Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Răng móm và những giải pháp khắc phục hiệu quả

Ngày 27/09/2023
Kích thước chữ

Không ít người gặp tình trạng răng móm khiến họ mất tự tin trong giao tiếp và ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng ăn nhai. Vậy giải pháp nào khắc phục tình trạng này hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu cụ thể hơn qua các thông tin dưới đây bạn nhé!

Giải pháp khắc phục răng móm nào mang lại hiệu quả lâu dài, bền vững, đồng thời đạt yêu cầu về tính thẩm mỹ là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Dưới đây là những kiến thức về nguyên nhân của tình trạng này và cách điều trị phù hợp với từng trường hợp được các nha sĩ thông tin chi tiết.

Răng móm là tình trạng gì?

Theo thuật ngữ y học, răng móm còn được gọi là khớp cắn ngược, chỉ tình trạng răng hàm dưới nhô ra lệch so với xương hàm trên, làm cho cằm và khớp cắn bị sai lệch. Biểu hiện của răng móm khá dễ nhận thấy. Ở khớp cắn bình thường, răng hàm trên sẽ nằm ngoài và có độ phủ nhất định đối với răng hàm dưới. 

Do đó, bạn chỉ cần cắn hai hàm lại, nếu thấy răng cửa hàm dưới cắn đối đầu hoặc đưa ra phía trước so với răng cửa hàm trên, môi dưới và cằm nhô ra phía trước hơn so với môi trên, gương mặt khi nhìn nghiêng có dấu hiệu bị lõm thì đã bị móm răng.

rang-mom-1.jpg
Răng móm là tình trạng răng hàm dưới nhô ra lệch so với xương hàm trên

Một số hệ lụy từ việc răng móm có thể thấy như sau:

  • Gây mất thẩm mỹ: Gương mặt khi bị móm răng sẽ mất đi sự hài hòa và thẩm mỹ. Bởi răng cửa hàm dưới nằm ngoài so với răng cửa hàm trên, cho nên khi cười sẽ thấy ít răng hàm trên hơn, gương mặt trở nên kém tươi tắn và trông già dặn hơn.
  • Ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai: Hầu như các trường hợp răng móm đều không cắn thức ăn được bằng răng cửa. Lực ăn nhai sẽ dồn nhiều vào răng sau, gây ra tình trạng sai lệch khớp cắn, đồng thời làm giảm tuổi thọ của các răng trên cung hàm. Nếu để lâu, tình trạng này còn gây ảnh hưởng lên vùng cơ mặt và khớp thái dương hàm, dẫn đến mỏi cơ, đau khớp, ăn nhai khó, thậm chí ảnh hưởng đến cả đường tiêu hóa.
  • Khó phát âm: Những người gặp tình trạng này ít nhiều đều ảnh hưởng đến khả năng phát âm, nhiều người bị nói ngọng, nói không rõ chữ, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng giao tiếp.
  • Tăng tỷ lệ mắc bệnh lý răng miệng: Khi răng hai hàm không tiếp xúc đúng cách thì lúc ăn nhai sẽ khiến răng dễ bị mài mòn hơn. Men răng cũng từ đó mà bị tổn thương, dẫn đến hàng loạt các bệnh răng miệng thường gặp, đặc biệt là sâu răngviêm tủy.

Nguyên nhân gây móm răng

Thực tế cho thấy phần lớn các trường hợp răng móm đều do di truyền. Trong gia đình có ông bà, cha mẹ gặp vấn đề sai lệch ở răng miệng thì thế hệ con cháu có khả năng cao cũng di truyền các đặc điểm tương tự. 

Nhiều trẻ nhỏ có nhiều thói quen như: Mút tay, đẩy lưỡi, thở bằng miệng, chống cằm, ngậm ti giả,… cũng làm tăng nguy cơ các răng dần mọc lệch lạc, sai khớp cắn. Không chỉ vậy, nếu răng cửa ở hàm trên mọc thiếu hoặc chậm hơn so với hàm dưới cũng dẫn đến tình trạng này.

Ngoài ra, khi gặp chấn thương ở vùng răng hàm mặt mà không được điều trị hiệu quả, kịp thời cũng gây ra các ảnh hưởng đến sự phát triển của cấu trúc hàm, cấu trúc răng và dẫn đến hiện tượng móm.

Phân biệt bị móm do răng và bị móm do xương hàm

Việc khắc phục tình trạng móm răng trước hết cần xác định chính xác nguyên nhân để tìm phương án phù hợp. Có hai tình trạng phổ biến là bị móm do răng và bị móm do hàm.

Móm do răng

Móm do răng là tình trạng răng cửa hàm dưới nằm ngoài so với răng cửa hàm trên khi cắn lại. Nếu không phát hiện và điều trị sớm thì sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển xương hàm. Nguyên nhân thường do răng cửa hàm trên mọc trễ hơn nhiều so với răng cửa hàm dưới hoặc do thói quen đưa hàm dưới ra trước hoặc sang bên bất thường.

rang-mom-2.jpg
Qua thăm khám, bác sĩ sẽ xác định chính xác tình trạng móm răng

Móm do xương hàm

Móm do xương hàm là tình trạng xương hàm dưới phát triển quá mức ra trước so với xương hàm trên hoặc xương hàm trên kém phát triển quá mức so với xương hàm dưới, hoặc đồng thời cả hai nguyên nhân trên. Tình trạng này thường do yếu tố di truyền hoặc cơ thể có một số bệnh lý như khe hở môi hàm ếch làm ảnh hưởng đến sự phát triển của xương hàm.

Khắc phục tình trạng răng móm như thế nào?

Vậy phương pháp khắc phục tình trạng răng móm nào hiệu quả? Hiện nay có hai phương pháp được áp dụng phổ biến như sau:

Niềng răng móm

Đây là phương pháp được áp dụng phổ biến để cải thiện tình trạng răng móm. Tuy nhiên nhiều người vẫn băn khoăn liệu bị móm có nên niềng răng? Theo các bác sĩ, việc có nên niềng răng hay không còn tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng của từng người. Ở trẻ nhỏ, nếu được phát hiện sớm thì việc niềng răng sẽ đạt hiệu quả cao, đặc biệt là cải thiện tốt chức năng ăn nhai. 

Nếu phát hiện trễ sau khi trẻ qua độ tuổi tăng trưởng, tình trạng móm nặng, xương hàm và xương mặt mất cân đối thì thông thường bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp niềng răng và phương pháp phẫu thuật xương hàm để điều chỉnh sai lệch tương quan xương hàm và khớp cắn ngược.

rang-mom-3.jpg
Niềng răng là giải pháp điều trị hiệu quả được nhiều người áp dụng

Vì vậy, bạn nên đưa trẻ đi thăm khám tình trạng răng miệng từ khi mọc chiếc răng sữa đầu tiên để phát hiện sớm tình trạng răng móm, từ đó lựa chọn giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả.

Dùng răng sứ thẩm mỹ

Răng sứ mang lại giá trị thẩm mỹ cao nhưng liệu bọc răng sứ có hết móm không? Đối với tình trạng răng móm nhẹ như răng cửa hàm dưới cắn đối đầu với răng cửa hàm trên hoặc răng toàn bộ cung hàm không quá chen chúc thì phương pháp dùng răng sứ thẩm mỹ là một lựa chọn tốt để cải thiện tình trạng móm, giúp khớp cắn trông thẩm mỹ hơn.

Tuy nhiên, với phương pháp này, thông thường sẽ phải mài một ít răng để bọc sứ nên ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của răng. Do đó, bạn nên cân nhắc và tham khảo ý kiến bác sĩ về tình hình răng của mình để đưa ra quyết định phù hợp.

rang-mom-4.jpg
Bạn có thể cân nhắc thực hiện bọc răng sứ thẩm mỹ để cải thiện răng móm

Với những thông tin trên đây, Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng răng móm, nguyên nhân gây nên tình trạng này cũng như phương pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả. Móm không chỉ gây mất thẩm mỹ, khiến chúng ta mất tự tin trong giao tiếp mà còn ảnh hưởng khá lớn đến khả năng ăn nhai. Do đó, bạn không nên chủ quan mà cần đặc biệt quan tâm đến chăm sóc sức khỏe răng miệng đúng cách, kịp thời phát hiện và điều chỉnh sai lệch khớp cắn nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin