Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Máu khó đông: Căn bệnh di truyền nguy hiểm

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Máu khó đông là một rối loạn xuất huyết di truyền phổ biến do thiếu hụt yếu tố đông máu VIII hoặc IX. Mức độ thiếu hụt yếu tố quyết định xác suất và mức độ nghiêm trọng của tình trạng xuất huyết. Chảy máu vào các mô sâu hoặc khớp thường tiến triển trong vòng vài giờ sau chấn thương. Chẩn đoán bệnh thông qua các chỉ số cận lâm sàng như: Thời gian thromboplastin từng phần (PTT), thời gian prothrombin (PT) và số lượng tiểu cầu. Phương pháp điều trị cơ bản gồm: thay thế yếu tố đông máu bị thiếu và thuốc tiêu sợi huyết (ở một số trường hợp cụ thể).

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Máu khó đông là gì? 

Bệnh máu khó đông (Hemophilia) là một rối loạn có tính di truyền do thiếu hụt một số yếu tố đông máu dẫn đến vết thương hoặc vết cắt bị chảy máu lâu hơn bình thường. Tình trạng này có mức độ từ nhẹ đến nặng và trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có có thể bị mất nhiều máu và dẫn đến tử vong.  

Bệnh máu khó đông được phân loại dựa trên các yếu tố đông máu chính liên quan đến bệnh bao gồm yếu tố VIII, IX và XI: 

  • Hemophilia A là loại phổ biến nhất, bệnh nhân mắc loại này do không có đủ yếu tố đông máu VIII. Hầu hết bệnh nhân đều bị bệnh nặng biểu hiện bằng sự xuất huyết vào các khớp lớn như đầu gối hoặc hông.  

  • Hemophilia B còn được gọi là bệnh Christmas, là do thiếu hụt yếu tố đông máu IX. Mức độ bệnh từ nhẹ đến nặng. 

  • Hemophilia C do thiếu hụt yếu tố XI.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của máu khó đông

Bệnh nhân mắc bệnh này dễ bị xuất huyết vào các mô (ví dụ: Hemarthroses, máu tụ trong cơ, xuất huyết sau phúc mạc). Hiện tượng xuất huyết có thể xảy ra ngay lập tức hoặc trì hoãn tùy thuộc vào mức độ chấn thương và nồng độ yếu tố VIII hoặc IX trong huyết tương. 

  • Bệnh ở mức độ nhẹ (nồng độ yếu tố đông máu khoảng 5 - 25% bình thường), chảy máu nhiều có thể xảy ra sau khi phẫu thuật hoặc nhổ răng.

  • Bệnh ở mức độ trung bình (nồng độ yếu tố đông máu khoảng 1 - 5% bình thường) thường gây chảy máu sau chấn thương nhẹ.

  • Bệnh nghiêm trọng (nồng độ yếu tố VIII hoặc IX < 1% bình thường) gây chảy máu nghiêm trọng trong suốt cuộc đời, thường bắt đầu ngay sau khi sinh.

Bệnh nhân có thể có các dấu hiệu và triệu chứng như sau:

  • Xuất huyết vào khớp (nơi dễ bị chảy máu nhất) có thể xảy ra sau một chấn thương hoặc không rõ nguyên nhân. Thường bị ở khớp mắt cá chân, đầu gối hoặc khuỷu tay, làm bệnh nhân không thể cử động khớp dễ dàng như trước. 

  • Xuất huyết các cơ. 

  • Xuất huyết thực quản, dạ dày hoặc ruột. 

  • Tiểu ra máu

  • Xuất huyết niêm mạc mũi và nướu. 

  • Kinh nguyệt nhiều hoặc kéo dài bất thường (ở phụ nữ).

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến máu khó đông

Máu khó đông là một rối loạn di truyền do đột biến, mất đoạn hoặc đảo đoạn ảnh hưởng đến gen quy định yếu tố VIII hoặc yếu tố IX. Vì những gen này nằm trên nhiễm sắc thể X, bệnh máu khó đông hầu như chỉ ảnh hưởng đến nam giới. Con gái của đàn ông mắc bệnh máu khó đông chắc chắn sẽ mang gen gây bệnh, nhưng con trai thì bình thường. Mỗi con trai của người mang gen bệnh có 50% khả năng và mỗi con gái có 50% khả năng mắc bệnh này.

Hemophilia A và B đều là rối loạn di truyền do gen nhiễm sắc thể X quy định, trong khi hemophilia C di truyền khác 2 loại trên nên cả trẻ em nam và nữ đều có thể mắc bệnh.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải máu khó đông?

Máu khó đông là một bệnh di truyền, hầu như chỉ ảnh hưởng đến nam giới. Phụ nữ cũng có thể mắc bệnh này nhưng rất hiếm.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải máu khó đông

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Máu khó đông, bao gồm:

  • Tiền sử gia đình có thành viên mắc bệnh.

  • Nam giới.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán máu khó đông

Nếu bệnh nhân bị chảy máu tái phát, di căn không rõ nguyên nhân hoặc kéo dài thời gian PTT cần nghi ngờ có thể mắc bệnh máu khó đông và chỉ định thực hiện các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm số lượng tiểu cầu, thời gian prothrombin (PT), thời gian thromboplastin từng phần (PTT), yếu tố VIII và IX.

  • Đôi khi cũng cần xét nghiệm hoạt tính của yếu tố von Willebrand, kháng nguyên và đa thành phần.

Trong bệnh máu khó đông, PTT kéo dài, nhưng PT và số lượng tiểu cầu bình thường.

Xét nghiệm Yếu tố VIII và IX để xác định loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh. 

Do nồng độ yếu tố VIII cũng có thể giảm trong bệnh von Willebrand (VWD), nên cần đo thêm hoạt độ, kháng nguyên và đa thành phần yếu tố von Willebrand (VWF) cho bệnh nhân Hemophilia A, đặc biệt nếu bệnh nhẹ và tiền sử gia đình có cả nam và nữ đều mắc bệnh. 

Tương tự, đo nồng độ yếu tố IX để xác định bệnh nhân mắc Hemophilia B.

Để chẩn đoán trước sinh cho thai nhi có mẹ hoặc người thân mang gen bệnh máu khó đông, có thể thực hiện lấy mẫu nhung mao màng đệm (tuần thứ 12) hoặc chọc dò màng ối (tuần thứ 16) và phân tích DNA bằng phương pháp PCR.

Sau khi điều trị thay thế các yếu tố VIII hoặc IX, khoảng 30% bệnh nhân Hemophilia A nặng và 3% Hemophilia B phát triển các kháng thể đồng loại (alloantibody - kháng thể do cơ thể tạo ra để chống lại kháng nguyên từ cá thể khác cùng loài) ức chế hoạt động đông máu của yếu tố VIII hoặc IX được truyền vào. Do đó, bệnh nhân nên được sàng lọc kháng thể trước khi điều trị bằng thay thế yếu tố đông máu.  

Phương pháp điều trị Máu khó đông hiệu quả

Máu khó đông là bệnh di truyền nên hiện nay chưa có phương pháp nào có thể điều trị hoàn toàn bệnh mà chỉ có thể giảm nhẹ triệu chứng bằng:

  • Thay thế yếu tố đông máu bị thiếu hụt

  • Đôi khi có thể dùng thuốc chống tiêu sợi huyết.

Nếu các triệu chứng gợi ý xuất huyết, nên bắt đầu điều trị ngay lập tức, trước có kết quả xét nghiệm chẩn đoán. 

Thay thế yếu tố bị đông máu thiếu hụt là phương pháp điều trị chính.

  • Điều trị Hemophilia A:

Yếu tố đông máu:

Mức bổ sung độ yếu tố VIII như sau:

  • Khoảng 30% mức bình thường để ngăn ngừa chảy máu sau khi nhổ răng hoặc ngăn chặn xuất huyết khớp vừa khởi phát.

  • 50% mức bình thường nếu chảy máu khớp rõ rệt hoặc do tiêm bắp.

  • 100% bình thường trước khi phẫu thuật lớn hoặc nếu xuất huyết nội sọ, trong tim hoặc đe dọa tính mạng

Sau đó nên truyền lặp lại 50% liều ban đầu mỗi 8 - 12 giờ để giữ nồng độ thấp nhất > 50% trong 7 - 10 ngày sau phẫu thuật lớn hoặc xuất huyết đe dọa tính mạng. Mỗi đơn vị/kg yếu tố VIII làm tăng nồng độ yếu tố VIII khoảng 2%. Như vậy, để tăng từ 0% lên 50% thì cần khoảng 25 đơn vị/kg.

Kháng thể đơn dòng:

Emicizumab là một kháng thể đơn dòng đặc hiệu kép được sản xuất bằng phương pháp tái tổ hợp. Emicizumab liên kết với cả yếu tố IX và yếu tố X, tạo thành một phức hợp hoạt động giống yếu tố X và giúp loại bỏ nhu cầu về yếu tố VIII. Đây là một phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh Hemophilia A.

Yếu tố VWF và yếu tố VIII đều được lưu trữ trong thể Weibel-Palade của tế bào nội mô và được tiết ra khi các tế bào này bị kích thích. Do đó, có thể sử dụng liệu pháp điều trị hỗ trợ cho bệnh Hemophilia A nhẹ hoặc trung bình là kích thích tế bào nội mô của bệnh nhân bằng tiêm DDAVP (deamino-D-argininevasopressin, còn gọi là desmopressin) - một loại hormone tổng hợp tương tự vasopressin. Desmopressin có thể làm tăng tạm thời nồng độ yếu tố VIII. Chỉ nên chỉ định desmopressin cho những bệnh nhân mắc Hemophilia A nhẹ (nồng độ yếu tố VIII ≥ 5%).

  • Điều trị Hemophilia B:

Bổ sung yếu tố IX dạng tinh khiết hoặc tái tổ hợp bất hoạt virus sau mỗi 24 giờ. Các mức điều chỉnh nồng độ yếu tố cũng giống như trong điều trị Hemophila A. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu điều trị, phải dùng liều cao hơn so với Hemophilia A vì yếu tố IX nhỏ hơn yếu tố VIII và phân bố nhiều ở ngoại mạch, trong khi yếu tố VIII chủ yếu có trong nội mạch.

  • Thuốc chống tiêu sợi huyết:

Liều lượng: Acid aminocaproic: 2,5 - 4g uống 4 lần/ngày trong 1 tuần hoặc acid tranexamic 1,0 - 1, g uống 3 - 4 lần/ngày trong 1 tuần.

Chỉ định: Liệu pháp bổ trợ điều trị Hemophilia A hoặc B để ngăn chặn tiêu sợi huyết và ngăn ngừa chảy máu muộn sau khi nhổ răng hoặc chấn thương niêm mạc hầu họng khác (ví dụ: rách lưỡi).

  • Một số phương pháp điều trị khác:

Một protein dung hợp yếu tố VIII-Fc tái tổ hợp, một protein dung hợp yếu tố IX-Fc tái tổ hợp, một yếu tố tái tổ hợp liên kết với polyethylene glycol (PEG) và một yếu tố IX được PEGyl hóa đều có tuổi thọ cao hơn thời gian sống sót in vivo và đã được báo cáo để kiểm soát tình trạng xuất huyết ở bệnh nhân mắc Hemophilia A và B.

Fitusiran và concizumab là hai tác nhân điều trị mới được thử nghiệm lâm sàng để điều trị Hemophilia A và B. Fitusiran là một chất ức chế ARN giúp ngăn chặn quá trình sản xuất protein chống đông máu tự nhiên - antithrombin. Concizumab là một kháng thể đơn dòng ngăn chặn chất ức chế con đường yếu tố tổ chức (TFPI), một protein chống đông máu tự nhiên khác và làm tăng sản xuất thrombin ở bệnh Hemophilia A và B.

Liệu pháp gen sử dụng virus phân phối gen quy định yếu tố VIII hoặc IX cũng đang được thử nghiệm lâm sàng để điều trị bệnh này.

  • Truyền máu:

Nếu bệnh nhân bị mất máu nghiêm trọng, cần cân nhắc truyền thêm máu để giữ huyết áp, tránh ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan nội tạng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của máu khó đông

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Chú ý tránh va chạm, đồ vật sắc nhọn có thể gây chảy máu. Nếu tình trạng xuất huyết nghiêm trọng và không thể cầm máu được, cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để xử lý. Không tự ý sử dụng thuốc hoặc dược liệu để cầm máu.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Không ăn những loại thực phẩm có xương hoặc cứng, vì có thể gây tổn thương khoang miệng.

  • Bổ sung rau cải, bí ngô, khoai tây, thực phẩm giàu calci và sắt như sữa ít béo, phô mai, ngũ cốc, đậu, rau bina, các loại thịt đỏ, gan...

  • Để giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn, nên dùng thêm thực phẩm giàu vitamin C, bao gồm: Cam, cà chua, ớt chuông xanh và đỏ, dưa, dâu tây...

  • Hạn chế dùng các loại thức ăn: Nước ngọt, nước tăng lực, trà có đường, bơ, mỡ động vật, các sản phẩm từ sữa nguyên kem, kẹo, thực phẩm có chứa chất béo chuyển hóa bao gồm: thực phẩm chiên và bánh nướng (bánh ngọt, pizza, bánh quy).

Phương pháp phòng ngừa máu khó đông hiệu quả

 Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Cần xét nghiệm di truyền và tư vấn y khoa nếu có thành viên trong gia đình mang gen gây bệnh máu khó đông.

  • Để ngăn ngừa xuất huyết, bệnh nhân nên tránh dùng aspirin và các thuốc kháng viêm không steroid - NSAID vì cả hai đều có thể ức chế kết tập tiểu cầu. 

  • Chăm sóc răng miệng thường xuyên để tránh phải nhổ răng và các phẫu thuật nha khoa khác. 

  • Nên dùng thuốc đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch vì tiêm bắp có thể gây tụ máu.

  • Bệnh nhân mắc bệnh máu khó đông nên tiêm phòng viêm gan A và B vì virus parvovirus hoặc virus viêm gan từ người hiến tặng huyết tương có thể không bị bất hoạt sau quá trình xử lý.

Nguồn tham khảo

1. MSD Manual: https://www.msdmanuals.com/professional/hematology-and-oncology/coagulation-disorders/hemophilia

2. Drugs.com: https://www.drugs.com/health-guide/hemophilia.html

3. Healthline: https://www.healthline.com/health/understanding-hemophilia-a/diet-and-nutrition-tips

4. Mayoclinic: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hemophilia/symptoms-causes/syc-20373327

Các bệnh liên quan