Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Đẳng sâm

Đẳng sâm: Vị thuốc quý giúp bổ khí

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Đẳng sâm là một vị thuốc quý giúp bồi bổ cơ thể và điều trị một số bệnh lý trong Y học cổ truyền. Với nhiều tác dụng dược lý nhờ những thành phần hóa học đa dạng, Đẳng sâm ngày càng được các nhà khoa học nghiên cứu, phân tích và ứng dụng trong y học. Cùng tìm hiểu một số thông tin về vị thuốc này qua bài viết bên dưới.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt: Đẳng sâm.

Tên gọi khác: Đảng sâm, Cây đùi gà, Ngân đằng, Phòng đẳng sâm, Xuyên đẳng sâm.

Tên khoa học: Một số cây thuộc Codonopsis sp như Codonopsis pilosula (Franch.) Nannf., Codonopis pilosula (Franch.) Nannf. var. modesta (Nannf.) L. T. Shen hoặc Codonopsis tanashen Oliv.

Chi Codonopsis, họ Campanulaceae, bộ Asterales.

Đặc điểm tự nhiên

Đẳng sâm là một loại cây thân thảo sống lâu năm. Rễ hình trụ dài, đường kính có thể đạt kích thước từ 1-1,7cm. Đầu rễ phình to, mặt ngoài có nhiều vết sẹo của thân cũ, màu vàng nhạt, phía dưới phân nhánh. Thân bò hay leo, phân nhiều nhánh, lá mọc đối, so le hoặc có khi gần như mọc vòng. Cuống lá dài 0,5 - 4 cm, phiến lá có hình tim hoặc hình trứng, dài từ 1 - 7 cm, rộng 0,8 - 5,5 cm, đầu nhọn hoặc đầu tù, mép lá nguyên, hơi lượn sóng hoặc có răng cưa, mặt trên lá màu xanh nhạt, mặt dưới trắng.

Hoa mọc đơn, thường thấy ở kẽ lá, có 5 cánh dài, tràng hoa rủ xuống hình chuông, màu vàng nhạt, chia thành 5 thuỳ, 5 nhị, bầu có 5 ngăn. Mùa hoa nở tháng 7 - 8. Quả nang có hình nón, phía trên có 1 núm nhỏ, khi chín quả chuyển sang màu tím đỏ. Mùa quả tháng 9 - 10.

Codonopsis pilosula: Rễ hình trụ dài từ 10 - 35 cm, hơi cong, thon dần về phía đuôi, thường phân nhánh. Mặt ngoài có màu nâu hơi ngả vàng đến màu nâu hơi xám, đầu trên phình to, có nhiều nốt sẹo của thân. Toàn vỏ rễ có nhiều nếp nhăn dọc, rải rác có nhiều lỗ. Chất hơi chắc và dai. Mặt bẻ khá phẳng, có khe nứt hoặc các tia chạy xuyên tâm, phần vỏ khá dày có màu vàng nhạt hoặc nâu, phần lõi có gồ màu trắng ngà. Mùi thơm, vị ngọt nhẹ.

Codonopsis pilosula (Franch.) Nannf. var. modesta (Nannf.) L. T. Shen: Rễ dài từ 6 - 32 cm. Mặt ngoài có màu nâu vàng hoặc vàng xám, có nhiều vân ngang dạng hạt khá dày đặc ở khoảng 1/2 rễ từ trên xuống. Mặt bẻ nhiều khe nứt, phần vỏ màu trắng xám hoặc nâu nhạt, phần lõi màu nâu.

Codonopsis tangshen Oliv.: Rễ dài từ 10 - 45 cm, mặt ngoài màu nâu vàng hoặc nâu xám có nếp nhăn dọc vỏ. Chất hơi xốp và dẻo. Mặt bẻ ít khe nứt.

Đẳng sâm - vị thuốc quý giúp bổ khí 1
Đẳng sâm

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố: Dược liệu này phân bố chủ yếu ở các nước Đông Á, có nguồn gốc từ Trung Quốc ở các tỉnh như Vân Nam, Hồ Bắc, Sơn Tây, Cam Túc, Tứ Xuyên, Ninh Hạ, Hắc Long Giang,... Tại Việt Nam, các loại thực vật được dùng làm dược liệu thuộc chi Codonopsis thường được trồng ở các tỉnh như Lâm Đồng, Kon Tum, Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng,...

Thu hái: Chủ yếu vào mùa đông khi cây rụng hết lá hoặc đợi đến mùa xuân năm sau, tuy nhiên cần thu hái trước khi cây ra lộc non.

Chế biến: Sau khi đào rễ về, cần làm sạch đất cát, cắt bỏ đầu rễ và rễ cơn, phân loại rễ và phơi khô. Đối với dược liệu thái phiến ta lấy dược liệu chưa thái lát, ủ mềm rồi thái phiến dày, phơi khô.

Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát, tránh sâu mọt, độ ẩm không quá 15%, tạp chất không quá 1%.

Bộ phận sử dụng

Rễ của một số cây thuộc chi Codonopsis (Radix Codonopsis).

Đối với dược liệu thái phiến: Các lát dày hình gần tròn, bên ngoài màu nâu xám tới nâu vàng, đôi khi có các nốt sẹo lồi lên ở các lát cắt. Bề mặt phiến ở phần vỏ có màu vàng nhạt hoặc nâu nhạt, phần lõi có màu vàng nhạt, có khe nứt hoặc tia xuyên tâm. Mùi thơm đặc trưng, vị ngọt.

Bột Đẳng sâm: Màu vàng nhạt, mùi thơm đặc trưng, vị hơi ngọt.

Đẳng sâm - vị thuốc quý giúp bổ khí 2
Rễ Đẳng sâm

Thành phần hoá học

Polysaccharides là một thành phần hoạt chất thiết yếu của Đẳng sâm. Ngoài ra các nhà khoa học còn chiết xuất được các hoạt chất khác như polyacetylenes, polyenes, flavonoids, lignans, alkaloids, coumarins, terpenoids, steroids, acid hữu cơ,...

Một số polysaccharides gồm các đường 5 hoặc 6 carbon và các dẫn xuất của nó.

Một số polyacetylenes có thể kể đến như cordifolioidynes A, B, C; một số glycosides như tangshenyne A, B, codonopiloenynenoside A, B,...

Một số flavonoids như luteoloside, tricin, apigenin, hesperidin, kaempferol, choushenoside A, B, C,...

Một số lignans như tangshenoside I, II, III, IV, coniferoside, epipinoresinol, medioresinol,...

Một số steroids như stigmasterol, sitosterol, ɑ-spinasterone,...

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Tính vị, quy kinh

Tính vị: Vị cam (ngọt), tính bình.

Quy kinh: Tỳ, Vị, Phế.

Công năng, chủ trị

Công năng: Bổ trung, ích khí, kiện Tỳ, bổ Phế khí.

Chủ trị: Tỳ Phế khí hư nhược gây người mệt mỏi, đoản khí, ăn uống kém ngon, háu suyễn, thoát giang, hư lao.

Đẳng sâm - vị thuốc quý giúp bổ khí 3
Vị thuốc Đẳng sâm

Theo y học hiện đại

Bảo vệ thần kinh

Theo nghiên cứu của Zhang và cộng sự (2018), các polysaccharides có trong Đẳng sâm có thể kích hoạt PP2A để ngăn chặn quá trình tăng phosphoryl hóa protein TAU - một protein liên kết vi chất được tìm thấy trong hầu hết các mô và tồn tại nhiều trong hệ thần kinh trung ương và ngoại biên, nhờ đó có thể thay đổi tình trạng mất tế bào thần kinh và làm giảm nguy cơ suy giảm nhận thức ở người bệnh sa sút trí tuệ.

Theo nghiên cứu của Hu và cộng sự (2021), các polysaccharides có trong Đẳng sâm giúp bảo vệ tế bào PC12 khỏi tổn thương do Aβ gây ra, cho thấy rằng các thành phần này của Đẳng sâm có thể là một lựa chọn điều trị sớm cho bệnh nhân sa sút trí tuệ.

Đẳng sâm - vị thuốc quý giúp bổ khí 4
Đẳng sâm có tác dụng bảo vệ thần kinh trong bệnh sa sút trí tuệ

Bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa và chống loét

Theo nghiên cứu của Li và cộng sự (2013), phát hiện ra rằng dịch chiết trong nước của Đẳng sâm có thể làm giảm tổn thương niêm mạc dạ dày và tổn thương bệnh lý ở chuột bị loét dạ dày do căng thẳng và tăng hàm lượng polyamines (spermidine) trong niêm mạc dạ dày. Và trong một nghiên cứu tiếp theo vào năm 2014, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng tác dụng thúc đẩy di chuyển tế bào của ​​flavonoid được chiết xuất từ Đẳng sâm có liên quan đến ảnh hưởng của các con đường truyền tín hiệu điều hòa polyamine.

Theo nghiên cứu của Zhao và cộng sự (2016), tác dụng giảm nhẹ và đối kháng đáng kể của polysaccharides có trong Đẳng sâm đối với bệnh viêm loét đại tràng do TNBS gây ra trên mô hình chuột và cải thiện đáng kể tổn thương trên niêm mạc đại tràng, cơ chế tác dụng có thể thông qua việc kích hoạt con đường TLR4-NF-κB để điều chỉnh sự tiết ra các yếu tố gây viêm tế bào (IL-6, TNF-α và IL-10) và các chất trung gian gây viêm (NO), đồng thời cũng liên quan đến tác dụng chống oxy hóa và chống viêm.

Điều hòa miễn dịch

Theo nghiên cứu của Tianhui và cộng sự (2019), dịch chiết của Đẳng sâm có thể điều chỉnh những con chuột bị ức chế miễn dịch bằng cách thúc đẩy sự phát triển của các cơ quan miễn dịch, tăng sinh tế bào miễn dịch và tăng mức độ của các yếu tố miễn dịch.

Nghiên cứu của Xu (2018) cho rằng polysaccharides có trong Đẳng sâm đã tăng cường sự tăng sinh của tế bào lympho lách chuột và khả năng tiết IL-2 và IL-4 của chúng, đồng thời tăng cường sự tăng sinh và thực bào của đại thực bào chuột cũng như khả năng tiết ra TNF-α và IL-6 trong ống nghiệm của chúng.

Trong các thí nghiệm trên động vật in vivo, polysaccharides này có thể làm tăng chỉ số lá lách và chỉ số tuyến ức của chuột bị suy giảm miễn dịch, đồng thời tăng mức độ IgG, IgM, IgA, C3 và C4. Cơ chế phân tử của nó có thể liên quan đến việc ức chế sự biểu hiện của protein Bax và NF-κBp-p65 trong các cơ quan miễn dịch và thúc đẩy sự biểu hiện của protein Bcl-2 trong các cơ quan miễn dịch.

Chống khối u

Nghiên cứu của Li (2012) và Fang (2015) báo cáo rằng các saponin của Đẳng sâm có thể ức chế sự tăng sinh của tế bào ung thư biểu mô tế bào gan ở người HepG-2 và SMMC-7721.

Nghiên cứu của Bai và cộng sự (2018) cho biết các polysaccharides hòa tan trong nước của Đẳng sâm gây ra quá trình chết tế bào (apoptosis) trong tế bào HepG2 bằng cách điều chỉnh tăng tỷ lệ Bax/Bcl-2 và kích hoạt caspase-3. Ngoài ra, nó còn gây độc tế bào đối với tế bào Hela ung thư cổ tử cung và tế bào MKN45 ung thư dạ dày.

Cải thiện chức năng tạo máu và bảo vệ tim mạch

Nghiên cứu của Tsai (2013) dịch chiết Đẳng sâm làm giảm tổn thương con đường thụ thể yếu tố tăng trưởng II giống insulin trong tế bào cơ tim và làm giảm quá trình chết theo chương trình của tế bào cơ tim.

Theo Li và cộng sự (2017) các polysaccharides của Đẳng sâm có thể làm chậm quá trình lão hóa tế bào gốc tạo máu do tia X gây ra và cơ chế hoạt động của nó có thể liên quan đến con đường truyền tín hiệu p53-p21, con đường apoptosis Bax và Bcl-2.

Đẳng sâm - vị thuốc quý giúp bổ khí 5
Đẳng sâm có tác dụng bảo vệ tim mạch

Tác dụng kháng khuẩn và kháng virus

Theo Bai (2015), chiết xuất ethanol của Đẳng sâm có tác dụng kháng khuẩn nhất định, trong khi dịch chiết thô polysaccharides của nó không có tác dụng kháng khuẩn rõ ràng và chỉ có một số hoạt tính kháng khuẩn chống lại Salmonella.

Ngoài ra, Duan (2012) còn phát hiện ra rằng chiết xuất ethanol của Đẳng sâm ức chế được Bacillus catharticus, Staphylococcus cholermidis, Streptococcus hemolyticus type A và B, Bacillus subtilis, Bacillus anthracis, Escherichia coli, Staphylococcus aureus và Klebsiella pneumoniaeSalmonella typhi.

Theo Ming (2017) và Xuan (2019), các polysaccharides trong Đẳng sâm có hoạt tính kháng virus viêm gan vịt DHAV và virus gây tiêu chảy ở bò BVDV.

