Long Châu

Nhiễm giun đũa và những điều cần biết

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm giun đũa rất cao, đứng hàng đầu trong các bệnh giun đường ruột. Triệu chứng nhiễm giun đũa không rõ ràng và đa dạng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, hãy cùng Long Châu theo dõi bài viết sau để hiểu rõ và nắm chắc kiến thức liên quan về bệnh giun đũa để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhiễm giun đũa là gì?

Nhiễm giun đũa (bệnh giun đũa) là bệnh nhiễm trùng do giun đũa gây ra.

Giun đũa có màu trắng ngà hay hồng nhạt. Thân dài đầu và đuôi có hình chóp nón. Miệng có 3 môi hình bầu dục, xếp cân đối gồm 2 môi bụng và 1 môi lưng. Bờ môi có răng và các gai cảm giác.

Kích thước giun đũa khá to, giun đực: 15 – 31 cm x 2 – 4 mm, đuôi cong lại về phía bụng, ở cuối đuôi có 2 gai giao hợp. Giun cái: 20 – 35 cm x 3 – 6 mm, đuôi thẳng hình nón, có 2 gai nhú sau hậu môn. Trứng thụ tinh có hình bầu dục hoặc đôi khi hơi tròn, cân đối, kích thước 45 – 70 µm x 35 – 50 µm.

Tại Việt Nam, nhiễm giun đũa là một bệnh xã hội nghiêm trọng. Với tỷ lệ nhiễm cao (85 – 95%), tác hại của chúng đã ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng lao động của hàng chục triệu người cũng như sự phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ em.

Tỷ lệ nhiễm giun đũa rất cao, đứng hàng đầu trong các bệnh giun đường ruột. Nhìn chung ở nước ta, tỷ lệ nhiễm phân bố không đều, vùng đồng bằng tỷ lệ nhiễm cao hơn miền núi, tỷ lệ nhiễm ở miền Bắc cao hơn ở miền Nam.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm giun đũa

Đa số trường hợp nhiễm giun đũa nhẹ thường không có triệu chứng, nhưng đôi khi nhiễm duy nhất 1 con giun đũa cũng có thể dẫn đến áp xe gan hay tắt ống dẫn mật.

Thời kỳ ủ bệnh: Từ lúc trứng được nuốt vào cơ thể đến khi trứng bắt đầu xuất hiện trong phân khoảng 60 – 70 ngày. Do sự di chuyển của ấu trùng dẫn đến xuất hiện triệu chứng ở phổi khoảng 4 – 16 sau khi bị nhiễm.

Giai đoạn ấu trùng:

  • Trong quá trình di chuyển, ấu trùng gây viêm phổi vào khoảng ngày 4 – 16 sau khi bị nhiễm, triệu chứng: Sốt, ho khan, ho có đờm, thâm nhiễm ở phổi. Bạch cầu ái toan tăng cao và có thể tìm thấy ấu trùng trong đờm hoặc dịch tá tràng.

  • Ngoài ra, ấu trùng có thể gây triệu chứng: Rối loạn thần kinh (co giật, kích thích màng não, động kinh,...), phù mí mắt, mất ngủ,…

Giai đoạn giun đũa trưởng thành:

  • Rối loạn tiêu hóa: Đầy bụng, khó tiêu, đau vùng bụng trên, quanh rốn, giảm ngon miệng, chán ăn, không biết đói. Các triệu chứng viêm ruột mạn tính: Táo bón, tiêu chảy xen kẽ bất thường và kéo dài. Mức độ rối loạn tiêu hóa tùy thuộc vào số lượng giun sinh sống trong ruột.

  • Dị ứng: Đôi khi xuất hiện các nốt ban ngứa ngoài da.

  • Giun đũa chui vào ống mật, túi mật gây ra những bệnh lý ở gan, mật rất nguy hiểm: Tắc nghẽn đường mật, sỏi mật, áp xe gan với các triệu chứng: Đau quặn vùng bụng trên, bên phải, sốt cao, vàng da, vàng mắt.

  • Giun đũa có thể gây lồng ruột, thủng ruột, viêm ruột thừa hoặc tắc ruột.

  • Chiếm chất dinh dưỡng: Cơ thể dần suy yếu, suy giảm sức đề kháng, tình trạng suy dinh dưỡng tiến triển âm thầm làm giảm khả năng phát triển thể lực và trí lực của trẻ em.

Tác động của nhiễm giun đũa đối với sức khỏe

  • Lấy chất dinh dưỡng: Nhiễm giun đũa góp phần làm suy giảm protein vitamin A, vitamin C.

  • Miễn dịch bệnh lý: Nhiều người bị nhiễm giun đũa cực kỳ nhạy cảm với kháng nguyên của giun đũa khi tiếp xúc, gây viêm kết mạc, nổi mề đay và lên cơn hen. Da của những người này cũng rất nhạy cảm với kháng nguyên của giun đũa ở liều thấp và phản ứng phản vệ xảy ra tức thời: Nổi mẩn đỏ, ngứa,…

  • Sự di chuyển của giun trưởng thành ở những người nhạy cảm có thể làm hậu môn ngứa dữ dội, nôn ói ra giun và phù nề thành hậu môn.

Biến chứng có thể gặp khi nhiễm giun đũa

Trường hợp nhiễm giun đũa nhẹ thường không gây ra biến chứng. Nhưng nếu nhiễm giun đũa nặng, biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra:

  • Suy dinh dưỡng chậm lớn và suy giảm phát triển nhận thức ở trẻ em.

  • Tắc ruột: Giun trưởng thành có thể làm tắc lòng ruột, dẫn đến tắc ruột cấp tính. Các biến chứng khác liên quan đến tắc ruột: Lồng ruột, hoại thư và thủng ruột.

  • Bệnh lý liên quan đến gan mật và tuyến tụy: Giun đũa trưởng thành di chuyển vào đường mật có thể gây đau quặn mật, tắc mật, viêm túi mật, viêm đường mật, vàng da, áp xe gan và thủng ống mật,…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm giun đũa

Nguyên nhân gây bệnh giun đũa là do Ascaris lumbricoides ký sinh trong cơ thể người gây nên.

Chu kỳ phát triển của giun đũa Ascaris lumbricoides:

  • Giun đũa trưởng thành ký sinh ở ruột non của người, mỗi con giun đũa cái có thể đẻ 240.000 trứng/ngày.
  • Trứng thụ tinh và trứng không thụ tinh được bài xuất theo phân ra ngoài.
  • Trứng thụ tinh có phôi và phát triển thành trứng có ấu trùng (trứng giai đoạn nhiễm) sau 18 ngày đến vài tuần tùy theo điều kiện môi trường(điều kiện thuận lợi: Ẩm ướt, ấm áp, bóng râm).
  • Người nuốt phải trứng giai đoạn nhiễm qua thức ăn, nước uống.
  • Ấu trùng ra khỏi vỏ trứng.
  • Ấu trùng chui qua thành ruột theo tĩnh mạch cửa và hệ thống tuần hoàn đến phổi. Ấu trùng phát triển ở phổi (10 – 14 ngày), chui qua thành phế nang, lên phế quản đến hầu.
  • Ấu trùng theo thực quản xuống ruột non và sau đó phát triển thành giun trưởng thành.

Từ khi nuốt phải trứng giai đoạn nhiễm đến khi thành giun cái trưởng thành và đẻ trứng khoảng 2 – 3 tháng. Giun trưởng thành có thể sống 1 – 2 năm.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải nhiễm giun đũa

Nhiễm giun đũa có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào, đặc biệt những người dân sống ở khu vực nhiệt đới, có lượng mưa lớn. Tuy nhiên, dựa vào con đường và chu kỳ lây nhiễm bệnh, những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao:

  • Người sống ở những khu vực nghèo, lạc hậu.

  • Người sống ở vùng nông thôn, miền núi.

  • Người làm nông nghiệp, chăn nuôi trồng trọt.

  • Trẻ em, nhất là trẻ sống ở khu vực kém phát triển.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nhiễm giun đũa

Có rất nhiều yếu tố có thể tăng nguy cơ nhiễm giun đũa, như:

  • Khí hậu nóng ẩm của Việt Nam là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của giun đũa.

  • Thói quen sinh sống của những người dân cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiễm giun đũa tỷ lệ cao: Đi chân đất, không vệ sinh tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc môi trường bẩn, sau khi đi vệ sinh,…

  • Trẻ em có nguy cơ nhiễm giun đũa cao hơn người lớn.

  • Tập quán ăn rau sống, sử dụng phân tươi chăm bón cho cây trồng và rau củ, ao cá dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm giun đũa.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm giun đũa

Chẩn đoán lâm sàng: Không có ý nghĩa chẩn đoán xác định vì triệu chứng không điển hình.

Chẩn đoán cận lâm sàng:

  • Chẩn đoán được xác định khi tìm thấy giun hoặc trứng thông qua soi phân qua kính hiển vi, phương pháp Willis, phương pháp Kato, phương pháp Kato – Katz,…

  • Siêu âm: Phát hiện giun chui ống mật.

  • Chụp X–Quang: Phát hiện tắt ruột.

  • Miễn dịch học: Phản ứng miễn dịch huỳnh quang gián tiếp.

  • Dịch tễ học.

Phương pháp điều trị nhiễm giun đũa hiệu quả

Nguyên tắc điều trị:

  • Chọn thuốc phổ rộng, tác dụng với nhiều loại giun và dùng 1 liều duy nhất có hiệu quả cao.

  • Thuốc rẻ tiền, sẵn có trên thị trường.

  • Thuốc ít độc, dễ uống.

Phương pháp điều trị:

  • Điều trị cá thể: Cá nhân hoặc gia đình tự mua thuốc uống hoặc đến cơ sở y tế điều trị.

  • Điều trị chọn lọc: Điều trị cho nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm nặng.

  • Điều trị toàn dân: Định kỳ 4 – 6 tháng/ lần/ nhiều năm liên tục.

Thuốc điều trị:

  • Nhóm Benzimidazol: Mebendazol, albendazol.

  • Nhóm Pyrimidin: Pyrantel pamoat, oxantel.

Phác đồ điều trị:

Nhiễm giun đũa đơn thuần:

  • Albendazol 400 mg, liều duy nhất.
  • Mebendazol 500 mg, liều duy nhất.
  • Pyrantel pamoat 10 mg/kg cân nặng.

Nhiễm giun đũa phối hợp giun móc:

  • Albendazol 400 mg, liều duy nhất hoặc 400 mg/ngày x 3 ngày.
  • Mebendazol 500 mg, liều duy nhất hoặc 500 mg/ngày x 3 ngày.
  • Pyrantel pamoat 10 mg/kg cân nặng hoặc 10 mg/kg/ngày x 3 ngày.

Nhiễm giun đũa phối hợp giun tóc và giun móc:

  • Albendazol 400 mg, liều duy nhất hoặc 400 mg/ngày x 3 ngày.
  • Mebendazol 500 mg, liều duy nhất hoặc 500 mg/ngày x 3 ngày.

Chống chỉ định: Phụ nữ có thai 3 tháng đầu, người đang bị bệnh cấp tính, người có tiền sử mẫn cảm với thuốc hoặc suy gan, suy thận (sử dụng thuốc sự hướng dẫn của bác sĩ).

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của nhiễm giun đũa

Thói quen sinh hoạt:

  • Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc không có trong đơn thuốc của bác sĩ.

  • Lắng nghe và làm theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những bất thường xuất hiện trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi diễn tiến của bệnh và tình trạng sức khỏe.

  • Vệ sinh cá nhân, môi trường sạch sẽ và thường xuyên.

  • Thể dục thể thao nâng cao sức khỏe.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng, thức ăn được nấu chín, nước uống đun sôi để nguội.

Phương pháp phòng ngừa nhiễm giun đũa

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tẩy giun định kỳ.

  • Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sạch sẽ, thường xuyên, xây dựng nhà vệ sinh hợp vệ sinh.

  • Giáo dục trẻ em về tầm quan trọng của việc rửa tay, sử dụng phương tiện bảo hộ và thói quen tốt để nâng cao sức khỏe.

  • Rửa tay bằng xà phòng trước trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc môi trường hoặc vật dụng bẩn.

  • Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng, thức ăn được nấu chín, nước uống đun sôi để nguội.

  • Tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trên các phương tiện truyền thông, giáo dục sức khỏe.

  • Khi có dấu hiệu bị nhiễm giun, cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra.

Nguồn tham khảo
  1. PGS. TS Nguyễn Văn Đề (2013), Ký sinh trùng trong lâm sàng, Đại học Y Hà Nội, Nhà xuất bản Y học Hà Nội.

  2. Bộ môn Ký sinh – Vi nấm học (2013), Ký sinh trùng Y học, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.

  3. https://www.msdmanuals.com/professional/infectious-diseases/nematodes-roundworms/ascariasis

  4. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ascariasis/symptoms-causes/syc-20369593

  5. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ascariasis/diagnosis-treatment/drc-20369597

Các bệnh liên quan

  1. Áp xe vú

  2. Sốt vàng

  3. Uốn ván

  4. Viêm màng não do virus

  5. Bệnh do vi-rút Zika

  6. Nhiễm giun tóc

  7. Giun xoắn

  8. Bệnh dại

  9. Nhiễm sán máng

  10. Nhiễm Clostridium botulinum