Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tìm hiểu về tình trạng chốc mép ở trẻ em

Ngày 14/01/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chốc mép ở trẻ em là căn bệnh khá phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ thông tin về căn bệnh này. Vậy chốc mép là gì? Nguyên nhân và cách điều trị chốc mép ở trẻ như thế nào?

Trong số các bệnh da liễu thường gặp ở trẻ nhỏ thì chốc mép là một căn bệnh khá phổ biến. Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng chốc mép ở trẻ em có thể khiến trẻ cảm thấy đau đớn, ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt của trẻ.

Tổng quan về bệnh chốc mép ở trẻ em

Chốc mép là gì?

Chốc mép hay lở mép là tình trạng nổi mụn nước ở môi hoặc ở mép gây đau rát hoặc ngứa ngáy khi đóng vảy. Tình trạng này có thể xuất hiện ở một hoặc ở cả hai bên mép. Chốc mép có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào nhưng trẻ em là đối tượng có nguy cơ bị chốc mép cao do hệ miễn dịch còn yếu. Đáng chú ý, bệnh này được xếp vào nhóm các bệnh có khả năng lây nhiễm nên các gia đình có người bị chốc mép cần hết sức lưu ý.

Tìm hiểu về tình trạng chốc mép ở trẻ em 1
Chốc mép (lở mép) khiến trẻ đau đớn, ảnh hưởng sinh hoạt

Chốc mép không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ mà còn gây mất thẩm mỹ. Bệnh có thể tự hết sau một thời gian ngắn hoặc cũng có thể trở thành mãn tính nếu không được điều trị đúng cách.

Triệu chứng của bệnh chốc mép ở trẻ em

Người bị chốc mép thường xuất hiện các triệu chứng như:

  • Vùng da mép bị tấy đỏ, xuất hiện các vết nứt;
  • Xuất hiện mụn nước nhỏ li ti đơn lẻ hoặc thành từng mảng quanh mép;
  • Có cảm giác nóng rát ở khóe miệng;
  • Cảm giác đau khi há miệng, nói chuyện, cười to hoặc khi ăn những đồ ăn nóng, đồ ăn có vị cay, mặn;
  • Xuất hiện lớp vảy màu vàng quanh mép;
  • Một số triệu chứng ít gặp hơn như sụt cân, môi khô, thay đổi vị giác,...

Nguyên nhân gây ra chốc mép

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng chốc mép ở trẻ như virus, vi khuẩn, nấm. Trong đó, phổ biến nhất là chốc mép do virus Herpes gây ra. Loại virus này thường tồn tại dưới 2 dạng gồm Herpes HSV-1 và HSV-2. Trong đó, chốc mép thường do virus HSV-1 gây ra với đặc điểm dễ lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp với mụn nước hoặc tiếp xúc gián tiếp với các đồ vật nhiễm virus. Ngoài ra, nấm Candida albicans, tụ cầu khuẩn và tình trạng thiếu hụt vitamin B cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị chốc mép.

Tìm hiểu về tình trạng chốc mép ở trẻ em 2
Virus Herpes là nguyên nhân chủ yếu gây ra chốc mép

Bên cạnh đó, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị chốc mép ở trẻ như thời tiết nóng ẩm, có sẵn tổn thương trên da, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Phương pháp chẩn đoán

Thông thường bác sĩ da liễu sẽ căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán chốc mép mà không cần thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng khác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp tổn thương kém đáp ứng với điều trị bằng kháng sinh thông thường, trẻ có thể được chỉ định lấy mẫu bệnh phẩm từ dịch vỡ ra tại mụn nước chốc mép để làm kháng sinh đồ. Việc làm này sẽ giúp bác sĩ xác định loại kháng sinh phù hợp nhất với trẻ.

Chốc mép ở trẻ có nguy hiểm không?

