Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Erythromycin

Erythromycin: Kháng sinh nhóm macrolid

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Erythromycin

Loại thuốc

Kháng sinh nhóm macrolid

Dạng thuốc và hàm lượng

Nang giải phóng chậm (chứa pellets bao tan trong ruột): 250 mg, 333 mg, 500 mg.

Viên nén giải phóng chậm (bao tan trong ruột): 250 mg, 333 mg, 500 mg.

Viên nén, nang, viên bao: 250 mg, 500 mg.

Cốm pha hỗn dịch uống: 200 mg/5 ml (100 ml, 200 ml).

Hỗn dịch uống: 200 mg/5 ml (480 ml), 400 mg/5 ml (100 ml, 480 ml), 125 mg/5 ml, 500 mg/5 ml.

Bột pha hỗn dịch uống (dạng erythromycin ethylsuccinat): 200 mg/5 ml (100 ml, 200 ml).

Thuốc tiêm: Thuốc tiêm bột (dưới dạng erythromycin lactobionat): 500 mg, 1 g.

Dạng dùng tại chỗ:

  • Thuốc mỡ tra mắt: 0,5% (1g, 3,5 g); Mỡ 2% (25 g) để điều trị trứng cá.
  • Gel, thuốc mỡ (bôi tại chỗ): 2% (30 g, 60 g).
  • Dung dịch bôi 2% (60 ml) để điều trị trứng cá.

Chỉ định

Dự phòng và điều trị các bệnh nhiễm trùng do các sinh vật nhạy cảm với erythromycin.

Erythromycin có hiệu quả cao trong điều trị nhiều loại nhiễm trùng trên lâm sàng như:

  1. Nhiễm trùng đường hô hấp trên: Viêm amiđan, áp xe phúc mạc, viêm họng, viêm thanh quản, viêm xoang, nhiễm trùng thứ phát sau cúm và cảm lạnh thông thường.
  2. Nhiễm trùng đường hô hấp dưới: Viêm khí quản, viêm phế quản cấp và mãn tính, viêm phổi (viêm phổi thùy, viêm phế quản phổi, viêm phổi không điển hình tiên phát), giãn phế quản, bệnh Legionnaire.
  3. Nhiễm trùng tai: Viêm tai giữa và viêm tai ngoài, viêm xương chũm.
  4. Nhiễm trùng miệng: Viêm lợi, viêm lợi lở loét hoại tử cấp tính Vincent.
  5. Nhiễm trùng mắt: Viêm bờ mi.
  6. Nhiễm trùng da và mô mềm: Nhọt và mụn nước, viêm quanh móng, áp xe, mụn mủ, chốc lây, viêm mô tế bào, viêm quầng.
  7. Nhiễm trùng đường tiêu hóa: Viêm túi mật, viêm ruột do tụ cầu.
  8. Dự phòng: Chấn thương trước và sau phẫu thuật, bỏng, sốt thấp khớp
  9. Các bệnh nhiễm trùng khác: Viêm tủy xương, viêm niệu đạo, lậu, giang mai, bệnh hột xoài, bệnh bạch hầu, viêm tuyến tiền liệt, sốt tinh hồng nhiệt.

Dược lực học

Erythromycin có tác dụng kháng khuẩn nhờ việc gắn với tiểu đơn vị 50S ribosom của các vi sinh vật nhạy cảm và ngăn chặn sự tổng hợp protein. Erythromycin có hoạt tính chống lại hầu hết các chủng vi sinh vật sau đây trên in vitro và trong các bệnh cảnh nhiễm trùng trên lâm sàng:

Vi khuẩn gram dương - Listeria monocytogenes, Corynebacterium diphtheriae, Staphylococci spp, Streptococci spp (bao gồm cả Enterococci).

Vi khuẩn gram âm - Haemophilus influenzae, Neisseria meningitidis, Neisseria gonorrhoeae, Legionella pneumophila, Moraxella (Branhamella) catarrhalis, Bordetella pertussis, Campylobacter spp.

Mycoplasma - Mycoplasma pneumoniae, Ureaplasma urealyticum.

Các sinh vật khác - Treponema pallidum, Chlamydia spp, Clostridia spp, các tác nhân gây ra bệnh mắt hột và bệnh hột xoài.

Lưu ý: Phần lớn các chủng Haemophilus influenzae nhạy cảm với nồng độ đạt được sau khi dùng với liều thông thường.

Động lực học

Hấp thu

Erythromycin base không ổn định trong môi trường acid dạ dày, vì vậy sự hấp thu thay đổi và không ổn định. Dạng base thường bào chế viên bao phim hoặc viên bao tan trong ruột, dạng muối ổn định trong môi trường acid. Thức ăn có thể làm giảm sự hấp thu của dạng base hoặc dạng stearat, tuy nhiên mức độ còn phụ thuộc vào công thức bào chế. Dạng ester thường được hấp thu nhanh hơn và ít bị ảnh hưởng bởi thức ăn.

Sinh khả dụng của erythromycin thay đổi từ 30 đến 65% tùy theo loại muối.

Phân bố

Thuốc phân bố rộng khắp các dịch và mô, bao gồm cả dịch rỉ tai giữa, dịch tuyến tiền liệt, tinh dịch. Nồng độ cao được thấy ở gan, lách và đại thực bào. Thuốc thấm kém qua hàng rào máu não và có nồng độ thấp ở dịch não tủy. Từ 70 - 75% dạng base và khoảng 95% dạng ester của estolat, propionat gắn với protein. Erythomycin qua nhau thai, nồng độ thuốc trong huyết tương của bào thai thay đổi bằng khoảng 5 - 20% của người mẹ. Thuốc phân bố vào sữa, nồng độ bằng khoảng 50% nồng độ trong huyết tương.

Chuyển hóa

Erythromycin một phần được chuyển hóa ở gan tạo thành dạng bất hoạt, chất chuyển hóa này chưa được xác định.

Thải trừ

Erythromycin đào thải chủ yếu ở dạng không biến đổi qua mật và tái hấp thu ở ruột. Thải trừ qua nước tiểu từ 2 đến 15% dưới dạng không biến đổi.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Các thuốc sau có thể tăng nồng độ trong huyết tương khi dùng đồng thời với erythromycin: acenocoumarol, alfentanil, astemizole, bromocriptine, carbamazepine, cilostazol, cyclosporin, digoxin, dihydroergotamine, disopyramide, ergotamine, hexobarbitone, methylprednisolone, midazolam, omeprazole, phenytoin, quinidine, rifabutin, sildenafil, tacrolimus, terfenadine, domperidone, theophylline, triazolam, valproate, vinblastine, and antifungals e.g fluconazole, ketoconazole and itraconazole.

Thuốc cảm ứng CYP3A4 (như rifampicin, phenytoin, carbamazepine, phenobarbital, St John's Wort) có thể gây tăng chuyển hóa của erythromycin.

Erythromycin đã được báo cáo làm tăng nồng độ của các thuốc ức chế HMG-CoA reductase (ví dụ: lovastatin và simvastatin). Đã có các báo cáo về tác dụng phụ hiếm gặp là tiêu cơ vân ở những bệnh nhân dùng đồng thời các thuốc này.

Một số thuốc kháng sinh trong một số trường hợp hiếm gặp có thể làm giảm tác dụng của thuốc tránh thai.

Thận trọng khi sử dụng erythromycin với các thuốc kháng histamin H1 như terfenadine, astemizole and mizolastine.

Erythromycin đối kháng tác dụng kháng khuẩn in vitro của clindamycin, lincomycin và chloramphenicol. Điều tương tự cũng đúng đối với streptomycin, tetracyclines và colistin.

Các thuốc ức chế protease: khi dùng đồng thời erythromycin có thể gây ức chế sự phân hủy của erythromycin.

Erythromycin có thể làm tăng tác dụng của các thuốc kháng đông đường uống.

Erythromycin có thể làm tăng tác dụng của các thuốc nhóm benzodiazepine.

Sử dụng đồng thời erythromycin với ergotamine hoặc dihydroergotamine có liên quan đến ngộ độc ergot cấp tính đặc trưng bởi co thắt mạch và gây thiếu máu nuôi lên hệ thần kinh trung ương, thiếu máu các chi và các mô khác.

Nồng độ cisaprid tăng cao đã được báo cáo ở những bệnh nhân dùng đồng thời erythromycin và cisaprid.

Nồng độ theophyllin tăng cao đã được báo cáo ở những bệnh nhân dùng đồng thời erythromycin và theophyllin.

Đã có những báo cáo sau khi lưu hành thị trường về độc tính của colchicine khi sử dụng đồng thời erythromycin và colchicine.

Hạ huyết áp, loạn nhịp tim và nhiễm toan lactic đã được quan sát thấy ở những bệnh nhân dùng đồng thời erythromycin với verapamil, một thuốc chẹn kênh canxi.

Cimetidin có thể ức chế sự chuyển hóa của erythromycin, dẫn đến tăng nồng độ thuốc trong huyết tương.

Erythromycin đã được báo cáo làm giảm độ thanh thải của zopiclone và do đó có thể làm tăng tác dụng của thuốc này.

Chống chỉ định

Erythromycin chống chỉ định trong các trường hợp:

  • Quá mẫn với erythromycin.
  • Bệnh nhân đang dùng simvastatin, tolterodine, mizolastine, amisulpride, astemizole, terfenadine, domperidone, cisapride hoặc pimozide.
  • Bệnh nhân có tiền sử kéo dài QT (kéo dài QT bẩm sinh hoặc mắc phải) hoặc rối loạn nhịp thất, bao gồm cả xoắn đỉnh.
  • Bệnh nhân có rối loạn điện giải (hạ kali máu, hạ magie máu do nguy cơ kéo dài khoảng QT).
  • Erythromycin chống chỉ định dùng chung với ergotamine và dihydroergotamine.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn

Liều uống tương ứng với erythromycin là 250 mg/lần, cách 6 giờ một lần hoặc 333 mg cách 8 giờ một lần hoặc 500 mg cách 12 giờ/lần. Đối với các nhiễm khuẩn nặng có thể tăng tới 4 g/ngày, chia làm nhiều lần; chú ý khi dùng liều trên 1g/ngày phải chia đều liều uống thành 3 lần hoặc nhiều lần hơn.

Viêm mắt: Bôi thuốc lên vị trí mắt bị viêm (khoảng 1,25 cm), 2 - 6 lần/ngày.

Bôi tại chỗ: Trứng cá: Bôi vào diện tích da bị tổn thương 2 lần/ngày (sau khi đã rửa sạch và lau khô nhẹ).

Trẻ em

Liều thường dùng khoảng 30 - 50 mg/kg/ngày, chia 2 - 4 lần. Trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng, liều có thể tăng lên gấp đôi, nhưng không vượt quá 4 g/ngày. Chú ý khi dùng liều trên 1g/ngày phải chia đều liều uống ít nhất làm 3 lần.

Dựa theo tuổi: Liều thường dùng cho trẻ từ 1 tháng tuổi đến dưới 2 tuổi dùng 125 mg/lần, ngày 4 lần; trẻ em từ 2 - 8 tuổi dùng 250 mg/lần, ngày 4 lần. Trẻ trên 8 tuổi dùng 250 mg - 500 mg/lần, ngày 4 lần hoặc có thể cho dùng liều như liều thường dùng của người lớn. Tăng liều gấp đôi với nhiễm khuẩn nặng.

Đối với trẻ sơ sinh khuyến cáo dùng liều như sau:

  • Theo khuyến cáo của Viện trẻ em Hoa kỳ: Trẻ sơ sinh nặng dưới 1,2 kg và dưới 1 tuần tuổi dùng 10 mg/kg uống cách 12 giờ một lần; trẻ một tuần tuổi hoặc lớn hơn và cân nặng bằng hoặc trên 1,2 kg dùng liều uống 10 mg/kg, cách 8 giờ/lần.
  • Theo Dược thư Anh: Trẻ sơ sinh dùng uống 12,5 mg/kg hoặc tiêm tĩnh mạch 10 - 12,5 mg/kg, cách 6 giờ/lần.

Viêm mắt: Bôi thuốc lên vị trí mắt bị viêm (khoảng 1,25 cm), 2 - 6 lần/ngày.

Dự phòng viêm kết mạc trẻ sơ sinh và viêm kết mạc do Chlamydia: Bôi thuốc mỡ (khoảng 0,5 - 1 cm) vào túi màng kết.

Đối tượng khác

Bệnh nhân suy thận: Liều erythromycin tối đa là 1,5 g/ngày được khuyến cáo cho người lớn bị suy thận nặng.

Tác dụng phụ

Erythromycin, dạng muối và ester của thuốc thường dung nạp tốt và hiếm có các phản ứng không mong muốn nặng.

Tần xuất không rõ ràng và tỷ lệ có thể khác nhau tùy theo công thức thuốc.

Khoảng 5 - 15% người bệnh dùng erythromycin có ADR. Phổ biến nhất là các tác dụng phụ về tiêu hóa. Tác dụng trên đường tiêu hóa liên quan đến liều và xuất hiện nhiều ở người trẻ hơn người cao tuổi.

Kéo dài thời gian QT, loạn nhịp thất và chứng tim đập nhanh, cơn động kinh, ngoại ban, ngứa. đau bụng, chán ăn, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau dạ dày, chứng khó tiêu, chứng hẹp môn vị phì đại ở trẻ em, viêm đại tràng màng giả, viêm tụy. vàng da ứ mật (hầu như với dạng estolat), viêm gan, xét nghiệm chức năng gan bất thường (transaminase tăng, bilirubin huyết thanh tăng), viêm tĩnh mạch và đau ở chỗ tiêm, yếu cơ, phản ứng dị ứng, quá mẫn, tăng huyết áp, mày đay, điếc, có hồi phục, ngứa, khô da, ban đỏ, tróc vảy.

Lưu ý

Lưu ý chung

Cần sử dụng rất thận trọng các dạng erythromycin cho người bệnh đang có bệnh gan hoặc suy gan, nhất là phải tránh dạng erythromycin estolat. Dùng nhiều lần estolat hay dùng quá 10 ngày làm tăng nguy cơ nhiễm độc gan. Cần giảm liều estolat đối với người bệnh bị suy thận nặng. Nên kiểm tra theo dõi chức năng gan khi dùng thuốc.

Cũng cần phải rất thận trọng khi dùng với người bệnh loạn nhịp tim và có các bệnh khác về tim. Trong trường hợp này, tương tác thuốc có thể gây tác dụng phụ chết người.

Erythromycin lactobionat cần sử dụng rất thận trọng cho người bệnh bị suy thận nặng, phải giảm liều, đặc biệt đối với người bệnh có biểu hiện ngộ độc.

Erythromycin có thể làm yếu cơ nặng thêm đối với người bệnh bị chứng nhược cơ.

Erythromycin cần sử dụng thận trọng với người cao tuổi do nguy cơ về tác dụng phụ gia tăng.

Dùng erythromycin dài ngày có thể dẫn tới bội nhiễm nấm và vi khuẩn, đặc biệt nhiễm Clostridium difficile gây tiêu chảy và viêm kết tràng.

Chứng hẹp môn vị phì đại ở trẻ em có thể có liên quan đến dùng macrolid trong đó có erythromycin trong thời kỳ cho con bú khi mẹ dùng macrolid.

Dung dịch tiêm có chứa alcol benzylic làm chất bảo quản gây độc cho hệ thần kinh, nên không được dùng cho trẻ em.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Erythromycin đi qua nhau thai. Mặc dù không có các bằng chứng về ngộ độc thai và quái thai trong các nghiên cứu trên động vật, nhưng chưa có các nghiên cứu thỏa đáng và được kiểm tra chặt chẽ về việc dùng erythromycin cho người mang thai hoặc khi sinh đẻ, vì vậy không dùng erythromycin cho người mang thai, trừ khi không còn liệu pháp nào thay thế và phải theo dõi thật cẩn thận. Không dùng erythromycin estolat do làm tăng nguy cơ độc với gan và tăng tác dụng phụ đối với người mẹ và bào thai.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Erythromycin tiết vào sữa mẹ, thuốc cần dùng thận trọng cho phụ nữ cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Không có báo cáo nào cho thấy ảnh hưởng của thuốc.

Quá liều

Quá liều Erythromycin và xử trí

Quá liều và độc tính

Các triệu chứng quá liều: Giảm thính lực, buồn nôn nghiêm trọng, nôn mửa và tiêu chảy.

Cách xử lý khi quá liều

Rửa dạ dày, điều trị hỗ trợ.

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Nguồn tham khảo