Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thanh quả: Người bạn tốt từ thiên nhiên với nhiều công dụng cho sức khoẻ

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thanh quả - một loại cây thân quen với người dân Việt Nam chúng ta, là món quà thiên nhiên ban tặng với nhiều công dụng tuyệt vời. Thanh quả được ứng dụng rộng rãi trong đời sống đặc biệt trong y học cổ truyền. Cùng với sự phát triển của khoa học, đây là loại dược liệu không chỉ có mặt trong nhiều bài thuốc kinh nghiệm xưa mà còn được nghiên cứu và chứng minh hiệu quả chữa bệnh. Quả tươi trị ngộ độc cá thối. Hạt dùng trị giun và hóc xương. Vỏ cây thanh quả còn dùng điều trị dị ứng sơn, đau răng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Thanh quả.

Tên khác: Cà na, quả trám trắng, cảm lãm.

Tên khoa học: Canarium album (Lour.) Raeusch (Canarium sinensis Rumph, Pimela alba Lour.)

Đặc điểm tự nhiên

Thanh quả hay cà na là một loài cây có độ cao trung bình khoảng 10 - 12m, thân cây tròn mọc thẳng đứng, đường kính từ 0.4 - 0.6m. Lá mọc so le, lá kép lông chim gồm 5 - 7 đôi lá chét, cuống lá chung dài ¼ - ⅓ toàn lá, cuống lá chét dài 5 - 8 mm, rộng 2 - 5.5cm, mép nguyên, mặt trên là có màu xanh nhạt, mặt dưới lá màu xanh đậm, cả hai mặt lá đều không có lông.

Hoa hình cầu, màu trắng, mọc ở ngọn cành, mọc thành từng nhóm 2 - 3 thành chùy ở đầu cành hoặc kẽ lá, chùy dài 8 - 10cm, lá bắc con có hình vẩy. Hoa thanh quả đơn tính, hoa đực loại cây này có 6 nhị, hoa cái có bầu và phủ lông màu nâu với vòi nhụy ngắn, đầu nhụy được chia thành 3 thùy. Quả hình thoi, hai đầu tù, dài 45mm, rộng 20 - 25mm, màu vàng nhạt, hạch dày cứng nhẵn, hình thoi với hai đầu nhọn, trong có 3 ngăn. Mùa hoa vào tháng 6 - 7, mùa quả chín vào tháng 8 -10.

Thanh quả: Người bạn tốt từ thiên nhiên 1.jpg
Thanh quả hay còn được gọi là cà na, trám trắng có vị chua chát đặc trưng

Cây thanh quả mọc hoang nhiều ở vùng rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh nơi đất ẩm hoặc khô nhẹ, độ cao dưới 500m. Thanh quả hay cà na thường mọc lẫn chung với các loài cây tán lá rộng khác như ngát, lim xanh, xoan đào, ngát, lim xẹt. Đây là loài thực vật ưa sáng và mọc nhanh, có thể tái sinh bằng hạt  và phát triển mạnh mẽ trong rừng thứ sinh có tán che.

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố

Thanh quả phân bố nhiều ở Trung Quốc và các nước Đông Dương. Tại Trung Quốc, cây này được trồng ở các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến,... Cây trám mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi trong nước ta, gặp ở các tỉnh phía Bắc như Quảng Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, trải dài tới Tây Ninh, An Giang,…

Thu hái

Thường người ta lấy quả vào tháng 9 - 10, quả chín được hái về phơi khô trong mát.

Chế biến

Thanh quả thu hoạch, rửa sạch để ráo, có thể dùng tươi hoặc phơi khô. Khi muốn dùng quả thì cần bỏ hạt đi sau đó nhai trực tiếp hoặc chiết dịch để dùng.

Thanh quả: Người bạn tốt từ thiên nhiên 2.jpg
Có thể sử dụng toàn bộ cây thanh quả làm thuốc

Ngoài việc khai thác quả, người dân còn khai thác nhựa thanh quả để làm hương thắp, cất tinh dầu hay chế côlôphan trám. Muốn lấy được nhựa trám, người ta chích thân và có thể trên rễ nổi trên mặt đất. Việc chích nhựa thường được áp dụng trên những cây đã bắt đầu ra quả. Mỗi năm một cây trám cho 5 - 8kg nhựa, nhựa mới chảy có màu xanh trắng nhạt, dần đặc lại và được đem đi sử dụng.

Bộ phận sử dụng

Thanh quả là loại thực vật hữu ích, bộ phận sử dụng đa dạng từ thân gỗ, nhựa, quả, rễ, lá.

Thành phần hoá học

Trong thành phần hóa học từ quả cây thanh quả có chứa 1.2% protit, 1% chất béo, 12% hydrat cacbon, 0.204% canxi, 0.06% photpho, 0.0014% chất sắt và 0.0215 vitamin C. Trong hạt nhân quả trám có khoảng 50 - 65% chất dầu béo.

Nhựa thanh quả hay nhựa trám là một chất mềm có màu vàng nhạt, khi cành lá hay vỏ lẫn vào thì có màu sẫm đen, mùi nhựa thơm dễ chịu, hóa lỏng khi đun nóng 90 độ C, tan được trong ete dầu hỏa, khi cất kéo bằng hơi nước sẽ cho 18 - 30% tinh dầu.

Tinh dầu thanh quả  không màu hoặc hơi vàng nhạt, thơm nhẹ. Thành phần chủ yếu của tinh dầu thanh quả là sabinen 45%, ngoài ra còn có terpinen 16.7%, tecpineol 10.8%, pinen 9%, tecpinen 4.9%. Sau khi cất tinh dầu còn lại một chất là côlôphan. Chất nhựa thanh quả được tiêu thụ trên thị trường quốc tế với tên Elemi.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Tính vị: Thanh quả có vị chua, ngọt, chát, tính ôn. Không độc

Công dụng: Thông phế, lợi yết hầu, sinh tân chỉ khát, giảm ho, giải độc.

Chủ trị: Thanh quả là thuốc chữa sưng đau yết hầu, hòa hoãn tư bổ, có thể giải say rượu, giải độc cá, nọc con dải. Thường dùng chữa:

  • Sưng hầu họng, sưng viêm amidan;
  • Ho, nắng nóng khát nước;
  • Viêm ruột tiêu chảy, kiết lỵ;
  • Động kinh;
  • Giải độc ca thối;
  • Xổ giun;
  • Đau răng.
Thanh quả: Người bạn tốt từ thiên nhiên 3.jpg
Thanh quả có thể hỗ trợ điều trị viêm, sưng amidan

Theo y học hiện đại

Chất chiết xuất từ thanh quả hay trám trắng được báo cáo là có nhiều hoạt động dược lý trong đó có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng nấm, chống ung thư, chống viêm, bảo vệ gan, giảm đau và chống tiểu đường.

Chất chống oxy hóa

Hoạt động chống oxy hóa được báo cáo từ một loại súp làm từ thanh quả được sử dụng chủ yếu ở Trung Quốc. Loại dịch chiết này cho thấy hoạt động chống oxy hóa đáng kể bằng thử nghiệm bắt gốc 1,1-diphenyl-2-2-picrylhydrazyl (DPPH) và khả năng chống oxy hóa khử sắt (FRAP). 

Ngoài ra, tannin chiết xuất từ ​​lá, cành và vỏ thân cây thanh quả cho thấy hoạt tính chống oxy hóa mạnh trong hoạt tính bắt gốc DPPH và tính khử sắt. Tóm lại, các hợp chất tinh khiết từ loài này bao gồm brevifolin, hyperin và axit ellagic cho thấy hoạt động loại bỏ các gốc tự do.

Hoạt động bảo vệ gan

Hoạt động bảo vệ gan đã được phát hiện ở thanh quả. Nghiên cứu cho thấy thanh quả có khả năng bảo tồn tính toàn vẹn màng tế bào gan của loài cây này được chứng minh bằng khả năng làm giảm men gan bao gồm glutamic oxaloacetic transaminase (GOT) và glutamic pyruvic transaminase (GPT) do CCl4 gây ra. GPT (enzyme chủ yếu được tìm thấy ở gan) có mức giảm đáng kể và phụ thuộc vào liều lượng. 

Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng một loại triterpenes có trong dịch chiết từ quả thanh quả làm giảm rõ rệt lượng alanine aminotransferase tiết ra từ tế bào gan nuôi cấy sơ cấp bị nhiễm độc 0,2 mM D-galactosamine (D-GaIN).

Thanh quả: Người bạn tốt từ thiên nhiên4.jpeg
Dịch  chiết tử thanh quả có khả năng bảo tồn tính toàn vẹn của tế bào gan

Chống virus cảm cúm

Một nghiên cứu về cơ chế chống cúm của các chất phytochemical phenolic từ thanh quả Canarium album L. đã được thực hiện và kết quả cho thấy các chất thuộc nhóm glycoside phenolic và flavonoid có tác dụng chống lại virus gây cúm. Dịch chiết từ quả thanh quả và cơ chế chống vi-rút cúm của chúng đã được tiết lộ với khả ngăn chặn cả hoạt động của hemagglutinin và neuraminidase của virus. 

Trong đó, Hemagglutinin (H) là một glycoprotein trên bề mặt vi rút cúm cho phép vi rút bám dính vào màng tế bào vật chủ và neuraminidase (NA) là một glycoprotein bề mặt thúc đẩy việc phát tán vi rút ra khỏi tế bào vật chủ bị nhiễm bệnh. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng Isocorilagin- một chất được phân lập từ dịch chiết quả thanh quả có khả năng ức chế neuraminidase mạnh chống lại virus cúm A.

Thanh quả như một loại cây làm thuốc và ăn được thông thường đã được sử dụng rộng rãi ở các nước châu Á và được coi là nguồn cung cấp chất phytochemical có lợi cho sức khỏe con người. Ở đây, lần đầu tiên các nhà nghiên cứu đã cho thấy isocorilagin, một hợp chất polyphenolic được phân lập từ thanh quả, cho thấy hoạt tính kháng vi-rút chống lại các chủng virus cúm A (IAV) khác nhau bao gồm H1N1 và H3N2. Các nghiên cứu sâu hơn cho thấy rằng dịch chiết ức chế rõ ràng hoạt động neuraminidase của IAV và ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải phóng virus. 

Kết hợp lại với nhau, các kết quả cho thấy rõ ràng rằng isocorilagin có tiềm năng trở thành một chất ức chế neuraminidase hiệu quả, an toàn và giá cả phải chăng chống lại nhiều chủng IAV khác nhau. Quan trọng hơn, nghiên cứu đã mở rộng các hoạt động sinh học của chiết xuất thanh quả và cung cấp một tiền đề mới để phát triển thuốc chống cúm.

Thanh quả: Người bạn tốt từ thiên nhiên 5.jpg
Dịch chiết từ thanh quả có thể giảm khả năng bám dính và phát tán của virus cúm

Liều dùng & cách dùng

Liều dùng: Ngày dùng 2 đến 3 quả. Các thành phần khác có liều được khuyến cáo khoảng 3 - 10g dưới dạng thuốc sắc.

Cách dùng:

  • Thân gỗ từ cây thanh quả được ứng dụng trong đời sống để làm nhà, làm các vật dụng đóng đồ thông thường hay làm củi bếp.
  • Nhựa từ cây thanh quả dùng làm tinh dầu trám trong kỹ nghệ nước hoa, côlôphan còn lại có thể dùng trong kỹ nghệ xà phòng, vecni. Tùng hương trám được sử dụng trong công nghiệp in và sơn.
  • Quả trám chín dùng để ăn, có thể đem muối làm thành ô mai. Hạt trám được dùng để ép dầu.
  • Dịch chiết từ quả tươi hoặc quả khô được dùng để điều trị bệnh.

Bài thuốc kinh nghiệm

Trị kiết lỵ, viêm ruột

Bài 1: Dùng hạt quả trám đốt khô sau đó đem nghiền thành bột mịn, pha với 10g nước cơm.

Bài 2: Dùng 100g thịt từ quả trám trắng sắc cùng 200ml nước, khi còn 100ml thì lọc lấy nước uống chia ngày 3 lần.

Thanh quả: Người bạn tốt từ thiên nhiên 6.jpg
Thanh quả có thể hỗ trợ điều trị các triệu chứng bệnh lý đường ruột

Chữa hóc xương cá

Ngậm quả trám và chỉ nuốt phần nước bỏ phần bã hoặc có thể sắc 5 quả trám lấy nước ngậm rồi nuốt.

Chữa ngộ độc nọc độc cá

Dùng 3 quả trám sắc lấy nước uống.

Chữa sưng đau họng

Dùng 100g thanh quả bóc bỏ hạt, thêm nước nấu thành cao lỏng, sau đó thêm 50g phèn chua cô đặc lại lần nữa. Ngày dùng từ 2 - 3 lần/ ngày, mỗi lần dùng khoảng 2 - 3g để chữa chứng sưng đau cổ họng kèm nhiều đờm.

Chữa dị ứng sơn

Lấy vỏ cây thanh quả hay cà na đem cắt nhỏ rồi nấu nước dùng tắm.

Chữa say rượu

Dùng 10 quả thanh quả, sắc lấy nước uống.

Chữa đau răng, viêm nha chu, sâu răng

Dùng vỏ thân cây cạo bỏ lớp đen ngoài, đem thái mỏng phơi khô, sau đó sắc lấy nước đặc, ngậm 10 phút rồi nhổ đi, có thể làm nhiều lần trong ngày.

Thanh quả: Người bạn tốt từ thiên nhiên7.jpg
Thanh quả có thể làm giảm sưng đau trong bệnh lý viêm nha chu

Lưu ý

Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng thanh quả như sau:

  • Thanh quả không độc, tuy nhiên với đáp ứng miễn dịch của mỗi cơ địa, nếu có bất kỳ biểu hiện dị ứng nào khi sử dụng, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
  • Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng để tránh các tác dụng không mong muốn.
Nguồn tham khảo
  1. Cây Trám (Cà Na) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi: Cây Trám – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi (vnras.com)
  2. Anti-influenza mechanism of phenolic phytochemicals from Canarium album (Lour.) DC. leaf extract: https://www.sciencedirect.com/science/article/
  3. Canarium L. : A Phytochemical and Pharmacological Review: https://www.researchgate.net/publication/
  4. Traditional and medicinal uses of Canarium L: https://1library.net/article/traditional-and-medicinal-uses-of-canarium
  5. Isocorilagin, isolated from Canarium album (Lour.) Raeusch, as a potent neuraminidase inhibitor against influenza A virus: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0006291X19323630

Các sản phẩm có thành phần Thanh quả

  1. Viên uống Thanh Quả Áo Đình hỗ trợ giảm cân (30 viên)