Bệnh chốc mép ở trẻ thường không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống là rất lớn. Những vết nứt, mụn nước vỡ ra gây đau đớn khiến trẻ quấy khóc, ăn kém thậm chí mất ngủ. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số trường hợp chăm sóc không đúng cách và có bệnh lý nền, trẻ có thể gặp biến chứng bội nhiễm.

Ngoài ra, chốc mép có thể lây từ người sang người nếu tiếp xúc với nguồn bệnh. Do đó, trẻ bị chốc mép có thể là mầm bệnh lây lan sang những trẻ khác hoặc người thân trong gia đình.

Biện pháp khắc phục và cách phòng ngừa hiệu quả chốc mép ở trẻ em

Khắc phục triệu chứng chốc mép ở trẻ em

Với các trường hợp nhẹ, chốc mép ở trẻ có thể tự khỏi sau 1 đến 2 tuần. Còn với trường hợp nặng hơn khi chốc mép lan rộng, phác đồ điều trị thường là dùng thuốc kết hợp với các biện pháp chăm sóc tại nhà để tránh lây lan và bội nhiễm. Các loại thuốc dùng để điều trị bệnh chốc mép thường là thuốc mỡ hoặc thuốc bôi tại chỗ với mục tiêu giảm triệu chứng và ngăn ngừa sự phát triển của virus. Để đạt hiệu quả điều trị tối ưu, ba mẹ cần đảm bảo tuân thủ phác đồ của bác sĩ về liều dùng, thời gian dùng thuốc và không tự ý dừng thuốc ngay cả khi bệnh đã được cải thiện.

Ngoài phác đồ dùng thuốc bôi tại chỗ, ba mẹ có thể tham khảo một số phương pháp hỗ trợ chữa chốc mép từ nguyên liệu tự nhiên lành tính dưới đây:

  • Dầu dừa, dầu oliu: Nổi bật với khả năng cấp ẩm, sát khuẩn, làm lành vết thương, dầu dừa và dầu oliu cũng có thể được dùng như một loại kem bôi da hỗ trợ giảm triệu chứng chốc mép ở trẻ em hiệu quả.
  • Dưa chuột, nha đam: Đây là 2 loại nguyên liệu tự nhiên có tác dụng làm mát, cấp ẩm cho da rất tốt. Ngoài ra, dưa leo và nha đam còn có khả năng kháng khuẩn, chống viêm nên ba mẹ có thể sử dụng để đắp lên vùng da bị chốc mép.
Tìm hiểu về tình trạng chốc mép ở trẻ em 3
Dầu dừa kháng khuẩn và rất lành tính với trẻ em

Các biện pháp phòng ngừa chốc mép

Bệnh chốc mép dễ chữa nhưng cũng rất dễ lây lan và tái phát. Chính vì vậy, việc chủ động phòng ngừa ở mọi thời điểm là vô cùng quan trọng. Chỉ cần áp dụng các biện pháp dưới đây, ba mẹ có thể giảm nguy cơ chốc mép đáng kể:

  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng giúp trẻ tăng sức đề kháng;
  • Luôn vệ sinh vùng da quanh mép sau khi ăn để đảm bảo luôn sạch sẽ, khô thoáng;
  • Thường xuyên cho trẻ rửa tay, hạn chế đưa tay lên miệng;
  • Cắt và vệ sinh móng tay sạch sẽ;
  • Không cho trẻ ngậm những đồ chơi cứng, sắc nhọn;
  • Thường xuyên bôi kem dưỡng ẩm để tránh vùng da này bị khô;
  • Khi bị chốc mép cần vệ sinh sạch vùng da tổn thương;
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân của trẻ và người trong gia đình.

Trên đây là những thông tin tổng quan về bệnh chốc mép ở trẻ. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ba mẹ có thêm nhiều kiến thức bổ ích để phòng ngừa và xử trí đúng cách khi trẻ mắc phải căn bệnh này.

Xem thêm: Tổng hợp: Thuốc bôi chốc mép phổ biến hiện nay

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm