Long Châu

Tràn dịch ổ bụng – Cổ trướng: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 23/05/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hiện tượng cổ trướng là một tình trạng mà bụng bệnh nhân phình to ra do chứa quá nhiều dịch trong ổ bụng – còn được gọi là hiện tượng tràn dịch ổ bụng. Cổ trướng do rất nhiều nguyên nhân gây nên nhưng chủ yếu là do các bệnh lý về gan, ung thư phổ biến là ung thư gan, ung thư vú…

Thuật ngữ “cổ trướng” được dùng để chỉ tình trạng tích tụ dịch bệnh lý hay nước trong khoang phúc mạc – vị trí giữa lá thành và lá tạng của ổ bụng. Dịch cổ trướng thường phổ biến là huyết thanh, dạng chất lỏng màu vàng hoặc trong suốt tích tụ trong ổ bụng.

Cổ trướng còn là biến chứng thường gặp nhất của bệnh gan và do một số nguyên nhân khác như: Viêm gan, ung thư gan, lao ổ bụng, các bệnh về nhiễm trùng…

Tràn dịch ổ bụng – Cổ trứng

Tràn dịch ổ bụng hay cổ trướng là sự xuất hiện của dịch bất thường trong các khoang quanh các tạng ổ bụng. Khi tình trạng tràn dịch ổ bụng gây ra bởi ung thư, bác sĩ gọi đó là tràn dịch ổ bụng ác tính. Tràn dịch ổ bụng ác tính phổ biến nhất ở những người có các bệnh ung thư sau đây:

  • Ung thư vú.
  • Ung thư đường tiêu hóa, như ung thư dạ dày, đại tràng và ruột non.
  • Ung thư buồng trứng.
  • Ung thư tụy.
  • Ung thư cổ tử cung và ung thư tử cung…
Tràn dịch ổ bụng – Cổ trướng1 Tràn dịch ổ bụng – Cổ trướng

Triệu chứng tràn dịch ổ bụng

Tràn dịch ổ bụng có thể gây khó chịu vì những hậu quả do tràn dịch ổ bụng gây ra. Những người bị tràn dịch ổ bụng có thể gặp các triệu chứng sau:

  • Tăng cân.
  • Khó thở.
  • Phù nề vùng bụng.
  • Sưng luôn cả vùng chân.
  • Phù phổi, tràn dịch mang phổi.
  • Cảm giác đầy bụng, đầy hơi.
  • Cảm giác nặng nề.
  • Khó tiêu.
  • Buồn nôn hoặc nôn, nôn ra máu.
  • Rốn lồi.
  • Bệnh trĩ, gây đau sưng quanh hậu môn.
  • Sưng mắt cá chân.
  • Mệt mỏi.
  • Giảm khẩu vị.
  • Khó thở, thở khò khè.
  • Rối loạn thần kinh.

Chẩn đoán tràn dịch ổ bụng

Để chẩn đoán tràn dịch ổ bụng, bác sĩ sẽ cần khám bụng và hỏi bệnh nhân về một số triệu chứng xảy ra gần đây. Các xét nghiệm sau đây có thể giúp chẩn đoán tràn dịch ổ bụng:

  • Chụp X quang, giúp khảo sát hình ảnh bên trong cơ thể bằng tia X.
  • Siêu âm, sử dụng sóng âm để khảo sát hình ảnh bên trong cơ thể.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT), tạo hình ảnh ba chiều bằng tia X.
  • Chọc dịch, sử dụng kim chọc dịch giải áp và lấy mẫu dịch xét nghiệm. Qua xét nghiệm mẫu dịch, các bác sĩ sẽ tìm ra được nguyên nhân gây nên tình trạng tràn dịch ổ bụng.

