Long Châu

Tái tạo da là gì? Những phương pháp tái tạo da phổ biến hiện nay

Ngày 30/11/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tái tạo da mặt là phương pháp làm đẹp giúp da luôn hồng hào, trẻ đẹp được nhiều chị em sử dụng. Vậy tái tạo da là gì? Loại tái tạo da nào được ưa chuộng hiện nay? Tham khảo bài viết dưới đây để giúp bạn tìm hiểu thêm về vấn đề này nhé.

Làm đẹp là nhu cầu tất yếu của chị em phụ nữ nên nhiều người tìm đến các phương pháp tái tạo da. Điều đáng nói là có nhiều phương pháp để tái tạo da nhưng không phải ai cũng sẽ phù hợp với phương pháp này. Do đó, trước khi tiến hành tái tạo da, bạn cần tìm hiểu kỹ phương pháp này để đưa ra lựa chọn đúng đắn.

Tái tạo da là gì? Các phương pháp tái tạo da được sử dụng phổ biến hiện nay? Tái tạo da là gì?

Tái tạo da là gì?

Tái tạo da là phương pháp lấy đi lớp tế bào hư tổn, xỉn màu bên ngoài nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của các tế bào da mới khỏe mạnh, tự nhiên, từ đó giúp bề mặt da hấp thụ dưỡng chất tốt hơn và cải thiện độ săn chắc, mịn màng cho làn da.

Quá trình tái tạo da tự nhiên mất khoảng 25 đến 28 ngày, khi các tế bào da chết được đẩy lên bề mặt da và bong ra. Song song với đó, các tế bào da mới được sản sinh để thay thế lớp tế bào da cũ. Tuy nhiên, các tế bào chết sau khi bong ra để trên da quá lâu có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi phát triển, từ đó dẫn đến mụn. Đó là lý do tại sao chúng ta cần có những phương pháp để thúc đẩy quá trình tái tạo da.

Loại da nào cần tái tạo?

Da xỉn màu, thâm nám do tác nhân từ môi trường

Việc tiếp xúc với các tác nhân bên ngoài như tia UV, khói bụi có thể khiến bít tắc lỗ chân lông trên da, da thô ráp, sần sùi. Việc tái tạo da sẽ giúp cho việc cải thiện làn da hiệu quả hơn.

Da sau mụn

Sau trị mụn, da sẽ xuất hiện vết thâm, lỗ chân lông nở to khiến da bạn không được mịn màng và xỉn màu. Do đó, bạn cần tái tạo da để thúc đẩy sản sinh tế bào da mới, tạo điều kiện tốt để sản phẩm thẩm thấu vào da tốt hơn.

Da chịu tổn thương sau khi sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng

Việc sử dụng mỹ phẩm trôi nổi, chứa nhiều chất độc hại sẽ khiến làn da bị tổn thương nặng nề, mỏng manh và suy yếu sức đề kháng. Tái tạo da sẽ giúp loại bỏ độc tố và lớp biểu bì hư tổn, mang lại làn da mịn màng và tràn đầy sức sống.

Lão hóa da

Sau 30 tuổi, làn da của bạn bắt đầu bước vào quá trình lão hóa, các nếp nhăn, nám, tàn nhang, vết chân chim xuất hiện, khiến da không đều màu, khả năng hấp thụ dưỡng chất bị hạn chế. Tái tạo da sẽ giúp làm sạch lỗ chân lông và loại bỏ tế bào chết, giúp quá trình dưỡng da hiệu quả hơn.

Tái tạo da giúp làm sạch lỗ chân lông và loại bỏ tế bào chết, giúp quá trình dưỡng da hiệu quả hơn Tái tạo da giúp dưỡng da hiệu quả hơn

Các phương pháp tái tạo da được sử dụng phổ biến hiện nay?

Mặt nạ hóa học

Mặt nạ hóa học là một phương pháp điều trị các vấn đề về da như sẹo thâm, lão hóa, tăng sắc tố da. Cơ chế khoa học của phương pháp này là sử dụng các alpha hydroxy acid bao gồm axit citric, axit glycolic, axit lactic hay axit beta hydroxy, axit salicylic để tẩy tế bào chết khỏi lớp biểu bì và kích thích quá trình tái tạo bề mặt da, để lại làn da tươi tắn và rạng rỡ hơn. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng vitamin C, retinoids, tretinoin để tái tạo da.

Khi lựa chọn phương pháp này, cần lưu ý thực hiện tại cơ sở uy tín, được cấp phép hoạt động với đội ngũ kỹ thuật viên chuyên nghiệp, tay nghề cao để đảm bảo quy trình đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, điều này còn giúp hạn chế tối đa các biến chứng nghiêm trọng trên da như nhiễm trùng, loét, sẹo, đỏ da mỏng, lộ máu hay tăng sắc tố sau viêm…

Liệu pháp bào mòn da

Siêu bào mòn da là phương pháp điều trị tái tạo bề mặt da phổ biến nhất hiện nay. Bác sĩ da liễu sẽ sử dụng một thiết bị có đầu tinh thể thạch anh hoặc mũi kim cương để tẩy da chết hoặc lấy đi các lớp sừng tế bào chết để tạo điều kiện cho sự phát triển của các tế bào da mới. Sau khi thực hiện, phương pháp này sẽ mang lại cho bạn cảm giác làn da mịn màng, tươi trẻ hơn.

Do phương pháp này tiếp cận sâu dưới da nên làn da của bạn có thể gặp một số phản ứng bất lợi sau khi điều trị như khô, bong tróc, có dấu hiệu loét và chảy dịch. Do đó, trước khi thực hiện phương pháp điều trị da này, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn chi tiết nhằm hạn chế rủi ro, biến chứng và tác dụng phụ.

Tái tạo da bằng laser

Tái tạo da bằng laser là phương pháp điều trị sẹo mụn, nếp nhăn và các vấn đề về da khác. Cơ chế khoa học của phương pháp tái tạo da bằng tia laser là sử dụng nhiều bước sóng ánh sáng laser khác nhau để bóc tách các lớp da chết, từ đó tạo điều kiện cho collagen sản sinh, tạo cảm giác săn chắc, mịn màng cho da. Phương pháp này sẽ giúp rút ngắn thời gian phục hồi so với hai phương pháp trên, an toàn với mọi loại da và có thể điều trị các nhược điểm trên da như sẹo mụn, nám, tàn nhang, đồi mồi.

Phản ứng thường gặp sau khi tái tạo da bằng laser là sưng và đỏ. Do đó, sau khi thực hiện phương pháp này bạn cần chăm sóc da theo hướng dẫn của bác sĩ, bên cạnh đó cần dùng kem chống nắng thường xuyên để hạn chế tối đa những rủi ro, biến chứng nguy hiểm cho làn da.

Tái tạo da bằng laser là phương pháp điều trị sẹo mụn, nếp nhăn và các vấn đề về da khác Laser là phương pháp điều trị sẹo mụn, nếp nhăn và các vấn đề về da khác

Tái tạo làn da bằng các nguyên liệu tự nhiên

Bạn có thể sử dụng mật ong, bột yến mạch, sữa chua, sữa tươi và các nguyên liệu tự nhiên khác để làm mặt nạ tái tạo da đồng thời bổ sung dưỡng chất cho da. Phương pháp này rất đơn giản, nguyên liệu dễ kiếm ở siêu thị hay chợ, có thể làm tại nhà, chủ động thời gian và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, bạn cần kiên trì thực hiện mới thấy được tác dụng rõ rệt, hiệu quả mà phương pháp này mang lại chỉ là tạm thời chứ không thể trị dứt điểm các vấn đề trên da một cách tận gốc.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc tái tạo da là gì và hiểu thêm các phương pháp tái tạo da phổ biến hiện nay. Để lựa chọn phương pháp tái tạo da phù hợp, an toàn, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám tình trạng da và nhận được lời khuyên phù hợp. Điều này sẽ giúp bạn có được làn da khỏe đẹp một cách nhanh nhất, đồng thời tránh được những hậu quả không mong muốn do thẩm mỹ da sai cách.

Thuý Nguyễn

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm