Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

WHO cảnh báo hơn một nửa thế giới có nguy cơ bùng phát bệnh sởi vào cuối năm 2024

Ngày 04/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết rằng các trường hợp mắc bệnh sởi đang gia tăng ở hầu hết các khu vực, chủ yếu là do bỏ lỡ tiêm chủng trong những năm xảy ra dịch COVID-19, khi hệ thống y tế bị quá tải và tụt hậu so với việc tiêm chủng định kỳ, cho các bệnh có thể phòng ngừa được. Hơn một nửa số quốc gia trên thế giới sẽ có nguy cơ bùng phát cao hoặc rất cao vào cuối năm nay.

Theo Natasha Crowcroft, cố vấn kỹ thuật cấp cao về bệnh sởi và rubella của WHO: Điều chúng tôi lo lắng là năm nay (2024), chúng ta có những khoảng trống lớn trong các chương trình tiêm chủng và nếu chúng ta không nhanh chóng lấp đầy chúng bằng vaccine, bệnh sởi sẽ nhảy vào khoảng trống đó, hơn một nửa thế giới có nguy cơ bùng phát bệnh sởi vào cuối năm 2024

WHO cho biết, đại dịch COVID-19 đã dẫn đến những thất bại trong nỗ lực giám sát và tiêm chủng, khiến hàng triệu trẻ em dễ bị tổn thương do bệnh sởi. Năm 2023, hơn 300.000 trường hợp đã được báo cáo trên toàn thế giới, tăng đáng kể 79% so với năm 2022.

Bệnh sởi là gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra và rất dễ lây lan qua các giọt hô hấp và có thể dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, viêm não hoặc tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ và những người bị suy giảm miễn dịch.

Khi mắc bệnh, trẻ nhiễm bệnh sởi có thời gian ủ bệnh từ 7 - 21 ngày, sau đó có thể có đầy đủ các triệu chứng như sau: 

  • Sốt cao trên 39°C; 
  • Viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng, có hạt Koplik trong miệng; 
  • Chảy nước mắt, mũi, ho, viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt; 
  • Ban mọc theo thứ tự:
    • Bắt đầu ngày thứ nhất từ đầu, mặt, cổ.
    • Ngày thứ hai ngực, lưng, cánh tay.
    • Ngày thứ 3 bụng, mông, đùi, chân.
    • Khi ban mọc tới chân hết sốt và ban bắt đầu bay.

Các triệu chứng của bệnh sởi thường bắt đầu từ 10 - 14 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Dấu hiệu đặc trưng là phát ban, đặc biệt bắt đầu trên mặt và lan xuống dưới, bao gồm các đốm đỏ phẳng có thể hợp nhất khi bệnh tiến triển. Ngoài ra, người bệnh có thể nhạy cảm với ánh sáng, đau họng và có những đốm trắng nhỏ bên trong miệng.

Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu sau: 

  • Trẻ sốt cao liên tục trên 39 - 40°C;
  • Khó thở, thở nhanh;
  • Mệt mỏi, không ăn uống gì, không chơi, lơ mơ...;
  • Phát ban toàn thân mà vẫn sốt.
WHO cảnh báo hơn một nửa thế giới có nguy cơ bùng phát bệnh sởi vào cuối năm 2024-1
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra và rất dễ lây lan qua các giọt bắn, giọt hô hấp

Tại sao bệnh sởi có diễn biến nhanh và nặng?

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh có biểu hiện sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng.

Bệnh sởi thường hay xảy ra vào mùa đông - xuân. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, bệnh sởi xảy ra quanh năm. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện,... Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người như: Nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư,... Chính vì vậy bệnh dễ mắc thành dịch. Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy,... có thể gây tử vong.

WHO cảnh báo hơn một nửa thế giới có nguy cơ bùng phát bệnh sởi vào cuối năm 2024-2
Bệnh sởi dễ mắc thành dịch và dễ lây lan cho người có sức đề kháng yếu như trẻ em

Biến chứng của bệnh sởi

Theo WHO, hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh sởi là do các biến chứng liên quan đến bệnh, có thể bao gồm:

  • Mù lòa;
  • Viêm não (nhiễm trùng gây sưng não và tổn thương não);
  • Tiêu chảy nặng và mất nước liên quan;
  • Nhiễm trùng tai;
  • Các vấn đề về hô hấp nghiêm trọng bao gồm viêm phổi;
  • Ở phụ nữ mang thai, virus có thể gây nguy hiểm cho người mẹ và khiến con sinh ra sớm bị dị tật bẩm sinh;
  • Cân nặng khi sinh thấp,…

Phòng chống bệnh sởi như thế nào?

Theo WHO, tiêm chủng là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh sởi và lây sang người khác. Vaccine này an toàn và có thể giúp cơ thể chống lại virus.

Tiêm vaccine là cách tốt nhất để ngăn ngừa mắc bệnh sởi hoặc lây bệnh sang người khác. WHO cho biết vaccine này an toàn và giúp cơ thể chống lại virus.

Trước năm 1963, khi vaccine sởi chưa được triển khai, các dịch bệnh lớn xảy ra khoảng hai đến ba năm một lần và gây ra khoảng 2,6 triệu ca tử vong mỗi năm.

WHO cho biết: "Mặc dù đã có sẵn vaccine an toàn và tiết kiệm chi phí, nhưng vào năm 2021, ước tính có khoảng 128.000 ca tử vong do bệnh sởi trên toàn cầu, chủ yếu là ở trẻ em dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ".

Đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến việc tiêm phòng sởi, dẫn đến những thất bại trong nỗ lực giám sát và tiêm chủng, khiến hàng triệu trẻ em dễ bị tổn thương.

WHO cảnh báo hơn một nửa thế giới có nguy cơ bùng phát bệnh sởi vào cuối năm 2024-3
Tiêm vaccine là cách tốt nhất để ngăn ngừa mắc bệnh sởi

Cách ngăn ngừa bệnh sởi không lây lan trong gia đình

Để phòng ngừa bệnh sởi lây lan cần:

  • Đảm bảo rằng mọi người trong gia đình đều đã tiêm vaccine phòng sởi (MMR). Đây là cách tốt nhất để đảm bảo bệnh không lây lan. Trẻ em cần hai liều vaccine này.
  • Trong trường hợp bạn bị nhiễm trùng ngay cả sau khi tiêm vaccine, bạn nên tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan của bệnh.
  • Người mắc bệnh sởi phải cách ly cho đến khi hết triệu chứng.
  • Không đi đến những nơi đông người trong thời gian dịch bệnh bùng phát.
  • Hãy cảnh giác với các triệu chứng để có thể phát hiện sớm.
  • Không tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh.
  • Giữ vệ sinh đúng cách như rửa tay, khử trùng… Rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn cho trẻ, hướng dẫn trẻ tự thực hiện trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Tóm lại, tiêm vaccine là biện pháp phòng sởi an toàn nhất. Mũi đầu được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi 2 khi trẻ được 18 tháng. Tiêm phòng muộn không ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch. Trường hợp đã tiếp xúc với nguồn lây có thể dùng globulin miễn dịch có thể phòng ngừa hoặc làm giảm mức độ nặng của bệnh. Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng mà chưa bị mắc sởi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ. Đây cũng là cách để phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:bệnh sởisởi