Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh ho gà: Triệu chứng, nguyên nhân và hướng điều trị bệnh

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ho gà là bệnh truyền nhiễm trên đường hô hấp, tốc độ lây lan nhanh và có nguy cơ phát triển thành dịch nếu không được phát hiện và kiểm soát đúng cách. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến bị bệnh ho gà? Các triệu chứng khi mắc bệnh là gì? Cách phòng tránh và điều trị ra sao?

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ho gà là gì? 

Ho gà là một bệnh lây qua đường hô hấp rất dễ lây lan, do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Ho gà có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là ở trẻ nhỏ, có thể tiến triển rất nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong đối với trẻ sơ sinh dưới một tuổi.

Ho gà được biết đến với những cơn ho dữ dội, không kiểm soát được và thường gây khó thở. Sau những cơn ho, người bị ho gà thường phải hít thở sâu, dẫn đến thở rít, ấm độ cao tương tự tiếng gà gáy nên được gọi là bệnh ho gà.

Cách tốt nhất để bảo vệ khỏi bệnh ho gà là tiêm vắc xin.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ho gà

Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 7 đến 14 ngày (tối đa 3 tuần). B. pertussis xâm nhập niêm mạc đường hô hấp, làm tăng tiết chất nhầy, ban đầu mỏng và sau đó là nhớt, dai và dính. Bệnh không biến chứng kéo dài khoảng 6 đến 10 tuần và bao gồm 3 giai đoạn: Khởi phát, toàn phát và hồi phục.

Giai đoạn khởi phát

Bệnh thường bắt đầu với các triệu chứng giống như cảm lạnh và có thể ho nhẹ hoặc sốt. Ở trẻ sơ sinh, ho có thể rất ít hoặc thậm chí không có. Trẻ sơ sinh có thể có triệu chứng được gọi là “ngưng thở”. Ngưng thở là sự tạm dừng trong cách thở của trẻ. Ho gà nguy hiểm nhất đối với trẻ sơ sinh. Khoảng một nửa số trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi mắc bệnh cần được chăm sóc tại bệnh viện. 

Các triệu chứng ban đầu có thể kéo dài từ 1 đến 2 tuần và thường bao gồm:

  • Sổ mũi;

  • Sốt nhẹ (thường ít trong suốt quá trình bệnh);

  • Ho nhẹ (thỉnh thoảng);

  • Ngưng thở - tạm dừng thở (ở trẻ sơ sinh).

Ho gà trong giai đoạn đầu dường như không khác gì cảm lạnh thông thường. Do đó, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe thường không nghi ngờ hoặc chẩn đoán nó cho đến khi các triệu chứng nghiêm trọng hơn xuất hiện.

Giai đoạn toàn phát

Sau 1 đến 2 tuần và khi bệnh tiến triển, các triệu chứng truyền thống của bệnh ho gà có thể xuất hiện bao gồm:

  • Các cơn ho kịch phát với nhiều cơn ho nhanh, kèm theo tiếng rít. Lặp đi lặp lại ≥ 5 cơn ho nặng xuất hiện liên tiếp trong 1 nhịp thở ra, tiếp theo đó là tiếng ho gà - nhanh, hít sâu.

  • Nôn mửa (trong hoặc sau khi ho).

  • Kiệt sức (rất mệt) sau những cơn ho.

Giai đoạn hồi phục

Quá trình phục hồi sau bệnh ho gà có thể diễn ra chậm, thường là trong vòng 4 tuần. Thời gian trung bình của bệnh là khoảng 7 tuần (khoảng 3 tuần đến 3 tháng hoặc nhiều hơn). Ho có thể tái phát trong nhiều tháng, thường gây ra ở đường hô hấp còn nhạy cảm do kích ứng từ nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh ho gà 

Trẻ sơ sinh và trẻ em

Ho gà có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và đôi khi gây chết người ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ chưa được tiêm vắc xin ho gà.

Khoảng một nửa số trẻ nhỏ hơn 1 tuổi bị ho gà cần được chăm sóc tại bệnh viện. Trẻ càng nhỏ, càng có nhiều khả năng phải điều trị trong bệnh viện. Những biến chứng có thể gặp ở nhóm tuổi này bao gồm:

  • Viêm phổi (nhiễm trùng phổi);

  • Co giật;

  • Ngưng thở (thở chậm lại hoặc ngừng thở);

  • Bệnh não;

  • Tử vong.

Thanh thiếu niên và người lớn

Thanh thiếu niên và người lớn cũng có thể bị các biến chứng do ho gà, nhưng thường ít nghiêm trọng hơn, đặc biệt là ở những người đã được chủng ngừa bệnh ho gà. Các biến chứng phổ biến nhất là:

  • Giảm cân;

  • Mất kiểm soát bàng quang;

  • Gãy xương sườn do ho dữ dội.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh ho gà

Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm vi khuẩn ho gà Bordetella pertussis, lây truyền qua đường hô hấp, do tiếp xúc với dịch tiết từ mũi hoặc hầu họng của bệnh nhân mang vi khuẩn ho gà khi ho, hắt xì hơi. Từ khi mắc bệnh, khả năng lây lan giảm dần và sẽ mất đi sau 3 tuần dù lúc này người bệnh vẫn còn đang có triệu chứng.

Khả năng tồn tại trong môi trường ngoài của vi khuẩn này rất kém, vi khuẩn sẽ chết trong vòng 1 giờ sau khi tiếp xúc với nhiệt độ, ánh sáng mặt trời hoặc các loại thuốc sát khuẩn.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) ho gà?

Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi đều có khả năng mắc bệnh ho gà.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) ho gà

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc A, bao gồm:

  • Chưa tiêm vắc xin ho gà.
  • Tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ho gà

Chẩn đoán bệnh ho gà bằng cách:

  • Hỏi và xem xét các dấu hiệu, triệu chứng điển hình.

  • Nuôi cấy dịch mũi họng, xét nghiệm kháng thể huỳnh quang trực tiếp và xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR).

  • Xét nghiệm huyết thanh học.

Phương pháp điều trị ho gà hiệu quả

Điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu: Azithromycin: Liều 50mg/kg/ngày x 14 ngày.

Chống bội nhiễm bằng kháng sinh amoxicillin hoặc cephalosporin.

Đối với trẻ < 1 tuổi: Cần cho trẻ nhập viện sớm để điều trị và theo dõi cơn ngưng thở, cho hút hờm, thở oxy, bù nước và dinh dưỡng khi cần thiết.

Theo dõi và điều trị các biến chứng trên thần kinh, hô hấp,… nếu có.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ho gà

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

Chế độ dinh dưỡng:

  • Nên ăn các loại thức ăn mềm và dễ tiêu hóa như cháo, súp,… Không được nấu quá loãng vì có thể không cung cấp đủ năng lượng để phục hồi thể trạng
  • Chia thành nhiều bữa trong ngày.
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A, kẽm (Zn), sắt (Fe) như trứng, thịt bò, gà, các loại rau màu xanh đậm.

Phương pháp phòng ngừa ho gà hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà. Sau tiêm, miễn dịch có xu hướng suy yếu từ 5 đến 10 năm sau khi tiêm vắc xin lần cuối.
  • Vệ sinh nhà ở, trường lớp, văn phòng,… sạch sẽ, đảm bảo thoáng khí.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.cdc.gov/pertussis/about/index.html

  2. https://vncdc.gov.vn/benh-ho-ga-nd14504.html

  3. https://www.msdmanuals.com/professional/infectious-diseases/gram-negative-bacilli/pertussis

  4. https://bvndtp.org.vn/cham-soc-tre-benh-ho-ga/

Các bệnh liên quan

  1. Nhiễm giun chỉ

  2. Bệnh than

  3. Nhiễm Clostridium botulinum

  4. Sốt xuất huyết

  5. Nhiễm sán lá gan

  6. Sán dây cá

  7. Nhiễm sán máng

  8. Sán não

  9. Mụn cóc phẳng

  10. Bệnh viêm màng não do Haemophilus