Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

U xơ tử cung và những điều cần biết

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

U xơ tử cung là khối u lành tính ở tử cung, thường gặp ở phụ nữ từ 30 – 50 tuổi trong thời kỳ hoạt động sinh dục. Khó xác định được tỷ lệ u xơ tử cung vì nhiều khi khối u đường kính nhỏ không được phát hiện trên lâm sàng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

U xơ tử cung là gì? 

U xơ tử cung là sự phát triển trong hoặc trên thành tử cung. Chúng bao gồm các tế bào cơ trơn và mô liên kết. Các thuốc estrogen – progestin như thuốc tránh thai với estrogen liều thấp hầu như không ảnh hưởng đến tỷ lệ xuất hiện của u xơ tử cung. Yếu tố di truyền trong gia đình không rõ.

Một người có thể có một hoặc nhiều u xơ tử cung. Chúng có thể nhỏ bằng hạt táo hoặc to bằng quả bưởi (hoặc đôi khi lớn hơn thế nữa). Chúng cũng có thể thu nhỏ hoặc phát triển theo thời gian.

U xơ thường gặp hơn từ độ tuổi 30 đến tuổi bắt đầu mãn kinh. Tùy theo vị trí định khu đối với các lớp của tử cung và giải phẫu có thể phân chia ra các loại u xơ tử cung như sau:

  • Ở thân tử cung gồm: U dưới phúc mạc, u kẽ, u dưới niêm mạc;

  • Ở cổ tử cung: Loại này phát triển ở phần âm đạo của cổ tử cung. Khối u có thể có cuống, bao phủ bởi niêm mạc ống cổ tử cung vươn ra ngoài lỗ cổ tử cung, cổ tử cung như bị xóa, gọi là polyp ống cổ tử cung.

Không rõ chính xác tại sao chúng hình thành, nhưng chúng dường như phát triển khi nồng độ estrogen cao hơn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh u xơ tử cung

U xơ tử cung nhỏ thường không có triệu chứng. Bệnh thường được phát hiện do đi khám phụ khoa vì lý do vô sinh, chậm có thai hoặc u xơ tử cung được phát hiện tình cờ khi khám phụ khoa hay khám thai.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào vị trí của khối u, u to hay nhỏ và những biến đổi thoái hóa:

  • Ra huyết từ tử cung. Đây là triệu chứng chính, gặp trong 60% trường hợp. Thể hiện dưới dạng cường kinh;

  • Về lượng, nhiều máu cục lẫn máu loãng;

  • Về số ngày, kinh kéo dài ngày 7 – 10 ngày có khi còn hơn. Khi đó khó phân biệt giữa cường kinh với băng huyết;

  • Tình trạng toàn thân bị thiếu máu;

  • Đau hoặc tức bụng kéo dài. Đau vùng hạ vị hoặc hố chậu, đau kiểu tức, nặng bụng dưới, (40% trường hợp) do khối u chèn ép vào các tạng bên cạnh hoặc do viêm khung chậu;

  • Các triệu chứng khác như rối loạn tiểu tiện, nắn thấy khối u ở hố chậu,…

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh u xơ tử cung

Nếu khối u nhỏ thì không gây triệu chứng gì đáng kể, sau một hai lần có thai khối u vẫn không phát triển. Hoặc gần đến thời kỳ mãn kinh, khối u ngừng phát triển.

Khi các triệu chứng thông thường của u xơ tử cung tăng lên thì sẽ dẫn đến biến chứng.

Biến chứng chảy máu. Hay gặp trong u xơ dưới niêm mạc, phối hợp với các tổn thương ở niêm mạc. 

Biến chứng do sự phát triển của khối u:

  • Chèn ép vào niệu quản đối với khối u trong dây chằng rộng, đưa đến hậu quả ứ đọng bể thận. Biến cố nhẹ ở đường tiết niệu tiểu buốt, tiểu khó,…

  • Chèn ép vào trực tràng gây táo bón trường diễn;

  • Chèn ép tĩnh mạch gây phù chi dưới,…

  • Xoắn khối u dưới phúc mạc có cuống biểu hiện đau hố chậu dữ dội, kèm dấu hiệu kích thích phúc mạc: Nôn, bí trung tiện. 

Biến chứng nhiễm trùng đường tiết niệu do u xơ tử cung.

Biến chứng về sản khoa: Chậm có thai, hoặc vô sinh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh u xơ tử cung

Do virus u nhú ở người (Human papilloma virus HPV).

Do nguyên nhân nội tiết: 

  • Cường estrogen tương đối: Estrogen kích thích sự tổng hợp protein ở tử cung;

  • Ở những phụ nữ có u xơ tử cung, người ta thấy nội tiết tăng trưởng tăng cao (Growth hormone).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) bệnh u xơ tử cung?

  • Yếu tố di truyền cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của u xơ tử cung. Ví dụ, có một người thân bị u xơ tử cung có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển của họ.

  • Thừa cân và béo phì có liên quan đến tăng nguy cơ u xơ tử cung.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) bệnh u xơ tử cung

Có rất ít yếu tố nguy cơ được biết đến của u xơ tử cung, ngoài việc phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. 

  • Mặc dù tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đều có thể bị u xơ, nhưng phụ nữ da đen có nhiều khả năng hơn. Ngoài ra, phụ nữ da đen có u xơ tử cung ở độ tuổi trẻ hơn và họ cũng có khả năng bị nhiều hoặc lớn hơn, cùng với các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

  • Di truyền: Nếu mẹ hoặc chị gái của bạn bị u xơ tử cung, bạn sẽ có nhiều nguy cơ phát triển chúng hơn.

  • Những yếu tố khác: Bắt đầu có kinh khi còn nhỏ, béo phì, thiếu vitamin D, có chế độ ăn nhiều thịt đỏ và ít rau xanh, trái cây và sữa và uống rượu, kể cả bia, dường như làm tăng nguy cơ phát triển u xơ tử cung.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh u xơ tử cung

Để chẩn đoán bệnh u xơ tử cung, bác sĩ dựa vào các triệu chứng thực thể trên lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng.

Các xét nghiệm chẩn đoán sau đây có thể giúp bác sĩ phát hiện u xơ tử cung và loại trừ các bệnh lý khác:

  • Siêu âm;

  • Chụp MRI có thể xác định kích thước và số lượng của các khối u xơ;

  • Nội soi tử cung;

  • Nội soi ổ bụng: Nếu cần, bác sĩ cũng có thể tiến hành sinh thiết.

Phương pháp điều trị bệnh u xơ tử cung hiệu quả

Thuốc

Phương pháp điều trị u xơ tử cung đầu tiên là dùng thuốc. Các phần sau đây sẽ thảo luận chi tiết hơn về một số loại thuốc điều trị u xơ tử cung.

Chất chủ vận GnRH

Một loại thuốc được gọi là chất chủ vận GnRH khiến cơ thể sản xuất ít estrogen và progesterone hơn. Điều này làm thu nhỏ các khối u xơ. Thuốc chủ vận GnRH làm ngừng chu kỳ kinh nguyệt mà không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau khi kết thúc điều trị.

Chất chủ vận GnRH có thể gây ra các triệu chứng giống như mãn kinh, bao gồm bốc hỏa, xu hướng đổ mồ hôi nhiều hơn, khô âm đạo và trong một số trường hợp, nguy cơ loãng xương cao hơn.

Thuốc chủ vận GnRH chỉ dùng trong thời gian ngắn. Bác sĩ có thể cho người bệnh dùng những loại thuốc này trước khi phẫu thuật thu nhỏ khối u xơ.

Thuốc chống viêm không steroid

Thuốc chống viêm không steroid, chẳng hạn như ibuprofen, có thể làm giảm cơn đau do u xơ, nhưng chúng không làm giảm chảy máu.

Thuốc tránh thai 

Thuốc tránh thai đường uống giúp điều chỉnh chu kỳ rụng trứng và chúng có thể giúp giảm đau hoặc chảy máu trong kỳ kinh nguyệt. Bệnh nhân có thể sử dụng dụng cụ tử cung progesterone, chẳng hạn như Mirena, hoặc thuốc tiêm giống progesterone, chẳng hạn như Depo-Provera.

Phẫu thuật

Điều trị bảo tồn

Phẫu thuật bóc tách nhân xơ bảo tồn chức năng của tử cung trong vô sinh. Thường mổ qua đường bụng, tìm diện bóc tách và lấy khối u.

Điều trị triệt để

Cơ bản là cắt tử cung hoàn toàn chủ yếu qua đường bụng. Cắt cả cổ tử cung tránh biến chứng ung thư hoặc ung thư ở cổ tử cung còn lại. Cắt cả hai phần phụ hay bảo tồn là tùy trường hợp và tuổi của bệnh nhân.

Cắt tử cung bán phần, chỉ định trong u to ở eo, hoặc khối u gần bàng quang, niệu quản, trực tràng. Trước mổ, cần xác định cổ tử cung không có tổn thương và sau mổ phải thường xuyên theo dõi bằng tế bào học.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh u xơ tử cung

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị;

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng;

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị;

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm;

  • Duy trì cân nặng vừa phải bằng cách tập thể dục thường xuyên và ăn một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp điều hòa lượng estrogen, có thể giúp giảm u xơ.

Phương pháp phòng ngừa bệnh u xơ tử cung hiệu quả

Hiện nay, việc ngăn ngừa u xơ tử cung có thể không thực hiện được. Tuy nhiên, bằng cách thực hiện các lựa chọn lối sống lành mạnh, chẳng hạn như duy trì cân nặng hợp lý và ăn trái cây và rau quả, bạn có thể giảm nguy cơ u xơ.

Nguồn tham khảo
  1. Bài giảng sản phụ khoa, Trường đại học Y Hà Nội.
  2. Quyết định số 315/QĐ-BYT ngày 29/01/2015 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh sản phụ khoa.
  3. https://www.mayoclinic.org/
  4. https://www.medicalnewstoday.com/

Các bệnh liên quan

  1. Nhau bám thấp

  2. Băng huyết sau sinh

  3. Mãn kinh nữ

  4. Nang vú

  5. Huyết trắng do vi khuẩn

  6. Hội chứng Demons Meigs

  7. U bì buồng trứng

  8. Thai lưu

  9. Lãnh cảm

  10. Chửa trứng