Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Nội tiết - chuyển hóa/
  4. Hạ đường huyết

Hạ đường huyết là gì? Nguyên nhân và cách phòng ngừa.

Bác sĩNguyễn Văn Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe da liễu, hiện tại đang công tác tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu.

Xem thêm thông tin

Hạ đường huyết là một cấp cứu nội khoa. Bệnh xảy ra khi người mắc bệnh tiểu đường không có đủ đường (glucose) trong máu. Triệu chứng hạ đường huyết thường gặp ở người bệnh tiểu đường đang được điều trị bằng insulin hoặc các thuốc tiểu đường khác nhưng không theo chỉ định của bác sĩ. Để chẩn đoán hạ đường huyết, bệnh nhân cần làm các xét nghiệm máu tại thời điểm có triệu chứng hoặc trong vòng 72 giờ nhịn đói.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung hạ đường huyết

Hạ đường huyết là tình trạng đường huyết hạ thấp < 70mg/dL (< 8,9mmol/L), nhưng hạ đường huyết có triệu chứng lâm sàng kèm theo thường xảy ra khi đường huyết nằm trong khoảng 45 – 50mg/dL (2,75mmol/L). Đây là một cấp cứu gây tổn thương não không hồi phục.

Sinh lý bệnh

Dấu hiệu thần kinh trung ương: Đường là thành phần nuôi dưỡng tế bào não. Gan là nơi duy trì sự ổn định đường huyết nhờ vào sự tân tạo glycogen. Khi dự trữ đường cạn kiệt gây tổn thương tế bào não, những vùng dễ bị thương là vỏ não, dưới vỏ (nhân đuôi, dưới đồi, hành não).

Dấu hiệu thần kinh thực vật: Hạ đường huyết gây ngừng tiết insulin và làm tăng tiết các hormone điều hòa khác như glucagon, adrenalin, cortison, ACTH và GH. Kích thích giải phóng noradrenalin, acetylcholin từ những thần kinh sau hạch giao cảm và cận giao cảm. Những triệu chứng thể hiện là do sự tăng tiết adrenalin.

Triệu chứng hạ đường huyết

Những dấu hiệu và triệu chứng của hạ đường huyết

Dấu hiệu chung: Mệt xuất hiện đột ngột không giải thích được, đau đầu chóng mặt, xỉu.

  • Dấu hiệu thần kinh thực vật: Vã mồ hôi, da xanh, hồi hộp, trống ngực, run tay, cảm giác lạnh, tăng tiết nước bọt.
  • Dấu hiệu tim mạch: Nhịp nhanh trên thất, có thể gặp nhịp nhanh thất, tăng huyết áp tâm thu, đau ngực (ít gặp).
  • Dấu hiệu tiêu hóa: Cảm giác đói, đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, đi ngoài có thể gặp.
  • Dấu hiệu thần kinh: Co giật, kiểu động kinh khu trú hoặc toàn thể, dấu hiệu thần kinh khu trú: Liệt ½ người, tổn thương thần kinh sọ, rối loạn cảm giác vận động, hội chứng tiểu não (có thể gặp), nhìn đôi.
  • Dấu hiệu tâm thần là biểu hiện nặng của giảm đường huyết: Kích động, hung dữ, nói cười vô cớ, rối loạn nhân cách, ảo giác, ảo khứu.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh hạ đường huyết

Hôn mê hạ đường huyết là giai đoạn cuối của hạ đường huyết, xuất hiện ngay lập tức, đôi khi không có tiền triệu hoặc nối tiếp các triệu chứng có trước.

Hôn mê yên lặng, hôn mê sâu có thể gặp hội chứng bó tháp một hoặc hai bên: Babinski (+), phản xạ gân xương nhanh nhạy, trong một số trường hợp có thể mất phản xạ gân xương.

Tăng trương lực cơ và co giật khu trú hoặc toàn thể có thể gặp.

Không có rối loạn nhịp thở.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân hạ đường huyết

Ở bệnh nhân đái tháo đường

Đái tháo đường phụ thuộc insulin:

Quá liều insulin.

Hấp thu insulin quá nhanh hoặc quá kéo dài: Loạn dưỡng mỡ dưới da do tiêm những vùng hoạt động nhiều, chườm nóng sau tiêm insulin.

Sai lầm chế độ ăn: Ăn quá muộn sau tiêm, ăn không đủ, bỏ bữa ăn, thiếu bữa ăn phụ.

Hoạt động thể lực không thường xuyên.

Không giảm liều insulin (sau khi tăng tạm thời) sau nhiễm trùng, phẫu thuật.

Suy thận, uống rượu.

Đái tháo đường không phụ thuộc insulin:

Nhầm liều thuốc Sulfonylurea, phối hợp thuốc gây hạ đường huyết.

Sai lầm chế độ ăn: Giảm thành phần glucid, hoạt động thể lực quá sức.

Suy gan, suy thận.

Thuốc gây hạ đường huyết (liều cao): Insulin, sulfonylurea, chống viêm non steroid (NSAID) liều cao, quinine, chloramphenicol, ketoconazole, disopyramide (Rythmodan), haloperidol.

Ở bệnh nhân không đái tháo đường

Có hai loại là hạ đường huyết thực thể và hạ đường huyết phản ứng.

Hạ đường huyết thực thể:

Insulinoma (u tiết insulin).

U ngoại tụy: Các khối u fibrosarcoma, neurofibroma ở ngực, bụng, sau phúc mạc. Hiếm gặp hơn: Leucemie, ung thư buồng trứng, gan, thận, phổi.

Nguyên nhân tại gan: Tổn thương gan nặng: Viêm gan virus, xơ gan, ung thư gan, viêm gan do nhiễm trùng.

Nguyên nhân nội tiết: Suy thượng thận, suy thùy trước tuyến yên, suy giáp.

Nguyên nhân gặp trong hồi sức cấp cứu: Suy gan, suy thận, suy tim, nhiễm trùng nặng, sốc.

Hạ đường huyết phản ứng:

Hạ đường huyết do thần kinh thực vật.

Hạ đường huyết do ăn quá nhiều glucid (đường đơn) gây tăng insulin quá nhiều sau ăn.

Hạ đường huyết sau khi cắt dạ dày.

Chia sẻ:

Câu hỏi thường gặp về bệnh hạ đường huyết

Vã mồ hôi có phải dấu hiệu của hạ đường huyết không?

Vã mồ hôi có thể là dấu hiệu của hạ đường huyết, đặc biệt khi kèm theo các triệu chứng khác như run rẩy, chóng mặt hoặc cảm giác đói cồn cào. Tuy nhiên, vã mồ hôi cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác, như căng thẳng, lo âu, vì vậy cần chú ý đến các triệu chứng kèm theo và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu cần.

Đối tượng nào dễ bị hạ đường huyết?

Dấu hiệu của hạ đường huyết là gì?

Hạ đường huyết có nguy hiểm không?

Khi bị hạ đường huyết tại nhà nên làm gì?

Hỏi đáp (0 bình luận)