Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Những nguyên nhân chậm kinh nguyệt thường gặp ở các chị em

Ngày 18/09/2020
Kích thước chữ

Hiện tượng kinh nguyệt “trễ hẹn” tuy là hiện tượng khá phổ biến nhưng không phải chị em nào cũng nắm hết được nguyên nhân để có cách phòng tránh và chữa trị kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân bắt nguồn của hiện tượng chậm kinh nguyệt. Cùng tìm hiểu ngay nhé!

Chậm kinh (hay trễ kinh) là biểu hiện bất thường của chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ khi đến kỳ hành kinh nhưng vẫn chưa xuất hiện kinh nguyệt. Có thể nói rằng, hiện tượng này là “tấm gương” phản ánh phần nào tình trạng sức khỏe của người phụ nữ. Trên thực tế, tình trạng này rất thường gặp với đa số các chị em phụ nữ nhưng không phải ai cũng hiểu rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng này.

Theo đó, chậm kinh thường bắt nguồn từ những nguyên nhân sau đây: 

1. Dấu hiệu mang thai

Mang thai là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của hiện tượng chậm kinh. Thông thường, trong một vòng kinh nguyệt, lớp niêm mạc bên trong tử cung sẽ dần dày lên để chuẩn bị trứng thụ tinh vào làm ổ. Trong trường hợp sinh lý bình thường, nếu các chị em không xảy ra hiện tượng trứng và tinh trùng gặp nhau, quá trình thụ thai không bắt đầu thì cơ thể sẽ tự loại bỏ lớp niêm mạc này gây hiện tượng ra máu (hành kinh).  

Còn trong trường hợp nếu trứng được thụ tinh và bắt đầu làm tổ trong tử cung thì lớp niêm mạc này sẽ không bị bong tróc ra mà sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng để bắt đầu quá trình phát triển của thai nhi. Do đó, các chị em đang mang thai cũng sẽ không xuất hiện kinh nguyệt. 

nhung-nguyen-nhan-cham-kinh-nguyet-thuong-gap-o-cac-chi-em-1

Mang thai là nguyên nhân phổ biến nhất của hiện tượng chậm kinh

2. Giảm hoặc tăng cân đột ngột

Cân nặng bị giảm hoặc tăng đột ngột cũng có thể dẫn đến tình trạng trễ kinh, thậm chí là mất kinh. Bởi trong một chu kỳ kinh nguyệt, cơ thể cần phải sản xuất đủ lượng estrogen để xây dựng nên lớp niêm mạc tử cung. Tuy nhiên, việc giảm cân quá mức và giảm bổ sung calo có thể gây ảnh hưởng đến vùng dưới đồi khiến cơ thể không sản xuất đủ estrogen cần thiết cho kỳ kinh nguyệt dẫn đến tình trạng chậm kinh. Thậm chí, nặng hơn còn có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt không xuất hiện nữa. 

Ngược lại, việc tăng cân quá nhanh cũng sẽ khiến cho cơ thể sản xuất quá nhiều  estrogen trong thời gian ngắn, làm cho lớp nội mạc tử cung phát triển quá mức và trở nên không ổn định. Để khắc phục tình trạng này, các chị em cần giảm đi một vài cân để giúp chu kỳ kinh nguyệt trở lại bình thường.

3. Vận động quá sức là nguyên nhân chậm kinh

Việc vận động liên tục đến quá sức cũng là nguyên nhân gây chậm kinh. Mặc dù việc tập thể dục tốt cho sức khỏe và giúp có một vóc dáng cân đối nhưng không có nghĩa là bạn có thể lạm dụng biện pháp này. Bởi nếu bạn luyện tập một cách “quá chăm chỉ” nhưng không bổ sung đủ lượng calo cần thiết cũng sẽ khiến cơ thể không thể sản xuất đủ estrogen để duy trì một chu kỳ kinh nguyệt bình thường

Để khắc phục, bạn cần phải có một chế độ vận động hợp lý kết hợp với chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng để giúp cho cơ thể bạn trở lại đúng hướng.

nhung-nguyen-nhan-cham-kinh-nguyet-thuong-gap-o-cac-chi-em-2

Vận động quá sức là nguyên nhân chậm kinh

4. Căng thẳng, stress

Vùng da dưới đồi (liên quan đến quá trình tạo ra estrogen trong kỳ kinh nguyệt) thường bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các hormone gây ra bởi stress, chẳng hạn như adrenaline và cortisol. Chính vì vậy, nếu bạn căng thẳng có thể sẽ gây nên tình trạng rối loạn kinh nguyệt. 

5. Sử dụng chất kích thích

Việc sử dụng chất kích thích như đồ uống có cồn, cafein, đặc biệt là thuốc lá… có thể gây ảnh hưởng đến các hormone sinh sản, dẫn đến rối loạn kinh nguyệt. Bởi lẽ, chất nicotine và khói thuốc lá có tác động xấu đến các cơ quan vùng chậu, làm giảm phân phối oxy đến khu vực xương chậu và ảnh hưởng đến lớp nội mạc tử cung. Đồng thời, việc hút thuốc lá trong thời gian dài còn làm giảm chất lượng cũng như số lượng trứng và dẫn đến vô sinh.

6. Các bệnh phụ khoa

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm kinh còn có thể do một số bệnh phụ khoa như như u xơ tử cung, viêm lộ tuyến tử cung, suy buồng trứng, viêm buồng trứng… Nếu trong chu kỳ kinh nguyệt các chị em thấy những dấu hiệu bất thường như máu kinh bị vón cục, có mùi khó chịu, màu sắc bất thường… thì có thể trực tiếp trao đổi với bác sĩ phụ khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

7. Buồng trứng đa nang

Buồng trứng đa nang cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trễ kinh. Hội chứng buồng trứng đa nang do sự rối loạn nội tiết tố ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ làm xuất hiện nhiều nang nhỏ trong buồng trứng và ngăn cản sự rụng trứng xảy ra. Hội chứng này sẽ gây ảnh hưởng đến các hormon giải phóng trứng và là tác nhân xấu đối với khả năng sinh sản của người phụ nữ.

Nếu không được điều trị sớm, hội chứng buồng trứng đa nang nếu không được điều trị sớm có thể gây mất cân bằng hormone, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm khác, bao gồm: đái tháo đường, bệnh tim mạch và rối loạn sinh sản.

8. Nguyên nhân chậm kinh do vấn đề về tuyến giáp

Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát hormone, điều chỉnh sự trao đổi chất và tương tác với nhiều hệ thống khác để đảm bảo mọi thứ diễn ra theo cách cân bằng nhất. Vì vậy, việc tuyến giáp gặp các vấn đề bất thường như hoạt động kém (suy giáp, nhược giáp) hoặc hoạt động quá mức (cường giáp) cũng sẽ đều có khả năng gây ra những thay đổi trong kỳ kinh nguyệt của bạn.

nhung-nguyen-nhan-cham-kinh-nguyet-thuong-gap-o-cac-chi-em-3

Nguyên nhân chậm kinh do vấn đề về tuyến giáp

9. Rối loạn nội tiết

Nội tiết đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng chu kỳ kinh nguyệt đều đặn. Khi có bất thường nào đó xảy ra, khiến cho cả vùng dưới đồi, tuyến yên và buồng trứng hoạt động sai lệch, hệ nội tiết tố sẽ bị mất cân bằng, dẫn đến rối loạn kinh nguyệt.

Trên đây là tổng hợp những nguyên nhân chậm kinh nguyệt thường gặp ở các chị em phụ nữ. Hy vọng sẽ giúp các chị em có thêm nhiều kiến thức hữu ích, biết được nguyên nhân cụ thể để có cách điều trị phù hợp nhất.

Thủy Phan

(Nguồn: Tổng Hợp)

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin