Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu thông tin tổng quan về virus EBV

Ngày 30/05/2024
Kích thước chữ

Nhiều bạn đọc thắc mắc không biết Virus EBV là gì? Thì đây là loại virus thuộc nhóm virus Herpes, trực tiếp gây ra khoảng 200.000 trường hợp ung thư mỗi năm. Cùng tìm hiểu về loại virus nguy hiểm này qua bài viết dưới đây.

Virus EBV hay còn gọi là Epstein-Barr virus là một trong các loại virus phổ biến gây bệnh cho người. Virus EBV lây truyền qua dịch tiết của cơ thể người bệnh, đặc biệt là nước bọt. Đây là loại virus có liên quan trực tiếp đến bệnh tăng bạch cầu đơn nhân, một số bệnh ung thư và bệnh tự miễn.

Virus EBV là gì?

Epstein-Barr Virus (EBV) có tên gọi khác là herpesvirus 4 (HHV-4), thuộc nhóm 8 loại virus Herpes gây bệnh ở người phổ biến nhất. Việc tìm thấy được EBV trong máu người bệnh được xem là nguyên nhân gây ra bệnh bạch cầu đơn nhân.

Những người bị nhiễm virus EBV còn có nguy cơ rất cao mắc phải các bệnh tự miễn, cụ thể là hội chứng Sjogren, viêm khớp dạng thấp, bệnh đa xơ cứng, lupus ban đỏ và dermatomyositis.

Ngoài ra, virus EBV còn là nguyên nhân gây ra một số bệnh ung thư nguy hiểm như u lympho Hodgkin, ung thư biểu mô vòm họng, u lympho thần kinh, u lympho Burkitt, ung thư dạ dày. Thêm nữa, ở người những bệnh nhân HIV/AIDS bị suy giảm miễn dịch, cũng ghi nhận một phần nguyên nhân do virus này.

Virus EBV 01
Virus EBV là gì?

Chỉ định xét nghiệm tìm kiếm virus EBV

Người bệnh khi đến thăm khám tại các cơ sở y tế, sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện xét nghiệm tìm virus EBV, trong những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân có các triệu chứng bệnh như: Sốt, phát ban, đau mỏi cơ, amidan viêm sưng phủ mạc trắng, sưng hạch bạch huyết,...
  • Bác sĩ muốn chẩn đoán xem bệnh nhân có đang nhiễm virus hay không.
  • Phụ nữ có thai xuất hiện các triệu chứng giống như cúm. Khi đó bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm xem có phải do EBV gây ra hay không.
  • Bệnh nhân khai báo có tiếp xúc với nước bọt hoặc dịch sinh dục của người nhiễm virus EBV.
  • Nghi ngờ bệnh nhân tái nhiễm với virus EBV.

Bệnh do virus EBV gây ra

Bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn

Virus EBV có liên quan mật thiết đến lý do gây ra bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn. Khi trẻ em bị nhiễm phải virus EBV, thường sẽ không xuất hiện các triệu chứng. Đối với người lớn, các triệu chứng gây bệnh của EBV thường khởi phát sau 4 đến 6 tuần sau khi phơi nhiễm, diễn tiến chậm và không xuất hiện cùng lúc, bao gồm:

  • Toàn thân cảm thấy mệt mỏi;
  • Sốt cao;
  • Đau họng;
  • Đau đầu và đau nhức toàn thân;
  • Xuất hiện các khu vực sưng hạch bạch huyết ở cổ và nách;
  • Gan to và/hoặc lá lách to;
  • Phát ban.

Ngoài ra, khi bị nhiễm EBV thì lách to và gan to cũng có thể xuất hiện với tỷ lệ thấp. Một số bệnh nhân vẫn ghi nhận tình trạng gan và/hoặc lách to ngay cả khi không còn mệt mỏi.

Nếu được phát hiện và điều trị sớm, đa phần bệnh nhân tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn sẽ hồi phục sau từ 2 đến 4 tuần. Tuy nhiên, một số người vẫn còn cảm giác mệt mỏi và kiệt sức một vài tuần sau đó, đôi khi kéo dài đến 6 tháng.

Virus EBV 02
Virus EBV là nguyên nhân gây ra bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn

Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh bạch cầu đơn nhân có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm. Nếu có các triệu chứng sau, bệnh nhân cần nhanh chóng nhập viện để được chăm sóc y tế bao gồm:

  • Đột ngột xuất hiện cơn đau nhói phía trái bụng.
  • Tiểu ít, khô da - xuất hiện dấu hiệu mất nước.
  • Khó thở hoặc khó nuốt.

