Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thuốc trị ghẻ phỏng thường sử dụng hiện này là những loại nào?

Ngày 22/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh ghẻ phỏng là một trong những bệnh da liễu thường gặp và có khả năng lây nhiễm cao qua tiếp xúc ngoài da. Thuốc trị ghẻ phỏng chủ yếu dùng ở dạng bôi ngoài da với cách dùng đơn giản, giúp cải thiện những triệu chứng của bệnh như viêm nhiễm và ngứa.

Có nhiều loại thuốc trị ghẻ phỏng trên thị trường, tuy nhiên việc lựa chọn loại thuốc phù hợp sẽ dựa vào tình trạng bệnh và hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời, nhận biết được triệu chứng của ghẻ phỏng kịp thời để phòng ngừa sự lây lan và rút ngắn thời gian điều trị là cần thiết cho người bệnh. Bài viết sau đây sẽ mang đến một số thông tin về thuốc trị ghẻ phỏng, mời bạn đọc cùng tham khảo.

Tìm hiểu về bệnh ghẻ phỏng

Trước khi đến với những thông tin về những thuốc trị ghẻ phỏng, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số đặc điểm của bệnh ghẻ phỏng.

Bệnh ghẻ phỏng là gì?

Bệnh ghẻ phỏng là một dạng nhiễm trùng ngoài da, tác nhân thường gặp là một loại vi khuẩn hình cầu gây ra. Một số người có thể nhầm lẫn với bệnh ghẻ do cái ghẻ - một loại ký sinh trùng gây ra hay còn gọi là ghẻ nước. Về mặt lâm sàng, triệu chứng nổi mụn nước giữa hai loại bệnh lý này tương đối giống nhau, nên có thể khiến nhiều người nhầm lẫn. Đối tượng bị ghẻ phỏng khá đa dạng, một phần là do khả năng lây lan qua tiếp xúc ngoài da. Tuy vậy, ghẻ phỏng thường gặp ở trẻ em nhiều hơn, đặc biệt là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn như môi trường ẩm ướt và có nhiệt độ nóng bức.

Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh ghẻ phỏng là những nốt mụn nhỏ li ti trên da. Những nốt mụn này thường mọc thành mảng và phồng rộp, bên trong có dịch. Có thể nhiều người sẽ nghĩ đây chỉ là những nốt mụn nước do phỏng, nhưng thực chất các chất dịch chứa nhiều vi khuẩn. Vì thế, thói quen khi ngứa dùng tay gãi khiến cho các mụn này bong tróc và vỡ ra, dẫn đến lây lan và tạo thành những nốt ghẻ phỏng ở vùng da mới, làm cho tình trạng bệnh càng trầm trọng hơn.

Thuốc trị ghẻ phỏng thường sử dụng hiện này là những loại nào? 2
Thói quen gãi ngứa ở người bị ghẻ sẽ làm nặng vết thương trên da

Nguyên nhân gây ghẻ phỏng là gì?

Bệnh ghẻ phỏng có thể xuất hiện thông qua một số phương thức lây lan như sau:

  • Khi tay dính đất hoặc các vật liệu, dụng cụ có chứa vi khuẩn, chúng có thể xâm nhập vào da và gây tổn thương thông qua vết cào, vết xước;
  • Từ mũi và họng: Chất nhầy từ mũi và họng có chứa vi khuẩn khi dây dưa ra vùng da xung quanh mũi và miệng cũng có thể gây nhiễm trùng;
  • Từ vật nuôi: Trên cơ thể của một số vật nuôi có chứa tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, ký sinh trùng cũng có thể là nguồn lây nhiễm bệnh ghẻ phỏng khi tiếp xúc.
Thuốc trị ghẻ phỏng thường sử dụng hiện này là những loại nào? 3
Ghẻ phỏng là dạng nhiễm trùng da do vi khuẩn và có thể lây lan

Thuốc trị ghẻ phỏng thường dùng là gì?

Thuốc trị ghẻ phỏng thường dùng ở đường bôi ngoài da, việc sử dụng thuốc là cần thiết để ngăn ngừa tình trạng lây lan của bệnh, hạn chế các biến chứng nặng hơn ở trên da có thể xảy ra. Ngoài ra, một số trường hợp bị ghẻ phỏng nặng có thể cân nhắc sử dụng sang thuốc uống dưới chỉ định của bác sĩ. Sau đây là những thuốc trị ghẻ phỏng thường sử dụng:

Thuốc mỡ DEP

Thành phần chính của thuốc mỡ DEP là diethyl phthalate ở hàm lượng 9,5 g. Thuốc DEP thường được dùng trong điều trị bệnh da liễu như bệnh ghẻ hoặc giảm các triệu chứng tổn thương tại vùng da bị côn trùng đốt. Thuốc có dạng dịch lỏng, không màu và không mùi, liều dùng và cách dùng là thoa một lượng vừa đủ trên vùng da tổn thương từ 2 đến 3 lần mỗi ngày. Lưu ý không tự ý dùng diethyl phthalate cho trẻ em khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Thuốc trị ghẻ phỏng thường sử dụng hiện này là những loại nào? 4
Thuốc mỡ DEP

Kem Crotamiton 10%

Kem Crotamiton 10% chứa thành phần chính là hoạt chất crotaminton ở hàm lượng 100 mg/g. Hoạt chất crotamiton thuộc hai nhóm thuốc: thuốc trị ghẻ và thuốc chống ngứa. Cụ thể, crotamiton thường được dùng với mục đích là điều trị ngoài da ở người bị bệnh cái ghẻ hoặc ngứa do chấy rận. Bên cạnh đó, thuốc này cũng có tác dụng hỗ trợ kìm khuẩn, chống lại một số vi khuẩn như tụ cầu và liên cầu. 

Thuốc cũng giúp giảm tình trạng viêm, ngứa ngáy và cải thiện các triệu chứng khó chịu trên da của bệnh ghẻ phỏng. Liều dùng thuốc là thoa từ 1 đến 2 lần mỗi ngày, thường được khuyến cáo bôi vào buổi tối để mang lại hiệu quả tối ưu.

Benzyl benzoate

Benzyl benzoate là hoạt chất thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng da do các tác nhân như chấy rận và ghẻ. Thuốc này được ghi nhận với khả năng tiêu diệt một số tác nhân gây nhiễm trùng da bằng cách tác động lên hệ thần kinh của chúng. Thuốc có tác dụng hỗ trợ giảm viêm, giảm ngứa, làm lành tổn thương, cải thiện vùng da đỏ và mụn nước do bệnh ghẻ phỏng gây ra. 

Đối với dạng bào chế nhũ dịch nồng độ 25%, khi sử dụng thường sẽ pha loãng 60 ml hoặc 90 ml thuốc với nước sạch thành thể tích 120 ml hoặc 180 ml để giảm kích ứng da. Liều dùng khuyến cáo trong điều trị ghẻ là bôi khoảng 30 ml một lần cho người lớn và 20 ml một lần cho trẻ em.

Những lưu ý khi dùng thuốc trị ghẻ phỏng

Sử dụng thuốc trị ghẻ phỏng theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên tự ý thay đổi liều dùng hoặc ngừng sử dụng thuốc. Ở hai đối tượng đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc trị ghẻ phỏng.

Tránh bôi thuốc vào những khu vực nhạy cảm như mắt, miệng và bộ phận sinh dục vì có thể gây ra những tác dụng không mong muốn.

Trước khi bôi thuốc, hãy lưu ý vệ sinh da sạch sẽ, tránh để vùng da đã bôi thuốc chạm vào đồ vật xung quanh để đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh.

Thuốc trị ghẻ phỏng thường sử dụng hiện này là những loại nào? 5
Giữ vùng da bị bệnh sạch sẽ trước và sau khi bôi thuốc

Phòng ngừa ghẻ phỏng như thế nào?

Nên làm gì để phòng ngừa ghẻ phỏng?

Để phòng ngừa bệnh ghẻ phỏng xuất hiện hoặc tái phát bạn nên lưu ý các điều sau:

  • Giữ vệ sinh cơ thể đúng cách và giữ môi trường sống xung quanh sạch sẽ bằng cách quét dọn, hút bụi thường xuyên và giặt phơi các vật dụng cá nhân (đồ chơi, khăn, chăn, gối, bọc nệm...). Đặc biệt đối với trẻ em, sau khi tiếp xúc với bùn cát hoặc chơi đồ chơi, cha mẹ bé cần lưu ý vệ sinh cho trẻ để giảm nguy cơ nhiễm trùng da.
  • Hạn chế tiếp xúc với những người có dấu hiệu nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ghẻ phỏng.
  • Ngoài việc giữ vệ sinh, bạn cũng nên quan tâm đến nâng cao sức khỏe để tăng cường miễn dịch cho cơ thể bằng cách bổ sung vào chế độ ăn các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và các loại chất béo tốt như omega 3.

Có những lưu ý gì đối với người đang điều bị ghẻ phỏng?

Bên cạnh việc sử dụng thuốc bôi theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh ghẻ phỏng cũng cần quan tâm đến chế độ chăm sóc điều trị ghẻ tại nhà, tránh lây lan và tái nhiễm bệnh như sau:

  • Tắm bằng nước ấm kết hợp với rửa sạch vùng da bị tổn thương bằng nước muối sinh lý cũng có thể hỗ trợ giảm cảm giác ngứa trên da, giảm sưng tấy và tăng khả năng phục hồi cho bề mặt da.
  • Cắt ngắn móng tay, móng chân, không cào, gãi hoặc cọ xát vùng da có mụn nước để tránh làm mụn vỡ ra và giảm sự lây lan của vùng da tổn thương.

Trên đây là thông tin liên quan đến những loại thuốc trị ghẻ phỏng, hy vọng có thể mang đến cho bạn đọc kiến thức bổ ích về việc điều trị cũng như phòng ngừa bệnh lý da liễu này.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm