Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. D-glucose

D-glucose: Dịch truyền/chất dinh dưỡng

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Glucose/Dextrose.

Loại thuốc

Dịch truyền/chất dinh dưỡng.

Dạng thuốc và hàm lượng

Dung dịch glucose 5%, đẳng trương với huyết thanh.

Dung dịch ưu trương: 10%; 15%; 30%; 40%; 50% đựng trong ống tiêm 5 ml; trong chai 100 ml, 250 ml, 500 ml.

Dạng bột dùng để pha uống.

Viên nén 10 mg.

Chỉ định

Glucose được chỉ định:

  • Làm test dung nạp glucose (uống).
  • Thiếu hụt hydrat carbon và dịch.
  • Phòng và điều trị mất nước do tiêu chảy cấp.
  • Hạ glucose huyết do suy dinh dương, do ngộ độc rượu, do tăng chuyển hóa khi bị stress hay chấn thương.
  • Điều trị cấp cứu trong tình trạng có tăng kali huyết (dùng cùng với calci và insulin).
  • Điều trị nhiễm thể ceton do đái tháo đường (sau khi đã điều chỉnh glucose huyết và phải đi kèm với truyền insulin liên tục).

Dược lực học

Glucose là đường đơn 6 carbon, chế phẩm của glucose được dùng theo đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch để điều trị thiếu hụt glucose và dịch. Glucose thường được dùng để cung cấp năng lượng theo đường tiêm cho người bệnh và dùng cùng với các dung dịch điện giải để phòng và điều trị mất nước do tiêu chảy cấp. Glucose còn được sử dụng để điều trị chứng hạ glucose huyết.

Khi làm test dung nạp glucose, thì dùng glucose theo đường uống. Các dung dịch glucose còn được sử dụng làm chất vận chuyển các thuốc khác. Dung dịch có nồng độ glucose khan 5,05% hoặc nồng độ glucose monohydrat 5,51% được coi là đẳng trương với máu, bởi vậy, dung dịch glucose 5% hay được dùng nhất trong bồi phụ nước theo đường tĩnh mạch ngoại vi.

Các dung dịch glucose có nồng độ cao hơn 5% là các dung dịch ưu trương và thường được dùng để cung cấp hydrat carbon (dung dịch 50% dùng để điều trị những trường hợp hạ glucose huyết nặng).

Động lực học

Hấp thu

Sau khi uống, glucose hấp thu rất nhanh ở ruột. Ở người bệnh bị hạ glucose huyết thì nồng độ đỉnh trong huyết tương xuất hiện 40 phút sau khi uống.

Phân bố

Không có dữ liệu.

Chuyển hóa

Glucose chuyển hóa thành carbon dioxyd và nước, đồng thời giải phóng ra năng lượng.

Thải trừ

Glucose có thể được bài tiết qua thận. Thời gian bán thải khoảng 14,3 phút sau khi truyền tĩnh mạch.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Cần tính đến ảnh hưởng về đường huyết của dung dịch glucose và ảnh hưởng của nó đối với cân bằng nước và điện giải khi sử dụng dung dịch glucose ở những bệnh nhân được điều trị bằng các chất khác có ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết, hoặc cân bằng dịch và/hoặc điện giải.

Sử dụng đồng thời catecholamine và steroid làm giảm sự hấp thụ glucose.

Tương kỵ thuốc

Trước khi pha thêm bất kỳ một thuốc gì vào dung dịch glucose để truyền phải kiểm tra xem có phù hợp không.

Dung dịch chứa glucose và có pH < 6 có thể gây kết tủa indomethacin.

Chống chỉ định

Glucose chống chỉ định trong các trường hợp:

  • Người bệnh không dung nạp được glucose.
  • Mất nước nhược trương nếu chưa bù đủ các chất điện giải.
  • Ứ nước.
  • Hạ kali huyết.
  • Hôn mê tăng thẩm thấu. Nhiễm toan.
  • Vô niệu.
  • Bị chảy máu trong sọ hoặc trong tủy sống (không được dùng dung dịch glucose ưu trương cho các trường hợp này).
  • Mê sảng rượu kèm mất nước, ngộ độc rượu cấp.
  • Không được dùng dung dịch glucose cho người bệnh sau cơn tai biến mạch não vì glucose huyết cao ơ vùng thiếu máu cục bộ chuyển hóa thành acid lactic làm chết tế bào não.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng D-glucose

Người lớn

Liều dùng thay đổi tùy theo nhu cầu của từng người bệnh.

Phải theo dõi chặt chẽ glucose huyết của người bệnh. Liều glucose tối đa khuyên dùng là 500 - 800 mg cho 1 kg thể trọng trong 1 giờ. Để làm giảm áp lực não - tủy và phù não do ngộ độc rượu, dùng dung dịch ưu trương 25 đến 50%.

Trẻ em

Liều dùng thay đổi tùy theo nhu cầu của từng người bệnh.

Áp dụng như liều người lớn.

Cách dùng

Nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch có thể thực hiện qua tĩnh mạch ngoại vi hoặc tĩnh mạch trung tâm lớn hơn. Chỉ định dùng qua đường tĩnh mạch ngoại vi khi chỉ cần nuôi dưỡng người bệnh trong một thời gian ngắn; hoặc khi bổ trợ thêm cho nuôi dưỡng theo đường tiêu hóa; hoặc khi người bệnh có nhiều nguy cơ tai biến nếu truyền qua đường tĩnh mạch trung tâm.

Các tĩnh mạch ngoại vi dễ bị viêm tắc, nhất là khi dung dịch có độ thẩm thấu lớn hơn 600 mOsm/lít, do đó không nên truyền vào tĩnh mạch ngoại vi các dịch truyền có nồng độ glucose cao hơn 10%.

Nếu buộc phải truyền qua tĩnh mạch ngoại vi thì phải truyền chậm (tốc độ truyền dung dịch glucose 50% trong trường hợp này chỉ nên 3 ml/phút). Phải truyền các dung dịch glucose ưu trương theo đường tĩnh mạch trung tâm vì ở đấy dung dịch glucose được pha loãng nhanh hơn, tuy vậy không nên truyền lâu dài và phải thay đổi vị trí truyền.

Trong nuôi dưỡng theo đường tĩnh mạch, có thể truyền dung dịch glucose đồng thời với các dung dịch có acid amin hoặc nhũ tương mỡ (truyền riêng rẽ hoặc cùng nhau bằng hỗn hợp “3 trong 1” chứa trong cùng một chai).

Cung cấp glucose cho người bệnh suy dinh dưỡng, hoặc người bệnh rối loạn chuyển hóa do stress sau mô phải bắt đầu từ từ do khả năng sử dụng glucose của người bệnh tăng lên dần dần. Nhiều người bệnh được nuôi dưỡng theo đường tiêm truyền bị tăng glucose huyết.

Cần phải xác định nguyên nhân và điều chỉnh bằng các biện pháp không phải insulin trước khi sử dụng insulin nếu có thể được. Cần truyền tốc độ đều đều không ngừng đột ngột, tránh thay đôi glucose huyết.

Tùy trường hợp có thể dùng insulin kèm thêm, ví dụ điều trị nhiễm toan do đái tháo đường. Nếu dùng insulin thì phải theo dõi thường xuyên glucose huyết của người bệnh và điều chỉnh liều insulin. Tuy insulin làm tăng tác dụng nuôi dưỡng theo đường tiêm truyền, nhưng vẫn cần phải thận trọng khi dùng để tránh nguy cơ hạ glucose huyết và do insulin làm tăng lắng đọng acid béo ở các mô dự trữ mỡ khiến cho chúng ít vào được các đường chuyển hóa quan trọng.

Nếu cần thiết, có thể tiêm insulin vào dưới da hoặc vào tĩnh mạch, hoặc cho thêm vào dịch truyền nuôi dưỡng. Một khi người bệnh đã ổn định với một liều insulin nhất định thì tiêm insulin riêng rẽ sẽ có lợi hơn về kinh tế, tránh lãng phí phải bỏ dịch truyền khi cần thay đổi liều insulin. Dùng insulin người là tốt nhất vì ít ảnh hưởng đến miễn dịch nhất.

Liều dùng insulin là theo kinh nghiệm và điều kiện thực tế (ví dụ có thể dùng một nửa hoặc một phần ba liều cần dùng ngày hôm trước cùng với dịch truyền nuôi dưỡng hàng ngày). Cần tôn trọng các bước chuẩn bị và pha dịch truyền để giảm thiểu biến động hoạt tính của insulin do hiện tượng hấp phụ gây ra.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Đau tại chỗ tiêm tĩnh mạch, nhất là khi dùng dung dịch glucose ưu trương thường có pH thấp, kích ứng tĩnh mạch, viêm tắc tĩnh mạch, hoại tử chỗ tiêm nếu thuốc thoát ra ngoài mạch.

Ít gặp

Rối loạn nước và điện giải (hạ kali huyết, hạ magnesi huyết, hạ phospho huyết).

Hiếm gặp

Phù hoặc ngộ độc nước (do truyền kéo dài hoặc truyền nhanh một lượng lớn dung dịch đẳng trương), mất nước do hậu quả của glucose huyết cao (khi truyền kéo dài hoặc quá nhanh các dung dịch ưu trương).

Lưu ý

Lưu ý chung

Phải theo dõi đều đặn glucose huyết, cân bằng nước và các chất điện giải. Cần bổ sung các chất điện giải nếu cần.

Không truyền dung dịch glucose cùng với máu qua một bộ dây truyền vì có thể gây tan huyết và tắc nghẽn.

Truyền glucose vào tĩnh mạch có thể dẫn đến rối loạn dịch và điện giải như hạ kali huyết, hạ magnesi huyết, hạ phospho huyết.

Truyền lâu hoặc truyền nhanh một lượng lớn dung dịch glucose đẳng trương có thể gây phù hoặc ngộ độc nước.

Truyền kéo dài hoặc nhanh một lượng lớn dung dịch glucose ưu trương có thể gây mất nước tế bào do tăng glucose huyết.

Không được truyền dung dịch glucose ưu trương cho người bệnh bị mất nước vì tình trạng mất nước sẽ nặng thêm do bị lợi niệu thẩm thấu. Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân bị đái tháo đường (truyền nhanh có thể dẫn đến tăng glucose huyết), bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, thiếu thiamin, không dung nạp glucose, bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, sốc, chấn thương.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Dùng được cho người mang thai.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

An toàn đối với người cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Không có dữ liệu.

Quá liều

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Dùng kéo dài hoặc truyền nhanh một lượng lớn dung dịch glucose 10% w/v để tiêm truyền có thể gây tăng nồng độ và hạ natri máu, mất nước, tăng đường huyết, tăng đường niệu, bài niệu thẩm thấu (do tăng đường huyết), nhiễm độc nước và phù nề. Tăng đường huyết nghiêm trọng và hạ natri máu có thể gây tử vong.

Cách xử lý khi quá liều

Trong trường hợp nghi ngờ quá liều, phải ngừng ngay việc điều trị bằng glucose 10%. Xử trí quá liều là điều trị triệu chứng và hỗ trợ, với sự theo dõi thích hợp.

Quên liều và xử trí

Glucose được sử dụng khi cần thiết, nên có ít khả năng quên liều. Nếu xảy ra trường hợp quên liều, cần tham vấn ý kiến bác sĩ.

Nguồn tham khảo