Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Lecithin được tìm thấy nhiều trong tự nhiên, mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời trong chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Bài viết sau đây chúng ta cùng tìm hiểu Lecithin là gì cùng những công dụng cụ thể của nó trong chăm sóc da, làm đẹp nhé.
Lecithin là chất béo tự nhiên được tìm thấy ở nhiều nguồn động, thực vật. Trong cơ thể, lecithin được sản xuất ở gan.
Tuy nhiên, ngày nay chất lecithin đã được thương mại dùng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm và y tế. Các sản phẩm chứa chất bổ sung lecithin có thể dùng trong điều trị cholesterol cao như một biện pháp hỗ trợ cũng như dùng trong điều trị viêm loét đại tràng, ...
Trong thực phẩm, lecithin thường có nguồn gốc chủ yếu là từ đậu nành (bán dưới dạng viên nang), bên cạnh đó là từ hạt hướng dương (có cả dạng bột và dạng lỏng), trứng…. Trong khi đó, mỡ động vật, cá, bắp ít khi được dùng chế biến lecithin. Lưu ý là tuy đậu nành phổ biến nhưng lecithin từ hướng dương mới là lựa chọn tốt cho những người tránh sử dụng thực phẩm biến đổi gen. Quá trình chiết xuất lecithin từ hướng dương cũng ít sử dụng hóa chất hơn từ đậu nành.
Lecithin không phải một chất đơn lẻ mà là một nhóm các chất. Nó vừa được dùng như một chất bổ sung chất béo thiết yếu vừa được sản xuất cho nhiều mục đích khác. Chính vì mang lại nhiều tác dụng nên chúng ta cần phải sử dụng đúng liều lượng, hợp lý để không gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.
Trước đây, lecithin được sản xuất từ não bò, nhưng về sau nó được chuyển sang chiết xuất từ trứng, gan (do những liên quan đến vấn đề về bệnh bò điên). Tuy nhiên, hiện nay hai loại lecithin phổ biến nhất được sản xuất đó là loại chiết xuất từ hạt hướng dương (Sun Flower Lecithin) và loại chiết xuất từ đậu nành (Soy Lecithin).
Lecithin hoạt động như một chất nhũ hóa, có nghĩa là nó làm cho chất béo và dầu không trộn lẫn với các chất khác.
Lecithin là một chất béo tự nhiên mang lại nhiều công dụng cho sức khỏe tổng thể lẫn sức khỏe làn da chúng ta. Dưới đây là những tác dụng cụ thể của chất này:
Giảm cholesterol
Lecithin có công dụng làm giảm lượng cholesterol xấu LDL, đồng thời làm tăng cholesterol tốt HDL trong máu. Mặt khác, lecithin còn kết hợp cùng nhiều thành phần khác trong đậu nành mang lại tác dụng thúc đẩy quá trình kiểm soát lượng cholesterol máu.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Ngoài khả năng làm giảm cholesterol xấu, lecithin còn có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, nhất là với những người có nguy cơ bị huyết áp cao/bệnh tim mạch.
Hỗ trợ các bà mẹ đang cho con bú
Lecithin được một số chuyên gia khuyên dùng như giải pháp giúp ngăn ngừa tắc tia sữa tái phát, với hàm lượng 1.200 mg/liều, 4 lần/ngày.
Công dụng này có được là nhờ lecithin có khả năng làm giảm độ nhớt của sữa mẹ. Tuy nhiên, lecithin không được khuyên dùng như một phương pháp điều trị tắc tia sữa.
Cải thiện tiêu hóa
Thử nghiệm ở những người bị viêm loét đại tràng cho thấy, lecithin có tác dụng cải thiện chức năng tiêu hóa. Chất tạo nhũ của lecithin góp phần cải thiện chất nhầy trong ruột, nhờ đó quá trình tiêu hóa diễn ra dễ dàng hơn. Lecithin cũng đồng thời giúp bảo vệ lớp niêm mạc mỏng manh của hệ tiêu hóa.
Thậm chí với người không bị viêm loét đại tràng cũng có thể cân nhắc sử dụng lecithin nếu bị hội chứng ruột kích thích hoặc gặp vấn đề ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.
Ngăn ngừa triệu chứng sa sút trí tuệ
Nhờ chứa choline - một chất dẫn truyền thần kinh mà lecithin giúp cải thiện được chức năng não bộ, bao gồm cả người mắc chứng bệnh Alzheimer.
Tuy nhiên, công dụng này của lecithin đối với các bệnh liên quan đến hệ thần kinh hiện vẫn còn cần nghiên cứu thêm nhưng kết quả cho thấy đang có nhiều hứa hẹn.
Ngoài công dụng đối với sức khỏe, lecithin còn là thành phần không thể thiếu trong nhiều sản phẩm chăm sóc da. Lecithin đóng vai trò là một chất làm mềm, giúp da trông mịn màng bằng cách phục hồi quá trình hydrat hóa.
Lecithin có mặt trong các loại kem phục hồi, kem dưỡng da dành cho những làn da nhạy cảm, da dễ bị tổn thương. Nhờ nồng độ axit béo cao mà lecithin có thể tạo một rào cản trên da giúp hút ẩm hiệu quả, từ đó là mềm da và làm dịu da bị khô căng.
Lecithin có khả năng thâm nhập sâu vào các lớp biểu bì dưới da và giúp các hoạt chất khác thấm tốt hơn.
Cũng có tài liệu đề cập đến chất lecithin có thể giúp điều trị mụn trứng cá và bệnh chàm. Tuy nhiên, không có nhiều bằng chứng cho thấy khi được sử dụng một mình thì lecithin có thể chữa khỏi hai loại bệnh kể trên.
Trong chăm sóc da, lecithin được dùng bôi ngoài da trong các sản phẩm mỹ phẩm có chứa thành phần này.
Với dạng sản phẩm uống bổ sung, hiện không có liều lượng khuyến cáo chính thức cho lecithin. Mỗi chất bổ sung lecithin dù ở dạng viên nang, bột hay chất lỏng đều phải có hướng dẫn sử dụng về liều lượng, vì vậy bạn nên làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất trên bao bì.
Lecithin hiện nay được sử dụng rộng rãi trong đời sống với vai trò chất nhũ hóa trong ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm. Lecithin còn được đề xuất sử dụng trong điều trị tăng cholesterol trong máu, rối loạn thần kinh, rối loạn hưng cảm và bệnh gan.
Lecithin là phụ gia thực phẩm phổ biến trong các loại bánh kẹo, socola nhằm giúp hỗn hợp được pha trộn đồng nhất, cải thiện dòng đời sản phẩm và đôi khi được sử dụng như một lớp phủ.
Trong hệ nhũ tương, lecithin làm ổn định nhũ tương, cải thiện kết cấu. Lecithin còn làm giảm các chất béo trong bột nhào, bánh mì, trứng, giúp phân phối các thành phần trong bột, ổn định quá trình lên men, bảo vệ tế bào men trong bột khi đông lạnh, và hoạt động như chất chống dính.
Lecithin được các nhà sản xuất đưa vào ứng dụng trong điều chế thuốc để điều trị bệnh trầm cảm, mất trí nhớ, bệnh gan, bệnh túi mật, bệnh chàm…
Lecithin là thành phần góp mặt trong công thức mỹ phẩm làm kem dưỡng ẩm và phục hồi da nuôi dưỡng tế bào, giúp cải thiện cảm giác thô, nứt và kích ứng để làn da trông ngày càng mềm mại mượt mà hơn.
Lưu ý liều lượng bổ sung lecithin không được vượt quá 5.000 miligam/ngày.
Tuy lecithin là thành phần lành tính và hầu như an toàn với hầu hết mọi người nhưng nếu bạn thuộc nhóm người bị dị ứng trứng và dị ứng đậu nành cần đọc kỹ nhãn sản phẩm để chọn mua loại lecithin phù hợp. Trên thế giới hiện nay, hơn 90% đậu nành được sản xuất là loại đã được biến đổi gen nên lecithin có thể bị ảnh hưởng bởi hàm lượng thuốc trừ sâu lẫn chất tẩy trắng từ đậu nành.
Do đó, dù dùng lecithin bổ sung trong bất kỳ hình thức nào cũng cần chú ý những dấu hiệu bất thường (nếu có) để xử lý kịp thời.
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/dinh-duong/loi-ich-cua-lecithin-voi-suc-khoe/
https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-966/lecithin
https://www.healthline.com/health/lecithin-benefits