, không phải không có trường hợp que thử thai lên 2 vạch dù phôi thai chưa vào tử cung. Khi người mẹ mang thai ngoài tử cung (tức là phôi thai không tiến vào làm tổ trong tử cung nhưng vẫn bám ở bên ngoài và tiếp tục phát triển) thì cơ thể người mẹ vẫn sẽ tiết ra rất nhiều hCG để đảm bảo sự phát triển của thai nhi. Khi đó, sử dụng que thử thai vẫn sẽ cho kết quả 2 vạch như thường mặc dù thai chưa vào tử cung. 

Bên cạnh đó, dù rất hiếm nhưng vẫn có xác suất xảy ra trường hợp, thử que sớm (khi thai chưa kịp vào tử cung, cũng chưa làm tổ bên ngoài tử cung) nhưng vẫn lên 2 vạch do hormone hCG trong cơ thể người mẹ tăng cao. Bởi vì bản chất của que thử thai là kiểm tra hormone hCG trong nước tiểu, vậy nên nồng độ hCG trong cơ thể người mang thai sẽ là điều kiện quyết định kết quả, chứ không phải thai đã vào tử cung hay chưa.

Que thử thai hoạt động như thế nào? Thai chưa vào tử cung thử que có lên không? 2 Thai chưa vào tử cung thử que có lên không là thắc mắc của nhiều chị em phụ nữ

Lý do tại sao thai chưa vào tử cung?

Tinh trùng sau khi cạnh tranh khốc liệt để chui được vào trong trứng sẽ hình thành hợp tử. Hợp tử này sẽ bắt đầu phân bào và di chuyển dần đến nơi dồi dào dinh dưỡng để nó có thể làm tổ và phát triển. Có 3 nguyên nhân chủ yếu khiến thai chưa vào được tử cung đúng thời điểm, bao gồm: Thai di chuyển chậm do cơ địa; thai làm tổ ngoài tử cung; ống dẫn trứng bất thường.

Thai di chuyển chậm do cơ địa

Như đã đề cập ở trên, sau khi hoàn tất quá trình thụ tinh, thông thường sẽ mất khoảng 9 - 12 ngày để hợp tử vào làm tổ trong tử cung. Tuy nhiên, có những người mang thai có cơ địa đặc biệt sẽ khiến quá trình này diễn ra nhiều hơn 12 ngày. Dù không hiếm nhưng điều này có thể khiến mẹ bầu lần đầu mang thai ngạc nhiên khi gặp phải tình trạng như vậy.

Thai làm tổ ngoài tử cung

Trong suốt thai kỳ bình thường, phôi thai sẽ nhận được tín hiệu tử cung là nơi dồi dào dinh dưỡng và thích hợp nhất để làm tổ nên sẽ cư trú tại đây. Còn trong những trường hợp bị nhận sai tín hiệu, bào thai sẽ bám bên ngoài tử cung và làm tổ, tạo nên tình trạng thai ngoài tử cung. Những vị trí có thể làm tổ ngoài tử cung: Cổ tử cung, ống dẫn trứng, ổ bụng… Dù là ở bất kỳ vị trí nào thì đều là các trường hợp bào thai không vào tử cung, đều mang tính nguy hiểm và cần phát hiện sớm để có phương hướng xử lý kịp thời.

Que thử thai hoạt động như thế nào? Thai chưa vào tử cung thử que có lên không? 3 Thai làm tổ ngoài tử cung gây nguy hiểm

Ống dẫn trứng bất thường

Trứng được thụ tinh trong ống dẫn trứng và bắt buộc phải đi qua ống dẫn trứng để đến được tử cung. Vì vậy nếu người mẹ có bất thường ở ống dẫn trứng, khiến ống dẫn trứng bị hẹp lại, sẽ khiến cho tốc độ di chuyển của bào thai bị chậm lại. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến bào thai không thể vào tử cung đúng thời điểm.

Thai chưa vào tử cung nguy hiểm không?

Ngoài trường hợp thai chưa vào tử cung đúng thời điểm, do cơ địa người mẹ thì các trường hợp do nguyên nhân khác, đều tiềm tàng rất nhiều nguy cơ. Đặc biệt là trường hợp mang thai ngoài tử cung. Nếu không kịp thời phát hiện và được xử lý đúng cách thì tình trạng mang thai ngoài tử cung sẽ khiến người mang thai đối mặt với nguy hiểm cận kề. Người mang thai ngoài tử cung thường có biểu hiện chảy máu trước chu kỳ kinh nguyệt và kéo dài nhiều ngày. 

Nếu cứ để bào thai phát triển ngoài tử cung, sẽ có thể diễn biến theo 3 hướng chính: Tự ngừng phát triển, phát triển khiến vòi trứng vỡ ra, sẩy qua vòi trứng vào ổ bụng. Dù là khối thai phát triển theo hướng nào thì cũng rất nguy hiểm đối với người mẹ. Vì vậy, xin được nhấn mạnh một lần nữa rằng mang thai ngoài tử cung cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách nhằm đảm bảo tính mạng và sức khỏe sinh sản cho người mang thai.

Nên làm gì nếu thai chưa vào tử cung?

Trước tiên, để phòng ngừa các nguy cơ, bạn nên tới các cơ sở y tế uy tín để khám nội soi hoặc siêu âm để xác định chính xác vị trí túi thai và được tư vấn đúng cách. Nếu thai vào tử cung muộn do cơ địa của người mẹ thì không cần quá lo lắng. Bạn nên tăng cường bồi bổ cơ thể, đi lại và làm việc nhẹ nhàng, tránh vận động mạnh, tránh tạo áp lực lên vùng bụng. Đối với các trường hợp bất thường, bạn nên lắng nghe tư vấn và tuân theo sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa để đưa ra cách xử lý, điều trị kịp thời.

Que thử thai hoạt động như thế nào? Thai chưa vào tử cung thử que có lên không? 4 Siêu âm thai sớm nếu có dấu hiệu thai chưa vào tử cung

Mỗi người phụ nữ đều mang trong mình sứ mệnh vô cùng thiêng liêng là làm mẹ. Vậy nên toàn bộ quá trình trước, trong và sau khi mang thai đều là những thời điểm nhạy cảm mà người mẹ cần được quan tâm, chăm sóc kỹ càng. Một trong những hành trang không thể thiếu trong suốt quá trình này là những kiến thức, kinh nghiệm về sức khỏe sinh sản. Hy vọng rằng bài viết về chủ đề thai chưa vào tử cung thử que có lên không này sẽ góp phần giúp mẹ bầu có thêm những thông tin bổ ích trong kho tàng kiến thức.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Vinmec.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin