Long Châu

Bệnh tay, chân, miệng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh tay, chân, miệng là bệnh do virus gây ra, có khả năng lây lan rất nhanh chóng và do đó, rất dễ hình thành dịch bệnh. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng phổ biến nhất là ở các trẻ nhỏ hơn 3 tuổi. Vậy bệnh tay, chân, miệng có những biểu hiện triệu chứng thế nào? Cách nhận biết và hướng điều trị ra sao?

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh tay, chân, miệng là bệnh gì? 

Bệnh tay, chân, miệng là bệnh lý truyền nhiễm nhanh, thường do Coxsackievirus A16, Enterovirus 71 hoặc các enterovirus khác gây ra. Bệnh phổ biến nhất là ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Với các biểu hiện gồm sốt, đau miệng, chán ăn và đặc biệt là tổn thương da dạng bỏng nước. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng và thậm chí là gây tử vong.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tay, chân, miệng

Sốt và các triệu chứng giống cúm: Mệt mỏi, đau họng,…

Lở miệng: Những vết loét này thường bắt đầu như những chấm đỏ nhỏ, thường ở phía sau miệng, vết phồng rộp và có thể trở nên đau đớn. Các dấu hiệu cho thấy trẻ có thể bị đau khi nuốt:

Không ăn uống;

Chảy nước dãi nhiều hơn bình thường;

Chỉ muốn uống nước lạnh.

Phát ban da: Có thể bị phát ban trên da ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, cũng có thể xuất hiện trên đầu gối, khuỷu tay, mông hoặc vùng sinh dục. Phát ban thường trông giống như các nốt phẳng, màu đỏ, đôi khi có mụn nước. Chất lỏng trong vết phồng rộp và vảy tạo thành khi vết phồng rộp lành lại có thể chứa vi-rút gây bệnh tay chân miệng. Cần giữ sạch các vết phồng rộp hoặc vảy và tránh chạm vào chúng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh tay, chân, miệng

Biến chứng thần kinh gồm: Viêm màng não vô trùng, viêm não, yếu liệt chi (yếu và liệt mềm một hoặc nhiều chi).

Biến chứng hô hấp – tuần hoàn thường xảy ra khi có tổn thương não: Mạch nhanh, huyết áp tăng, sau đó lại hạ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đưa trẻ đến bệnh viện nếu:

  • Cơn sốt kéo dài hơn 3 ngày;
  • Trẻ bị suy giảm hệ thống miễn dịch;
  • Các triệu chứng nghiêm trọng;
  • Các triệu chứng không cải thiện sau 10 ngày;
  • Trẻ còn rất nhỏ, đặc biệt là dưới 6 tháng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh tay, chân, miệng

Bệnh tay, chân, miệng là do nhiễm virus: Coxsackievirus A16, Enterovirus 71 hoặc các enterovirus khác.

Con đường lây nhiễm: Qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên, vi trùng có thể hiện diện cả trong các dịch tiết ở đường hô hấp nên bệnh nhân có thể bị nhiễm nếu tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết này.

Bệnh sinh: Đầu tiên, virus xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc miệng hoặc niêm mạc ruột, tại đây vi trùng nhân lên nhanh chóng rồi vào máu, đi đến các cơ quan khác như da, não, cơ tim,… gây sang thương các cơ quan và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm và thậm chí là tử vong.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh tay, chân, miệng

Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 3 tuổi. Các trẻ dưới 6 tháng tuổi thường ít nhiễm bệnh do có kháng thể từ cơ thể mẹ truyền sang.

Các trẻ nhỏ ở độ tuổi đi nhà trẻ thường có nguy cơ mắc bệnh và dễ lây lan cho nhau hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tay, chân, miệng

Không vệ sinh cá nhân đúng cách.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh tay, chân, miệng

Thăm hỏi bệnh sử:

  • Sốt, đau họng.

  • Chán ăn, khó ngủ, hay quấy khóc, ngủ giật mình.

  • Nôn ói, tiêu chảy.

Thăm hỏi dịch tễ: Đã từng tiếp xúc với trẻ bệnh tương tự, trẻ đang đi nhà trẻ hoặc mẫu giáo.

Khám lâm sàng:

  • Thăm khám các dấu hiệu sinh tồn, bao gồm: Nhiệt độ cơ thể, nhịp tim, nhịp thở, huyết áp, tri giác.

  • Tìm sang thương ở miệng và trên các vùng da: Chú ý tay, chân, miệng thể không điển hình (chỉ loét miệng, rất ít có sang thương trên da, bóng nước không rõ mà ở dạng hồng ban).

  • Tìm các dấu hiệu biến chứng nếu có: Các biến chứng trên hô hấp, tim mạch và thần kinh.

Khám cận lâm sàng: Tìm tác nhân gây bệnh (virus)

  • Xét nghiệm máu.

  • Lấy mẫu dịch tiết họng hoặc mẫu phân, bóng nước hoặc dịch não tủy để phân lập virus.

Phương pháp điều trị bệnh tay, chân, miệng hiệu quả

Tùy theo phân độ lâm sàng mà có hướng điều trị cụ thể:

  • Độ 1: Tay, chân, miệng đơn thuần: Loét miệng, có hoặc không có sang thương trên da.

  • Độ 2: Có tổn thương thần kinh với biểu hiện giật mình, chới với; liệt mềm cấp. Thay đổi dịch não tủy, trên 5 tế bào/mm3.

  • Độ 3: Tổn thương hệ thần kinh thực vật: Yếu liệt chi, tổn thương tuần hoàn (mạch nhanh, huyết áp tăng cao), tổn thương hệ hô hấp (nhịp thở nhanh và bất thường), co giật, hôn mê,…

  • Độ 4: Có một trong các biểu hiện gồm sốc, phù phổi, tím tái, trụy mạch.

Nguyên tắc điều trị:

  • Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh tay, chân, miệng. Chỉ tiến hành điều trị hỗ trợ.

  • Theo dõi và kịp thời điều trị biến chứng nếu có.

  • Bảo đảm cung cấp và bổ sung dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng.

Điều trị tay, chân, miệng độ 1: Điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở.

  • Duy trì và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Trẻ còn bú mẹ cần tiếp tục cho bú sữa mẹ.

  • Sốt cao: Hạ sốt bằng Paracetamol liều 10 mg/kg/lần (uống) mỗi 6 giờ.

  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ và đúng cách.

  • Nghỉ ngơi, tránh các kích thích.

  • Các dấu hiệu nặng cần cho trẻ đến ngay cơ sở y tế: Giật mình chới với, sốt cao không hạ, nôn ói nhiều, run chi, đi loạng choạng.

Điều trị tay, chân, miệng độ 2: Điều trị nội trú tại bệnh viện

  • Sốt cao: Nếu không hạ sốt được bằng paracetamol thì chuyển sang ibuprofen liều 5-10 mg/kg/lần mỗi 6 đến 8 giờ.

  • Thuốc: Phenobarbital (thuốc chống co giật), imunoglobulin (tăng cường hệ miễn dịch).

  • Theo dõi: Nhiệt độ cơ thể, nhịp tim, nhịp thở, huyết áp,…

Điều trị tay, chân, miệng độ 3: Điều trị tại bệnh viện ở đơn vị hồi sức tích cực

  • Thuốc: Dobutamin (chỉ định khi suy tim, mạch trên 170 nhịp/phút); milrinone (đường truyền tĩnh mạch, được chỉ định khi huyết áp cao, trong 24 đến 72 giờ); phenobarbital; imunoglobulin, midazolam hoặc diazepam (chỉ định khi co giật)

  • Hạ sốt tích cực.

  • Điều chỉnh rối loạn điện giải, nước, điều trị hạ đường huyết, co giật nếu có.

  • Theo dõi: Nhiệt độ cơ thể, nhịp tim, nhịp thở, huyết áp, ran phổi…

Điều trị tay, chân, miệng độ 4: Điều trị tại bệnh viện ở đơn vị hồi sức tích cực

  • Xem xét chỉ định đặt nội khí quản thở máy.

  • Chống sốc do viêm cơ tim hoặc tổn thương trung tâm vận mạch thân não.

  • Điều chỉnh rối loạn điện giải, hạ đường huyết và chống phù não

  • Lọc máu liên tục/ECMO.

  • Dùng kháng sinh khi có bội nhiễm.

  • Theo dõi: Nhiệt độ cơ thể, nhịp tim, nhịp thở, huyết áp, ran phổi…

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh tay, chân, miệng

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

Chế độ dinh dưỡng:

Cho bệnh nhân ăn thức ăn lòng, dễ tiêu hóa như cháo, súp,…

Phương pháp phòng ngừa bệnh tay, chân, miệng hiệu quả

  • Vệ sinh các nhân đúng cách, rửa tay bằng xà phòng.
  • Vệ  sinh sạch sẽ các vật dụng, đồ chơi của bé, nhà cửa.
  • Lau nhà bằng Cloramin B hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.
  • Khi trẻ bị bệnh, phải tiến hành cách ly trẻ trong khoảng 10 đến 14 ngày đầu, không cho trẻ đến nhà trẻ trong thời gian này.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.cdc.gov/hand-foot-mouth/index.html

  2. Phác đồ điều trị Bệnh tay, chân, miệng – Bệnh viện Nhi đồng 2

  3. Quyết định số 1003/QĐ-BYT, ngày 30 tháng 03 năm 2012 về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Bệnh tay, chân, miệng

Các bệnh liên quan

  1. Lao họng

  2. Lỵ trực khuẩn

  3. Bệnh do nhiễm leishmania

  4. Viêm màng não do tăng bạch cầu ái toan

  5. Lao ruột

  6. Bệnh rubeon

  7. Sốt vàng

  8. Viêm màng não do phế cầu

  9. Bệnh than

  10. Nhiễm Echinococcus