Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Ung thư/
  4. Ung thư gan

Ung thư gan: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Dược sĩ Đại học Ngô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin

Bệnh ung thư gan, hay hepatocellular carcinoma, là loại ung thư bắt đầu từ các tế bào gan (hepatocytes). Đây là dạng ung thư gan phổ biến nhất, thường do nhiễm viêm gan B hoặc C, lạm dụng rượu bia, hoặc bệnh gan nhiễm mỡ. Triệu chứng gồm đau bụng, sụt cân, và vàng da. Hiện này, ung thư gan đang có xu hướng trẻ hóa. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ gây nguy hiểm tới tính mạng của bệnh nhân.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung ung thư gan

Ung thư gan là sự tăng trưởng bất thường của các tế bào trong gan. Ung thư gan nguyên phát bắt nguồn từ các tế bào gan, còn ung thư gan thứ phát (di căn) là khi ung thư từ cơ quan khác lan đến gan.

Triệu chứng ung thư gan

Những triệu chứng của ung thư gan

Ở giai đoạn đầu của ung thư gan thường không có biểu hiệu gì. Các triệu chứng thường rõ ràng hơn ở giai đoạn muộn. Một số dấu hiệu của ung thư gan mà bạn có thể gặp là:

Các triệu chứng của ung thư gan bao gồm:

  • Đau và khó chịu vùng bụng trên;
  • Chướng bụng;
  • Buồn nôn và nôn mửa;
  • Giảm cảm giác thèm ăn;
  • Cảm giác bụng no nhanh khi ăn;
  • Mệt mỏi, suy nhược cơ thể;
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân;
  • Vàng da và vàng mắt;
  • Phân nhạt màu và nước tiểu sẫm màu;
  • Sốt.

Các giai đoạn của ung thư gan

Ung thư gan có 4 giai đoạn:

Giai đoạn I

  • Có một khối u đơn độc nằm trong gan. Khối u chưa xâm lấn tới mạch máu, hạch bạch huyết hay vùng lân cận.

Giai đoạn II

  • Khối u đơn độc đã xâm lấn tới mạch máu nhưng chưa lan tới hạch bạch huyết hoặc vùng lân cận. Hoặc xuất hiện nhiều khối u trong gan nhưng có kích thước nhỏ hơn 5cm.

Giai đoạn III (Gồm 3 giai đoạn nhỏ)

  • Giai đoạn IIIA: Có nhiều khối u xuất hiện trong gan, trong đó có ít nhất một khối u có kích thước lớn hơn 5cm. Những khối u này chưa lây lan tới hạch bạch huyết hay vùng lân cận.
  • Giai đoạn IIIB: Có ít nhất một khối u đã xâm lấn tới mạch máu chính trong gan (tĩnh mạch gan hoặc tĩnh mạch cửa). Những khối u này vẫn chưa xâm lấn tới hạch bạch huyết hay vùng lân cận.
  • Giai đoạn IIIC: Có ít nhất một khối u đã lây lan tới vùng lân cận (ngoài túi mật ra). Nhưng chưa xâm lấn tới hạch bạch huyết hoặc cơ quan ở xa.

Giai đoạn IV (Gồm 2 giai đoạn nhỏ)

  • Giai đoạn IVA: Khối u đã xâm lấn vào hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa di căn tới các cơ quan ở xa.
  • Giai đoạn IVB: Khối u đã di căn tới những cơ quan ở xa như phổi, não hay xương.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh ung thư gan

Các biến chứng chính bao gồm:

  • Suy gan: Do tổn thương tế bào gan dẫn đến suy giảm chức năng gan.
  • Suy thận: Khi chức năng gan kém, thận phải làm việc nặng nhọc hơn để lọc độc tố, có thể dẫn đến suy thận.
  • Di căn: Tế bào ung thư gan có thể lan sang các cơ quan khác dẫn đến ung thư gan di căn và u gan ác tính, làm tăng độ phức tạp của bệnh và khó điều trị hơn

Ngoài ra khi bị bị ung thư gan, bạn có thể sẽ gặp một vài biến chứng khác như:

  • Thiếu máu: Đây là biến chứng phổ biến của ung thư gan. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm cho bệnh nhân thấy mệt mỏi, nhịp tim nhanh, khó thở, da xanh xao và choáng váng.
  • Chảy máu: Gan có vai trò sản sinh ra một số protein giúp đông máu. Khi gan bị tổn thương, những protein này được sản xuất với số lượng rất ít, làm cho tình trạng xuất huyết xảy ra.
  • Tắc nghẽn ống dẫn mật: Gan có vai trò tiết ra dịch mật sau đó dịch mật được chuyển về túi mật và tới ruột non qua ống dẫn mật. Nếu các khối u của gan nằm gần ống dẫn mật hoặc phát triển trong ống dẫn mật sẽ dẫn tới tắc nghẽn ống dẫn mật.
  • Giãn tĩnh mạch: Khi gan có một khối u sẽ làm cho máu khó lưu thông từ các tĩnh mạch nhỏ tới các tĩnh mạch lớn, làm cho những tĩnh mạch này giãn ra để giúp lưu thông máu. Khi các tĩnh mạch giãn quá mức sẽ bị vỡ và xảy ra tình trạng xuất huyết, gọi là xuất huyết giãn tĩnh mạch. Nếu không kịp thời điều trị sẽ đe dọa tới tính mạng. Tình trạng này có thể xảy ra ở thực quản, ruột và dạ dày.
  • Hội chứng gan thận: Tình trạng này phổ biến ở bệnh nhân ung thư gan và những bệnh lý khác. Do có những thay đổi trong mạch máu làm cho lượng máu tới thận giảm sút.
  • Bệnh não gan: Gan có vai trò đào thải các độc tố. Khi gan bị tổn thương, những độc tố này không được đào thải, chúng sẽ di chuyển lên não làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới não.
ung thư gan 4.jpg
Thiếu máu là biến chứng phổ biến của ung thư gan gây mệt mỏi, nhịp tim nhanh,...

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Nguyên nhân ung thư gan

Nguyên nhân dẫn đến ung thư gan

Nguyên nhân dẫn tới ung thư gan là do các tế bào gan có những thay đổi (đột biến) trong ADN. ADN của tế bào có vai trò là nguyên liệu cung cấp hướng dẫn cho những quá trình hóa học trong cơ thể. Khi ADN bị đột biến, sẽ làm thay đổi trong quá trình hướng dẫn này. Kết quả là những tế bào này bắt đầu phát triển và tăng sinh một cách bất thường. Cuối cùng hình thành một khối u.

Ung thư gan được chia làm hai loại theo nguyên nhân bệnh:

Ung thư gan nguyên phát(HCC - Hepatocellular carcinoma): Tế bào ung thư bắt đầu xuất hiện trong mô của gan. Ung thư gan nguyên phất phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào gan.

Ung thư gan thứ phát: Tế bào ung thư từ một cơ quan khác trong cơ thể lây lan tới gan như ung thư đại tràng, ung thư phổi, ung thư vú,... Đây được gọi là ung thư di căn gan.

Một vài trường hợp, ung thư gan cũng phát triển tư một bệnh lý nào đó như nhiễm trùng gan, viêm gan mạn tính. Nhưng đôi khi ung thư gan xảy ra ở những người không có bệnh lý, làm cho bác sĩ không rõ được nguyên nhân gây ra bệnh.

Nguy cơ ung thư gan

Những ai có nguy cơ mắc phải Ung thư gan?

Những đối tượng có nguy cơ dẫn đến ung thư gan bao gồm:

  • Những người nghiện rượu nặng.
  • Cá nhân nhiễm virus viêm gan B hoặc C.
  • Những người mắc bệnh xơ gan.
  • Những người có tiền sử gia đình mắc ung thư gan.
  • Những người có tiền sử bệnh gan mạn tính.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Ung thư gan

Các yếu tố nguy cơ phổ biến dẫn đến ung thư gan bao gồm:

  • Giới tính nam và người lớn tuổi.
  • Viêm gan mạn tính do virus.
  • Lạm dụng rượu bia.
  • Hút thuốc lá.
  • Béo phì.
  • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
  • Xơ gan ứ mật nguyên phát.
  • Tiểu đường loại 2.
ung thư gan 5.jpg
Người lạm dụng rượu bia có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn

Phương pháp chẩn đoán & điều trị ung thư gan

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư gan

Nếu bạn thấy một số dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bị ung thư gan. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về những triệu chứng đang gặp phải, kiểm tra thăm khám lâm sàng. Ngoài ra bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu: Để đánh giá chức năng của gan thông qua nồng độ albumin, bilirubin, protein trong máu. Ngoài ra nếu nồng độ alpha - fetoprotein (AFP), AFP-L3, Des-gamma carboxyprothrombin (DCP) trong máu cao cũng là dấu hiệu của ung thư gan.
  • Siêu âm ổ bụng: Sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của gan và những cơ quan khác. Dùng để tìm kiếm những khối u bất thường trong gan.
  • Chụp CT ổ bụng hay MRI gan mật: Dùng để xác định vị trí, kích thước của khối u. Xét nghiệm này còn giúp bác sĩ kiểm tra xem khối u đã di căn tới các cơ quan khác chưa.
  • Sinh thiết gan: Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ hoặc tế bào bất thường để tiến hành xét nghiệm tìm kiếm tế bào ác tính.

Điều này rất quan trọng để có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh để giúp bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.

ung thư gan 6.jpg
Sinh thiết gan để tiến hành xét nghiệm tìm kiếm tế bào ác tính

Phương pháp điều trị ung thư gan hiệu quả

Phương pháp điều trị ung thư gan sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như:

  • Ung thư gan nguyên phát hay thứ phát;
  • Kích thước, vị trí và số lượng của khối u;
  • Chức năng và mức độ tổn thương của gan;
  • Giai đoạn của ung thư;
  • Sức khỏe của người bệnh.

Phẫu thuật

Phẫu thuật được thực hiện để cắt bỏ khối u trong gan. Phương pháp này chỉ được thực hiện khi các khối u vẫn còn nằm trong gan. Sau khi phẫu thuật, những phần mô khỏe mạnh của gan sẽ phát triển vào phần bị cắt bỏ.

Ghép gan

Phương pháp này cũng chỉ được thực hiện khi khối u vẫn còn nằm trong gan. Một phần hay toàn bộ gan có khối u sẽ được thay thế bằng gan khỏe mạnh của người hiến tặng. Sau khi ghép gan, người bệnh được uống thuốc để phòng chống đào thải.

Tiêu diệt tế bào ung thư bằng sóng cao tần

Phương pháp này sử dụng khi sức khỏe người bệnh không tốt, hoặc người bệnh đã được phẫu thuật nhưng khối u vẫn còn. Phương pháp này sử dụng một đầu dò đặc biệt để tiêu diệt tế bào ung thư bằng nhiệt.

Hóa trị

Hóa trị là một biện pháp điều trị ung thư bằng hóa chất, được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc kiểm soát sự phát triển của các khối u.

Xạ trị

Xạ trị thường được sử dụng ở những trường hợp tế bào ung thư đã di căn vào cơ quan khác như xương, não,...

Xạ trị là biện pháp sử dụng một chùm năng lượng mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc làm chậm sự phát triển của chúng.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là một phương pháp điều trị mới hơn cho bệnh ung thư gan. Bằng cách sử dụng hệ thống miễn dịch của chính cơ thể bệnh nhân để chống lại tế bào ung thư một cách hiệu quả.

Liệu pháp nhắm mục tiêu

Liệu pháp nhắm mục tiêu là sử dụng thuốc để xác định và tiêu diệt các tế bào ung thư gan mà không gây tổn thương tới những tế bào khác. Những thuốc này đã được chứng minh có hiệu quả trong việc điều trị ung thư gan tiến triển.

Nhóm thuốc này bao gồm chất ức chế tyrosine kinase (TKI):

  • Cabozantinib (Cabometyx hoặc Cometriq);
  • Lenvatinib (Lenvima);
  • Regorafenib (Stivarga);
  • Sorafenib (Nexavar).

Chế độ sinh hoạt & phòng ngừa ung thư gan

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư gan

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị;
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng;
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị;
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Uống nhiều nước;
  • Bổ sung rau xanh, trái cây, chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt,...
  • Hạn chế ăn đồ dầu mỡ, giảm tinh bột xấu, nước ngọt,...

Phương pháp phòng ngừa ung thư gan hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng, tập thể dục 30 phút mỗi ngày, tối thiểu 5 ngày/tuần;
  • Bỏ thuốc lá hoặc tránh khói thuốc lá;
  • Cai rượu, bia;
  • Duy trì cân nặng vừa phải, giảm cân khi cần thiết;
  • Chế độ ăn uống khoa học;
  • Tránh tiếp xúc với các chất độc hại;
  • Kiểm soát và điều trị những bệnh lý toàn thân như viêm gan, xơ gan, tiểu đường,...
  • Tiêm vacxin viêm gan B;
  • Thực hiện đời sống tình dục an toàn;
  • Tầm soát ung thư thường xuyên để kịp thời phát hiện và điều trị.
ung thư gan 7.png
Tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng vừa phải để phòng ngừa bệnh hiệu quả
Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/liver-cancer#treatments

  2. https://www.webmd.com/cancer/understanding-liver-cancer-basic-information

  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/liver-cancer/symptoms-causes/syc-20353659

Các bệnh liên quan

  1. U nguyên tủy bào

  2. Ung thư âm hộ

  3. Ung thư vòm mũi

  4. Ung thư ruột già

  5. Ung thư ruột kết

  6. U đại tràng

  7. U lympho không hodgkin

  8. Ung thư

  9. Ung thư cổ tử cung giai đoạn I

  10. Ung thư da

Hỏi đáp (0 bình luận)