Chẩn đoán tràn dịch ổ bụng phân biệt với các tình trạng như:

  • Bụng to do béo xệ: Rốn bị lõm, da bụng dày, khi chẩn đoán gõ không có hiện tượng: Trong ở trên, đục ở dưới thấp.
  • Da bụng bị phù nề: Khi da bụng bị phù nề có thể được xác định bằng cách ấn ngón tay vào da sẽ thấy có vết lõm xuống.
  • Bụng to ra do chướng hơi: Khi chẩn đoán gõ vào thành bụng, lúc này không thấy có dấu hiệu sóng vỗ.
  • Bụng to do u nang buồng trứng: Khi sờ vào bụng có thể thấy rõ khối u. Bụng to và nhô cao lên trên chứ không bè ra hai bên.
Tràn dịch ổ bụng – Cổ trướng2 Để chẩn đoán tràn dịch ổ bụng, bác sĩ sẽ cần khám bụng và hỏi bệnh nhân về một số triệu chứng

Xử trí và điều trị tràn dịch ổ bụng

Giảm các triệu chứng là một phần quan trọng trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân ung thư. Việc này được gọi là điều trị hỗ trợ hoặc chăm sóc giảm nhẹ. Bệnh nhân nên trao đổi với nhân viên y tế về bất kỳ triệu chứng nào mới xuất hiện hoặc sự thay đổi các triệu chứng có sẵn.

Mục tiêu điều trị tràn dịch ổ bụng là làm giảm các triệu chứng gây sự khó chịu. Bệnh nhân có thể không cần điều trị nếu vấn đề tràn dịch ổ bụng không gây khó chịu. Quá trình điều trị tràn dịch ổ bụng có thể có những phản ứng phụ không mong muốn xảy ra. Bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích của mỗi phương pháp trước khi quyết định lên kế hoạch điều trị.

Sau đây là các lựa chọn để giúp giảm tràn dịch ổ bụng:

  • Giảm lượng muối từ thức ăn, uống ít nước và các chất dịch khác. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân vẫn khó theo chế độ tiết thực này.
  • Sử dụng thuốc lợi tiểu: Những loại thuốc này giúp làm giảm lượng nước trong cơ thể. Thuốc lợi tiểu hiệu quả để giảm tràn dịch ổ bụng và không gây các tác dụng phụ cho hầu hết các bệnh nhân. Tuy nhiên chúng có thể gây nên một số tác dụng không mong muốn sau ở một vài bệnh nhân như: Mất ngủ, những vấn đề về da, mệt mỏi, huyết áp thấp và đi tiểu nhiều lần hơn…
  • Chọc dịch bụng: Thủ thuật này sẽ mang lại lợi ích khi tràn dịch ổ bụng gây ra các vấn đề về hô hấp hoặc gây cảm giác đầy bụng mà thuốc lợi tiểu không còn tác dụng nhiều nữa. Nếu bệnh nhân cần chọc dịch thường xuyên, bác sĩ có thể đề nghị đặt một loại ống đặc biệt trên thành bụng. Ống dẫn lưu này sẽ giúp dẫn lưu dịch ra ngoài thuận tiện hơn.
  • Hoá trị liệu: Phương pháp này có thể áp dụng với một số loại ung thư nhất định, như lymphoma, ung thư vú và ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, hóa trị hiếm khi được sử dụng để điều trị tràn dịch ổ bụng.
  • Tạo cầu nối (Shunt): Một số rất ít bệnh nhân có thể cần một thiết bị được gọi là “cầu nối” để dẫn lưu, rút bỏ dịch từ nơi này sang nơi khác trong cơ thể (như từ ổ bụng về tĩnh mạch chủ). Tuy nhiên, thủ thuật này chưa hoặc ít khi được thực hiện ở Việt Nam.
Tràn dịch ổ bụng – Cổ trướng3 Mục tiêu điều trị tràn dịch ổ bụng là làm giảm các triệu chứng gây sự khó chịu

Tràn dịch ổ bụng và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ở mỗi bệnh nhân rất khác nhau. Tràn dịch ổ bụng, cổ trướng trong ung thư có nguyên nhân và triệu chứng rất đa dạng, tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây ra bệnh mà bệnh nhân có thể gặp phải những triệu chứng khác và có phương pháp xử lý điều trị khác nhau.

Khi có những dấu hiệu và triệu chứng trên, bệnh nhân nên nhanh chóng được đưa đến bệnh viện để được thăm khám và xử lý kịp thời. Tại đây, bằng các phương pháp chẩn đoán hiện đại, bác sĩ sẽ kết luận được bệnh nhân có nguy cơ bị tràn dịch màng phổi không, mức độ tràn dịch đến đâu và nguyên nhân là gì, từ đó có phác đồ điều trị cụ thể, hợp lý, giúp bệnh nhân ung thư mau chóng cải thiện được triệu chứng.

Hoàng Yến

Nguồn tham khảo: yhoccongdong.com

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm