Long Châu

Lá neem (Azadirachta indica leaf): Loại xoan Ấn Độ có nhiều công dụng chữa bệnh

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Lá neem có tên khoa học là Azadirachta indica A. Juss. thuộc họ Xoan (Meliaceae), có nguồn gốc từ Ấn Độ và được nhập tịch vào Việt Nam vào năm 1981. Lá neem có các thành phần hoá học chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học như alkaloid, lavonoid, triterpenoid, hợp chất phenolic, carotenoid, steroid và keton,… Trong dân gian, lá neem được sử dụng để điều trị các bệnh như đái tháo đường, sốt rét, rắn cắn, viêm họng và tiêu chảy.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Lá neem.

Tên khác: Sầu đâu, xoan sầu đâu, xoan trắng, xoan ăn gỏi, cây nim, xuyên luyện, đốc hiên, khổ luyện (Trung Quốc), sđâu (Campuchia), Neem tree, margosa tree, indian lilac (Anh), latier blanc (Pháp).

Tên khoa học: Azadirachta indica A. Juss., Melia azadirachta L.. Thuộc họ Xoan (Meliaceae).

Lá neem: Loại xoan Ấn Độ có nhiều công dụng chữa bệnh 1.png
Cây neem trong tự nhiên

Đặc điểm tự nhiên

Lá neem là cây thân gỗ cao 40 - 50 feet trở lên, thân thẳng, cành dài xòe tạo thành tán tròn rộng. Cây neem có vỏ thô màu nâu sẫm, các vết nứt dọc được ngăn cách bởi các đường gờ phẳng. Lá neem là lá kép, hình lông chim lẻ, không có lông, mọc so le, mỗi lá có 5 - 15 lá chét, hình mác, dài khoảng 6 đến 8cm, rộng từ 2 đến 3cm, phiến lệch, nhẵn, đầu nhọn, mép khía răng (lá non có mép nguyên). 

Cây neem có cụm hoa mọc chủ yếu ở nách lá, ngắn hơn lá, gồm nhiều hoa xếp thành những xim nhỏ, cuống có lông, lá bắc ngắn, rụng sớm. Cánh hoa hình trứng màu trắng có mùi thơm ngọt ngào. Quả hạch, màu vàng, hình elip và nhẵn, dài khoảng 12 - 20mm. Quả có màu xanh, khi chín chuyển sang màu vàng, có mùi thơm như mùi tỏi.

Hoa nở vào tháng 3 đến tháng 4.

Quả chín từ tháng 4 đến tháng 8 tùy theo địa phương.

Lá neem: Loại xoan Ấn Độ có nhiều công dụng chữa bệnh 2.png
Lá neem và quả neem

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố

Cây neem có nguồn gốc từ phía đông Ấn Độ và Miến Điện, nó phát triển ở phần lớn Đông Nam Á và Tây Phi, và gần đây là vùng Caribe, Nam và Trung Mỹ. Ở Ấn Độ mọc tự nhiên ở đồi Siwalik, rừng khô Andhra Pradesh, Tamil Nadu và Karnataka ở độ cao khoảng 700m. Cây neem được trồng và thường xuyên nhập tịch ở khắp các vùng khô hơn ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Thái Lan và Indonesia. Nó cũng được trồng và thường được nhập tịch ở Bán đảo Malaysia, Singapore, Philippines, Úc, Ả Rập Saudi, Châu Phi nhiệt đới, Caribe, Trung và Nam Mỹ.

Năm 1981, một số hạt giống của cây neem được đưa về trồng thử nghiệm ở khuôn viên Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ninh Thuận. Sau nhiều năm, cây đã cho hạt giống để nhân trồng tiếp và đến năm 1998, hàng loạt cây con chính thức được đem trồng trên một vùng cát khô cằn thuộc xã Phước Sinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. 

Cây neem là cây đặc biệt ưa sáng, sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm, mặc dù lượng mưa ở vùng Ninh Phước được coi là thấp nhất Việt Nam. Cây trồng thích nghi cao với thời tiết nắng nóng có gió cát thường xuyên của vùng bán hoang mạc.

Thu hái và chế biến

Khi lấy vỏ thân làm thuốc nên chọn những cây đã đến tuổi khai thác gỗ (6 đến 7 năm tuổi), chặt cả cây cạo bỏ vỏ đen ở ngoài rồi bóc lấy lớp vỏ lụa trắng của thân và cành to. Rễ cũng bóc lấy vỏ.

Vỏ thu được đem phơi hay sấy khô, khi dùng sao cho hơi vàng, hết mùi hăng là được.

Bộ phận sử dụng

Tất cả các bộ phận của cây neem đều được sử dụng làm thuốc trong nhiều thế kỷ. Nó đã được sử dụng trong y học Ayurvedic trong hơn 4000 năm do đặc tính chữa bệnh của nó. Các tác phẩm y học bằng tiếng Phạn sớm nhất đề cập đến lợi ích của trái cây, hạt, dầu, lá, rễ và vỏ cây neem. Mỗi loại đã được sử dụng trong y học Ayurvedic và Unani của Ấn Độ và hiện đang được sử dụng trong ngành dược phẩm và mỹ phẩm.

Thành phần hoá học

Các thành phần hoá học được phân lập từ các bộ phận khác nhau của cây neem bao gồm: Azadirachtin, meliacin, gedunin, nimbidin, nimbolides, salanin, nimbin, valassin, meliacin tạo thành vị đắng của dầu neem, hạt cũng chứa axit tignic chịu trách nhiệm tạo ra mùi đặc biệt của dầu. 

Hạt neem chứa 30 - 50% lượng dầu chủ yếu được sử dụng trong ngành công nghiệp xà phòng, thuốc trừ sâu và dược phẩm và chứa nhiều hoạt chất được gọi chung là triterpene hoặc limnoids. Bốn hợp chất limnoid tốt nhất là: Azadirachtin, salannin, meliantriol và nimbin. Limonoid có hoạt tính diệt côn trùng.

Lá neem: Loại xoan Ấn Độ có nhiều công dụng chữa bệnh 3.png
Cây neem chứa nhiều thành phần hoá học có công dụng chữa bệnh

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo Đông y, vỏ cây neem có vị đắng, tính lạnh, có độc. Có tác dụng tẩy giun (giun đũa, giun kim, giun chỉ).

Cây neem chỉ được dùng trong một số trường hợp cá biệt để làm thuốc theo kinh nghiệm dân gian ở Việt Nam. Lá neem phơi trong râm để trong sách có tác dụng chống nhậy. Lá neem còn được dùng trị đái tháo đường, sốt rét, rắn cắn, nhọt, loét và eczema,…

Lá neem: Loại xoan Ấn Độ có nhiều công dụng chữa bệnh 4.png
Theo Y học cổ truyền lá neem có tác dụng tẩy giun

Theo y học hiện đại

Diệt côn trùng

Chất chiết xuất từ nước của bốn loài thực vật đã được thử nghiệm về đặc tính diệt ấu trùng. Các ấu trùng được nuôi trong phòng thí nghiệm đã tiếp xúc với nồng độ 1, 2, 3, 4 và 5 ppm của chất chiết xuất từ cây neem và ba loại cây khác tương ứng trong phòng thí nghiệm nghiên cứu Động vật học của một trường đại học tại Ấn Độ. Kết quả cho thấy chiết xuất từ cây neem gây tỷ lệ chết ấu trùng là 70 - 99%. Các chất chiết xuất từ cây neem được cho là có hiệu quả đáng kể trong việc kiểm soát ấu trùng Culex.

Kháng khuẩn

Các chất chiết xuất từ ete dầu mỏ, methanol và nước của lá neem Azadirachta indica (Meliaceae), củ của Allium cepa (Liliaceae) và chiết xuất methanol của gel lô hội (Liliaceae) đã được kiểm tra hoạt tính kháng khuẩn của chúng bằng cách sử dụng phương pháp khuếch tán thạch đĩa. 

Chúng đã được thử nghiệm chống lại sáu loại vi khuẩn, hai vi khuẩn Gram dương (Bacillus subtilis và Staphylococcus Aureus) và bốn vi khuẩn Gram âm (Escherichia coli, Proteus Vulgaris, Pseudomonas aeruginosaSalmonella typhi). Độ nhạy của vi sinh vật với chiết xuất của những cây này được so sánh với nhau và với các loại kháng sinh được chọn. Chiết xuất methanol của lá neem thể hiện hoạt tính rõ rệt chống lại Bacillus subtilis.

Hạ đường huyết

Tác dụng hạ đường huyết của cây neem đã được kiểm tra trên chuột mắc bệnh đái tháo đường. Sau khi điều trị trong 24 giờ, cây neem 250mg/kg (nghiên cứu liều duy nhất) làm giảm glucose (18%), cholesterol (15%), triglycerid (32%), urê (13%), creatinin (23%) và lipid (15%). Nghiên cứu nhiều liều trong 15 ngày cũng làm giảm creatinin, urê, lipid, triglycerid và glucose. 

Trong thử nghiệm dung nạp glucose ở chuột mắc bệnh đái tháo đường với chiết xuất từ cây neem 250mg/kg cho thấy mức glucose thấp hơn đáng kể so với nhóm chứng. Cây neem làm giảm đáng kể nồng độ glucose vào ngày thứ 15 ở chuột mắc bệnh đái tháo đường.

Lá neem: Loại xoan Ấn Độ có nhiều công dụng chữa bệnh 5.png
Lá neem có tác dụng hạ đường huyết

Chống oxy hoá

Chiết xuất từ hoa và lá non của cây neem có khả năng chống oxy hóa mạnh. Chỉ số về stress oxy hóa, malondialdehyd (MDA), đã giảm lần lượt là 46.0% và 50.6% đối với chiết xuất từ hoa và lá tương ứng, các nhà nghiên cứu đưa ra khuyến nghị sử dụng lá neem như một loại thuốc bổ để tăng cường sức khỏe.

Rối loạn về da

Neem có thể điều trị nhiều chứng rối loạn về da, bao gồm ghẻ và chấy rận; trong hỗn hợp bột nhão với Curcuma longa (nghệ) đã được sử dụng để điều trị bệnh ghẻ ở 814 người, 97% trong số họ đã khỏi bệnh trong vòng 3 đến 15 ngày kể từ ngày sử dụng và không có phản ứng bất lợi nào được quan sát.

Tăng cường miễn dịch ở người bệnh HIV/AIDS

Ở người bệnh HIV/AIDS, uống chiết xuất axeton của lá neem trong 12 tuần có ảnh hưởng đáng kể in vivo lên tế bào CD4 (mà HIV làm giảm) mà không có bất kỳ tác dụng phụ nào ở người bệnh. Trong số 60 người bệnh đã hoàn thành điều trị, 50 người bệnh hoàn toàn tuân thủ các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. 

Mức tế bào CD4 trung bình tăng 159% ở 50 người bệnh, đây là mức tăng lớn; số lượng các bệnh lý liên quan đến HIV/AIDS giảm từ 120 ban đầu xuống còn 5; và sự gia tăng đáng kể đã xảy ra ở trọng lượng cơ thể (12%), nồng độ huyết sắc tố (24%) và số lượng tế bào lympho (24%).

Lá neem: Loại xoan Ấn Độ có nhiều công dụng chữa bệnh 6.png
Lá neem có ảnh hưởng tích cực đến tế bào CD4 ở người bệnh HIV/AIDS

Chống khối u

Tác dụng chống khối u: Một nghiên cứu về cây neem đã cho thấy khả năng ngăn ngừa ung thư bằng cách làm giảm khả năng gây ung thư gan do các chất gây ung thư diethyl Nitrosamine (DEN)/2 Acetylaminofluorene (AAF) trên chuột Spraque-Dawly.

Liều dùng & cách dùng

Liều dùng là 4 - 8g sắc uống.

Lá neem dùng ngoài chữa eczema (giã đắp, rửa, tắm ghẻ lở). Lá neem ép vào sách vở, phòng trừ con ba đuôi, để vào tủ quần áo, phòng trừ các côn trùng khác.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa đái tháo đường

Lá neem non nghiền nát với hạt tiêu và gừng với tỷ lệ bằng nhau, trộn kỹ và làm thành viên nhỏ bằng hạt đậu, ngày uống 2 lần, mỗi lần một viên.

Trị sốt rét

Lá neem khô, tán bột, sử dụng 5g/lần, ngày 2 lần, uống trong 3 ngày cùng với mật ong.

Lá neem: Loại xoan Ấn Độ có nhiều công dụng chữa bệnh 7.png
Lá neem được dùng trị sốt rét trong dân gian

Chữa rắn cắn

Lá neem tươi, đem nhai đắp vào chỗ rắn cắn.

Trị viêm họng, làm long đờm

Ở Nepal, người dân dùng nước sắc từ hỗn hợp 5g lá neem, 1g thân rễ thuỷ xương bồ và ít muối uống lúc nóng, 2 lần trong ngày. Dùng 2 - 4 ngày.

Trị tiêu chảy và lỵ

Dùng 5 - 7g lá neem sắc với 1 lít nước còn 200ml, uống lúc nóng với mật ong, chia làm 2 lần trong ngày. Dùng 2 - 3 ngày.

Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng lá neem:

  • Dùng lá neem quá liều có thể váng đầu, nôn mửa, đau bụng, mặt đỏ, tê bại chân tay.
  • Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng lá neem để làm thuốc chữa bệnh.
Nguồn tham khảo
  1. Hashmat I, Azad H, Ahmed A. Neem (Azadirachta indica A. Juss)-A nature’s drugstore: an overview. Int Res J Biol Sci. 2012;1(6):76-9.
  2. Uchegbu M, Okoli I, Esonu B, et al. The grovving importance of neem (Azadirachta indica A. Juss) in agriculture, industry, medicine and Eenvironment: A review. Research Journal of Medicinal Plant. 2011;5(3):230-245.
  3. Đỗ Huy Bích; Đặng Quang Chung. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập II. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội; 2006.
  4. Đỗ Tất Lợi. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học. Hà Nội; 2006.
  5. Phạm Diệp; Lê Văn Thuần. Cây thuốc bài thuốc và biệt dược. Nhà xuất bản Y học. Thành phố Hồ Chí Minh; 2000.