Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Rửa mặt bằng nước ấm hay nước lạnh thì tốt cho da?

Ngày 11/02/2023
Kích thước chữ

Nhiều người thường thắc mắc giữa rửa mặt bằng nước ấm, nước nóng và nước lạnh thì đâu là cách rửa mặt tốt nhất cho làn da. Vậy hãy cùng khám phá mẹo rửa mặt đúng cách trong bài viết sau nhé!

Rửa mặt là một bước trong chu trình làm sạch da hàng ngày vô cùng quan trọng. Việc rửa mặt như thế nào cho đúng và có nên rửa mặt bằng nước ấm hay không là thắc mắc của nhiều người. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc đó để giúp bạn có cách làm sạch da hiệu quả nhất. 

Nên rửa mặt bằng nước ấm hay nước lạnh?

Có nhiều quan niệm sai lầm cho rằng rửa mặt bằng nước nóng phương pháp thu nhỏ lỗ chân lông nhanh chóng. Tuy nhiên, sự thật là nhiệt độ nước quá cao sẽ gây kích ứng cho da. Vậy, nên rửa mặt bằng nước ấm hay nước lạnh? Các chuyên gia da liễu khuyên mọi người nên sử dụng nước ấm, không quá nóng để rửa mặt.

Vậy còn dùng nước lạnh để rửa mặt thì sao? Rửa mặt bằng nước lạnh có một số lợi ích cho da như giảm sự xuất hiện của lỗ chân lông, làm tăng lưu lượng máu đến khu vực tiếp xúc, giúp bảo vệ da khỏi các gốc tự do được tốt hơn cũng như giúp da sáng khỏe hơn. 

Tuy nhiên, vẫn có một số nhược điểm khi sử dụng nước lạnh để rửa mặt. Nước lạnh làm se khít lỗ chân lông nên vi khuẩn có thể bị mắc kẹt và không dễ dàng thoát ra ngoài như sử dụng nước ấm. Bên cạnh đó, lượng dầu thừa không được hòa tan trong nước lạnh sẽ khiến da mặt không được sạch như mong muốn. Điều này có thể dẫn đến bít tắc lỗ chân lông và nổi mụn. 

Chuyên gia không khuyến khích rửa mặt bằng nước nóng thay vào đó là nước ấm nhẹ hoặc lạnh Chuyên gia không khuyến khích rửa mặt bằng nước nóng thay vào đó là nước ấm nhẹ hoặc lạnh

Áp dụng nguyên tắc “trước ấm sau lạnh”

Để rửa mặt được hiệu quả nhất, giúp lỗ chân lông được làm sạch hoàn toàn khỏi bụi bẩn thì bạn hãy áp dụng nguyên tắc “trước ấm sau lạnh” khi rửa mặt. Cụ thể, bạn nên rửa mặt bằng nước ấm trước như một cách để loại bỏ chất ô nhiễm và lớp trang điểm. Sau đó kết thúc bằng việc rửa mặt với nước lạnh như một mẹo se khít lỗ chân lông, thúc đẩy lưu thông máu để có làn da sáng khỏe. 

Các bước rửa mặt đúng cách

Bạn có thể thực hiện quy trình rửa mặt đúng cách như sau: 

  • Làm ướt mặt với nước ấm: Bắt đầu rửa mặt bằng cách lấy một chút nước ấm thoa lên mặt và vỗ nhẹ để kích thích lỗ chân lông mở ra. Điều này sẽ giúp các chất hoạt hóa có trong sữa rửa mặt phát huy được tác dụng làm sạch sâu tối đa cũng như bài trừ chất bẩn và cặn bã ra ngoài dễ dàng.
  • Lấy sữa rửa mặt ra tay và tạo bọt: Lấy một lượng sữa rửa mặt vừa đủ cho ra tay, đánh bông để tạo thật nhiều bọt. 
  • Massage nhẹ nhàng: Lấy lượng bọt vừa tạo nhẹ nhàng thoa đều lên da, nên thoa xuôi theo chiều lỗ chân lông để chất bẩn theo đà bị cuốn ra ngoài dễ dàng. Massage da mặt trong khoảng 20 - 30 giây. 
  • Rửa sạch lại với nước lạnh: Kết thúc bằng việc sử dụng nước lạnh rửa mặt để lỗ chân lông se lại và giúp da thêm săn chắc. Dùng khăn mềm hoặc bông gòn để thấm bớt nước trên da, tránh lau mặt bằng khăn khô ráp vì sẽ làm da tổn thương. 
Rửa mặt bằng nước ấm thì vẫn phải tuân thủ các bước làm sạch da cơ bản như sử dụng sữa rửa mặt Rửa mặt bằng nước ấm thì vẫn phải tuân thủ các bước làm sạch da cơ bản như sử dụng sữa rửa mặt

Bí quyết lựa chọn sữa rửa mặt phù hợp cho từng loại da

Da khô

Công thức sữa rửa mặt dành cho da khô cần nhớ đó là:

  • Có thành phần bổ sung ẩm và cấp ẩm cho da như chiết xuất tinh dầu, ô liu, lô hội,... 
  • Mang tính chất dịu nhẹ, khả năng tẩy vừa đủ, không quá mạnh để tránh mất đi lớp dầu tự nhiên dưỡng da
  • Da khô sẽ phù hợp hơn với công thức sữa rửa mặt dạng kem (cream).

Da dầu nhờn

Đây là loại da khiến nhiều người bắt buộc phải sử dụng sữa rửa mặt để làm sạch lớp dầu trên khuôn mặt. Sản phẩm sữa rửa mặt phù hợp với làn da này cần lưu ý:

  • Không chọn sữa rửa mặt dạng xà bông cục cho da nhờn vì sẽ phá vỡ hệ cân bằng pH và độ dầu trên da.
  • Thành phần có chứa đất sét là một gợi ý tốt để hút bớt nhờn một cách êm dịu và loại bỏ được bụi bẩn tốt nhất cho da nhờn. 
  • Nên chọn công thức dạng bọt (foam cleanser) vì giúp loại bỏ được dầu nhờn dư thừa ở mức ổn định, vừa đủ và làm sạch da an toàn nhất. 
Đối với da dầu nhờn để làm sạch sâu nên lựa chọn các sản phẩm sữa rửa mặt và toner chuyên dụng Đối với da dầu nhờn để làm sạch sâu nên lựa chọn các sản phẩm sữa rửa mặt và toner chuyên dụng

Da hỗn hợp

Da hỗn hợp là loại da khó xử lý nhất trong các loại da bởi nó mang tính kết hợp của da khô (vùng cằm, 2 bên má) và dầu nhờn (vùng chữ T). Đối với làn da này, bạn nên lựa chọn sản phẩm đề xuất dành riêng cho da hỗn hợp. Hoặc có thể kết hợp sử dụng sữa rửa mặt dạng bọt vào ban ngày để hạn chế dầu nhờn vùng chữ T và dạng kem vào ban đêm để bổ sung ẩm cho vùng cằm, 2 bên má. 

Da nhạy cảm

Để chọn sữa rửa mặt phù hợp cho da nhạy cảm hãy lưu ý:

  • Nên chọn công thức dạng gel, ít tạo bọt để tránh gây kích ứng da.
  • Không chứa các thành phần hương liệu tạo mùi vì chúng khiến da mẫn cảm hơn. 
  • Sử dụng sản phẩm chuyên biệt dành riêng cho loại da nhạy cảm được đề xuất trên bao bì của nhà sản xuất.
  • Mang tính tẩy rửa dịu nhẹ, không quá mạnh để tránh làm da kích ứng.
  • Nên dùng thử trước, nếu công thức khiến da bị căng và khô thì thử giảm liều lượng sử dụng xuống để làn da thích ứng từ từ. 
Dạ nhạy cảm cần cẩn thận hơn trong quá trình làm sạch da Dạ nhạy cảm cần cẩn thận hơn trong quá trình làm sạch da

Trên đây là những giải đáp giúp bạn biết có nên rửa mặt bằng nước ấm hay không cũng như chia sẻ các bí quyết để quá trình rửa mặt đạt hiệu quả. Tóm lại, bạn nên kết hợp rửa mặt bằng nước ấm và nước lạnh để có thể làm sạch da tốt nhất nhé!

Cẩm Ly

Nguồn: hellobacsi.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin