Trẻ 2 tháng tuổi nên tiêm những mũi vắc xin nào để bảo vệ sức khỏe?
Ngày 20/11/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Trẻ sơ sinh trong những ngày tháng đầu đời dễ nhiễm bệnh do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, việc tiêm chủng cho trẻ 2 tháng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trẻ khỏi những nguy cơ bệnh tật nguy hiểm. Vậy trẻ 2 tháng tiêm mũi gì để bảo vệ trẻ trong hành trình khám phá thế giới?
Trong hành trình chăm sóc trẻ, trẻ 2 tháng tuổi tiêm mũi vắc xin gì là băn khoăn của nhiều phụ huynh. Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ, khi trẻ tới 2 tuổi, tiêm vắc xin sẽ giúp bảo vệ trẻ phòng tránh 14 bệnh truyền nhiễm như bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, Hib, cúm...
Tại sao nên tiêm vắc xin cho bé 2 tháng tuổi?
Việc tiêm chủng giúp cơ thể phòng ngừa bệnh bằng cách đưa vào kháng nguyên, kích thích hệ miễn dịch sản xuất tạo miễn dịch thu được đặc hiệu. Trẻ em mới sinh được hưởng miễn dịch từ mẹ qua nhau thai hoặc bú sữa mẹ, nhưng miễn dịch này sẽ giảm dần và hết theo thời gian. Sau thời gian này, nếu không tiêm chủng, trẻ sẽ không có miễn dịch từ đó có nguy cơ cao nhiễm và lây truyền các bệnh nguy hiểm như bạch hầu, ho gà, bại liệt, Hib...
Hiện nay nước ta thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng là chương trình quốc gia cung cấp miễn phí tiêm vắc xin cho tất cả trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng. Mục tiêu là giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ. Việc tiêm chủng từ lúc mới sinh rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe trẻ khỏi các gánh nặng bệnh tật và thậm chí là tử vong do các căn bệnh nguy hiểm mà có thể ngăn ngừa bằng vắc xin, trong suốt cuộc đời.
Thời điểm 2 tháng tuổi, việc chích ngừa vắc xin phòng ngừa các loại bệnh như ho gà, uốn ván, bại liệt và một số loại bệnh khác được khuyến nghị trong lịch tiêm chủng mở rộng ở trẻ em.
Trẻ 2 tháng tuổi nên tiêm những mũi vắc xin nào để bảo vệ sức khoẻ?
Khi trẻ 2 tháng tuổi, phụ huynh muốn quan tâm đến các mũi tiêm để bảo vệ sức khỏe của con trong thời kỳ này. Đây là thời điểm đặc biệt quan trọng khi trẻ chuẩn bị tiêm phòng 8 loại bệnh, liều đầu tiên gồm:
Vắc xin kết hợp chống 6 loại bệnh: Vắc xin 6 trong 1 giúp phòng ngừa bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do Haemophilus influenzae type B gây ra như viêm phổi, viêm màng não mủ.
Vắc xin phòng Rotavirus, giúp ngăn ngừa bệnh tiêu chảy cấp: Đây là vắc xin phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus gây ra.
Vắc xin phòng bệnh do phế cầu gây ra các bệnh: Viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết...
Lưu ý khi đưa trẻ 2 tháng tuổi đi tiêm vắc xin
Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, phụ huynh cần lưu ý một số điều sau:
Tuân thủ lịch tiêm chủng cho trẻ em: Đảm bảo trẻ được tiêm đúng và đủ lịch theo chương trình tiêm chủng được khuyến cáo. Điều này không chỉ giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ mà còn giúp phòng tránh được những bệnh nguy hiểm, duy trì sự phát triển toàn diện cho trẻ.
Kiểm tra sức khỏe trước tiêm: Trước khi tiêm, khám sàng lọc là bước bắt buộc. Cha mẹ cần mang theo tất cả các cuốn sổ tiêm chủng, chia sẻ, trao đổi thông tin cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe trước đó của trẻ, bao gồm các bệnh lý, dị ứng hoặc việc sử dụng thuốc. Điều này giúp bác sĩ lựa chọn lịch tiêm phù hợp và an toàn cho trẻ.
Mặc quần áo thoáng mát và giữ tâm lý thoải mái khi đưa trẻ đi tiêm.
Chăm sóc sau tiêm chủng: Sau khi tiêm, ở lại theo dõi tại trung tâm tiêm chủng ít nhất 30 phút, tiếp tục theo dõi và chăm sóc trẻ trong 24 giờ tiếp theo nhằm phát hiện bất cứ dấu hiệu, triệu chứng bất thường để có hướng xử trí tất cả các phản ứng sau tiêm kịp thời và hiệu quả nhất.
Chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi sau tiêm vắc xin
Ở lại và theo dõi
Trẻ cần ở lại tại đơn vị tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để cán bộ y tế có thể theo dõi và xử lý kịp thời nếu có bất kỳ biểu hiện lạ hay phản ứng không mong muốn. Sau đó, bé có thể ra về và tiếp tục được theo dõi, chăm sóc tại nhà.
Theo dõi tại nhà
Trong vòng 1 - 2 ngày sau tiêm, cha mẹ cần theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà để nhận biết các dấu hiệu sau:
Tình trạng tinh thần của trẻ.
Thái độ khi bú mẹ, ăn uống, giấc ngủ.
Các biểu hiện về hô hấp, nhiệt độ cơ thể, phản ứng tại vị trí tiêm chủng hoặc phát ban.
Nếu trẻ bị sốt, cần theo dõi nhiệt độ và sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý áp đặt bất cứ thứ gì lên vùng tiêm.
Nhận biết dấu hiệu cần đưa trẻ đi cơ sở y tế gần nhất
Cần lưu ý các dấu hiệu sau để đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất:
Nếu trẻ có sốt cao hơn 38°C, cần dùng thuốc hạ sốt dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc y tá.
Phản ứng nghiêm trọng: Nếu trẻ có bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào như co giật, khó thở, hoặc phát ban lạ, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Các biểu hiện không bình thường như khóc thét, tím tái, khó thở, li bì, mệt lả, bú kém hoặc từ chối bú. Các phản ứng thường xảy ra nhưng kéo dài hơn 1 ngày.
Trẻ 2 tháng tuổi được khuyến nghị tiêm vắc xin phù hợp để giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ, giảm nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm đồng thời duy trì sự phát triển toàn diện cho bé, nhất là trong giai đoạn đầu đời quan trọng này.
Trung tâm Tiêm chủng Long Châu cung cấp dịch vụ tiêm chủng, giúp mọi người phòng ngừa được nhiều loại bệnh nguy hiểm thông qua việc tạo ra miễn dịch chủ động đặc hiệu cho cơ thể. Khi đến tiêm chủng tại Long Châu, bạn không chỉ tiêm vắc xin đầy đủ và tuân theo lịch tiêm chính xác, mà còn giới thiệu các gói tiêm chủng đa dạng để đáp ứng nhu cầu phòng ngừa bệnh tật của mọi lứa tuổi. Trung tâm luôn lấy sự an toàn và sức khỏe của mọi người làm tiêu chí hàng đầu trong mọi hoạt động của mình.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Bác sĩ đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò là Bác sĩ điều trị, đặc biệt là các bệnh liên quan đến chuyên ngành Truyền Nhiễm, Nhiệt đới. Nhiều năm trực tiếp thực hiện nghiên cứu về bệnh Sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với đối tác là Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford tại Hà Nội và hơn 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tiêm chủng Vắc xin: Nghiên cứu, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn,... Đặc biệt là lĩnh vực xử trí các phản ứng sau tiêm.