Long Châu

Tràn dịch màng phổi có nguy hiểm không và điều trị như thế nào?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tràn dịch màng phổi là một triệu chứng rất thường gặp với tỷ lệ mắc là như nhau ở cả nam và nữ. Tràn dịch màng phổi thường là do ảnh hưởng từ bệnh lý khác gây nên. Do vậy, khi có dấu hiệu của tràn dịch màng phổi, hãy liên hệ bác sĩ ngay để kịp thời can thiệp và có phương pháp điều trị phù hợp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tràn dịch màng phổi là gì? 

Xung quanh phổi có 2 lớp màng mỏng bao lấy là màng phổi thành bên ngoài và màng phổi tạng bên trong. Giữa 2 lớp màng phổi có một khoang gọi là ổ màng phổi, bên trong chứa một ít dịch đệm (khoảng 10 – 20 ml) để tránh sự ma sát giữa ngực và phổi đồng thời giúp 2 lớp màng dễ trượt lên nhau khi hô hấp. Tràn dịch màng phổi xảy ra khi chất dịch dư thừa trong ổ màng phổi nhiều hơn mức sinh lý bình thường và tích tụ lại gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tràn dịch màng phổi chia thành 2 loại:

  • Tràn dịch do dịch thấm: Là kết quả của sự mất cân bằng giữa áp suất keo và áp suất thủy tĩnh. Dịch màng phổi khi này chứa ít protein.

  • Tràn dịch do dịch tiết: Xảy ra do tình trạng viêm màng phổi, giảm dẫn lưu bạch huyết ở rìa màng phổi làm thay đổi tính thấm của màng phổi và tăng tính thấm các mao mạch hoặc làm tắc nghẽn các mạch máu. Do đó, dịch màng phổi trong trường hợp này có hàm lượng protein cao và đôi khi có kèm theo máu, tế bào viêm hoặc vi khuẩn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tràn dịch màng phổi

Các triệu chứng có thể gặp của tràn dịch màng phổi là:

  • Đau ngực, đặc biệt đau nhiều hơn khi hít thở sâu;

  • Ho khan;

  • Sốt;

  • Khó thở, thở gấp, không thể thở dễ dàng trừ khi bệnh nhân ngồi thẳng hoặc đứng thẳng.

Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh nhân bị tràn dịch không có triệu chứng, chỉ phát hiện được qua phim chụp X quang khi kiểm tra một bệnh khác.

Tác động của tràn dịch màng phổi đối với sức khỏe 

Tràn dịch màng phổi thường làm bệnh nhân khó thở, đau ngực và ho. Bên cạnh đó, việc tích tụ chất lỏng ở giữa các lớp màng phổi khiến phổi không thể dãn nở hết, gây ảnh hưởng đến khả năng hô hấp bình thường của bệnh nhân.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh tràn dịch màng phổi

Tràn dịch màng phổi có thể dẫn đến các biến chứng:

  • Phù phổi;

  • Xẹp phổi;

  • Nhiễm trùng lan tỏa hoặc xuất huyết.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tràn dịch màng phổi

Tràn dịch màng phổi dịch thấm do:

  • Suy tim;

  • Viêm màng ngoài tim co thắt;

  • Thuyên tắc phổi;

  • Xơ gan;

  • Xẹp phổi;

  • Hạ albumin máu;

  • Hội chứng thận hư;

  • Sau phẫu thuật tim hở;

  • Dịch não tủy (CSF) bị rò rỉ đến màng phổi.

Tràn dịch màng phổi dịch tiết do:

  • Viêm phổi;

  • Xơ phổi;

  • Ung thư, bệnh ác tính;

  • Thuyên tắc phổi;

  • Bệnh thận;

  • Bệnh lý viêm;

  • Nang giả tụy;

  • Nhiễm nấm.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân có thể gây tràn dịch màng phổi khác như:

  • Bệnh lao.

  • Bệnh tự miễn.

  • Xuất huyết (do chấn thương ngực).

  • Tràn dịch dưỡng chấp màng phổi do chấn thương (chylothorax).

  • Hiếm gặp nhiễm trùng vùng ngực và bụng.

  • Tràn dịch màng phổi do tiếp xúc với amiăng.

  • Hội chứng Meig (có khối u buồng trứng lành tính và cổ trướng).

  • Hội chứng quá kích buồng trứng.

  • Dùng một số loại thuốc sau phẫu thuật vùng bụng hoặc xạ trị.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải tràn dịch màng phổi?

  • Người có các bệnh về tim, xơ gan, viêm nhiễm, bệnh tự miễn…
  • Người bị ung thư.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tràn dịch màng phổi

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tràn dịch màng phổi, bao gồm:

  • Tràn dịch màng phổi thường gặp ở người lớn hơn là trẻ em.

  • Tiền sử gia đình có người từng mắc các bệnh ung thư, bệnh tự miễn.

  • Môi trường sống hoặc làm việc ô nhiễm, bệnh nhân có tiếp xúc với amiăng.

  • Hút thuốc lá và uống rượu bia quá nhiều có thể gây các bệnh lý viêm khác, gián tiếp dẫn đến tràn dịch màng phổi.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tràn dịch màng phổi

  • Chụp X quang ngực.
  • Chụp CT ngực.
  • Siêu âm lồng ngực.
  • Nội soi lồng ngực, nội soi khí phế quản.
  • Chọc dò và phân tích dịch màng phổi.

Phương pháp điều trị tràn dịch màng phổi hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. 

Dùng thuốc:

  • Trường hợp tràn dịch màng phổi do suy tim sung huyết: Dùng các thuốc điều trị suy tim, thuốc lợi tiểu.

  • Trong trường hợp có nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm: Thuốc kháng sinh, kháng nấm.

  • Thuốc giảm đau và chống viêm.

Hóa trị, xạ trị hoặc truyền thuốc trong lồng ngực trong trường hợp tràn dịch ác tính.

Phẫu thuật:

  • Phẫu thuật nội soi lồng ngực có hỗ trợ video (VATS).

  • Phẫu thuật mở lồng ngực để loại bỏ mô xơ và phần nhiễm trùng khỏi khoang màng phổi. Sau phẫu thuật, bệnh nhân phải đặt ống dẫn lưu màng phổi qua khoang liên sườn để tiếp tục dẫn lưu chất lỏng.

  • Thủ thuật cắt bỏ một phần niêm mạc màng phổi (tùy trường hợp).

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tràn dịch màng phổi

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan: Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

  • Sử dụng kháng sinh đúng và đủ liều theo chỉ định của bác sĩ nếu nguyên nhân tràn dịch màng phổi là do nhiễm trùng.

  • Nghỉ ngơi nhiều hơn.

  • Tập hít thở sâu mỗi ngày và các bài tập thể dục nhẹ nhàng.

  • Không nên hút thuốc lá, tránh đến những nơi có không khí không trong lành.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Hạn chế ăn chất béo, thức ăn nhiều dầu mỡ, đặc biệt là trong trường hợp bị tràn dịch dưỡng chấp màng phổi.

  • Hạn chế ăn thức ăn cay, nóng, kích thích niêm mạc họng gây ho.

  • Không nên uống rượu bia và các đồ uống kích thích.

Phương pháp phòng ngừa tràn dịch màng phổi hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Giữ cho môi trường sống luôn trong lành, đeo khẩu trang khi ra đường và khi làm việc ở nơi nhiều ô nhiễm.

  • Bỏ các thói quen, sở thích gây hại đến sức khỏe như hút thuốc lá, nghiện rượu…

Nguồn tham khảo
  1. https://my.clevelandclinic.org/
  2. https://www.healthline.com/
  3. https://www.webmd.com/
  4. https://emedicine.medscape.com/
  5. https://www.msdmanuals.com/
  6. https://hoihohapvietnam.org/

Các bệnh liên quan

  1. Xẹp phổi

  2. Khó thở

  3. Cơn hen phế quản

  4. Viêm mũi vận mạch

  5. Viêm xoang sàng sau

  6. Sarcoidosis

  7. Nhiễm nấm Coccidioidomycosis

  8. MERS

  9. Nhiễm nấm Histoplasma

  10. Xuất huyết phế nang vô căn