Long Châu

Vitamin PP là gì? Tác dụng, liều dùng và cách bổ sung Vitamin PP

Ngày 22/03/2021
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Vitamin PP với tên gọi khác là Niacinamide, một dạng amid của Vitamin B3. Vitamin PP được sử dụng nhiều trong hỗ trợ điều trị viêm da và đóng vai trò quan trọng trong các phản ứng sống của tế bào.

Cùng tìm hiểu tổng quan Vitamin PP là gì, tác dụng của Vitamin PP đối với sức khỏe cũng như bạn có thể bổ sung vitamin này bằng cách nào.

Vitamin PP là gì? Tác dụng, liều dùng và cách bổ sung Vitamin PP 1Vitamin PP thuộc nhóm vitamin B tan trong nước.

Vitamin PP là gì?

Vitamin PP hay còn được biết đến với những tên gọi niacinamide hay nicotinamide, là một dạng của Vitamin B3 (Niacin) - 1 trong 8 loại vitamin cần thiết để duy trì sức khỏe tốt.

Do thuộc vitamin nhóm B tan trong nước nên cơ thể không thể dự trữ vitamin này, vì vậy không có tình trạng dư thừa Vitamin PP mà chỉ có thiếu Vitamin PP. Chúng ta phải bổ sung chúng hằng ngày. Vitamin PP được hấp thu qua đường uống, sau đó khuếch tán đi các mô, tập trung nhiều ở gan, được chuyển hóa và thải trừ chủ yếu qua nước tiểu.

Trong cơ thể, Vitamin PP hỗ trợ quá trình tổng hợp hay phân hủy các chất như glucid, acid béo, acid amin, chuyển hóa cholesterol và các hợp chất khác, tạo năng lượng cung cấp cho tế bào thực hiện các phản ứng hóa học quan trọng.

Cơ thể thiếu Vitamin PP sẽ gây ra các hiện tượng như suy nhược cơ thể, chán ăn, dễ bị kích thích, viêm da, viêm lưỡi, viêm miệng, đặc biệt là vùng tay chân. Ở tình trạng thiếu Vitamin PP nghiêm trọng có thể dẫn đến bệnh Pellagra với 3 biểu hiện chủ yếu là viêm da, tiêu chảy, rối loạn tâm thần; nếu không được điều trị có thể dẫn đến tử vong.

Tác dụng của Vitamin PP với sức khỏe

Hỗ trợ điều trị một số bệnh về da nhất định

Vitamin PP là một yếu tố quan trọng giữ cho làn da khỏe mạnh. Đây là lý do vì sao vitamin này trở thành chất phụ gia phổ biến trong ngành mỹ phẩm và chăm sóc da.

Tác dụng của Vitamin PP dạng bôi tại chỗ hoặc dạng uống đã được chứng minh là giúp chống viêm da, được sử dụng nhiều trong hỗ trợ điều trị mụn trứng cá, bệnh rosacea (một bệnh lý về da với đặc điểm da mặt mẩn đỏ).

Vitamin PP là gì? Tác dụng, liều dùng và cách bổ sung Vitamin PP 2Vitamin PP thường được ứng dụng trong ngành công nghiệp làm đẹp.

Ngăn ngừa u ác tính

Việc tiếp xúc nhiều với tia UV trong ánh nắng mặt trời hay các thiết bị điện tử có thể làm hỏng DNA của tế bào theo thời gian và có mối liên hệ với khối u ác tính. Với vai trò giữ cho các tế bào khỏe mạnh, Vitamin PP đường uống đã được chứng mình là tăng cường sửa chữa DNA cho làn da bị tổn thương bởi tia cực tím ở người.

Với tác dụng này của Vitamin PP, hứa hẹn có thể bảo vệ cơ thể chống lại khối u ác tính, đặc biệt ở người có nguy cơ cao, chẳng hạn như những người đã từng bị ung thư da không phải tế bào hắc tố.

Hữu ích với người mắc bệnh thận mạn tính

Bệnh thận mãn tính làm cho chức năng thận bị suy giảm, ảnh hưởng đến khả năng làm sạch, lọc máu và kiểm soát huyết áp. Điều này dẫn đến sự tích tụ các chất có hại trong máu, chẳng hạn như gốc phosphate.

Nghiên cứu cho thấy, tác dụng của Vitamin PP có thể ngăn chặn quá trình hấp thu phosphate ở thận, hỗ trợ cho người bị rối loạn chức năng thận.

Liều dùng Vitamin PP mỗi ngày

Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng Vitamin PP phù hợp. Bạn có thể tham khảo liều dùng thông thường như sau:

Người lớn:

  • Ngăn ngừa thiếu hụt Vitamin PP: Uống 50mg-100mg/lần x 3 lần/ngày.
  • Điều trị bệnh Pellagra: Dùng 500mg/lần x 1 - 3 lần/ngày. Không uống quá 3 viên/ngày.
  • Điều trị viêm da, viêm miệng, viêm lợi, viêm kết tràng mạn tính, ban đỏ do thiếu Vitamin PP: Dùng 500mg/ngày.

Trẻ em:

Liều dùng Vitamin PP cho trẻ em phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Liều dùng tham khảo là 100 - 300mg/ngày, chia thành 3 - 10 lần dùng.

Tác dụng phụ của Vitamin PP

Sử dụng vitamin PP ở liều thấp thường không gây ngộ độc, vì lượng dư thừa có thể thải qua nước tiểu. Tuy nhiên, nếu dùng lượng cao hơn giới hạn có thể dung nạp được của vitamin B3 là 35mg mỗi ngày thì có thể gây ra một số tác dụng phụ sau:

  • Buồn nôn, đỏ bừng mặt và cổ
  • Cảm thấy ngứa, rát bỏng, buốt hoặc đau nhói ở da
  • Loét dạ dày, đau khi đói
  • Tiêu chảy
  • Tăng sắc tố, vàng da
  • Suy gan

Nếu bạn gặp phải bất kỳ phản ứng không mong muốn nào hay cảm thấy không khỏe khi uống thuốc, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.

Vitamin PP có trong thực phẩm nào?

Vitamin PP có trong thực phẩm nguồn gốc từ động vật, ví dụ như gan, thận, thịt gà, thịt heo, thịt bò, cá ngừ, cá cơm, cá hồi,… Ngoài ra, bạn cũng dễ dàng cung cấp Vitamin PP cho cơ thể thông qua các thực phẩm nguồn gốc thực vật như quả bơ, lạc, nấm, gạo lứt, lúa mì, đậu hà lan, khoai tây, ngũ cốc,…

Vitamin PP là gì? Tác dụng, liều dùng và cách bổ sung Vitamin PP 3Cá hồi là nguồn cung cấp vitamin PP dồi dào.

Ngoài thực phẩm cung cấp Vitamin PP, loại vitamin này cũng được vi khuẩn tổng hợp ở ruột. Việc lạm dụng kháng sinh gây nên tình trạng rối loạn khuẩn ruột cũng sẽ làm giảm hấp thụ Vitamin PP.

Nếu chế độ dinh dưỡng không thể đảm bảo bổ sung đầy đủ Vitamin PP cho cơ thể, bạn có thể bổ sung vitamin này bằng viên uống. Vitamin PP thường được sản xuất ở dạng đơn lẻ hay kết hợp với các thành phần khác, ví dụ như được bổ sung trong viên vitamin tổng hợp. Thuốc Vitamin PP đơn lẻ thường ở dạng viên nén với hàm lượng 50mg, 500mg.

Xem thêm: Bị nhiệt miệng uống vitamin PP và B2 có khỏi nhanh không?

Thụy Anh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:VitaminVitamin pp