Long Châu

Viêm da dị ứng là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm da dị ứng là biểu hiện của dị ứng ở da, đáp ứng quá mức đối với các kháng nguyên trong môi trường và mang yếu tố di truyền. Viêm da dị ứng bao gồm viêm da cơ địa và viêm da tiếp xúc.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm da dị ứng là gì? 

Viêm da dị ứng gồm 2 loại: 

Viêm da cơ địa là bệnh mạn tính với đặc điểm là ngứa và có tổn thương dạng chàm, bệnh tiến triển theo từng đợt. Viêm da cơ địa thường bắt đầu ở trẻ nhỏ và cũng xuất hiện ở những cá thể có tiền sử bản thân hay gia đình mắc các bệnh có yếu tố dị ứng như: Mày đay, dị ứng thuốc, sẩn ngứa, hen, viêm mũi xoang dị ứng.

Viêm da tiếp xúc dị ứng là phản ứng quá mẫn chậm, làm tăng nhạy cảm của da đối với các dị nguyên. Bệnh có thể có đợt cấp gây đỏ da, phù nề và mụn nước với các mức độ khác nhau hoặc về lâu dài thì tiến triển thành mạn tính.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm da dị ứng

Viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa thường xuất hiện sớm ở thời kỳ sơ sinh, thường là 3 tháng đầu.

Ở giai đoạn cấp tính, tổn thương sưng đỏ, phù, có vẩy hoặc mảng rỉ dịch. Đôi khi có mụn nước.

Ở giai đoạn mạn tính, khi có trầy xước hoặc bị chà xát tạo thành những tổn thương khô và lichen hóa trên da.

Phân bố tổn thương phụ thuộc vào tuổi. Ở trẻ sơ sinh, viêm da thường xuất hiện ở da đầu, mặt, cổ, và mặt duỗi của các chi. Ở trẻ em và người lớn, các tổn thương xảy ra trên các mặt da gấp như cổ, khuỷu tay, khoeo chân.

Ngứa dữ dội là một đặc điểm chính. Ngứa đi kèm với các tổn thương liên quan hoặc ngứa nặng hơn khi tiếp xúc với dị nguyên như chất gây dị ứng, không khí khô, đổ mồ hôi, mặc quần áo bằng len và căng thẳng quá mức.

Viêm da tiếp xúc dị ứng

Triệu chứng chính là ngứa. Tổn thương trên da tiến triển từ ban đỏ đến nổi bọng nước rồi lở loét, vị trí tổn thương thường là trên hoặc gần bàn tay nhưng cũng có thể xuất hiện trên bất kỳ bề mặt da tiếp xúc.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm da dị ứng

Viêm da cơ địa có thể gặp các biến chứng sau:

  • Nhiễm khuẩn thứ phát (nhiễm siêu vi khuẩn), đặc biệt là nhiễm khuẩn tụ cầu và liên cầu là phổ biến. Có thể phát triển thành viêm da bong vảy.

  • Eczema herpeticum (còn gọi là phát ban Kaposi dạng thủy đậu) là một nhiễm trùng Herpes simplex lan tỏa. Tổn thương là các mụn nước trong các vùng da bị viêm, có khi xuất hiện ở vùng da thường. Sau vài ngày, người bệnh có thể bị sốt cao và nổi hạch to. Đôi khi có nhiễm trùng toàn thân dẫn đến gây tử vong. Có thể ảnh hưởng tới mắt như gây tổn thương trên giác mạc.

  • Nhiễm nấm da và nhiễm virus không phải herpes.

  • Bệnh nhân có thể bị đục thủy tinh thể ở độ tuổi 20 - 30.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm da dị ứng

Viêm da cơ địa

Yếu tố môi trường

  • Ô nhiễm môi trường.

  • Các dị nguyên thường xuyên tiếp xúc như bụi nhà, lông động vật, quần áo, chăn mền và đồ dùng gia đình.

  • Viêm da cơ địa liên quan nhiều giữa anh chị em ruột hơn là giữa cha mẹ và con cái do ảnh hưởng của môi trường trong thời kỳ thơ ấu.

Yếu tố di truyền

Bệnh viêm da cơ địa chưa xác định được rõ ràng nguyên nhân và chưa biết do gen nào gây ra. Khoảng 60% cha mẹ bị viêm da cơ địa có con bị bệnh này, nếu cả cha và mẹ bị bệnh viêm da cơ địa thì con sinh ra có tỷ lệ mắc bệnh này lên đến 80%.

Viêm da tiếp xúc dị ứng

  • Yếu tố kim loại: Chromates đồng, cobalt, nickel.

  • Yếu tố liên quan đến thuốc: Chất màu, dung dịch dầu.

  • Băng dính, chất dẻo, cao su.

  • Thực vật.

  • Ánh sáng.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm da dị ứng

Người có người thân trong gia đình bị viêm da dị ứng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm da dị ứng

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm da dị ứng, bao gồm:

  • Yếu tố di truyền.

  • Rối loạn chức năng hàng rào bảo vệ da (thượng bì).

  • Cơ chế miễn dịch.

  • Các tác nhân từ môi trường: Bụi bặm, nấm mốc.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm da dị ứng

Viêm da cơ địa

Lâm sàng

Tùy theo lứa tuổi mà viêm da cơ địa có các biểu hiện khác.

Ở trẻ sơ sinh:

  • Viêm da cơ địa xuất hiện sớm khoảng 3 tuần sau sinh, thường cấp tính tiến triển từ đỏ da, ngứa, đến nổi các mụn nước nông, dễ vỡ, xuất tiết và đóng vảy tiết. Có thể bội nhiễm, hạch sưng to ở vùng lân cận sau vài ngày.
  • Vị trí hay gặp nhất là 2 má, ngoài ra ở da đầu, trán, cổ, mặt dưới các chi cũng có thể bị. Khi trẻ biết bò thường xuất hiện viêm da ở đầu gối.
  • Trẻ có thể dị ứng với một số thức ăn như sữa, thịt gà, thịt bò và hải sản. Khi ngừng các loại thức ăn gây dị ứng thì bệnh thuyên giảm rõ rệt.
  • Bệnh mạn tính, thường hay tái phát và rất nhạy cảm với các yếu tố như mọc răng, tiêm ngừa, nhiễm trùng, thay đổi môi trường sống hoặc khí hậu.
  • Đa số viêm da cơ địa sẽ tự khỏi khi trẻ được 18 đến 24 tháng.

Ở trẻ em:

  • Thường từ viêm da cơ địa sơ sinh chuyển sang dạng sẩn đỏ, viêm trợt, mụn nước cấp tính dạng khu trú hoặc lan toả kèm nhiễm khuẩn thứ phát.
  • Vị trí hay gặp nhất là ở khoeo, nếp gấp khuỷu tay, cẳng tay, hai bên cổ, mi mắt.
  • Đợt cấp tính bộc phát khi trẻ tiếp xúc với lông động vật, gia cầm, mặc đồ len hoặc đồ dạ.
  • Trẻ thường suy dinh dưỡng nếu tổn thương trên 50% diện tích da.
  • 50% bệnh tự khỏi khi trẻ được 10 tuổi.

Ở thanh thiếu niên và người lớn:

  • Tổn thương là dạng mụn nước, ngứa, sẩn đỏ, có vùng da mỏng trên mảng da dày và lichen hoá.
  • Vị trí hay gặp trên các nếp gấp khuỷu, khoeo, vùng da quanh mắt, rốn và cổ đối với thanh thiếu niên. Khi bệnh tiến triển thì tổn thương nhất là các vùng nếp gấp.
  • Dấu hiệu đầu tiên của viêm da cơ địa ở người lớn và viêm da lòng bàn tay, bàn chân (20 – 80%).
  • Ngoài ra, còn có thể bị chàm ở vú và viêm da quanh mi mắt.
  • Khi người bệnh bị ảnh hưởng nhiều bởi các dị nguyên, môi trường, tâm sinh lý, viêm da dị ứng thường tiến triển thành mạn tính.

Các biểu hiện khác:

  • Khô da: Do bị mất nước.
  • Dày da lòng bàn tay hay bàn chân, dày sừng nang lông, da cá, lông mi thưa.
  • Viêm môi bong vảy.
  • Tổn thương ở mắt, quanh mắt: có 2 nếp gấp ở mi mắt cưới, viêm kết mạc tái diễn có thể gây lộn mi, tăng sắc tố quanh mắt, đục thuỷ tinh thể.
  • Chứng da vẽ nổi trắng.

Cận lâm sàng

Nồng độ Immunoglobulin E (IgE) tăng.

Mô bệnh học: Thượng bì có hiện tượng á sừng xen kẽ xốp bào; trung bì có sự xuất hiện của bạch cầu lympho, mono, dưỡng bào, có hoặc không có bạch cầu ái kiềm. Tăng sản thượng bì trong trường hợp lichen hóa.

Xác định dị nguyên bằng test lẩy và test áp.

Chẩn đoán xác định

Dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán của Hanifin và Rajka (1980).

Tiêu chuẩn chính

  • Ngứa

  • Vị trí và biểu hiện tổn thương điển hình:

  • Lichen hoá ở các nếp gấp (trẻ em) hoặc thành dải (người lớn).

  • Trẻ sơ sinh và trẻ em: Mặt và mặt duỗi các chi.

  • Viêm da tái phát hoặc mạn tính.

  • Tiền sử cá nhân hay gia đình có mắc các bệnh cơ đại dị ứng như hen, viêm mũi dị ứng hay viêm da cơ địa.

Tiêu chuẩn phụ

  • Khô da, dày sừng nang lông, tăng đường kẻ lòng bàn tay, vảy cá.

  • Viêm da ở tay, chân.

  • Chàm vú, viêm môi, vảy phấn, nếp ở cổ.

  • Tổn thương nặng lên do yếu tố môi trường và tâm lý.

  • Ngứa khi bài tiết mồ hôi.

  • Tăng IgE huyết thanh.

  • Tăng sắc tố quanh mắt.

  • Nếp dưới mắt Dennie – Morgan.

  • Viêm kết mạc.

  • Giác mạc hình chóp.

  • Đục thuỷ tinh thể dưới bao sau.

Lưu ý: Để chẩn đoán viêm da cơ địa cần phải có ít nhất 3 tiêu chuẩn chính + ít nhất 3 tiêu chuẩn phụ.

Viêm da tiếp xúc dị ứng

Chẩn đoán xác định

Lâm sàng:

Thương tổn cơ bản: Phụ thuộc vào mức độ nặng, cấp tính hoặc mạn tính, vị trí và thời gian bị bệnh.

  • Cấp tính: Phù nề, rát đỏ, ranh giới rõ, nổi mụn nước, sẩn, trường hợp nặng các bọng nước kết hợp lại với nhau thành mảng. Khi bọng nước vỡ ra tạo nên vết trợt tiết dịch và đóng vảy tiết. Cơ năng chính là ngứa.

  • Bán cấp: Những mảng rát đỏ nhỏ, có vảy da khô, có khi kèm theo những đốm nhỏ màu đỏ hoặc những sẩn tròn.

  • Mạn tính: Da dày và lichen hóa, nếp da sâu thành những đường kẻ song song hoặc hình thoi, bong vảy da cùng các sẩn vệ tinh, nhỏ, hình tròn kèm những dát đỏ, trầy xước và nhiễm sắc tố.

Bệnh thường gặp ở người có tiền sử mẫn cảm với dị nguyên gây viêm da tiếp xúc.

Ban đầu, tại vị trí da tiếp xúc lại với dị nguyên (≥ 48 giờ) xuất hiện tổn thương. Về sau, thời gian xuất hiện tổn thương sẽ nhanh hơn khi tiếp xúc lại với dị nguyên. Trong đa số các trường hợp tổn thương có thể lan rộng ra các vùng khác.

Thương tổn thứ phát: Các mảng sẩn ngứa, rát đỏ và hơi thâm nhiễm lan tỏa ra xa vị trí thương tổn ban đầu, thường có tính đối xứng. Các rát đỏ đi kèm mụn nước nhỏ, có xuất hiện hồng ban đa dạng nhưng hiếm, thương tổn hình huy hiệu. Có trường hợp lan tỏa toàn thân.

Nếu loại bỏ được nguyên nhân bệnh sẽ khỏi, khi tiếp xúc trở lại với dị nguyên cũ bệnh tái phát.

Cơ năng: Ngứa nhiều, bệnh diễn tiến nặng hơn có thể nhức nhối và đau.

Triệu chứng lâm sàng đặc biệt theo vị trí:

  • Ở da đầu: Da đỏ bong vảy khô, vảy phấn nhiều, ngứa nhiều, ngừng tiếp xúc với dị nguyên bệnh thuyên giảm.

  • Ở mặt: Da đỏ nề, mụn nước và tiết dịch, rất thường gặp. Có thể do bôi trực tiếp vào da mặt các thuốc, mỹ phẩm hoặc các dị nguyên trong môi trường làm việc và sinh hoạt hoặc bị viêm da tiếp xúc do ánh nắng.

  • Ở mí mắt: Phù nề, viêm kết mạc, thuốc nhỏ mắt có thể là nguyên nhân.

  • Dái tai: Do tiếp xúc với kim loại hay gặp là khuyên tai bằng nickel, tổn thương đối khi giống chàm khô, đỏ da bong vảy nhẹ, đôi khi nổi mụn nước, tiết dịch, bội nhiễm.

  • Ở môi: Thương tổn đỏ da bong vảy khô, đôi khi nứt, tiết dịch, hiếm gặp ngứa, phù nề và đau rát.

  • Ở tay: Vị trí thường gặp nhất là mu bàn tay, biểu hiện cấp tính là những mụn nước và tiết dịch, còn mạn tính thì khô da và bong vảy da, có thể kèm thương tổn móng tay. Viêm da lòng bàn tay khó chẩn đoán vì thay đổi theo căn nguyên. Viêm da tiếp xúc ở đầu ngón tay hay gặp ở nha sĩ, đầu bếp do thường xuyên tiếp xúc với hóa chất thực phẩm. 

  • Ở bàn chân: Thường gặp ở mu bàn chân. Tổn thương mạn tính ở phần trước bàn chân thường bao gồm cả viêm móng chân.

  • Ở bộ phận sinh dục: Sưng phù nề ở bìu, bao quy đầu (nam giới) và ở môi lớn (nữ giới), rất ngứa, có khi kèm mụn nước và tiết dịch, có khi khô.

Chất bay hơi:

Tổn thương cấp tính hoặc mạn tính là phụ thuộc vào hoàn cảnh và tần suất tiếp xúc với dị nguyên, thường tính chất đối xứng. Tổn thương thường xuất hiện ở phần hở, cần phân biệt với viêm da tiếp xúc dị ứng với ánh sáng.

Tiêu chuẩn

Viêm da tiếp xúc do môi trường

Viêm da tiếp xúc dị ứng với ánh sáng

Đặc điểm lâm sàng

Chàm tiết dịch, khô hoặc

lichen hóa

Chàm tiết dịch, khô hoặc

lichen hóa

Vị trí tổn thương

Da hở, bờ không rõ nét

Da hở

Phần da ít tiếp xúc với ánh sáng

Không

Test thượng bì

(+) với dị nguyên

(-)

Test ánh sáng

(-)

(+)

Cận lâm sàng

Mô bệnh học:

  • Trường hợp cấp tính có xốp bào rất mạnh, phù gian bào, thượng bì có sự xâm nhập của các lympho bào và bạch cầu ái toan, ở trung bì có bạch cầu đơn nhân và mô bào.
  • Trường hợp mạn tính, có xốp bào kèm hiện tượng tăng gai làm mào liên nhú kéo dài xuống. Các nhú bì nhô cao và mở rộng kèm dày sừng và thâm nhiễm lympho bào.

Các test da:

Test lẩy da, test áp để xác định tác nhân gây bệnh.

Chẩn đoán phân biệt

Viêm da tiếp xúc kích ứng.

Viêm da cơ địa.

Viêm da dầu.

Bệnh vảy nến (ở lòng bàn tay, bàn chân).

Phương pháp điều trị viêm da dị ứng hiệu quả

Viêm da cơ địa

Nguyên tắc điều trị

  • Dùng thuốc chống khô da, dịu da.
  • Chống nhiễm trùng.
  • Chống viêm.
  • Tư vấn kỹ về cách điều trị và phòng bệnh.

Điều trị cụ thể

Điều trị tại chỗ

  • Tắm: Tắm bằng nước ấm với xà phòng ít kiềm mỗi ngày, sau khi tắm dùng các sản phẩm cấp ẩm cho da.

Thuốc

  • Điều trị viêm da cơ địa bằng corticoid.

  • Trẻ nhỏ dùng loại hoạt tính yếu như hydrocortison 1 - 2,5%.

  • Trẻ em và người lớn dùng corticoid có hoạt tính trung bình: Desonide, clobetasone butyrate.

  • Với những tổn thương lichen hóa, da dầy dùng corticoid hoạt tính mạnh hơn như clobetasol propionate.

Lưu ý: Với da mặt mỏng, dễ tổn thương nên sử dụng corticoid dạng thuốc mỡ nồng độ thấp và dùng ít ngày, còn vùng da dày, lichen hoá thì dùng loại mạnh hơn để giảm viêm, giảm ngứa.

  • Có thể dùng thuốc mỡ kháng sinh hoặc mỡ corticoid + kháng sinh.

  • Đắp dung dịch Jarish, thuốc tím 1/10000, nước muối sinh lý 0,9%.

  • Đối với vùng da khô, làm ẩm da bằng urea 10%, petrolatum.

  • Thuốc mỡ bạt sừng bong vảy như salicylic 5 - 10%, ichthyol, crysophanic, goudron. Thuốc ức chế miễn dịch tacrolimus 0,03 - 0,1% rất hiệu quả đối với bệnh này nhưng thuốc khá mắc tiền và hay gặp kích ứng trong thời gian đầu sử dụng.

Điều trị toàn thân

Kháng histamin H1:

Chlorpheniramin 4 mg × 1 - 2 viên/ngày.

Fexofenadin 180 mg × 1 viên/ngày.

Certerizin 10 mg × 1 viên/ngày

  • Kháng sinh: Sử dụng kháng sinh thuộc nhóm cephalosphorin thế hệ 1 là tốt nhất, cho một đợt từ 10 – 14 ngày đối với tụ cầu vàng và liên cầu.

  • Corticoid: Sử dụng khi bệnh bùng phát, nhưng chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn.

Prednisolon 5mg × 2 - 4 viên/ngày trong 7 ngày.

  • Các thuốc khác như cyclosporin, methotrexat.

Viêm da tiếp xúc dị ứng

Nguyên tắc chung

Quan trọng nhất là loại bỏ được căn nguyên gây bệnh, nếu không các phương pháp điều trị triệu chứng đều sẽ thất bại.

Điều trị cụ thể

Viêm da dị ứng cấp tính, lan tỏa toàn thân có thể chỉ định corticoid toàn thân liều thấp 15 – 20 mg/ngày x 3 ngày sau giảm liều xuống 5 mg/ngày x 3 ngày rồi ngừng điều trị.

Điều trị tại chỗ bằng corticoid phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm da dị ứng

Chế độ sinh hoạt

  • Thường xuyên vệ sinh vùng da dị ứng sạch sẽ, tránh tiếp xúc với dị nguyên, khói bụi và môi trường ô nhiễm.

  • Hạn chế sử dụng mỹ phẩm, nước hoa, xà phòng thô.

  • Sử dụng quần áo thoáng mát, dễ thấm mồ hôi, không sử dụng vải thô.

  • Bảo vệ da khỏi tác động của ánh sáng mặt trời hoặc gió lạnh.

  • Sử dụng nước đủ ấm để tắm, giữ da không bị khô.

  • Trong quá trình điều trị nếu da có những dấu hiệu bất thường nên báo ngay cho bác sĩ chủ trị. 

Chế độ dinh dưỡng

  • Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể, nhất là các dạng vitamin, chất xơ, khoáng chất có trong trái cây, rau củ. 

  • Tránh ăn những thực phẩm có nguy cơ làm gia tăng dị ứng như hải sản, đậu phộng, sữa, đậu nành, trứng, cá.

  • Uống nhiều nước và tránh uống rượu bia, thức uống chứa chất kích thích.

Phương pháp phòng ngừa viêm da dị ứng hiệu quả

  • Đảm bảo người bệnh nắm rõ kiến thức về bệnh, yếu tố khởi phát, quan điểm điều trị, lợi ích và nguy cơ.

  • Loại bỏ hoặc hạn chế tối đa các yếu tố khởi phát bệnh: Giữ nơi ở thoáng mát, sạch sẽ, không bụi bẩn, tránh tiếp xúc lông động vật, vải len, vải dạ, giảm stress, nên mặc đồ vải cotton.

  • Tắm bằng nước ấm, sau khi tắm xong bôi thuốc cấp ẩm cho da và dưỡng da. Nếu dùng xà phòng loại ít kích ứng.

  • Bôi sản phẩm cấp ẩm da hàng ngày nhất là vào mùa đông, 2 - 3 lần/ngày.

  • Ăn kiêng chỉ áp dụng khi đã xác định rõ loại thức ăn gây kích thích.

Nguồn tham khảo
  1. ​​​​​Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu của Bộ y tế: https://kcb.vn/
  2. MSD Manual: https://www.msdmanuals.com/

Các bệnh liên quan

  1. Chốc lở

  2. Mụn cóc, hạt cơm

  3. Viêm da do ánh nắng

  4. Nám da

  5. Hội chứng Stevens-Johnson

  6. Lão hóa da

  7. Viêm da do tiếp xúc

  8. Mụn ẩn

  9. Mụn lưng

  10. Hạ cam mềm