Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Bệnh cúm A (H1N1) là một bệnh lý theo mùa và có khả năng lây lan rất nhanh đặc biệt là vào mùa lạnh. Và những điều cần biết về dịch cúm A (H1N1) này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại bệnh này và có cách phòng tránh phù hợp nhé!
Bệnh cúm A là một loại bệnh do virus cúm gây ra, nó khác hoàn toàn so với những bệnh “cảm cúm” thông thường. Để hiểu thêm về loại virus này, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết thêm những điều cần biết về dịch cúm A (H1N1) cũng như cách phòng chống bệnh hiệu quả. Cùng tham khảo nhé!
Bệnh Cúm A(H1N1) chủng đại dịch 2009 là một trong những bệnh cúm mùa phổ biến hiện nay. Bệnh gây ra bởi các cơ thể nhiễm virus cúm A (H1N1), người ta còn gọi là cúm lợn vì ban đầu các nhà khoa học cho rằng loại cúm này có nguồn gốc từ lợn. Loại dịch cúm này bắt đầu bùng phát mạnh vào năm 2009 với tốc độ lây lan nhanh chóng mặt.
Cúm A (H1N1) là một loại dịch theo mùa phổ biến
Hiện nay, cúm A(H1N1) có thể dễ dàng bị lây nhiễm từ người sang người như các chủng cúm mùa khác. Tuy dịch cúm này không nguy hiểm như cúm A(H5N1) và cúm A(H7N9) nhưng loại cúm A(H1N1) này vẫn có nguy cơ gây bội nhiễm, viêm phổi nặng hay thậm chí có thể gây suy đa tạng và gây tử vong ở một số trường hợp mắc bệnh mãn tính. Tình cho đến thời điểm hiện nay, trên thế giới mỗi năm ghi nhận 250.000-500.000 trường hợp tử vong do cúm.
Cúm A(H1N1) thường dễ mắc phải và lây lan vào mùa đông xuân. Khác với những loại cúm thông thường khác, cúm A(H1N1) còn có khả năng tấn công sâu vào các tế bào phổi, gây viêm phổi và thậm chí có thể gây tử vong cho người mắc phải nếu không được chữa trị kịp thời.
Virus cúm A(H1N1) có thể tồn tại từ 24h - 48h trên các bề mặt phẳng, tủ, tay vịn cầu thang...từ 8h - 12h trong quần áo và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay. Và điều đặc biệt ở đây là, loại virus này có khả năng tồn tại được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ 22 độ C và 30 ngày trong môi trường nhiệt độ 0 độ C. Vì vậy, các địa điểm như hồ bơi cũng sẽ là một trong những môi trường thuận lợi cho loại virus cúm này phát triển.
Cúm A(H1N1) có thể gây nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời
Virus cúm A (H1N1) có thể dễ dàng lây từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt xì. Hoặc cũng có thể bị lây nhiễm do tiếp xúc hay chạm tay vào những bề mặt có nhiễm virus sau đó đưa tay lên mũi, miệng, mắt. Việc dùng chung đồ dùng, ly uống nước, hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm virus cúm A(H1N1). Đặc điểm để nhận biết dịch cúm A (H1N1) bao gồm:
– Tỷ lệ bị mắc thường cao, dễ lây lan và có thể mau chóng gây đại dịch.
– Tỷ lệ tử vong thấp (1 – 4%).
– Những người mắc Cúm A(H1N1) có thể lây lan bệnh 01 ngày trước khi khởi bệnh và kéo dài 07 ngày sau khi khởi bệnh.
– Virus cúm A (H1N1) có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ trên 70 độ C
Các dấu hiệu chính của bệnh cúm A H1N1. Bệnh có biểu hiện sốt trên 38 độ C, ho khan, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, thấy ớn lạnh, mệt mỏi, suy nhược, ói mửa. Một số trường hợp bị nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Bệnh cúm A H1N1 có triệu chứng giống với cúm thông thường, chỉ có thể chẩn đoán xác định bằng cách lấy dịch mũi họng tại cơ sở y tế để xét nghiệm.
Để phòng chống cúm A(H1N1), Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo cần sử dụng các biện pháp đối với cúm mùa thông thường:
– Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi mỗi khi ho hay hắc xì hơi. Không khạc nhổ bừa bãi, sử dụng dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng và mắt hàng ngày. Đồng thời tránh tiếp xúc gần với người bệnh và những người bị nghi nhiễm cúm.
– Ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm.
– Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc.
– Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được thăm khám, chuẩn đoán bệnh kịp thời. Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.
– Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.
– Tiêm phòng vacxin là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa cúm A. Đeo khẩu trang và giữ khoảng cách trên 1m nếu phải tiếp xúc với người bệnh.
Cách phòng tránh dịch cúm A (H1N1) là tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi
Hy vọng bài viết những điều cần biết về dịch cúm A (H1N1) trên đây sẽ giúp bạn có thêm những thông tin bổ ích về loại cúm này. Từ đó biết cách phòng ngừa bệnh và bảo vệ sức khỏe cho bản thân cũng như những người xung quanh.
Thủy Phan