Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Móc là một loài cây mọc khá phổ biến ở nhiều tỉnh thành của nước ta như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa. Ngoài việc thu được từ cây này để lên men thành rượu cọ vừa ngon, vừa nhuận tràng, người ta còn dùng bẹ Móc dùng để trị lỵ, đi tiêu ra máu, bạch đới, rong kinh, băng huyết.
Tên Tiếng Việt: Móc
Tên khác: Cây Đùng đình; cây Đủng đỉnh
Tên khoa học: Caryota urens
Cây thân cột thẳng, thường không phân nhánh, cao từ 10 – 15m, đường kính từ 40 – 50 cm. Lá to, dài 5 – 6m, xẻ lông chim hai lần, phiến hình tam giác với răng cưa không đều về phía trước. Cụm hoa dạng bông mo phân nhánh mọc ở nách lá, dài từ 30 – 40 cm, bao bởi 4 mo, dài 30 cm, lợp lên nhau, dai, các nhánh trải ngang, dài 30 – 40 cm, mang các hoa dày đặc, hoa đơn tính cùng gốc, mỗi hoa cái kèm theo 2 hoa đực trên mỗi đốt. Hoa đực có lá đài dày, hình bầu dục, rộng, cánh hoa thuôn, tù và dai, mang 17 – 22 nhị. Hoa cái hình gần cầu, có hai lá bắc ở gốc giống lá đài, 3 cánh hoa. Quả có dạng hình cầu, hơi lõm, đường kính khoảng 15mm, nhẵn, màu đen, màu đỏ khi chín, có vỏ ngoài hơi dày, vỏ quả trong ngọt, dễ chịu, mang 1 – 2 hạt hình khối, nội nhũ sừng.
Cây ra hoa vào tháng 3 – tháng 4, ra quả vào tháng 10 – tháng 11.
Phân bố
Cây mọc rải rác ở trong các rừng thưa, rừng thường xanh, rừng thứ sinh; phân bố ở rất nhiều tỉnh thành trong khắp cả nước như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa.
Ngoài Việt Nam, cây còn sinh sống ở các nước Đông Nam Á khác, Ấn Độ.
Thu hái và chế biến
Bẹ, rễ móc có thể thu hái quanh năm. Riêng quả thì thu hái sau khi quả chín thường vào tháng 10, tháng 11.
Bẹ, rễ móc và nhân quả hạch (Petiolus et Semen Caryotae Urentis).
Dịch của bông mo thu hái lúc còn non chứa nhiều đường sucrose, có thể lên men để làm rượu.
Bẹ non có vị đắng, tính bình, có tác dụng thu liễm cầm máu và làm sít ruột, tan hòn cục. Quả Móc có vị cay, tính mát, có tác dụng giải khát và mệt mỏi. Rượu có tác dụng nhuận tràng.
Thân cắt ngang có thể thu được đường, dùng đường này lên men để thu rượu cọ.
Nõn thân và vỏ quả trong để chế biến thức ăn.
Bẹ Móc dùng để trị lỵ, đi tiêu ra máu, bạch đới, rong kinh, băng huyết.
Ở Ấn Độ người ta dùng nhân quả hạch đắp vào đầu nếu bệnh nhân bị đau nửa đầu.
Bẹ Móc dùng liều 20g, đốt tồn tính, tán bột uống hoặc cũng có thể sắc uống.
Bài thuốc chữa tiểu ra máu hoặc bí tiểu
Sắc 20g bẹ Móc để uống.
Bài thuốc chữa ho ra máu
Dùng bẹ Móc đốt cháy (10g), Qua lâu nhân (12g), sắc uống.
Bài thuốc chữa băng huyết
Bẹ Móc phơi khô, phối hợp với xơ mướp, đồng lượng, đốt thành tro. Mỗi lần uống 6g với ít rượu hoặc nước muối vào lúc đói.
Bài thuốc chưa rong kinh kèm đau bụng
Bẹ Móc đốt tồn tính 80 g, Kinh giới sao đen 80g, Hương phụ tứ chế (chế biến với giấm, nước muối, nước tiểu trẻ em và rượu, phơi khô) 40g. Tất cả tán nhỏ, rây lấy bột mịn. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 8 – 16g.
Bài thuốc chữa khí hư
Rễ Móc, rễ Cau, rễ Tre, rễ Cọ, mỗi thứ 12g. Thái nhỏ, sắc còn một bát, chia thành hai lần, uống trong ngày. Uống khoảng 4 – 5 ngày.
Bài thuốc chữa động thai
Rễ Móc, rễ Chuối rừng, rễ Chuối hột, đồng lượng, đem sao vàng, sắc uống.
Ngoài Móc, ở nước ta còn có: Móc mương (Caryota rumphiona Blume) mọc nhiều ở Thanh Hóa, có hạt dùng để ăn trầu.
Trong quá trình sử dụng quá lưu ý loại bỏ phần bỏ quả giữa thật kỹ, nếu không sẽ bị ngứa.
Từ điển cây thuốc – Võ Văn Chi (Tập 2).
Cây thuốc và động vật làm thuốc – Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung, Bùi Xuân Chương, Nguyễn Thượng Dong, Đỗ Trung Đàm, Phạm Văn Hiển, Vũ Ngọc Lộ, Phạm Duy Mai, Phạm Kim Mãn, Đoàn Thị Nhu, Nguyễn Tập, Trần Toàn – Tập 2.