Bệnh ung thư

Đối với những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, virus EBV có thể liên quan đến nguy cơ khởi phát một số dạng ung thư như: ung thư biểu mô vòng họng, ung thư dạ dày, u lympho Burkitt, u lympho Hodgkin, u lympho thần kinh trung ương và các bệnh lý liên quan đến HIV/AIDS.

Bệnh tự miễn

Ngoài ra, nhiễm EBV bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng tai, tiêu chảy ở trẻ em, hội chứng Guillain-Barre và một số bệnh tự miễn như:

Virus EBV 03
Virus EBV có thể là nguyên nhân gây ra bệnh Lupus ban đỏ hệ thống

Xét nghiệm chẩn đoán virus EBV

Vậy là bạn đã biết được virus EBV là gì và nó có liên quan đến những bệnh lý nào qua phần trên của bài viết. Việc chẩn đoán nhiễm EBV gặp một số khó khăn nhất định, do dễ nhầm lẫn triệu chứng bệnh với một số bệnh khác.

Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân nhiễm EBV, xét nghiệm máu tìm kháng thể có thể được chỉ định. Bên cạnh đó, xét nghiệm EBV còn giúp chẩn đoán bệnh nhân đã bị nhiễm virus này trước đó hay chưa.

Các loại kháng thể của virus EBV mà xét nghiệm máu có thể tìm thấy bao gồm:

Kháng thể kháng kháng nguyên capsid của EBV (Anti-VCA)

Anti-VCA IgM xuất hiện ở giai đoạn sớm, khi bệnh nhân vừa bị nhiễm EBV và sẽ tồn tại trong khoảng từ 4 đến 6 tuần.

Một kháng thể khác là Anti-VCA IgG xuất hiện trong giai đoạn cấp khi nhiễm EBV, sẽ đạt đỉnh trong cơ thể sau 2 đến 4 tuần khi bệnh lý khởi phát. Kháng thể này sẽ giảm sau đó và tồn tại mãi trong máu của người từng nhiễm virus EBV.

Kháng thể kháng kháng nguyên giai đoạn sớm (Anti-EA)

Anti-EA IgG xuất hiện trong giai đoạn cấp của bệnh, thường giảm xuống mức thấp và khó phát hiện ra sau 3 đến 6 tháng. Việc phát hiện ra Anti-EA IgG là dấu hiệu cho thấy đang có nhiễm trùng trong cơ thể người bệnh.

Kháng thể kháng kháng nguyên EBV (Anti-EBNA)

Anti-EBNA được tìm kiếm thông qua xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang, nhưng không thể tìm thấy trong giai đoạn cấp. Sau khoảng 2 đến 4 tháng kể từ khi khởi phát triệu chứng bệnh, Anti-EBNA có thể xuất hiện và tồn tại mãi mãi.

Điều trị bệnh nhiễm do virus EBV

Mục tiêu khi điều trị virus Epstein-Barr là làm giảm các triệu chứng liên quan đến nhiễm trùng. Người bệnh cần ghi nhớ lời dặn của bác sĩ, thực hiện các điều sau:

  • Uống nhiều nước.
  • Nghỉ ngơi hợp lý.
  • Có thể sử dụng thuốc hạ sốt hoặc giảm đau khi cần thiết. Tuy vậy cần chú ý liều lượng và cách dùng.

Nghỉ ngơi đầy đủ là điều quan trọng giúp giảm triệu chứng và tạo điều kiện cho cơ thể sớm hồi phục. Bệnh nhân cần tránh hoạt động mạnh hoặc lao động quá sức, vì có thể dẫn đến vỡ lách, do virus EBV làm lá lách của bạn to ra.

Virus EBV 04
Người bệnh cần nghỉ ngơi đầy đủ tránh lao động nặng nhọc khi nhiễm virus EBV

Phòng ngừa lây nhiễm Epstein-Barr Virus (EBV)

Hiện vẫn chưa có vaccine phòng ngừa nhiễm virus EBV. Bạn đọc có thể ghi nhớ một số lời khuyên dưới đây để phòng bệnh, bao gồm:

  • Không dùng chung thực phẩm hoặc nước uống với người nhiễm virus.
  • Không hôn người mắc virus.
  • Không dùng chung bàn chải đánh răng hoặc vật dụng cá nhân..
  • Sử dụng biện pháp bảo vệ thích hợp, khi quan hệ với người mắc virus EBV.

Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc các thông tin giải đáp thắc mắc virus EBV là gì và các bệnh lý do virus này gây ra. Triệu chứng khi nhiễm phải EBV có thể không rõ ràng và thường bị nhầm với các bệnh lý khác. Chính vì vậy, bạn đọc cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán bệnh khi thấy có thể có dấu hiệu bất thường.

Xem thêm: Các loại virus cúm phổ biến và hệ luỵ của chúng

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin