Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhược cơ là gì? Làm thế nào để điều trị nhược cơ hiệu quả?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhược cơ là một bệnh lý tự miễn mạn tính do sự rối loạn hệ thống miễn dịch làm ngăn chặn sự dẫn truyền thần kinh – cơ, gây yếu các cơ và ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của bệnh nhân. Nhược cơ không thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên việc phát hiện sớm có thể giúp hạn chế được tiến triển của bệnh và kiểm soát được các triệu chứng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhược cơ là gì? 

Nhược cơ là một rối loạn tự miễn mạn tính, trong đó các kháng thể của cơ thể phá hủy sự dẫn truyền giữa dây thần kinh và cơ, dẫn đến yếu cơ xương.

Nhược cơ ảnh hưởng đến các cơ tự nguyện của cơ thể, đặc biệt là các cơ kiểm soát mắt, miệng, cổ họng và các chi.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Nhược cơ

Tình trạng yếu cơ do nhược cơ sẽ trầm trọng hơn khi bệnh nhân cử động nhiều ở cơ bị ảnh hưởng và điều này thường được cải thiện khi nghỉ ngơi. Tuy nhiên, các triệu chứng có xu hướng tiến triển nặng dần theo thời gian, thường đạt đến mức tồi tệ nhất trong vòng vài năm sau khi bệnh khởi phát.

Dù nhược cơ có thể gây ảnh hưởng đến bất kỳ cơ tự chủ nào, nhưng một số nhóm cơ nhất định thường bị ảnh hưởng hơn những nhóm cơ khác.

Các triệu chứng trên cơ mắt rất thường gặp, ở khoảng 50% số bệnh nhân nhược cơ: 

  • Sụp 1 hoặc cả 2 mí mắt.

  • Nhìn đôi (song thị), có thể theo chiều ngang hoặc dọc và triệu chứng này được cải thiện khi nhắm 1 mắt.

Ở khoảng 15% bệnh nhân nhược cơ, các triệu chứng đầu tiên liên quan đến cơ mặt và cổ họng:

  • Bị thay đổi giọng nói, khó phát âm.

  • Khó nuốt, dễ mắc nghẹn, khó ăn, khó uống. Trong một số trường hợp, có thể bị chảy nước uống ra đường mũi.

  • Có thể bị mỏi các cơ dùng để nhai khi đang ăn.

  • Thay đổi nét mặt. 

Cơ cổ và cơ tay chân: 

  • Yếu các cơ cổ, tay và chân. 

  • Ảnh hưởng đến dáng đi bộ. 

  • Khó ngẩng đầu lên.

Tác động của Nhược cơ đối với sức khỏe 

Nhược cơ gây bất tiện cho các hoạt động sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân do bệnh gây yếu các cơ tự chủ như cơ mắt, miệng, cổ họng, hô hấp và các chi. Do đó, các bộ phận hoạt động nhờ các cơ này cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Nhược cơ

Các cơn khủng hoảng nhược cơ có thể đe dọa đến tính mạng vì lúc này, các cơ hô hấp quá yếu để hoạt động. Khi đó, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay để được chăm sóc y tế kịp thời.

Một số người bị bệnh nhược cơ có khối u ở tuyến ức.

Bệnh nhân nhược cơ có khả năng bị suy giáp hoặc cường giáp và mắc phải các bệnh tự miễn khác (lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp…).

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Nhược cơ

Hệ thống miễn dịch tự tạo ra các kháng thể ngăn chặn hoặc phá hủy nhiều thụ thể acetylcholine, ngăn việc dẫn truyền thần kinh – cơ, gây suy yếu các cơ bắp. Các kháng thể này còn ngăn chặn chức năng của thụ thể protein tyrosine kinase (MuSK) – một protein tham gia vào sự hình thành vị trí gắn kết thần kinh – cơ. Bên cạnh đó, bệnh còn có thể do các kháng thể kháng protein LRP4 gây ra.

U tuyến ức làm gia tăng tác dụng kích hoạt hoặc duy trì việc sản xuất các kháng thể kháng acetylcholine do sự to bất thường của tuyến ức.

Hiếm khi xảy ra nhược cơ bẩm sinh do di truyền. Ở trường hợp này, trẻ em thường hồi phục trong vòng 2 tháng sau khi sinh nếu được điều trị kịp thời.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Nhược cơ?

Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào nhưng thường gặp nhất ở phụ nữ từ 20 – 30 tuổi và nam giới từ 50 tuổi trở lên.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Nhược cơ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Nhược cơ, bao gồm:

  • Bị nhiễm trùng.

  • Sau khi phẫu thuật.

  • Căng thẳng kéo dài.

  • Do sử dụng một số loại thuốc (thuốc chẹn β, quinidine, quinine, magnesium sulfate, statin…)

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Nhược cơ

Bác sĩ sẽ kiểm tra phản xạ thần kinh – cơ qua nhiều yếu tố: Phản xạ cơ, sức mạnh và sự rắn chắc của cơ bắp, xúc giác, thị giác, sự phối hợp và cân bằng của các cơ.

Ngoài ra, còn cần thêm một số xét nghiệm khác để xác định tình trạng nhược cơ:

  • Kiểm tra bằng túi đá: Chườm túi đá lên mí mắt bị sụp trong vòng 2 phút, sau đó bác sĩ sẽ quan sát và phân tích tình trạng sụp mí.

  • Xét nghiệm máu: Tìm sự hiện diện của các kháng thể bất thường nơi các xung thần kinh truyền tín hiệu cho các cơ cử động.

  • Dùng các xung điện nhỏ để đo đáp ứng của dẫn truyền thần kinh – cơ.

  • Đo điện cơ đồ (EMG).

  • Chẩn đoán hình ảnh: Chụp CT, MRI tuyến ức để xem có khối u hay bất thường gì không.

  • Kiểm tra chức năng phổi xem các cơ hô hấp có bị ảnh hưởng không.

Phương pháp điều trị Nhược cơ hiệu quả

Tùy vào độ tuổi, thể trạng bệnh nhân, mức độ nghiêm trọng và tiến triển của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. Việc đơn trị hoặc kết hợp điều trị bằng nhiều phương pháp sẽ được xem xét tùy từng đối tượng.

Dùng thuốc:

  • Thuốc ức chế men cholinesterase (pyridostigmine…) có thể giúp cải thiện phần nào sự co cơ.

  • Corticosteroid (prednisone…): Ức chế hệ thống miễn dịch, hạn chế sản xuất kháng thể kháng acetylcholine, MuSK, LRP4... 

  • Thuốc ức chế miễn dịch (azathioprine, mycophenolate mofetil, cyclosporine, methotrexate, tacrolimus...).

Các liệu pháp tĩnh mạch thường được sử dụng trong thời gian ngắn hạn khi các triệu chứng đột ngột xấu đi, trước khi phẫu thuật hoặc trước khi các liệu pháp khác:

  • Lọc huyết tương: Tuy nhiên, liệu pháp này thường chỉ cho hiệu quả tốt kéo dài trong vài tuần và khó có thể sử dụng lặp lại nhiều lần.

  • Tiêm tĩnh mạch globulin miễn dịch: Liệu pháp này cho thấy hiệu quả trong vòng chưa đầy 1 tuần và có thể kéo dài 3 – 6 tuần.

  • Tiêm tĩnh mạch kháng thể đơn dòng (rituximab, eculizumab) đối với các bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

  • Phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức (nếu cần).

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Nhược cơ

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan, tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

  • Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, đặc biệt không tự ý dùng corticosteroid kéo dài vì thuốc có thể gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.

  • Lắp các thanh vịn trong nhà và người thân nên thường xuyên lau dọn, tránh để sàn ướt hay có các chướng ngại vật làm bệnh nhân vấp ngã.

  • Tránh thực hiện một mình các hoạt động có thể gây nguy hiểm (đi bơi, lái xe…).

  • Tập luyện các bài tập vừa sức giúp duy trì độ dẻo dai của cơ.

  • Cân bằng giữa thời gian hoạt động thể chất và thời gian nghỉ ngơi, không làm việc quá sức.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn thức ăn mềm, dễ nhai, chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày.

  • Bổ sung dinh dưỡng hợp lý để duy trì cân nặng và sức mạnh cơ bắp, đặc biệt nên bổ sung nhiều rau xanh và trái cây. 

Phương pháp phòng ngừa Nhược cơ hiệu quả

Đây là một bệnh tự miễn mạn tính, chưa rõ nguyên nhân sâu xa dẫn đến Nhược cơ là gì nên chưa có cách phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên, có một lối sống lành mạnh, duy trì sức khỏe tốt cũng có thể giúp bạn giảm bớt nguy cơ mắc bệnh: 

  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể qua việc ăn uống hàng ngày.

  • Thường xuyên vận động vừa sức, nâng cao sự linh hoạt của cơ bắp và sức khỏe toàn diện.

  • Có chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đúng giờ và đủ giấc.

  • Theo dõi sức khỏe định kỳ hàng năm.

Nguồn tham khảo

https://myasthenia.org/Newly-Diagnosed/Treatment-Strategy

https://www.mayoclinic.org/

https://www.hopkinsmedicine.org/

https://www.nhs.uk/

Các bệnh liên quan

  1. U nguyên bào thần kinh

  2. liệt dây thần kinh số 3

  3. Loạn dưỡng cơ

  4. Hồi hộp, đánh trống ngực

  5. Viêm tủy cắt ngang

  6. Rắn cắn

  7. Bệnh Tay-Sachs

  8. Viêm đa rễ dây thần kinh

  9. Liệt mặt ngoại biên

  10. Bại não trẻ em