Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Xử trí như thế nào khi mắc bệnh sởi? Giải đáp những thắc mắc về bệnh sởi cùng bác sĩ Nguyễn Văn My

Sởi là một loại bệnh truyền nhiễm đáng lo ngại, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh sởi có thể dẫn đến tử vong. Vậy nên, tìm hiểu những kiến thức liên quan về bệnh sởi là vô cùng cần thiết để phòng ngừa và nhận dạng bệnh kịp thời.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Văn My - hiện công tác tại trung tâm Tiêm chủng Long Châu. Bác sĩ Nguyễn Văn My đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò là Bác sĩ điều trị, đặc biệt là các bệnh liên quan đến chuyên ngành Truyền Nhiễm, Nhiệt đới. Hiện Bác sĩ Nguyễn Văn My đồng thời cũng là Nghiên Cứu Sinh chuyên ngành Y học Lâm sàng các Bệnh Nhiệt đới, tại Đại học Mahidol, Vương quốc Thái Lan.

1.png

Bệnh sởi là một loại bệnh truyền nhiễm rất hay lây và gây dịch. Bệnh do vi rút sởi (Polynosa morbillorum) gây nên, thường gặp ở trẻ em với đặc điểm lâm sàng là viêm long kết mạc mắt, niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa, sau đó phát ban đặc hiệu ngoài da. Sởi thường để lại nhiều biến chứng nặng ngoài da.

Tìm hiểu bệnh sởi

Tìm hiểu về triệu chứng của bệnh sởi là vô cùng quan trọng để nhận biết và điều trị kịp thời, đặc biệt trong bối cảnh bệnh dễ lây lan và có thể gây biến chứng nguy hiểm. Sởi không chỉ là một bệnh truyền nhiễm thông thường ở trẻ em mà còn có thể ảnh hưởng đến người lớn nếu chưa được tiêm phòng đầy đủ. Việc nhận biết sớm các triệu chứng của sởi giúp ngăn ngừa lây lan trong cộng đồng và giảm thiểu nguy cơ các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não và tử vong.

2.png

Thời kỳ nung bệnh:

Trung bình 10 - 12 ngày, có thể 7 - 20 ngày. Thời kỳ này hầu như yên lặng nhưng trong những trường hợp theo dõi được, người ta thấy trẻ có một số triệu chứng:

Sốt nhẹ 5 - 6 ngày sau khi bị lây rồi khỏi và 3 - 4 ngày sau mới thực sự bị sốt và viêm long mắt mũi.

Hoặc có rối loạn tiêu hóa nhẹ và nhất thời (đi lỏng, nôn trớ) và tăng bạch cầu trong máu.

Ở trẻ sơ sinh theo dõi thấy không lên cân hoặc sụt cân mặc dầu vẫn ăn uống và tiêu hóa như bình thường

Thời kỳ khởi phát (còn gọi là thời kỳ viêm long):

Tính từ lúc bắt đầu sốt cho đến lúc bắt đầu mọc sởi. Đây là thời kỳ hay lây nhất, kéo dài 4-5 ngày. Gồm có:

Sốt: Có thể sốt bất chợt tới 39 - 39.5 độ C, đổ mồ hôi kèm theo mệt mỏi, kém chơi, trẻ sơ sinh có thể bị co giật nhưng phần nhiều trẻ sốt nhẹ 37.5 - 38 độ C.

Viêm long: Là triệu chứng trung thành hầu như không bao giờ thiếu trong bệnh sởi.

  • Viêm long ở mắt gây chảy nước mắt, nhiều dử, kết mạc mắt đỏ. Bệnh nhân sợ ánh sáng. Mi mắt có thể bị sưng phù (dấu Brownlee), ngứa mắt.
  • Viêm long ở mũi gây hắt hơi, sổ mũi, ho, viêm long trong mũi làm cho lỗ mũi và môi trên đỏ lên, sổ mũi như nước rồi có mủ. Mũi sụt sịt, ngứa, nhức trán.
  • Viêm long đường tiêu hóa gây tiêu chảy phân lỏng, ít phân. Có thể có một dấu hiệu đặc biệt xuất hiện: Đó là những cơn thở rít do viêm thanh quản, nhiều khi là triệu chứng khởi đầu ở một trẻ vẫn chơi, chỉ hơi sổ mũi và bỗng ban đêm nổi cơn ho, vùng dậy mê hoảng, nghẹt thở, trông rất nguy kịch. Nhưng cơn ho đó lui dần rồi có thể về sáng lại lên cơn nữa và khi hết hẳn thì bắt đầu mọc sởi. Cần chú ý đến điểm này để khỏi mở khí quản vô ích với chẩn đoán nhầm là bạch hầu thanh quản (croup).
  • Có dấu hiệu của bệnh sởi trước khi phát ban, đó là dấu Koplik. Các nốt này xuất hiện trong miệng trên nền đỏ thẫm của niêm mạc má, môi, lợi như những chấm trắng, nhỏ 1mm, hơi nổi gợn lên. Có khi rất ít, tất cả 20 - 30 nốt, phải chú ý tìm ở quanh lỗ Stenon hoặc đối diện với răng hàm số 7. Các nốt này lặn hết sau 12 - 18 giờ, và biến mất 2 ngày trước khi mọc sởi.

Có thể khi thăm khám còn thấy viêm niêm mạc miệng, có thêm giả mạc mủn làm nhầm với bạch hầu.

Xử trí như thế nào khi mắc bệnh sởi? 1

Thời kỳ toàn phát (còn gọi là thời kỳ phát ban):

Ban xuất hiện đầu tiên ở sau tai, lan dần ra 2 bên má, cổ. Đó là những vết đỏ hồng hay đỏ tía, trong hay bầu dục, sờ vào hơi nổi và êm như sờ vào nhung, chung quanh màu da vẫn bình thường.

Sáng hôm sau ban mọc xuống mình, 2 cánh tay và đến ngày thứ 3 mọc đến bụng, đùi và chân. Hết ngày thứ 3, sởi đã mọc khắp người và dày nhất ở những nơi hay cọ sát hoặc phơi nắng và các nơi mọc đầu tiên tím nhạt dần, trông da trẻ vằn lên như da hổ trong 7 ngày. Đôi khi có cả ban xuất huyết có thể kèm theo xuất huyết ở mũi, miệng, ống tiêu hóa.

Khi bắt đầu phát ban, nhiệt độ tăng đột ngột, nhưng khi ban mọc đến chân thì nhiệt độ giảm. Vẫn còn triệu chứng viêm long làm đau mắt, sổ mũi ra mủ, viêm thanh quản và khí quản làm khi phổi thấy ran. Trẻ quấy khóc, kém ăn, khát nước, phân lỏng.

Ngoài ra còn có biểu hiện: Hạch cổ và hàm trên dưới sưng to, lách to, có thể đau bụng do phù nề niêm mạc ruột gây triệu chứng như viêm ruột thừa.

Thời kỳ hồi phục (thời kỳ sởi bay):

Xuất hiện ngay khi sởi đã mọc khắp người. Thông thường sởi bay theo trình tự xuất hiện, để lại những vết đen trên mặt da, gọi là vằn da hổ, có thể trắng như rắc phấn bên trên. Bệnh nhân ăn uống khá hơn, thời kỳ lại sức rất nhanh.

3.png

Sởi là bệnh truyền nhiễm có tính lây truyền cao nhất và tính miễn dịch quần thể trong nhân dân cần phải đạt tới > 94% mới có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng (Miễn dịch cộng đồng đạt trên 94%). Bệnh lây truyền bởi không khí bị nhiễm các hạt nước bọt có chứa virut, do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết mũi họng của bệnh nhân khi nói chuyện, hoặc khi hắt hơi, sổ mũi và đôi khi có thể lây bởi những đồ vật mới bị nhiễm bẩn các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Bệnh thường gặp vào mùa Đông - Xuân. Hiện nay nhờ có vắc xin sởi được tiêm phòng rộng rãi trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong đã giảm nhiều.

4.png

Trước đây khi chưa có vắc xin tiêm phòng rộng rãi thì bệnh sởi là bệnh rất phổ biến ở trẻ nhỏ, hơn 90% số người ở lứa tuổi 20 đã bị mắc bệnh sởi và rất ít người không bị mắc trong suốt cuộc đời. Bệnh có thể xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới. Sởi là bệnh lưu hành địa phương trong cộng đồng dân cư đô thị và khoảng từ 2 - 3 năm bệnh có thể xảy ra thành dịch. Tuổi dễ mắc bệnh nhất là 2 - 6 tuổi. Trẻ dưới 6 tháng ít mắc sởi do đã có kháng thể của mẹ truyền qua nhau thai. Bởi vậy, phụ nữ tiêm ngừa bệnh sởi nói riêng và các bệnh truyền nhiễm có thể ngừa bằng vắc xin sẽ giúp bảo vệ trẻ ngay từ khi sinh cho tới khi trẻ đủ tuổi để tiếp nhận vắc xin.

5.png

Hiện nay bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị nhằm giải quyết các triệu chứng bất lợi của bệnh để giúp bệnh nhân tự hồi phục lại dần.

Không cần thiết phải kiêng cữ thái quá mà ngược lại cần cho trẻ dùng những thức ăn nhiều chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa để tránh suy dinh dưỡng nặng, khó hồi phục và gây biến chứng dễ bội nhiễm. Đặc biệt lưu ý dùng thêm vitamin A tránh loét giác mạc. Đồng thời, vệ sinh răng miệng, da, mắt.

Dịch sởi

Điều trị triệu chứng:

  • Hạ nhiệt: nếu bệnh nhân sốt cao, đe dọa co giật có thể dùng những biện pháp vật lý để hạ nhiệt, cho uống nhiều nước.
  • Tránh dùng Aspirin có thể gây hội chứng Reyes.
  • Giảm ho.
  • Tránh dùng Corticoid dễ gây ban xuất huyết.
  • Không dùng kháng sinh bừa bãi nếu không có chỉ định.

Điều trị biến chứng:

  • Nếu có bội nhiễm phổi, viêm tai: Dùng kháng sinh thích hợp dựa vào lâm sàng, Xquang, kháng sinh đồ.
  • Viêm thanh quản: Cho thở oxy, dùng thuốc chống co thắt thanh quản, chống phù nề. Làm ẩm nhiệt độ phòng. Nếu nặng phải đặt nội khí quản hoặc mở khí quản.
  • Viêm não: Chống co giật bằng thuốc an thần, thở oxy khi có suy hô hấp, tránh loét, đặt sonde cho ăn đủ dinh dưỡng.
  • Theo dõi tình trạng nhiễm lao bằng Xquang phổi, làm phản ứng Mantoux 6 tháng 1 lần sau khi khỏi bệnh.
Điều trị bệnh sởi hiệu quả
6.png

Phòng ngừa bệnh sởi là một bước quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Dưới đây là những biện pháp giúp bạn phòng ngừa sởi hiệu quả:

Phòng ngừa đặc hiệu:

Tạo miễn dịch chủ động:

  • Tiêm phòng vắc xin Sởi đơn, Sởi - Rubella: Nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm miễn phí cho trẻ em.
  • Tiêm phòng kết hợp Sởi - Quai Bị - Rubella: Vắc xin phối hợp bao gồm các chế phẩm MMR II (Hãng MSD - Hoa Kỳ), MMR (Ấn độ), Priorix (Hãng GSK - Bỉ) nằm trong chương trình tiêm chủng Dịch vụ.

Tạo miễn dịch thụ động:

  • Dùng γ globulin trong thời kỳ ủ bệnh: Trẻ nhỏ dùng 0.05 ml/kg trong 5 ngày sau khi tiếp xúc có thể ngăn bệnh phát ra hoặc làm giảm độ nặng của bệnh, nhất là trên những trẻ sẵn có bệnh mạn tính.
  • Trẻ > 15 tuổi và người lớn: 0.075 ml/kg.

Phòng ngừa không đặc hiệu:

  • Thực hiện đeo khẩu trang đúng cách.
  • Sử dụng các dung dịch sát khuẩn thông thường như Cloramin B, Nước Javen,...
  • Tăng cường dinh dưỡng để phòng suy dinh dưỡng. Đặc biệt, dùng thêm vitamin A để tránh loét giác mạc, mù mắt.
  • Vệ sinh răng miệng, da, mắt.
7.png

Theo các dữ liệu từ nghiên cứu khoa học, và thông tin từ trung tâm kiểm soát bệnh tật của Hoa kỳ (US -CDC), các vắc xin đa giá Sởi - Quai Bị - Rubella được sử dụng tại Mỹ, có hiệu quả phòng bệnh tới 97% sau 2 liều tiêm. Trên thực tế, nếu đã tiêm đủ 2 liều thì trong tình huống xấu nhất là nhiễm và mắc bệnh, thì người bệnh ở mức độ rất nhẹ và không xuất hiện các biến chứng nặng của bệnh Sởi.

Cần phải tiêm bao nhiêu liều vắc xin sởi?

Theo quy định của Bộ Y tế, lịch tiêm vắc xin Sởi là bắt buộc:

Lịch tiêm chủng mở rộng:

  • Tiêm mũi Sởi đơn khi trẻ được 9 tháng tuổi
  • Tiêm mũi nhắc Sởi - Rubella khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.

Lịch tiêm chủng dịch vụ: Tùy theo từng vắc xin mà có chỉ định khác nhau:

Priorix (Bỉ):

  • Trẻ từ 9 tháng tuổi đến trước 7 tuổi. Tiêm mũi 1.
  • Khi trẻ đủ 9 tháng tuổi. Mũi tiếp sau ít nhất 3 tháng.
  • Trẻ từ 7 tuổi: Tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất là 1 tháng.

MMR II (Mỹ)

  • Trẻ từ 12 tháng tuổi đến trước 7 tuổi.
  • Tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 3 tháng.
  • Trẻ từ 7 tuổi: Tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng.

MMR (Ấn độ):

  • Trẻ từ 12 tháng tuổi đến dưới 7 tuổi.
  • Tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 03 tháng.
  • Trẻ từ 7 tuổi đến 10 tuổi: Tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 01 tháng.
Tiêm vắc xin sởi

Những đối tượng nào không nên tiêm vắc xin sởi?

Những người có vấn đề sức khỏe như dưới đây thì không tiêm vắc xin Sởi (Chống chỉ định)

  • Quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong Vắc xin.
  • Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
  • Lao hoạt động chưa điều trị.
  • Ung thư máu, ung thư hạch, loạn tạo máu ảnh hưởng tuỷ xương và hệ bạch huyết.
  • Suy giảm miễn dịch mắc phải, tiên phát. Tiền sử gia đình suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay di truyền.
  • Bệnh lý nhiễm trùng cấp tính, bệnh đường hô hấp. (Vắc xin MMR của Ấn Độ).
  • Tổn thương chức năng thận, bệnh tim mất bù (Vắc xin MMR của Ấn Độ).
  • Người có tiền sử quá mẫn sau khi ăn trứng gà (Vắc xin MMR của Ấn Độ).

Bác sĩ Nguyễn Văn My

Có thể bạn quan tâm

Nguồn tham khảo