Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Trẻ hay ốm vặt: Nguyên nhân và cách khắc phục

Ngày 25/10/2020
Kích thước chữ

Trẻ ốm vặt do những nguyên nhân nào? Cách phòng tránh ốm vặt tốt nhất cho trẻ như thế nào? Mời mẹ tham khảo bài viết sau.

Trẻ hay ốm vặt thường xuyên phải sử dụng nhiều thuốc làm ba mẹ luôn lo lắng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến trẻ hay ốm vặt? Ba mẹ hãy tìm hiểu trong bài viết dưới đây để biết cách khắc phục tình trạng này cho con trẻ nhé.

Những nguyên nhân khiến trẻ hay ốm vặt

Trẻ hay ốm vặt có khá nhiều nguyên nhân. Vậy đâu mới là lý do chính xác nhất. Mời mẹ tham khảo trong bài viết dưới đây.

Hệ miễn dịch kém

Thời kỳ bé còn trong bụng mẹ và 6 tháng đầu sau khi sinh, bé được nhận hễ miễn dịch thụ động từ mẹ được truyền qua nhau thai và sữa mẹ. Trong sữa mẹ (đặc biệt là sữa non) chứa rất nhiều kháng thể có vai trò vô cùng quan trọng đối với hệ miễn dịch của bé trong những ngày đầu đời. Tuy nhiên, lượng kháng thể này sẽ bắt đầu giảm dần và biến mất hoàn toàn khi bé được 5 tháng tuổi. 

Trẻ có hệ miễn dịch kém hay ốm vặt

Trẻ có hệ miễn dịch kém hay ốm vặt.

Chính vì thế, giai đoạn 6 tháng đến 3 tuổi được xem là giai đoạn khoảng trống miễn dịch của bé, vì hệ miễn dịch chưa được phát triển hoàn thiện, nguồn cung kháng thể ở sữa mẹ cũng hết nên bé rất dễ mắc bệnh. Từ 3 - 4 tuổi, hệ miễn dịch của bé mới được hoàn thiện. Nếu quan sát và để ý kỹ, các mẹ có thể thấy ở độ tuổi này bé đi nhà trẻ rất hay ốm do phải tiếp xúc với môi trường mới mà hệ miễn dịch vẫn chưa hoàn thiện, chưa đủ sức để chống chọi các tác nhân gây bệnh xâm nhập từ bên ngoài.

Hệ tiêu hóa kém

Hệ tiêu hoá kém cũng là nguyên nhân khiến trẻ ốm vặt thường xuyên. Khi hệ tiêu hoá hoạt động kém, thức ăn khi bé ăn vào sẽ không được tiêu hoá hiệu quả. Hơn nữa, hệ tiêu hoá hoạt động kém còn cản trở quá trình tiêu hoá làm vi khuẩn đường ruột không được cân bằng. Những điều này đều ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể trẻ. Một khi quá trình này bị hạn chế, trẻ sẽ rất dễ bị thiếu dinh dưỡng khiến hoạt động của nhiều cơ quan không cân bằng và dễ gây ra nhiều bệnh.

Các sản phẩm duy trì hoạt động của hệ tiêu hóa sẽ giúp cơ thể hấp thu dinh dưỡng, tăng sức đề kháng tốt hơn.

Vệ sinh chưa đúng cách

Trẻ em rất hiếu động, các bé rất thích chơi đùa nên bàn tay rất dễ nhiễm bẩn. Các bé hay có thói quen ngậm tay vào miệng, nếu các mẹ không chú ý để giữ cho bé một đôi tay sạch sẽ thì khả năng bé thường xuyên mắc bệnh là điều khó tránh. Bé có thể mắc các bệnh như viêm đường hô hấp, bệnh tay chân miệng, bệnh cúm, bệnh tiêu chảy do virus,... Bàn tay bé không sạch sẽ chính là nguy cơ của các ổ bệnh.

Bao bọc trẻ quá mức

Nhiều bậc phụ huynh lại sạch sẽ quá mức, nuôi con gần như trong môi trường vô trùng, khiến trẻ không có cơ hội để tiếp xúc với môi trường bên ngoài, không được tắm nắng, hít thở không khí trong lành ngoài trời hay không được đùa nghịch, vận động,... Giữ bé trong nhà, tránh nắng, tránh gió, lạm dụng điều hoà cũng khiến trẻ mất khả năng thích ứng và phòng vệ tự nhiên của cơ thể khiến trẻ hay bị ốm vặt.

Đôi khi bao bọc quá khiến trẻ trở nên yếu ớt hơn

Đôi khi bao bọc quá khiến trẻ trở nên yếu ớt hơn.

Ảnh hưởng của việc uống nhiều kháng sinh

Nhiều nhà nghiên cứu đã cho thấy việc sử dụng thuốc kháng sinh sẽ làm giảm cytokine (hormone trong cơ thể có vai trò quan trọnng trong hệ thống miễn dịch). Trẻ bị ốm sẽ được uống kháng sinh để giúp khỏi bệnh nhanh nhưng điều này lại đồng nghĩa với việc cơ thể của trẻ ngày càng yếu hơn, dễ mắc bệnh các lần sau, khả năng tự chống lại vi khuẩn cũng giảm. Vì thế, khi bé chỉ mới chớm bệnh như ho, cảm cúm, sổ mũi,... đừng vội cho bé sử dụng thuốc kháng sinh ngay, các mẹ cần quan sát và đánh giá các biểu hiện của trẻ để quyết định xem trẻ có thể tự kiểm soát bệnh của mình hay không.

Cách phòng tránh cho trẻ hay ốm vặt

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, muốn trẻ giảm hẳn ốm vặt các mẹ có thể áp dụng các biện pháp sau:

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Với trẻ sơ sinh, các mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn. Vì trong sữa mẹ có chứa rất nhiều kháng thể cần thiết cho hệ miễn dịch của bé. Nếu không có khả năng để nuôi con bằng sữa mẹ thì các mẹ nên chọn cho con loại sữa công thức phù hợp với độ tuổi của con và chứa nhiều kháng thể giúp cho bé tăng sức đề kháng.

Với trẻ lớn hơn, các mẹ cần đảm bảo cân bằng được dưỡng chất các nhóm cho con bao gồm chất đạm, chất béo, chất bột đường, các vitamin và khoáng chất,... Đặc biệt mẹ cần rèn luyện cho con thói quen ăn nhiều rau xanh và hoa quả, hạn chế cho con ăn các thực phẩm được chế biến sẵn, thức uống ngọt, thức uống có ga,...

Bổ sung một số sản phẩm chứa vitamin C hỗ trợ kích thích hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn.

Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ tăng sức đề kháng

Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ tăng sức đề kháng.

Duy trì một lối sống khoa học

Ba mẹ nên duy trì cho con một giấc ngủ đủ giấc và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Điều này sẽ giúp trẻ hạn chế cơ hội tấn công của các vi khuẩn, virus gây bệnh. Bên cạnh đó mẹ cũng cần cho con trẻ vận động thường xuyên phù hợp với độ tuổi, vì vận động đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Việc luyện tập vận động thường xuyên giúp máu lưu thông tốt hơn, thúc đẩy đào thải độc tố ra ngoài, củng cố các hoạt động của chất kháng thể và tế bào bạch cầu trong người bé.

Mẹ chỉ cần rèn luyện cho con thói quen đi bộ 15 phút mỗi ngày cũng giúp hệ miễn dịch của con làm việc tốt hơn. Đối với các bé nhỏ tuổi hơn, các mẹ có thể cho bé vận động bằng cách kích thích tay chân bé hoạt động. Điều này cũng có tác dụng tương tự.

Tiêm vắc-xin

Theo các chuyên gia y tế, trẻ em dưới 3 tuổi cần tiêm các mũi vắc-xin phòng ngừa bệnh tật như vắc-xin viêm gan B, bạch hầu, bệnh lao, uốn ván, ho gà, sởi, bại liệt, thuỷ đậu... Việc tiêm vắc xin sẽ giúp trẻ chủ động ngăn ngừa bệnh tật và giảm nguy cơ tử vong.

Hy vọng qua bài viết này, ba mẹ sẽ tìm ra các nguyên nhân dẫn đến con hay bị ốm vặt. Từ đó có các biện pháp phù hợp khắc phục phù hợp. Ba mẹ cần nhớ rằng, tăng cường hệ miễn dịch cho con là điều quan trọng hàng đầu để bảo vệ con trước các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài nhé.

Lâm Khuê

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin