1. /
  2. Dược chất/
  3. Coagulation factor VIIa Recombinant Human

Coagulation factor VIIa Recombinant Human: Yếu tố tái tổ hợp VIIa

09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Coagulation factor VIIa recombinant human (Eptacog alfa hoạt hóa).

Loại thuốc

Thuốc cầm máu, yếu tố đông máu tái tổ hợp VIIa.

Dạng thuốc và hàm lượng

Thuốc bột kèm dung môi pha tiêm 1 mg, 2 mg, 5 mg, 8 mg.

Chỉ định

Eptacog alfa hoạt hóa được chỉ định để điều trị chảy máu hoặc để điều trị phòng ngừa chảy máu trong quá trình thực hiện phẫu thuật hoặc thủ thuật xâm lấn ở các nhóm bệnh nhân sau:

  • Bệnh nhân mắc bệnh máu khó đông bẩm sinh do ức chế các yếu tố đông máu VIII (hemophilia A) hoặc yếu tố đông máu IX (hemophilia B).
  • Bệnh nhân mắc bệnh máu khó đông bẩm sinh với cơ địa có đáp ứng hiệu quả trong điều trị sử dụng yếu tố đông máu VIII hoặc yếu tố đông máu IX.
  • Bệnh nhân mắc bệnh máu khó đông.
  • Bệnh nhân bị thiếu hụt yếu tố đông máu VII bẩm sinh.
  • Bệnh nhân mắc bệnh nhược cơ glanzmann với hiện có hoặc tiền sử có tình trạng khó truyền tiểu cầu hay bệnh nhân không có sẵn tiểu cầu.

Dược lực học

Coagulation factor VIIa recombinant human (eptacog alfa hoạt hóa) là yếu tố đông máu VIIa được hoạt hóa. Cơ chế hoạt động bao gồm sự gắn kết của yếu tố VIIa với yếu tố tổ chức (TF), Phức hợp này hoạt hóa yếu tố IX thành yếu tố IXa và yếu tố X thành yếu tố Xa, cũng như yếu tố đông máu IX thành IXa, yếu tố Xa, kết hợp với các yếu tố khác, chuyển prothrombin thành thrombin, dẫn đến sự hình thành cơ chế cầm máu bằng cách chuyển fibrinogen thành fibrin và do đó gây đông máu cục bộ.

Động lực học

Hấp thu

Nồng độ của yếu tố đông máu VIIa trong tuần hoàn tăng khoảng 1000 lần sau khi sử dụng eptacog alfa.

Thời gian hoạt động trung bình của thuốc kéo dài khoảng 10 phút sau khi tiêm tĩnh mạch.

Phân bố

Thể tích phân bố trung bình là 196 ml/kg ở bệnh nhi so với 159 ml/kg ở người lớn.

Chưa biết tỷ lệ gắn kết protein huyết thanh.

Chuyển hóa

Không có báo cáo.

Thải trừ

Thời gian bán hủy của thuốc là 2,3 giờ (khoảng 1,7 - 2,7 giờ) ở bệnh nhân mắc bệnh máu khó đông hemophilia A hoặc hemophilia B và khoảng 2,8 - 3,1 giờ ở bệnh nhân thiếu yếu tố đông máu VII bẩm sinh.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Nguy cơ tương tác tiềm tàng giữa eptacog alfa và các yếu tố đặc hiệu của sự đông máu là chưa rõ. Cần tránh sử dụng đồng thời với phức hợp prothrombin cô đặc, đã được kích hoạt hoặc không.

Các thuốc chống tiêu sợi huyết đã được báo cáo làm giảm mất máu liên quan đến phẫu thuật ở bệnh nhân máu khó đông, đặc biệt là trong phẫu thuật chỉnh hình và phẫu thuật ở những vùng giàu hoạt tính tiêu sợi huyết, chẳng hạn như khoang miệng. Do đó nên sử dụng đồng thời các liệu pháp chống tiêu sợi huyết (như acid tranexamic, acid aminocaproic).

Dựa trên một nghiên cứu phi lâm sàng, không nên kết hợp yếu tố đông máu tái tổ hợp VIIa và yếu tố đông máu tái tổ hợp XIII.

Tương kỵ thuốc

Không dùng chung thuốc này với thuốc khác.

Chống chỉ định

Eptacog alfa hoạt hóa chống chỉ định trong các trường hợp:

  • Quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ thành phần nào của sản phẩm thuốc.
  • Quá mẫn với protein của chuột, hamster hoặc bò.
  • Điều trị dự phòng dài hạn ở trẻ em dưới 12 tuổi đang mắc các bệnh nghiêm trọng.

Liều lượng & cách dùng

Điều trị nên được bắt đầu dưới sự giám sát của các bác sĩ có kinh nghiệm điều trị bệnh máu khó đông hoặc rối loạn chảy máu.

Eptacog alfa nên được tiêm càng sớm càng tốt, ngay khi xuất hiện dấu hiệu chảy máu, tiêm bolus tĩnh mạch nhanh trong vòng từ 2 đến 5 phút. Thời gian điều trị và khoảng cách giữa các lần tiêm sẽ thay đổi tùy theo mức độ nghiêm trọng của xuất huyết, các thủ thuật xâm lấn hoặc phẫu thuật được thực hiện.

Người lớn

Điều trị bệnh máu khó đông hemophilia A, hemophilia B hoặc bệnh máu khó đông:

Liều khởi đầu được khuyến cáo là 90 μg/kg trọng lượng cơ thể. Sau đó có thể thực hiện lặp lại với các mũi tiêm tiếp theo. Khoảng cách liều ban đầu khoảng từ 2 - 3 giờ để đảm bảo cầm máu. Điều trị tiếp tục với khoảng cách liều được tăng dần sau khi bệnh nhân có đáp ứng hiệu quả với điều trị, mỗi 4, 6, 8 hoặc 12 giờ một lần tiêm.

Đối với các đợt chảy máu từ nhẹ đến trung bình (bao gồm cả liệu pháp điều trị tại nhà):

Có thể khuyến nghị một trong hai chế độ dùng thuốc:

  • Hai đến ba lần tiêm với liều 90 µg/kg, các liều tiêm cách nhau mỗi ba giờ. Nếu cần phải điều trị bổ sung, có thể dùng thêm một liều tương tự.
  • Một lần tiêm duy nhất 270 µg/kg.

Thời gian điều trị tại nhà không được quá 24 giờ, chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến ​​của trung tâm điều trị bệnh.

Đối với các đợt chảy máu nghiêm trọng:

Liều ban đầu 90 µg/kg được khuyến cáo và có thể được sử dụng ngay cả khi bệnh nhân đang trên đường nhập viện.

Tần suất dùng thuốc ban đầu nên là mỗi giờ cho mỗi liều tiêm đến khi các triệu chứng có cải thiện.

Điều trị tiếp tục với khoảng cách liều tăng lên mỗi 3 giờ trong vòng 1 - 2 ngày, sau đó gia tăng lên mỗi 4, 6, 8 hoặc 12 giờ, miễn là điều trị đáp ứng được hiệu quả.

Một đợt chảy máu lớn có thể được điều trị trong 2 - 3 tuần nhưng có thể kéo dài hơn tùy vào từng trường hợp.

Điều trị bệnh máu khó đông trong các phẫu thuật, thủ thuật xâm lấn:

Đối với các ca tiểu phẫu: Liều 90 µg/kg sử dụng ngay trước khi thực hiện thủ thuật, lặp lại sau mỗi 2 giờ trong suốt quá trình và trong 48 giờ sau phẫu thuật, sau đó mỗi 2 - 6 giờ cho đến khi vết thương hồi phục.

Đối với các cuộc phẫu thuật lớn: Liều 90 µg/kg được sử dụng ngay trước khi phẫu thuật, lặp lại sau mỗi 2 giờ trong suốt quá trình và cả sau khi kết thúc phẫu thuật, điều trị trong 5 ngày. Sau đó tiếp tục lặp lại liều tiêm mỗi 4 giờ một lần cho đến khi lành vết thương.

Có thể có các liều bổ sung, nếu được yêu cầu.

Điều trị bệnh máu khó đông thiếu hụt yếu tố đông máu VII bẩm sinh:

Khoảng liều khuyến cáo là 15 - 30 μg/kg mỗi 4 - 6 giờ một lần cho đến khi cầm máu. Liều lượng và tần suất tiêm phải phù hợp với từng cá nhân.

Điều trị ở bệnh nhân nhược cơ glanzmann:

Liều khuyến cáo là 90 µg/kg cách nhau khoảng 2 giờ (1,5 - 2,5 giờ).

Nên dùng ít nhất ba liều tiêm để đảm bảo quá trình cầm máu đạt hiệu quả.

Trẻ em

Vì trẻ em có độ thanh thải thuốc nhanh hơn người lớn, do đó có thể cần liều điều trị cao hơn để đạt được nồng độ thuốc trong huyết tương có hiệu quả.

