Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bong gân bàn chân

Ngày 15/03/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bong gân bàn chân là một trong những chấn thương có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bong gân thường xảy ra khi lao động nặng, tai nạn, vận động sai cách, chơi thể thao. Bong gân bàn chân không gây nguy hiểm tính mạng nhưng có thể để lại nhiều di chứng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Trong cuộc sống, chúng ta có nguy cơ bị bong gân bất cứ lúc nào ngay cả khi không chơi thể thao hay hoạt động mạnh. Trong đó, thường gặp nhất là bong gân bàn chân, bong gân mắt cá chân, cổ chân. Bởi bàn chân là vị trí thấp nhất của cơ thể có vai trò nâng đỡ cơ thể, hỗ trợ trong các hoạt động đi bộ, đứng, chạy, nhảy... Bàn chân có cấu tạo phức tạp và chịu áp lực của toàn bộ cơ thể nên rất dễ bị tổn thương nếu không được bảo vệ đúng cách.

Bong gân bàn chân là như thế nào?

Bong gân chân xảy ra khi các dây chằng ở bàn chân bị giãn ra, thậm chí đứt, rách một phần hoặc toàn bộ dưới tác động của lực mạnh từ bên ngoài. Trong khi đó, chân không bị trật khớp và không bị gãy. Bong gân ở bàn chân có thể gặp ở mọi lứa tuổi, với mức độ tổn thương từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào mức độ tổn thương của dây chằng.

Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bong gân bàn chân

Bong gân bàn chân hay gặp ở người chơi thể thao, lao động mạnh

Nguyên nhân và dấu hiệu bong gân

Bong gân bàn chân do chấn thương có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:

  • Chấn thương do chơi thể thao là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây bong gân chân.
  • Thường xuyên bê vác vật nặng, bê vác quá sức, sai tư thế.
  • Tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt.
  • Chấn thương do nhảy từ trên cao xuống.
  • Chấn thương do trượt ngã, leo núi.
  • Do tính chất công việc liên quan đến chân, thao tác lặp lại thường xuyên.

Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bong gân bàn chân 1

Đau, sưng, bầm tím là những triệu chứng bong gân bàn chân điển hình

Tùy vào mức độ bong gân, người bệnh sẽ xuất hiện những dấu hiệu nặng nhẹ khác nhau. Nhưng đau đớn chính là dấu hiệu đầu tiên và rõ ràng nhất. Ngoài ra, người bị bong gân có thể gặp phải các triệu chứng khác như:

  • Đau chân: Cơn đau sẽ dữ dội hoặc âm ỉ sau khi chấn thương, và đau tăng lên khi đứng thẳng, dồn lực vào bàn chân.
  • Sưng, phù nề: Đây là dấu hiệu thường gặp nhưng có thể không sưng to ngay tại thời điểm gặp chấn thương mà cần thời gian để biểu hiện rõ ràng, Vì vậy, bong gân chân có thể nặng hơn nếu người bệnh chủ quan vẫn tiếp tục hoạt động mạnh.
  • Bầm tím: Dấu hiệu này xuất hiện khá muộn sau khi các thành phần bên trong bị tổn thương, chảy máu trong không thoát ra được gây bên tình trạng bầm tím.
  • Giảm khả năng vận động: Các triệu chứng đau, sưng tăng dần khiến bạn không thể vận động khớp một cách thoải mái như trước.

Cách chẩn đoán bong gân

Ngoài các triệu chứng có thể nhìn thấy bằng mắt, bong gân ở bàn chân có thể được chẩn đoán bằng một số kỹ thuật thăm khám như Lachman test, test vẹo trong, test ngăn kéo trước, vẹo ngoài khớp… Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp thêm X-quang, CT, MRI bàn chân để có hình ảnh chi tiết tổn thương dù là nhỏ nhất hoặc loại trừ khả năng gãy xương.

Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bong gân bàn chân 2

Chụp x-quang chân giúp xác định chính xác mức độ tổn thương

Các cấp độ bong gân bàn chân

Bong gân ở bàn chân được chia làm 3 cấp độ gồm:

  • Cấp độ 1: Dây chằng chưa bị rách mà chỉ bị giãn nhẹ quá phạm vi bình thường. Mức độ này nhẹ nên thời gian hồi phục cũng nhanh. Triệu chứng điển hình là đau, vận động khó khăn, có thể sưng nhẹ.
  • Cấp độ 2: Ở cấp độ này dây chằng không chỉ bị giãn mà còn bị rách một phần nhỏ. Chân có thể bị sưng to, bầm tím rõ rệt, đau và khó vận động.
  • Cấp độ 3: Tình trạng bong gân nặng nhất khi dây chằng bị rách nhiều, thậm chí đứt hoàn toàn. Bàn chân sưng và bầm tím diện rộng, cử động khó khăn, đau dữ dội. Lúc này người bệnh cần can thiệp y tế hoặc phẫu thuật nếu cần.

Phương pháp sơ cứu và điều trị bong gân bàn chân

Khi bị bong gân ở chân, tùy vào mức độ bong gân và triệu chứng để có cách xử trí phù hợp nhất. Với bong gân nhẹ ở cấp độ 1, bạn hãy ngay lập tức sơ cứu sau chấn thương theo hướng dẫn sau đây:

  • Cố định và bảo vệ khớp bằng băng vải, băng ép. Cách này cũng có tác dụng giảm đau, giảm sưng và nâng đỡ vùng khớp bị tổn thương.
  • Dùng túi đá lạnh chườm lên vị trí chấn thương nhằm xoa dịu cơn đau, co mạch và giảm sưng. Mỗi lần chườm khoảng 15-20 phút, mỗi ngày vài lần trong 3 ngày đầu tiên. Và thường xuyên thay đổi vị trí túi đá để không tổn thương phần mềm. Đặc biệt, tuyệt đối không chườm trực tiếp viên đá lên vùng da tổn thương.
  • Hạn chế vận động giúp khớp và gân cơ được nghỉ ngơi để có thời gian hồi phục.
  • Nên gác chân lên gối khi nằm, ngồi để giảm sưng, phù nề.

Với các cấp độ bong gân bàn chân nặng hơn, bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị bằng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm tùy theo mức độ đau. Một số thuốc thường sử dụng khi bong gân gồm giảm đau paracetamol đường uống, các thuốc NSAID dạng uống hoặc bôi tại chỗ, thuốc hỗ trợ chấn thương mau hồi phục như vitamin C, Glucosamine, kẽm…

Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bong gân bàn chân 4

Chườm đá lạnh là phương pháp sơ cứu hiệu quả khi bị bong gân chân

Bên cạnh đó, các phương pháp vật lý trị liệu cũng có thể giúp cải thiện tình trạng bong gân hiệu quả như châm cứu, massage, nắn chỉnh, giác hơi. Tuy nhiên, khi áp dụng những phương pháp này bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín.

Nếu các triệu chứng bong gân bàn chân kéo dài và ngày càng nghiêm trọng hơn như tê bì, mất cảm giác vùng khớp, đau hoặc không vận động được sau 2 tuần, không thể đứng… thì người bệnh có thể được yêu cầu làm phẫu thuật. Trường hợp này có thể mất 3 đến 6 tháng để hồi phục hoàn toàn.

Trên đây là những thông tin chi tiết về nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị bong gân bàn chân. Thông qua bài viết này sẽ giúp bạn “bỏ túi” kiến thức sơ cứu khi bị bong gân và chăm sóc bàn chân sau chấn thương. Nếu xuất hiện những dấu hiệu bất thường, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Ly Ly

Nguồn Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Trần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin

Các bài viết liên quan