Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tăng prolactin máu là gì? Nguyên nhân và phương pháp điều trị

Ngày 30/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nếu bạn có những triệu chứng như rối loạn kinh nguyệt, tiết sữa, vùng âm đạo bị khô hay đã cưới nhau lâu nhưng vẫn chưa có con rất có thể bạn đang gặp phải tình trạng tăng prolactin máu. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về chủ đề tăng prolactin trong bài viết này nhé!

Nhiều cặp vợ chồng đã cưới nhau lâu mà vẫn không có con, khi đi khám thì nguyên nhân là do tăng prolactin ở phụ nữ. Vậy prolactin là gì? Nguyên nhân và phương pháp điều trị tình trạng tăng prolactin máu là gì? Cùng đi tìm đáp án trong bài viết này của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Prolactin và tăng prolactin máu

Prolactin được tổng hợp ở tuyến yên và được tiết theo từng giai đoạn. Được cấu tạo từ 198 acid amin và có trọng lượng phân tử 22 - 23kD. Bình thường prolactin tồn tại trong huyết thanh dưới ba dạng khác nhau: Dạng đơn phân chiếm ưu thế khoảng 80%, 5-20% hiện diện dưới dạng nhị phân và 0.5 - 5% hiện diện dưới dạng tứ phân.

Cơ quan đích của prolactin là tuyến vú, thúc đẩy sự phát triển biệt hóa của tuyến vú và kích thích tuyến vú tiết sữa sau khi sinh. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tăng prolactin và biểu hiện thành các triệu chứng, cụ thể đó là:

  • Có biểu hiện tiết sữa, tuy nhiên có một số trường hợp là prolactin cao nhưng không gây tiết sữa.
  • Rối loạn kinh nguyệt có thể là chậm kinh, tắt kinh...
  • Không có con mặc dù quan hệ đều đặn và không sử dụng các biện pháp tránh thai.
  • Vùng âm đạo bị khô, dễ mắc các bệnh viêm nhiễm, giảm ham muốn tình dục.
  • Có dấu hiệu loãng xương sớm, estrogen trong máu giảm.
  • Ở nam giới khi tăng prolactin thì sẽ có biểu hiện rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, mắc chứng vú to.

Ngoài các triệu chứng trên thì người bệnh còn có thể có những triệu chứng khác như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, rối loạn thi giác, mệt mỏi nhiều...

Nguyên nhân và phương pháp điều trị tăng prolactin máu
Rối loạn kinh nguyệt có thể là triệu chứng của tình trạng tăng prolactin máu

Khi nghi ngờ tình trạng bị tăng prolactin, bạn nên đến cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và làm xét nghiệm. 

Bệnh nhân sẽ được lấy máu để làm xét nghiệm, vì nồng độ prolactin trong máu có thời gian bán hủy khoảng 20 - 30 phút nên thời điểm lấy máu tốt nhất là vào khoảng 3 - 4 tiếng sau khi thức dậy. Bên nhân phải nhịn ăn trước 12 tiếng đồng hồ và không uống rượu hay chất kích thích trong vòng 24 giờ để làm xét nghiệm.

Vậy nồng độ bao nhiêu thì được cho là tăng prolactin máu? Nếu kết quả của bạn cao hơn so với nồng độ trong tham chiếu thì được cho là tăng prolactin máu.

  • Ở nam giới nồng độ prolactin máu rơi vào khoảng 98.0 - 456.0 µU/mL.
  • Ở nữ giới thì có nhiều sự khác biệt, cụ thể đó là: Ở nữ trưởng thành thì vào khoảng 127.0 - 637.0 µU/mL, nếu ở phụ nữ mang thai thì nồng độ prolactin từ 200.0 - 4500.0 µU/mL và ở người đã mãn kinh thì prolactin 30.0 - 430.0 µU/mL.
Nguyên nhân và phương pháp điều trị tăng prolactin máu
Không dùng rượu bia hay chất kích thích trong vòng 24 giờ để làm xét nghiệm

Nguyên nhân tăng prolactin máu là gì?

Tăng prolactin máu gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, để điều trị hiệu quả tình trạng này thì phải biết được nguyên nhân gây ra bệnh. Có 3 nhóm nguyên nhân chính gây tăng prolactin máu đó là sinh lý, bệnh lý và do thuốc.

Nguyên nhân do sinh lý

Tình trạng tăng prolactin máu có thể do các nguyên nhân sinh lý đem lại, cụ thể như sau:

  • Đang mang thai: Prolactin tăng trong suốt quá trình thai kỳ và đạt đỉnh điểm khi sinh. Khoảng 6 tuần sau sinh, sự tiết estradiol đã giảm và nồng độ prolactin cơ bản trở về bình thường ngay cả khi mẹ đang cho con bú.
  • Mẹ đang trong thời kỳ cho con bú đầu tiên: Trong khi cho trẻ bú núm vú sẽ bị kích thích và làm tăng prolactin máu. Trong những tuần đầu tiên sau sinh, nồng độ prolactin có thể tăng tới 300 ng/mL.
  • Núm vú bị kích thích, xoa nắn vùng ngực, phẫu thuật ngực vú, mặc áo ngực quá chật.
  • Một số nguyên nhân khác: Stress, vận động thể dục, ngủ nhiều, chấn thương, phẫu thuật...

Nguyên nhân bệnh lý

Bên cạnh tình trạng tăng prolactin máu do sinh lý thì nguyên nhân khác cũng gây ra tình trạng này đó chính là do các bệnh lý. 

  • U tuyến yên là một trong những nguyên nhân bệnh lý hay gặp nhất, chiếm hơn 30% các trường hợp cường prolactin máu. U tuyến yên gây chèn ép, ngăn cản dopamin từ vùng dưới đồi xuống, nên tình trạng cường prolactin máu xảy ra.
  • Bệnh tự miễn của tuyến yên cũng có thể là nguyên nhân gây tăng prolactin máu. Phổ biến nhất là viêm tuyến yên lympho bào ở phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ.
  • Bệnh vùng dưới đồi: Tăng nồng độ prolactin thường có thể liên quan đến khối u, chấn thương hoặc nhiễm trùng vùng dưới đồi.
  • Một số nguyên nhân bệnh lý khác như: Suy giáp, tổn thương tủy sống, suy thận mạn, xơ gan.

Nguyên nhân do thuốc

Ngoài hai nguyên nhân kể trên thì một số nhóm thuốc có tác dụng phụ làm tăng prolactin máu phải kể đến đó là: Nhóm thuốc trầm cảm như Desipramine, clomipramine..., thuốc tâm thần, thuốc hạ huyết áp, thuốc chẹn histamin H2, thuốc chống nôn...

Nguyên nhân và phương pháp điều trị tăng prolactin máu
Một số loại thuốc khi sử dụng cũng làm tăng prolactin máu

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tăng prolactin máu và phương pháp điều trị cũng khác nhau. Vậy điều trị tăng prolactin máu như thế nào? Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm câu trả lời ở phần tiếp theo của bài viết này nhé!

Phương pháp điều trị tình trạng tăng prolactin máu

Khi bạn nghi ngờ mình gặp phải tình trạng tăng prolactin máu thì hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và chẩn đoán tình trạng, mức độ và nguyên nhân gây nên tình trạng này. 

Điều trị kịp thời để tránh biến chứng là rất quan trọng và cần thiết. Hiện nay điều trị tăng prolactin máu có 2 phương pháp chính đó là điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa:

  • Điều trị nội khoa: Thường sử dụng Dopamin để ức chế sự tiết prolactin của tuyến yên. Hoặc dùng một số thuốc làm hạ prolactin máu.
  • Điều trị ngoại khoa: Phương pháp này áp dụng cho các trường hợp có khối u và không thể điều trị bằng nội khoa. Sử dụng phương pháp phẫu thuật nội soi để lấy các khối u nhỏ ra một cách an toàn, tuy nhiên khi điều trị bằng phương pháp này thường không triệt để và có khả năng tái phát cao.

Để điều trị bệnh một cách hiệu quả nhất bạn cần tuân thủ dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị, có chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý và tránh tình trạng căng thẳng, stress. Ngoài ra thì cần môt chế độ dinh dưỡng khoa học:

  • Tránh các loại thực phẩm nhiều đường, đồ ăn dầu mỡ như đồ chiên rán, đồ ăn nhanh...;
  • Tránh các loại đồ ăn thức uống có cồn hay chất kích thích;
  • Tăng cường bổ sung protein qua trứng, thịt, cá...;
  • Tăng cường bổ sung hoa quả chứa nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất như chuối, bơ, đậu, các loại hạt... vừa chống lão hóa, vừa làm tăng nồng độ serotonin trong não từ đó tăng vận động của não bộ cho các hoạt động điều hòa cân bằng nội tiết tố của cơ thể.
Nguyên nhân và phương pháp điều trị tăng prolactin máu
Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học sẽ hỗ trợ quá trình điều trị bệnh

Tình trạng tăng prolactin máu để lại nhiều biến chứng nếu không điều trị sớm đặc biệt ở phụ nữ có thể bị vô sinh. Nhiều gia đình không thể có con vì nguyên nhân này, nên nếu bản thân nghi ngờ thì bạn hãy đi khám chuyên khoa tại khoa sản phụ khoa để được nghe bác sĩ tư vấn và có phương pháp điều trị phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm