Long Châu

Cây mắt mèo và công dụng chữa bệnh trong y học

Ngày 30/01/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cây mắt mèo là một loài thảo dược có tác dụng điều trị nhiều bệnh khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, mời bạn cùng Long Châu tìm hiểu về công dụng của loài thực vật này trong y học.

Ở nước ta, cây mắt mèo thường mọc hoang thành bụi. Loài thực vật này thường được biết đến với tác dụng phụ là gây ngứa. Nhưng ít ai biết rằng, cây mắt mèo có công dụng chữa nhiều bệnh và từ lâu đã được dùng làm vị thuốc chữa bệnh trong Đông y.

Cây mắt mèo là gì? 

Cây mắt mèo (Tên khoa học Mucuna Pruriens) còn được biết đến với những tên gọi khác như trinh nữ nâu, trinh nữ đầm lầy, móc mèo, đậu mèo rừng, ma niêu, đậu ngứa... Loài thực vật này phổ biến ở Châu Phi và Châu Á. Ở nước ta, cây phân bố chủ yếu ở vùng miền núi miền Trung. Cây cũng mọc rải rác ở vùng đồng bằng phía Bắc.

Loại cây này thường được biết đến với những quả dài, mọc thành chùm, có lông và bên trong chứa những hạt nhỏ và cứng. Hạt của quả chính là nguồn dược tính chính của cây. Nó được sử dụng để bào chế thành các chất bổ sung, viên nang, dạng bột hoặc làm trà. Ngoài ra rễ cây và lá cây cũng được sử dụng nhiều trong các bài thuốc y học cổ truyền. Thực tế, mắt mèo là loại cây thuốc đã được sử dụng để trị nhiều bệnh khác nhau trong nhiều thế kỷ.

cây mắt mèo 1
Hình ảnh cây mắt mèo mọc hoang khá quen thuộc với nhiều người

Công dụng của cây mắt mèo trong y học

Loài thực vật này có chứa hàm lượng hợp chất levodopa khá cao. Đây là một hợp chất có tác dụng điều trị bệnh Parkinson. Hợp chất này sẽ được chuyển thành dopamin trong não và có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh Parkinson. Cây mắt mèo còn được sử dụng trong điều trị các bệnh lý về thần kinh khác như trầm cảm, lo âu, tâm thần phân liệt.

Loài thực vật này cũng được sử dụng như một loại thuốc kích thích tình dục, có tác dụng cải thiện ham muốn và chức năng tình dục. Với nam giới, cây thuốc này giúp cải thiện cả số lượng và chất lượng tinh trùng. Ngoài ra, cây thuốc này còn được sử dụng trong điều trị vô sinh, rối loạn chức năng tình dục.

Nó cũng có tác dụng làm giảm lượng đường và cholesterol trong máu nên hỗ trợ đắc lực cho quá trình điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim mạch.

Với đặc tính chống viêm, nó có thể được dùng để chữa viêm khớp, viêm xoang hiệu quả. Loài thực vật này còn có tác dụng điều trị các vấn đề về da như bệnh chàm và bệnh vẩy nến.

Các bằng chứng khoa học còn cho thấy loài thực vật này có nhiều tác dụng chữa bệnh khác như: 

  • Hỗ trợ điều trị bệnh ung bướu.
  • Điều trị nhiễm ký sinh trùng.
  • Tác dụng giảm đau, hạ sốt.
  • Chữa nôn ói hiệu quả.
  • Giảm tình trạng đau cơ bắp.
  • Kích thích lưu thông tuần hoàn máu.
cây mắt mèo 2
Y học cổ truyền đã sử dụng cây mắt mèo trong các bài thuốc trị bệnh từ xa xưa

Tác dụng phụ khi dùng cây mắt mèo

Dù cây mắt mèo có công dụng chữa nhiều bệnh thường gặp, nhưng khi dùng loại thảo dược này chúng ta cũng có thể gặp một số tác dụng phụ như: 

  • Cảm giác nôn nao, buồn nôn hoặc nôn ói.
  • Cơ thể bị nóng rát, ngứa ngáy, sưng tấy.
  • Bụng bị sưng, chướng.
  • Một số người gặp vấn đề về cử động cơ thể.
  • Một số người gặp triệu chứng mất ngủ.
  • Nhức đầu, tim đập nhanh cũng có thể là triệu chứng người dùng thảo dược này có thể gặp phải.
  • Một số ít người dùng bị chứng rối loạn tâm thần như ảo giác, ảo tưởng, kích động, nhầm lẫn…

Khi nhận thấy bất kỳ phản ứng phụ nào trên đây, bạn cần ngay lập tức liên hệ với bác sĩ hay thầy thuốc Đông y để được tư vấn.

Lưu ý quan trọng khi dùng cây mắt mèo

Ở nước ta, cây mắt mèo mọc hoang ở nhiều nơi. Tuy nhiên cần lưu ý, các bộ phận của cây từ thân, lá, hoa, quả đều chứa độc tố. Độc nhất là quả, sau đó đến hoa và cuối cùng là lá và thân cây. Nếu sử dụng loại dược liệu này quá nhiều có thể dẫn đến đột tử. Mắt mèo là loại thảo dược chỉ nên sử dụng khi có sự chỉ dẫn của thầy thuốc. 

Quả mắt mèo được bào chế thành dạng bột chỉ nên uống tối đa trong vòng 20 tuần. Lông ở quả mắt mèo gây ngứa nên không an toàn để bôi lên da hoặc uống. 

Phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ không nên sử dụng dược liệu này. 

Những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch cần hết sức thận trọng khi sử dụng. 

Mắt mèo có thể giúp hạ đường huyết nên cũng có thể làm hạ đường huyết xuống mức quá thấp. Hãy đảm bảo đường huyết của bạn ở mức phù hợp để sử dụng loài thảo dược này. 

Những người có tiền sử u ác tính hoặc những vấn đề bất thường trên da không nên sử dụng mắt mèo. Bởi một số quan điểm cho rằng cơ thể có thể sử dụng levodopa trong cây thuốc này để tạo thành sắc tố melanin.

Levodopa có thể làm chảy máu đường tiêu hóa ở những bệnh nhân bị loét dạ dày.

cây mắt mèo 3
Dược tính tập trung chủ yếu ở hạt mắt mèo

Các loại thuốc có thể tương tác với cây mắt mèo

Khi sử dụng cây mắt mèo để điều trị bệnh, chúng ta cần lưu ý một số loại thuốc có thể tương tác với cây thuốc này như:

  • Thuốc giảm trầm cảm (phenelzine, tranylcypromine…) dùng chung với mắt mèo có thể dẫn đến tác dụng phụ như tim đập nhanh, huyết áp tăng cao, động kinh…
  • Thuốc hạ huyết áp Methyldopa, Guanethidine dùng chung với mắt mèo có thể làm hạ huyết áp xuống mức quá thấp. 
  • Thuốc chữa bệnh tiểu đường (rosiglitazone, chlorpropamide, glimepiride, pioglitazone, tolbutamide, insulin, glyburide, glipizide) nếu dùng kết hợp với mắt mèo có thể làm đường huyết hạ xuống quá thấp. 
  • Thuốc điều trị cho bệnh tâm thần có thể bị giảm hiệu quả nếu dùng cùng mắt mèo.
  • Thuốc gây tê dùng trong phẫu thuật dùng chung với mắt mèo có thể gây ra các vấn đề về tim mạch. Tốt nhất nên ngưng sử dụng mắt mèo trong khoảng 2 tuần trước khi cuộc phẫu thuật diễn ra. 

Cây mắt mèo là một loại cây thuốc đã được sử dụng phổ biến ở Châu Phi, Châu Á cách đây nhiều thế kỷ. Ở nước ta, đây cũng là một loại cây thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền từ lâu đời. Tuy nhiên, bên cạnh tác dụng chữa nhiều bệnh, loài thực vật này cũng có nhiều tác dụng phụ. Bất cứ ai trước khi sử dụng cần có sự tư vấn của thầy thuốc để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Hellobacsi

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm