Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Mạch môn: Dược liệu tuyệt vời với nhiều tác dụng

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mạch môn là một loại cây thảo có rễ củ, được công nhận với nhiều lợi ích đối với sức khỏe và thường được sử dụng trong Đông y để điều trị một số bệnh. Củ mạch môn được ứng dụng trong các bài thuốc truyền thống để giảm táo bón, làm giảm triệu chứng ho ra máu, giảm ho kéo dài hoặc có đờm. Mạch môn ngày càng được chứng minh có nhiều tác dụng trên tim, thận, chống ung thư.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Mạch môn.

Tên khác: Mạch môn đông, Tóc tiên, cây Lan tiên, Xà thảo lá dài.

Tên khoa học: Ophiopogon japonicus (Thunb.) Ker Gawl., họ Thiên môn đông - Asparagaceae.

Đặc điểm tự nhiên

Mạch môn là một loại cây thân cỏ sống lâu năm. Cây mạch môn thường cao từ 10cm đến 40cm, với rễ chùm phát triển từ rễ gốc. Trên rễ mạch môn, có những chỗ phát triển thành củ mầm, giúp cây tồn tại và phát triển trong môi trường khắc nghiệt.

Lá của mạch môn mọc từ gốc và có hình dạng hẹp dài, tương tự như lá của cây lúa mạch. Chiều dài của lá có thể dao động từ 15cm đến 40cm, trong khi chiều rộng từ 1mm đến 4mm. Phần cuối của cuống lá thường có một chút xếp bẹ, và mép lá có những răng cưa nhỏ. Một đặc điểm đặc biệt của mạch môn là sự phân bố của lá, tạo nên một hình dạng tổng thể mở rộng và thân cây có thể trông rất đẹp.

Cán hoa của mạch môn dài khoảng 10cm đến 20cm, mang theo những hoa nhỏ màu xanh nhạt. Cuống hoa có độ dài từ 3mm đến 5mm và các hoa tụ lại thành 1-3 hoa ở các kẽ giữa các lá. Những hoa này thường có màu trắng nhạt và tạo nên một cảnh quan tinh tế và thu hút.

Quả của mạch môn là những quả mọng có màu tím đen nhạt, có đường kính khoảng 6mm. Mỗi quả thường chứa 1-2 hạt bên trong, đóng vai trò trong quá trình phân tầng của cây.

Mạch môn: Dược liệu tuyệt vời với nhiều tác dụng 1.jpg
Cây mạch môn

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố: Mạch môn xuất phát từ Nhật Bản, hiện nay được trồng làm cây cảnh và sử dụng làm dược liệu ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, mạch môn là một cây thuốc được trồng từ lâu đời. Đây là một loại cây ưa ẩm, thích môi trường bóng mát và năm nào cũng ra hoa và quả. Hiện chưa có quan sát về việc cây mạch môn mọc từ hạt. Cây có khả năng phát triển nhánh mạnh mẽ; chỉ cần trồng 2 - 3 nhánh con, sau 1 năm, cây sẽ phát triển thành một khóm lớn với hàng chục nhánh con. Mạch môn có thể được tìm thấy mọc tự nhiên và được trồng ở nhiều vùng phía Bắc như Hà Nam, Bắc Giang, Nghệ An, Hưng Yên và các vùng khác.

Thu hái: Thường vào tháng 6 - 7, khi cây mạch môn đã đạt tuổi 2 - 3 năm, người ta thường chọn những củ già, sau đó cắt bỏ rễ con và rửa sạch đất.

Chế biến: Rễ củ được xếp thành đống, phơi nắng nhiều lần để cho đến khi củ khô gần đạt khoảng 70% - 80% độ ẩm. Sau đó, rễ củ được đập dẹt và lõi bên trong được rút bỏ. Cuối cùng, rễ củ được tiếp tục phơi khô. Có khi sau khi thu hoạch, rễ củ được rạch và tước bỏ lõi, sau đó được rang cùng với gạo cho đến khi gạo có màu vàng nhạt. Sau khi rang, gạo được tách ra và chỉ mạch môn được sử dụng.

Bộ phận sử dụng

Rễ củ của cây mạch môn được thu hái khi cây đã 2 - 3 tuổi vào tháng 6. Khi thu hoạch, rễ con được cắt bỏ và sau đó rửa sạch để loại bỏ đất bám. Nếu củ nhỏ, chúng có thể được để nguyên, trong khi củ to có thể được chia đôi để tăng khả năng sấy khô. Sau đó, rễ củ được phơi khô. Trước khi sử dụng, cần cắt bỏ phần lõi của rễ củ.

Mạch môn: Dược liệu tuyệt vời với nhiều tác dụng 2.jpg
Rễ củ mạch môn là bộ phận được thu hái để sử dụng làm thuốc

Thành phần hoá học

Từ rễ củ mạch môn, 5 glucoside đã được phân lập. Ba chất đầu khi thủy phân thu được diosgenin, ở chất thứ 4 là ruscogenin, còn chất thứ 5 là choophiogenin. Ngoài ra, còn có 11 chất sau: Stigmasterol, β - sitosterol, β - D - glucoside, các hợp chất polysaccharide, tinh dầu và các thành phần như β - patchoulen, longifolene, cyperen, α - humulen, guajol, jasmolelon cũng được phát hiện trong cả mạch môn.

Gần đây, còn phân lập được các saponin steroid là ophiopogonin A, B, C, D. Ophiopogonin A, B và D khi thủy phân cho genin là ruscogenin.

Công dụng

Theo Y học cổ truyền

Tính vị, quy kinh

Mạch môn có vị cam, hơi đắng, tính hàn.

Quy kinh Tâm, Phế, Vị.

Công năng, chủ trị

Dưỡng Vị sinh tân, nhuận Phế thanh Tâm.

Chủ trị: Phế nhiệt do âm hư, ho khan, ho lao, tân dịch thương tổn, tâm phiền mất ngủ, tiêu khát, táo bón.

Mạch môn: Dược liệu tuyệt vời với nhiều tác dụng 3.jpg
Vị thuốc mạch môn

Theo Y học hiện đại

Tác dụng chống ung thư

Tác giả Liu và cộng sự năm 2023 đã báo cáo rằng các chiết xuất của mạch môn như ruscogenin - 1 - O - β - d - fucopyranoside ( DT-13), ophiopogonin B và ophiopogonin D, có tác dụng chống ung thư tiềm tàng, bằng cách gây ra sự bắt giữ chu kỳ tế bào, kích hoạt quá trình apoptosis, cũng như ức chế sự di căn và hình thành mạch.

Nghiên cứu của Song và cộng sự (2020) báo cáo rằng ruscogenin, một loại saponin được tìm thấy trong rễ cây mạch môn có tác dụng ức chế đáng kể khả năng sống của tế bào và gây ra chết tế bào của tế bào ung thư tuyến tụy trong ống nghiệm. Ngoài ra còn làm tăng nồng độ sắt sắt nội bào và sản xuất ROS cũng có tác dụng chết tế bào ung thư tuyến tụy.

Tác dụng trên gan

Zhang và cộng sự năm 2020 đã báo cáo rằng MDG, một polysaccharide có nguồn gốc từ cây mạch môn giúp cải thiện sự tích tụ lipid, gan nhiễm mỡ và tình trạng viêm mãn tính ở chuột mắc viêm gan nhiễm mỡ không do rượu gây ra bởi chế độ ăn nhiều chất béo gây ra. Ngoài ra, MDG còn làm tăng sự phong phú và đa dạng của cộng đồng vi sinh vật trong ruột.

Mạch môn: Dược liệu tuyệt vời với nhiều tác dụng 4.jpg
Mạch môn có tác dụng bảo vệ gan

Tác dụng lên tim

Tác giả Fan và cộng sự (2020) đã báo cáo polysaccharide được chiết xuất từ ​​​​rễ của cây mạch môn làm giảm đáng kể độ cao của đoạn ST, làm giảm nồng độ các enzym đánh dấu (AST, LDH, CK và CK-MB), cùng với tăng cường đáng kể hoạt động của ATPase. Phân tích sinh hóa và mô bệnh học cũng cho thấy polysaccharide từ rễ mạch môn có thể làm giảm tổn thương cơ tim do isoproterenol gây ra.

Tác dụng trên thận

Nghiên cứu của Qiao và cộng sự (2020) báo cáo Ophiopogonin D - thành phần có hoạt tính dược lý chính của cây mạch môn giúp cải thiện chức năng thận, bằng chứng là độ thanh thải albumin và creatinin huyết thanh tăng; giảm creatinin huyết thanh, nitơ urê máu, TGF-β1 và phì đại thận trên chuột mắc bệnh thận do đái tháo đường.

Tác dụng trên da

Nghiên cứu của Mainzer và cộng sự (2019) cho thấy hoạt chất chiết xuất từ mạch môn giúp giảm điểm SCORAD của bệnh viêm da dị ứng, bao gồm ban đỏ, ngứa và diện tích bề mặt cơ thể. Ngoài ra, còn cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và giảm đáng kể số lượng bệnh nhân tái phát.

Mạch môn: Dược liệu tuyệt vời với nhiều tác dụng 5.jpg
Mạch môn giúp cải thiện tình trạng bệnh của người mắc viêm da cơ địa

Tác dụng chống huyết khối

Tác giả Kou và cộng sự (2006) báo cáo ruscogenin và ophiopogonin D được phân lập từ rễ cây mạch môn ức chế rõ rệt tình trạng huyết khối do shunt động mạch-tĩnh mạch, ức chế đáng kể sự kết tập tiểu cầu do adenosine diphosphate (ADP) gây ra ở chuột.

Liều dùng & cách dùng

Mạch môn được sử dụng dưới dạng thuốc sắc từ 6g đến 12g mỗi ngày. Thường người ta kết hợp mạch môn với các loại thuốc khác.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa âm hư, trên nóng dưới lạnh, sốt cao, suyễn khát

Mạch môn 12g, Ngũ vị 32g, Thục địa 32g, Bạch truật 12g, Nhân sâm 12g, Phụ tử chế 4g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Chữa cảm nắng thấp nhiệt gây nhức đầu, mình nóng ra mồ hôi, phiền khát, tiểu vàng, tức ngực, mình mẩy đau nhức nặng nề, lười ăn, tinh thần mỏi mệt, mạch hư

Mạch môn 1,2g, Thương truật 6g, Hoàng kỳ 6g, Nhân sâm 2g, Thăng ma 4g, Bạch truật 2g, Trần bì 2g, Thần khúc 2g, Trạch tả 2g, Đương suy 1,2g, Hoàng bá 1,2g, Cát căn 1,2g, Cam thảo 1,2g, Thanh bì 0,8g, Ngũ vị 9 hạt. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Chữa mửa khan không dứt

Mạch môn (sao gạo) 8g, Trạch tả (sao muối) 6g, Xa tiền (sao qua) 6g, Nhục quế (kỵ lửa) 4g, Ngưu tất (dùng sống) 4g, Xích phục linh 4g, Trầm hương (mài vào thuốc) 2g, Ngũ vị 1,6g, Gừng sống 3 lát. Sắc chung uống mỗi ngày 1 thang.

Chữa ăn uống không tiêu

Mạch môn 4g, Sơn dược 7g, Thục địa 12g (đều tầm trầm hương), Sơn thù 4g, Trạch tả 2,4g, Ngưu tất 2,4g, Đơn bì 3,6g, Phục linh 2g, Phụ tử chế 1,2g, Nhục quế 1,2g. Sắc chung uống 1 thang/ngày.

Chữa chứng thực nhiệt, phát cuồng, khát nước nhiều, tinh thần hỗn loạn

Mạch môn 80g, Huyền sâm 80g, Thạch cao 80g, Phục thần 40g, Xa tiền 20g, Sa sâm 12g, Tri mẫu 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa ra mồ hôi nhiều, phiền khát, toàn thân nóng, mê sảng

Mạch môn 8g, Thục địa 16g, Đơn sâm 6g, Ngưu tất 6g, mẫu đơn 6g, Phục linh 6g, Bạch thược 4g, Khương thần 1,6g. Bỏ vào nồi sắc chung, uống mỗi ngày một thang.

Chữa kinh sợ hồi hộp, ra mồ hôi trộm, hay quên, kém ăn, mỏi mệt, ít ngủ, phụ nữ rong kinh, kinh trệ

Mạch môn 6g, Thục địa 12g, Phục linh 8g, Bạch truật 8g, Ngưu tất 6g, Phụ tử 4g, Ô dược 4g, Ngũ vị 9 hạt. CHo vào nồi sắc chung với một ít nước gừng sống. Uống mỗi ngày 1 thang.

Chữa chứng tinh huyết suy kiệt, đau từ trên xuống dưới, trong ngực nôn nao, khô khát, táo kết

Mạch môn 24g, Thiên môn 24g, Thục địa 80g, Phụ tử chế 8g, NGũ vị 20 hạt. Cho tất cả vào sắc chung với 1 bát to sữa, mỗi ngày uống 1 thang.

Chữa ho, viêm họng

Mạch môn 10g, Vỏ rễ dâu (cạo vỏ vàng) 10g, Bạch bộ (bỏ lõi sao vàng) 10g, Xạ can 5g, Vỏ quýt 5g, Cam thảo dây 5g. Dạng thuốc phiến dùng để ngậm, ngày ngậm 4 - 5 lần, mỗi lần ngậm 1 phiến (tương đương khoảng 3g) hoặc sử dụng dạng cao lỏng, dùng mỗi lần 1 thìa cà phê.

Chữa trẻ em viêm họng, viêm phế quản

Mạch môn 24g, Thiên môn 12g, Huyền sâm 12g cho vào sắc uống.

Mạch môn: Dược liệu tuyệt vời với nhiều tác dụng 6.jpg
Mạch môn giúp điều trị viêm họng

Chữa tắc tia sữa

Mạch môn mang đi bỏ lõi, mỗi lần sử dụng 10 - 12g cùng với 4g sừng tê giác mài và rượu sắc uống 2 - 3 lần.

Chữa miệng lưỡi lở loét, lòi dom, viêm da ngứa gãi, táo bón, đại tiện ra máu

Mạch môn 20g, Thuốc bỏng 12g, Huyền sâm 12g, Công cộng 6g. Sắc chung với nhau, uống hoặc ngậm rồi nuốt dần.

Thang tư âm dùng cho các trường hợp có sốt

Mạch môn, Huyền sâm, Sinh địa, Ngưu tất, Tri mẫu, Hạt muồng sai, Hoàng bá, Đơn bì, Đan sâm, Xích thược, Trắc bá sao, Cỏ nhọ nồi, Huyết dụ mỗi thứ 10 - 16g. Sắc chung với nhau và uống, mỗi ngày 1 thang.

Chữa bệnh tim cùng với bệnh thận

Mạch môn 93g, Sơn thù du 124g, Sinh địa 248g, Sơn dược 124g, Phục linh 93g, Mẫu đơn bì 93g, Trạch tả 93g, Ngũ vị tử 62g. Tất cả tán thành bột rồi làm thành viên hoàn, khối lượng mỗi viên khoảng 2,5g. Mỗi lần uống khoảng 4 viên, ngày 2 lần.

Chữa co thắt mạch vành kèm theo loạn nhịp, xơ vữa động mạch, khó thở, đánh trống ngực

Mạch môn 15,5g, Thiên môn 12,5g, Đan sâm 9g, Sa sâm 9g, Viễn chí 6g, Ngũ vị tử 6g, Cam thảo 3g. Cho vào sắc chung với 600ml nước sao cho còn 200ml. Chia làm 2 uống trong ngày. Sử dụng từ 1 đến 2 tháng.

Chữa hen phế quản, giai đoạn đầu của lao phổi, viêm phế quản, ho gà

Mạch môn 18g, Bán hạ 9g, Nhân sâm 2g, Cam thảo 2g, Táo 3g sắc cùng với 600ml sao cho còn khoảng 300ml. Chia làm 3 phần bằng nhau, uống trong ngày lúc còn nóng.

Lưu ý

Khi sử dụng mạch môn và các bài thuốc từ mạch môn, người bệnh cần chú ý những điều sau:

  • Hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng các bài thuốc từ củ mạch môn để điều trị bệnh.
  • Không sử dụng mạch môn trong trường hợp bị tiêu chảy hoặc tỳ vị hư hàn.
  • Tránh sử dụng mạch môn nếu bị nhiệt phế và vị.
  • Các bài thuốc từ mạch môn thường có tác dụng chậm. Người dùng cần kiên nhẫn và kiên trì trong sử dụng.
  • Mỗi người có cơ địa khác nhau, do đó, các bài thuốc từ mạch môn có thể không phát huy hiệu quả hoặc gây ra tác dụng phụ. Nếu xuất hiện những triệu chứng lạ, người bệnh cần ngừng sử dụng và thông báo ngay cho bác sĩ.
Mạch môn: Dược liệu tuyệt vời với nhiều tác dụng 7.jpg
Không sử dụng mạch môn cho người đang bị tiêu chảy

Tóm lại, mạch môn có nhiều tác dụng trong việc cải thiện sức khỏe và điều trị bệnh. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bài thuốc từ mạch môn, người bệnh cần được tư vấn và hỏi ý kiến của bác sĩ.

Nguồn tham khảo
  1. Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
  2. Viện dược liệu. Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.
  3. Ophiopogon japonicus and its active compounds: A review of potential anticancer effects and underlying mechanisms: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/36854203/
  4. Ruscogenin induces ferroptosis in pancreatic cancer cells: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31894321/
  5. MDG, an Ophiopogon japonicus polysaccharide, inhibits non-alcoholic fatty liver disease by regulating the abundance of Akkermansia muciniphila: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/34920070/