Long Châu

Suy dinh dưỡng: Tình trạng ngưng phát triển thể chất và tinh thần

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của cơ thể. Những trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng thường phát triển hành vi chậm, thậm chí chậm phát triển trí não. Người lớn bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng ở tuổi trưởng thành thường phục hồi hoàn toàn khi điều trị.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Suy dinh dưỡng là gì? 

Suy dinh dưỡng là tình trạng ngưng phát triển thể chất và tinh thần do thiếu các chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu năng lượng và protein. Đây là một vấn đề sức khỏe phổ biến và tình trạng này xảy ra khi chế độ ăn uống không chứa đủ chất dinh dưỡng hoặc khi cơ thể gặp vấn đề về khó hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy dinh dưỡng

Các triệu chứng thường gặp của bệnh suy dinh dưỡng là:

  • Mất chất béo (mô mỡ);

  • Khó thở, dễ dẫn đến mắc suy hô hấp;

  • Phiền muộn;

  • Có thể có nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật;

  • Nguy cơ cao bị giảm thân nhiệt – nhiệt độ cơ thể giảm bất thường;

  • Giảm một số loại tế bào máu trắng. Do đó, hệ thống miễn dịch bị suy yếu, tăng nguy cơ nhiễm trùng;

  • Nhạy cảm hơn với thời tiết lạnh;

  • Lâu lành các vết thương;

  • Lâu phục hồi do nhiễm trùng và các bệnh khác;

  • Giảm ham muốn tình dục;

  • Gặp vấn đề về khả năng sinh sản;

  • Giảm khối lượng cơ bắp, mô;

  • Mệt mỏi, cáu gắt, hoặc thờ ơ.

Tác động của suy dinh dưỡng đối với sức khỏe

Thể trạng người suy dinh dưỡng khiến bệnh nhân rất dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp và đường ruột. Đáng quan ngại nhất là việc trẻ suy dinh dưỡng dễ dẫn đến phát triển chậm cả về thể chất lẫn tinh thần. Suy dinh dưỡng khiến ảnh hưởng đến sự phát triển của các cơ quan khác, thứ nhất là hệ cơ xương, chiều cao và tầm vóc của trẻ có thể bị hạn chế. Thứ hai là trí não kém phát triển, chậm chạp, giảm tư duy, tiếp thu, giao tiếp xã hội kém và khả năng làm việc thấp hơn khi trưởng thành.

Thông thường suy dinh dưỡng thường đi kèm với tình trạng thiếu các vi chất dinh dưỡng khác, dù có hay không có biểu hiện lâm sàng như thiếu vitamin A, acid folic, sắt... với các mức độ thay đổi theo từng vùng địa phương khác nhau. Một số các vi chất dinh dưỡng trong số đó cũng đang được xem xét gây ra quá trình chậm lớn, chậm phát triển của cơ thể như iod, sắt và kẽm.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến khám bác sĩ nếu có những dấu hiệu sau: Ngất xỉu; kinh nguyệt không đều; trẻ em chậm phát triển; rụng tóc nhiều.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng

Một số nguyên nhân phổ biến sau dẫn đến suy dinh dưỡng: 

Bữa ăn nghèo nàn về số lượng và chất lượng của các dưỡng chất: Đây là nguyên nhân phổ biến gây suy dinh dưỡng ở các nước nghèo.

Khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng kém do các bệnh lý đường tiêu hóa hoặc sau một đợt bệnh nặng, người bệnh cảm thấy không ngon miệng, không muốn ăn mặc dù được cung cấp thức ăn giàu chất dinh dưỡng. Ói mửa hay đi chảy kéo dài làm mất chất dinh dưỡng.

Bệnh lý viêm loét đại tràng, bệnh Crohn làm giảm khả năng dung nạp chất dinh dưỡng từ thức ăn đưa vào. Bệnh nhân viêm loét dạ dày hoặc các bệnh lý gan mật thường đối mặt với chứng khó tiêu, làm người bệnh chán ăn, lâu dần cũng gây nên suy dinh dưỡng.

Các bệnh lý nhiễm trùng tại đường tiêu hóa, hoặc việc phải sử dụng nhóm thuốc kháng sinh làm mất cân bằng giữa lượng vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột cũng làm giảm khả năng hấp thu.

Vấn đề sức khỏe tâm thần:

  • Nhiều rối loạn tâm thần kinh ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của người bệnh như trầm cảm, chứng chán ăn tâm thần, chứng ăn ói và các rối loạn ăn uống khác.
  • Nguyên nhân này cũng có thể gặp phải ở trẻ em. Khi bi gia đình ép buộc ăn uống quá mức, trẻ dễ có tâm lý sợ hãi sinh ra những nỗi ám ảnh về thức ăn, dần dần sẽ dẫn tới bệnh chán ăn và gây ra suy dinh dưỡng.

Trẻ sơ sinh không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên, không bú đủ sữa mẹ và cho ăn dặm quá sớm. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng không được bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời có thể dẫn tới suy dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc suy dinh dưỡng?

Bệnh suy dinh dưỡng có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng chủ yếu là các đối tượng sau có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cao hơn người bình thường:

  • Người nghèo, có thu nhập thấp;

  • Người cao tuổi;

  • Người mắc nhiều bệnh lý cùng một lúc;

  • Người nghiện rượu bia;

  • Trẻ em sinh thiếu tháng bị nhẹ cân, không được chăm sóc dinh dưỡng tốt.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải suy dinh dưỡng

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc suy dinh dưỡng, bao gồm:

  • Nghiện rượu do rượu gây viêm dạ dày và viêm tụy, giảm khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Bên cạnh đó, uống nhiều rượu làm giảm cảm giác đói, người nghiện rượu luôn cảm thấy no nên không ăn uống đầy đủ.

  • Bị rối loạn ăn uống mạn tính, chẳng hạn như ăn vô độ hoặc chán ăn.

  • Những người hồi phục sau cơn bệnh nặng, người phải nhập viện hoặc chăm sóc dài hạn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy dinh dưỡng

Xét nghiệm

Đo lượng albumin huyết thanh là xét nghiệm thường được sử dụng nhất. Giảm albumin và các protein khác (ví dụ, prealbumin [transthyretin], transferrin, protein gắn kết retinol) có thể chỉ ra việc thiếu protein hoặc thiếu protein - năng lượng (PEU). Khi thiếu dinh dưỡng tiến triển, albumin giảm chậm; prealbumin, transferrin, và protein gắn kết retinol giảm nhanh.

Đo lượng albumin không tốn kém và dự đoán tỉ lệ mắc bệnh và tử vong tốt hơn so với đo các protein khác. Tổng số tế bào lymphocyte, thường giảm do thiếu dinh dưỡng tiến triển, có thể được xác định. Thiếu dinh dưỡng gây ra sự giảm đáng kể các tế bào lympho CD4+ T, vì thế việc đếm tế bào này không có ích đối với bệnh nhân AIDS.

Test da sử dụng các kháng nguyên có thể phát hiện suy miễn dịch qua trung gian qua tế bào trong PEU và trong một số rối loạn khác của thiếu dinh dưỡng.

Các xét nghiệm khác, như đo mức vitamin và khoáng chất, được sử dụng có chọn lọc để chẩn đoán những thiếu hụt đặc trưng.

Đánh giá

Các công cụ đánh giá sau đây có thể giúp ích:

  • Đánh giá tổng thể chủ quan (SGA) sử dụng thông tin từ tiền sử bệnh nhân (ví dụ, mất cân, thay đổi trong thức ăn đưa vào, các triệu chứng tiêu hóa), các kết quả khám lâm sàng (ví dụ, mất cơ, mỡ dưới da, phù, cổ chướng) và đánh giá của bác sĩ lâm sàng về tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân.

  • Đánh giá Dinh dưỡng rút gọn (MNA) đã được xác nhận và được sử dụng rộng rãi, đặc biệt đối với những bệnh nhân cao tuổi.

  • Bảng câu hỏi đánh giá dinh dưỡng rút gọn (SNAQ), một phương pháp đơn giản đã được phê chuẩn để dự báo mất cân trong tương lai, có thể sử dụng.

  • Chỉ số khối cơ thể (BMI = trọng lượng [kg]/chiều cao [m]2) điều chỉnh trọng lượng cho chiều cao. Nếu trọng lượng < 80% được dự đoán cho chiều cao bệnh nhân hoặc nếu BMI 18, nên nghi ngờ thiếu dinh dưỡng. Mặc dù những phát hiện này rất hữu ích trong chẩn đoán thiếu dinh dưỡng và độ nhạy chấp nhận được, nhưng thiếu tính đặc hiệu.

  • Vùng cơ giữa cánh tay ước tính khối nạc cơ thể. Vùng này được suy ra từ độ dày nếp gấp da cơ tam đầu (TSF) và chu vi giữa cánh tay. Cả hai đều được đo tại cùng một vị trí, với cánh tay phải của bệnh nhân ở một vị trí thả lỏng. Chu vi giữa cánh tay trung bình khoảng 34,1 cm đối với nam giới và 31,9 cm đối với nữ giới.

Phân loại

Phân loại theo tiêu chuẩn lâm sàng là cách phân loại khá kinh điển, gồm các thể thiếu dinh dưỡng nặng sau:

  • Suy dinh dưỡng thể teo đét (Marasmus): Đó là thể thiếu dinh dưỡng rất nặng, do chế độ ăn thiếu cả năng lượng lẫn protein. Suy dinh dưỡng thể teo đét (Marasmus) có thể xảy ra ngay trong năm đầu tiên, điều này khác với suy dinh dưỡng nặng thể phù (Kwashiorkor)-chủ yếu xảy ra ở nhóm 1-3 tuổi. 

  • Suy dinh dưỡng thể phù (Kwashiorkor): Ít gặp hơn so với thể Marasmus. Bệnh thường gặp ở trẻ trên 1 tuổi, nhiều nhất là giai đoạn từ 1-3 tuổi. Hiếm gặp ở người lớn, nhưng vẫn có thể gặp khi xảy ra nạn đói nặng nề, nhất là đối với phụ nữ. 

  • Thể trung gian (Marasmic-Kwashiorkor), thể này thường gặp hơn nhiều so với hai thể trên với mức độ bệnh nhẹ hơn.

Phân loại suy dinh dưỡng trên cộng đồng dựa trên cân nặng, chiều cao của trẻ và so sánh với quần thể chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới năm 2006, người ta chia SDD thành 3 thể:

  • Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân: Cân nặng thấp hơn so với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và giới (sử dụng điểm ngưỡng cân nặng theo tuổi dưới -2SD).

  • Suy dinh dưỡng thể thấp còi: Là giảm mức độ tăng trưởng của cơ thể, biểu hiện của SDD mạn tính, có thể bắt đầu sớm từ SDD bào thai do mẹ bị thiếu dinh dưỡng. Được xác định khi chiều cao thấp hơn với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và giới (dưới -2SD).

  • Suy dinh dưỡng thể gầy còm: Là hiện tượng cơ và mỡ cơ thể bị teo đi, được coi là SDD cấp tính vì thường biểu hiện trong thời gian ngắn. Được xác định khi cân nặng theo chiều cao dưới -2SD.

Phương pháp điều trị suy dinh dưỡng hiệu quả

Thể nhẹ cân và thể vừa không biến chứng

Điều trị tại nhà:

  • Chế độ ăn tăng năng lượng, bổ sung vitamin và muối khoáng.

  • Cho trẻ tắm nắng và vận động vừa sức.

Thể vừa có biến chứng và thể nặng

Điều trị tại bệnh viện theo phác đồ của WHO:

  • Đánh giá và điều trị rối loạn nước và điện giải.

  • Chẩn đoán và điều trị nhiễm trùng và kí sinh trùng vùng dịch tễ SR: Phòng chloroquin.

  • Vitamin liều cao.

  • Điều trị thiếu máu.

  • Uống KCl, acid folic, đa sinh tố.

  • Dinh dưỡng tăng cường.

  • Tìm và điều trị biến chứng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của suy dinh dưỡng

Chế độ sinh hoạt:

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

  • Tăng cường các hoạt động thể chất thường xuyên: Tập thể dục hàng ngày dù chỉ là các bài tập nhẹ, có thể kích thích sự thèm ăn và tăng cường xương, cơ bắp.

  • Tăng cường giáo dục truyền thông để cải thiện các thực hành chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân suy dinh dưỡng.

  • Tư vấn và chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và bà mẹ đang cho con bú.

  • Thực hành cho bú mẹ theo khuyến nghị: Bú sớm trong 1 giờ đầu, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú mẹ theo nhu cầu.

  • Thực hành cho trẻ ăn bổ sung theo khuyến nghị, bắt đầu từ tròn 6 tháng tuổi và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 2 tuổi hoặc hơn.

  • Chăm sóc dinh dưỡng cho người mắc bệnh và chậm tăng trưởng.

  • Bổ sung đủ sắt/acid folic và phòng chống thiếu máu.

  • Phòng chống thiếu vitamin A ở phụ nữ và trẻ em.

  • Sử dụng muối/gia vị có i-ốt cho tất cả các thành viên của gia đình.

  • Tiêm chủng đầy đủ theo lịch.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Khuyến khích trẻ ăn các loại thực phẩm đóng gói đủ các chất dinh dưỡng: Bạn hãy phết đậu phộng hoặc bơ hạt đậu khác trên bánh mì nướng và bánh quy giòn, trái cây tươi và rau sống. Nếu thích, bạn rắc thêm hạt thái nhỏ hoặc mầm lúa mì vào sữa chua, trái cây và ngũ cốc hoặc thêm lòng trắng trứng vào trứng chiên hay gà rán và khuyến khích sử dụng sữa nguyên chất. 

  • Tăng hương vị cho những món ăn thông thường: Thực hiện chế độ ăn uống hấp dẫn hơn bằng cách sử dụng nước chanh, các loại thảo mộc và gia vị. 

  • Thêm các bữa ăn nhẹ vào thực đơn: Một miếng trái cây hoặc phô mai, một thìa bơ đậu phộng hoặc một ly sinh tố trái cây có thể cung cấp chất dinh dưỡng và calo.

  • Hãy để việc ăn uống trở thành thú vui: Mời người thân đến nhà cùng ăn. Khuyến khích người thân đi ăn cùng người khác.

Phương pháp phòng ngừa suy dinh dưỡng hiệu quả

Chưa có dữ liệu.

Nguồn tham khảo
  1. Msdmanuals.com: https://www.msdmanuals.com/vi/c
  2. Hướng dẫn và điều trị chẩn đoán bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em của Bộ y tế

Các bệnh liên quan

  1. Thừa Estrogen

  2. Suy giáp

  3. Đổ mồ hôi trộm

  4. Suy tuyến yên

  5. Hội chứng tăng tiết ADH không thích hợp

  6. Bướu cổ

  7. Tăng canxi máu

  8. Cổ trướng

  9. Suy cận giáp

  10. Rối loạn lipid máu