Chống oxy hóa

Wu (2021) phát hiện ra rằng dịch chiết trong nước của Đẳng sâm có thể làm chậm quá trình lão hóa bằng chất chống oxy hóa nhưng không phải nhờ hoạt động của các enzyme chống oxy hóa SOD và CAT mà là tác dụng chống oxy hóa của lobetyolin, L-tryptophan và syringin có thể hoạt động thông qua tổng số enzyme chống oxy hóa và con đường Keap1-Nrf2.

Liều dùng & cách dùng

Ngày dùng từ 9g đến 30g, thường phối hợp với các vị thuốc khác. Có thể dùng ở dạng thuốc sắc, hoàn hoặc thuốc bột.

Đẳng sâm - vị thuốc quý giúp bổ khí 6
Bột Đẳng sâm

Bài thuốc kinh nghiệm

Bài thuốc giúp thanh Tâm, bổ nguyên khí, thanh Phế và kiện cân cơ

Sa sâm 320g, Đẳng sâm 640g và Nhục quế 160g. Đem các dược liệu nấu thành cao mềm, uống mỗi ngày 5g pha vào nước ấm.

Bài thuốc hỗ trợ điều trị thoát giang, lỵ, tiêu chảy và khí bị hư

Hoàng kỳ chích, Nhục đậu khấu, Bạch truật, Phục linh mỗi vị 6g, Thăng ma chích mật 2g, Sinh khương 3 lát, Đẳng sâm sao cám 8g, Hoài sơn sao vàng 8g, Cam thảo chích 3g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia thành 2 lần uống lúc còn ấm.

Bài thuốc điều trị khí huyết lưỡng hư

Hoàng kỳ chích, Long nhãn, Đẳng sâm, Bạch truật và Đường phèn mỗi vị 100g. Đem các dược liệu nấu thành cao mềm, uống mỗi ngày 5g pha vào nước ấm.

Bài thuốc điều trị Tỳ khí hư nhược

Đường phèn và Đẳng sâm, mỗi vị 100g. Nấu thành cao lỏng, mỗi ngày uống 5ml.

Bài thuốc hỗ trợ điều trị đại tiện lỏng nát, mệt mỏi và ăn uống không ngon miệng

Bạch truật sao cám 12g, Đẳng sâm 20 - 40g, Ba kích 12g và Đương quy 12g. Sắc uống hoặc tán thành bột mịn, trộn mật vo thành viên hoàn. Ngày dùng từ 12 - 20g.

Đẳng sâm - vị thuốc quý giúp bổ khí 7
Bài thuốc chứa Đẳng sâm cải thiện tình trạng chán ăn

Bài thuốc điều trị đau lưng, tiểu lắt nhắt, mệt mỏi, đau gối do Thận khí hư suy

Cáp giới 6g, Trần bì 2g, Đẳng sâm 16g, Huyết giác 3g, Tiểu hồi 6g, Rượu 40 độ 250ml. Ngâm các dược liệu với rượu, uống trước khi đi ngủ, mỗi ngày uống 5ml.

Bài thuốc hỗ trợ điều trị rối loạn kinh nguyệt do khí hư

Đẳng sâm 30 - 60g. Sắc uống, chia 2 lần/ ngày, uống trong 5 ngày liên tục trong thời gian hành kinh.

Bài thuốc hỗ trợ điều trị cơ thể suy nhược, háo suyễn và hư lao

Hoài sơn 12g, Cam thảo 2g, Khoản đông hoa 6g, Đẳng sâm 16g, Ý dĩ 6g, Xa tiền tử 6g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia thành 3 lần uống lúc còn ấm.

Bài thuốc hỗ trợ điều trị huyết áp thấp

Hoàng tinh 12g, Cam thảo 6g, Đẳng sâm 16g, Nhục quế 10g, Đại táo 10 quả. Sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia thành 2 lần uống lúc còn ấm.

Bài thuốc hỗ trợ điều trị lở miệng ở trẻ nhỏ

Hoàng bá 20g và Đẳng sâm 40g. Đem các vị tán bột và thoa trực tiếp lên vùng loét miệng.

Bài thuốc hỗ trợ điều trị suy nhược thần kinh

Mạch môn 12g, Đẳng sâm 12g, Ngũ vị tử 8g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia thành 2 lần uống lúc còn ấm.

Lưu ý

  • Không dùng chung với vị thuốc Lê lô.
  • Không sử dụng cho người bệnh có rối loạn đông máu, người bệnh chuẩn bị phẫu thuật, người đang sử dụng các thuốc kháng đông.
  • Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ Y học cổ truyền trước khi sử dụng các vị thuốc.
Nguồn tham khảo