Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford được cho là đang phát triển loại vắc-xin ngăn ngừa sự phát triển của ung thư buồng trứng đầu tiên trên thế giới. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé!
Tiến sĩ Claire Bromley thuộc Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh chia sẻ rằng: "Một vài thập kỷ trước, ý tưởng vắc xin ung thư chỉ là khoa học viễn tưởng nhưng giờ đây điều này đang dần trở thành hiện thực".
Các nhà khoa học cho biết, OvarianVax có khả năng sẽ là loại vắc xin ngừa ung thư buồng trứng đầu tiên trên thế giới. Hiện tại, vắc xin này đang được phát triển tại Anh, với tiềm năng cứu sống hàng nghìn người và cuối cùng có thể loại bỏ căn bệnh này.
Ung thư buồng trứng là tình trạng xuất hiện khối u ác tính ở một hoặc cả hai buồng trứng. Những tế bào ung thư này phát triển bất thường, vượt ngoài tầm kiểm soát và không tuân theo nhu cầu tự nhiên của cơ thể. Chúng có thể xâm lấn và hủy hoại các mô, cơ quan lân cận. Đồng thời, có thể di căn đến các bộ phận khác của cơ thể, gây ung thư thứ phát ở những vị trí đó.
Các loại ung thư buồng trứng gồm:
Các nhà khoa học tại Đại học Oxford đang phát triển OvarianVax – loại vắc xin giúp hệ miễn dịch nhận biết và tiêu diệt ung thư buồng trứng ở giai đoạn sớm nhất. Dự kiến, loại vắc xin này sẽ được cung cấp cho phụ nữ thuộc NHS nhằm ngăn chặn căn bệnh giết chết khoảng 4.100 phụ nữ mỗi năm tại Anh.
Các tổ chức từ thiện về ung thư đã khen ngợi nghiên cứu này với hy vọng nó sẽ cứu sống nhiều phụ nữ và giúp những người mang đột biến gen BRCA không phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. Nghiên cứu này được tiến hành sau khi các nhà khoa học tại Đại học Oxford nhận được tài trợ để phát triển một loại vắc xin ngăn ngừa ung thư phổi.
Tác động của OvarianVax đã được các chuyên gia so sánh với vắc xin HPV - loại vắc xin đã mở đường cho việc loại bỏ ung thư cổ tử cung. Theo Giáo sư Ahmed Ahmed, giám đốc Phòng thí nghiệm tế bào ung thư buồng trứng tại Viện Y học phân tử MRC Weatherall - Đại học Oxford cho biết, ông hy vọng các thử nghiệm lâm sàng sẽ mang lại lợi ích cho bệnh nhân trong vòng 4 đến 5 năm tới. Tuy nhiên, ông cũng cho biết sẽ mất thêm nhiều năm nữa để vắc xin này được sử dụng rộng rãi.
Ông cũng cho rằng, mặc dù còn nhiều thời gian trước khi vắc xin chính thức được phê duyệt, nhưng nếu thành công thì những kết quả ban đầu có thể được nhận thấy trong vòng vài năm tới, đặc biệt ở những người khỏe mạnh tham gia thử nghiệm lâm sàng.
Mỗi năm có khoảng 7.500 ca ung thư buồng trứng mới được chẩn đoán tại Anh, trong đó các đột biến BRCA chiếm khoảng 5 đến 15%. Phụ nữ mang gen BRCA có nguy cơ mắc bệnh cao và hầu hết những phụ nữ mang gen này đều phải phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng để phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên, nếu OvarianVax thành công, những phụ nữ mang đột biến BRCA sẽ không còn phải đối mặt với quyết định này nữa.
Nghiên cứu này được tài trợ bởi Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh, với ngân sách 600.000 bảng Anh trong ba năm tới. Tiến sĩ Claire Bromley, giám đốc thông tin nghiên cứu của tổ chức này đã nhấn mạnh rằng, mặc dù còn nhiều thời gian trước khi vắc xin có thể được sử dụng rộng rãi, nhưng nghiên cứu đã cho thấy bước tiến lớn trong việc phòng ngừa ung thư.
Bà cho biết, ý tưởng về vắc xin phòng ngừa ung thư trước đây tưởng chừng xa vời, nhưng hiện nay chúng ta đang chứng kiến sự ra đời của nhiều loại vắc xin ngừa ung thư hơn, một phần nhờ công nghệ phát triển trong thời kỳ Covid-19. Theo bà, tương lai của việc phòng ngừa ung thư đang trở nên rõ ràng và khả thi hơn.
Marie-Claire Platt, giám đốc nghiên cứu của tổ chức từ thiện Hành động Ung thư Buồng trứng cho rằng, mỗi năm có hơn 1.000 trường hợp ung thư buồng trứng có thể được ngăn ngừa, đặc biệt ở những phụ nữ mang đột biến gen BRCA. Nghiên cứu của Giáo sư Ahmed, được tổ chức này tài trợ, có thể giúp những phụ nữ này giảm thiểu nguy cơ mà không cần phải phẫu thuật.
Nhóm của Giáo sư Ahmed hiện đang xác định các mục tiêu tế bào để phát triển vắc xin, đặc biệt là xác định loại protein nào trên bề mặt tế bào ung thư buồng trứng giai đoạn đầu có thể kích hoạt hệ miễn dịch. Sau khi hoàn thành các nghiên cứu tiền lâm sàng, nhóm sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người mang gen BRCA và các phụ nữ khỏe mạnh để kiểm tra hiệu quả phòng ngừa.
Nếu vắc xin thành công, Giáo sư Ahmed hy vọng sẽ thấy tác động rõ ràng trong vòng 5 năm tới. Khi được hỏi về khả năng loại bỏ ung thư buồng trứng, ông khẳng định đó chính là mục tiêu cuối cùng và ông rất lạc quan về tương lai của vắc-xin này.
Nhìn chung, vắc xin OvarianVax không chỉ mang đến một bước tiến đột phá trong lĩnh vực phòng ngừa ung thư mà còn mở ra hy vọng cho hàng nghìn phụ nữ trên khắp thế giới. Dù hành trình phát triển vẫn còn dài và đòi hỏi nhiều nghiên cứu thêm, nhưng loại vắc xin này vẫn có tiềm năng lớn trong việc đối phó với ung thư buồng trứng. Nếu thành công, OvarianVax sẽ không chỉ cứu sống nhiều người mà còn mang lại cơ hội cho phụ nữ ngăn ngừa bệnh mà không phải đối mặt với các biện pháp can thiệp y tế phức tạp như phẫu thuật. Điều này thể hiện một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống ung thư, hứa hẹn một tương lai sáng lạn hơn cho sức khỏe cộng đồng.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.