Người cao tuổi

Sử dụng liều tượng tự người lớn. Tuy nhiên, chống chỉ định sử dụng một liều thuốc duy nhất 270 µg/kg ở bệnh nhân cao tuổi.

Tác dụng phụ

Ít gặp

Giảm đáp ứng điều trị, sốt, phát ban, biến cố huyết khối tĩnh mạch, ngứa và mày đay, sốt.

Các biến cố về huyết khối tĩnh mạch như huyết khối tĩnh mạch sâu, huyết khối tại vị trí tiêm, thuyên tắc phổi, các biến cố huyết khối tắc mạch ở gan bao gồm huyết khối tĩnh mạch cửa, huyết khối tĩnh mạch thận, viêm tắc tĩnh mạch, viêm tắc tĩnh mạch nông và thiếu máu cục bộ ở ruột.

Hiếm gặp

Rối loạn đông máu, đông máu rải rác trong lòng mạch, tai biến huyết khối động mạch (nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, thiếu máu não, tắc động mạch não, tai biến mạch máu não, huyết khối động mạch thận, thiếu máu cục bộ ngoại biên, huyết khối động mạch ngoại biên và thiếu máu cục bộ ở ruột), các cơn đau thắt ngực.

Các dấu hiệu bao gồm mức D-dimer tăng lên và antithrombin giảm xuống, tăng các sản phẩm thoái hóa fibrin, tăng giá trị alanine aminotransferase, phosphatase kiềm, lactate dehydrogenase và prothrombin.

Buồn nôn, đau đầu, phản ứng tại chỗ tiêm bao gồm đau tại nơi tiêm, phản ứng quá mẫn.

Không xác định tần suất

Phản ứng phản vệ, đỏ bừng, phù mạch, huyết khối trong tim.

Lưu ý

Lưu ý chung

Khi các yếu tố tổ chức (tissue factor - TF) có biểu hiện cao hơn mức bình thường làm dẫn tới nguy cơ gây ra tình trạng huyết khối tắc mạch nghiêm trọng hoặc chứng đông máu rải rác trong lòng mạch ở bệnh nhân bị xơ vữa động mạch đang tiến triển, bệnh nhân có tiền sử bệnh mạch vành, chấn thương nặng, mắc bệnh gan, đang có nguy cơ huyết khối hoặc đông máu nội mạch.

Bệnh nhân cần được thông báo về các dấu hiệu ban đầu của phản ứng quá mẫn. Nếu xảy ra các phản ứng dị ứng hoặc phản vệ, nên ngừng sử dụng thuốc ngay lập tức.

Trong trường hợp chảy máu nghiêm trọng hoặc tình trạng chảy máu chưa được kiểm soát ổn định, việc chăm sóc tại bệnh viện là bắt buộc.

Bệnh nhân thiếu yếu tố đông máu VII cần được theo dõi về thời gian prothrombin và hoạt tính của yếu tố đông máu VII trước và sau khi dùng eptacog alfa. Trong trường hợp hoạt động của yếu tố đông máu VIIa không đạt được yêu cầu điều trị hoặc sự chảy máu không được kiểm soát sau quá trình điều trị với liều khuyến cáo, nguyên nhân có thể nghi ngờ là do sự hình thành các kháng thể. Vì vậy nên tiến hành thực hiện một vài kiểm tra, phân tích cần thiết để tìm kháng thể.

Trẻ sơ sinh và người lớn tuổi có thể có nhiều nguy cơ gặp tình trạng đông máu hơn khi sử dụng thuốc này. Thận trọng khi sử dụng, cân nhắc nguy cơ thuyên tắc mạch do huyết khối so với lợi ích do eptacog alfa mang lại.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Tốt nhất là tránh sử dụng eptacog alfa trong thời kỳ mang thai.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Chưa biết liệu eptacog alfa có được bài tiết vào sữa mẹ hay không. Quyết định việc ngừng cho con bú hoặc tiếp tục điều trị với eptacog alfa được dựa trên sự cân nhắc đến lợi ích của việc cho trẻ bú mẹ hay lợi ích của liệu pháp eptacog alfa đối với người mẹ.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Không có nghiên cứu nào về ảnh hưởng đến khả năng lái xe và sử dụng máy móc đã được thực hiện.

Quá liều

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Độc tính của eptacog alfa chưa được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng.

Ở những bệnh nhân thiếu hụt yếu tố VII, một đợt dùng quá liều có liên quan đến biến cố huyết khối gây đột quỵ vùng chẩm.

Cách xử lý khi quá liều

Tham vấn thêm ý kiến của nhân viên y tế.

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy bổ sung càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục với liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Nguồn tham khảo
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm