Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Xạ can

Xạ can: Vị thuốc chữa bệnh hầu họng và nhiều công dụng khác 

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Xạ can là vị thuốc có tên khoa học là Belamcanda chinensis (L.) DC thuộc họ Lay ơn. Xạ can được biết đến là một dược liệu quý và được ứng dụng rất nhiều trong các bài thuốc dân gian tại Việt Nam với các công dụng như chữa viêm họng, viêm amidan, ho nhiều đờm, khàn tiếng, hạ sốt, tắc tia sữa. Hiện nay, các nghiên cứu đã chứng minh được nhiều tác dụng khác nhau của Xạ can bao gồm cả hoạt động chống ung thư.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Xạ can.

Tên khác: Cây rẻ quạt.

Tên khoa học: Belamcanda chinensis (L.) DC.

Đặc điểm tự nhiên

Xạ can là một loại thân thảo sống lâu năm, có thân rễ mọc bò màu nâu nhạt, phân nhiều nhánh. Thân có lá mọc thẳng đứng, có thể cao tới 1m. Lá hình mác, gân song song, dài 20 - 40 cm, rộng 15 - 20 cm, toàn bộ lá xếp thành một mặt phẳng và xòe ra như cái quạt. Hoa có cuống, bao hoa có 6 cánh màu vàng cam đỏ, điểm những đốm tía, đường kính 3 - 4cm. Quả nang hình trứng, có 3 van, dài 23 - 25mm, hạt xanh đen, hình cầu, đường kính 5mm.

Xạ can 1
Cây xạ can trong tự nhiên

Phân bố, thu hái, chế biến

Xạ can phân bố chủ yếu ở vùng Đông Bắc Á bao gồm các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Philippine, Ấn Độ, Triều Tiên, trong đó có Việt Nam. Xạ can mọc hoang khắp nơi ở Việt Nam, có nhiều tại Lạng Sơn, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ninh Binh, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, có khi được trồng làm cảnh.

Xạ can được thu hoạch vào đầu mùa xuân, khi cây mới nảy mầm hoặc cuối thu, khi lá khô héo. Thu hái bằng cách lấy thân rễ, loại bỏ rễ con và tạp chất, rửa sạch bằng cách ngâm trong nước 2 - 3 giờ, ủ mềm, thái lát nhỏ đem phơi hoặc sấy khô mà dùng dần.

Có hai cách chế biến chính là dùng tươi hoặc khô. Với việc dùng tươi, thân rễ của Xạ can được rửa sạch, thái thành những phiến mỏng, giã với ít muối để sử dụng. Để dùng khô, ngâm nước gạo một hai ngày cho mềm, vớt ra rửa sạch, sau đó thái mỏng đem phơi hoặc sấy khô, khi dùng thì mài thành bột trong bát nhám, uống với nước.

Xạ can 2
Xạ can sau khi đem phơi hoặc sấy khô

Bộ phận sử dụng

Bộ phận thường sử dụng là thân rễ, với tên khoa học là Rhizoma Belamcandae.

Thành phần hoá học

Thân rễ Xạ can có chứa flavonoid, isoflavonoid (tectorigenin, tectoridin, irigenin), stilben, benzoquinone, xanthon và triterpenoid.

Ngoài ra, người ta đã chiết ra được một số chất glucozit gọi là belamcandin, iridin, shekanin.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo Đông y, thân rễ Xạ can có vị đắng, tính hàn, hơi độc, vào hai kinh Can và Phế. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán huyết, giáng Phế khí hóa đờm bình suyễn, lợi niệu, tiêu thũng, sát trùng.

Xạ can là một loại thuốc quý chữa bệnh về hầu họng, ngoài ra còn là một vị thuốc chữa sốt, đau họng, đại tiểu tiện không thông, sưng vú, tắc tia sữa, thống kinh. Có nơi còn dùng chữa rắn cắn.

Chủ trị: Viêm họng, viêm amidan, ho nhiều đờm, khàn tiếng, ngoài ra còn dùng chữa sốt, tắc tia sữa, đau bụng kinh.

Xạ can 3
Xạ can là một loại thuốc quý chủ trị bệnh về hầu họng

Theo y học hiện đại

Trong điều trị chống oxy hóa và bảo vệ tế bào

Các nghiên cứu in vitro chứng minh chiết xuất Xạ can có khả năng chống oxy hóa hiệu quả, tác dụng ức chế nhiều loại nấm da, chống virus hô hấp. Ngoài ra, còn có tác dụng bảo vệ tế bào thông qua chống lại tổn thương tế bào, giảm các loại oxy hóa phản ứng nội bào.

Trong điều trị kháng viêm

Một nghiên cứu vào năm 2010 đã chứng minh được chiết xuất từ Xạ can có tác dụng kháng viêm thông qua ức chế các yếu tố hoại tử khối u và các cytokine gây viêm thông qua điều chỉnh con đường MAPK JNK và p38.

Trong điều trị kháng khuẩn

Trong thí nghiệm in vitro, chiết xuất thân rễ cây Xạ can có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn như liên cầu tan máu, trực khuẩn ho gà, Bacillus subtilis, tụ cầu vàng, Shigella dysenteriae. Tác dụng điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên như đau họng và viêm amidan.

Xạ can 4
Chiết xuất thân rễ cây Xạ can có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể

Trong điều trị chống ung thư

Một nghiên cứu vào năm 2012 từ dịch chiết ethyl acetate trong thân rễ cây Xạ can cho thấy hoạt tính chống ung thư cao hơn các dịch chiết khác, từ đó phân lập được 18 hợp chất được xác định là β- sitosterol, dausterol, quercetin, kaempferol, axit shikimic, axit gallic, axit ursolic, betulin, axit betulonic, betulone, tetoridin, iris florentina, 4′,5,6-trihydroxy-7- methoxyisoflavone, tectorigenin, irilins A, iridin, irigenin và iristectongenin A.

Tất cả các hợp chất đã được thử nghiệm về hoạt tính chống ung thư từ chiết xuất ethyl acetate của rễ cây Xạ can thể hiện hoạt động chống tăng sinh các dòng tế bào ung thư biểu mô ở người thông qua hoạt động gây chết theo chu trình như ung thư vú, ung thư gan, ung thư biểu mô tuyến tiền liệt, ung thư biểu mô dạ dày và bệnh bạch cầu tế bào T. Trong đó, axit betulinic cho thấy hoạt tính chống ung thư đáng kể nhất.

Xạ can 5
Chiết xuất Xạ can có tác dụng chống tăng sinh các dòng tế bào ung thư biểu mô ở người

Liều dùng & cách dùng

Xạ can là một vị thuốc quý trong Đông y, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm, tiêu đàm. Nó được sử dụng để điều trị nhiều bệnh, đặc biệt là các chứng bệnh về hầu họng. Liều dùng của Xạ can dao động từ 3 - 6g dưới dạng thuốc sắc hoặc 10 - 20g rễ tươi giã. Ngoài ra, Xạ can còn có thể được bào chế dưới dạng thuốc bột hoặc viên ngậm, uống.

Nên sử dụng dưới hướng dẫn của Bác sĩ Y học cổ truyền thay vì tự sử dụng.

Bài thuốc kinh nghiệm

Bài thuốc chữa tắc cổ họng, ăn uống không thông

Chuẩn bị: Xạ can 4g, Hoàng cầm 2g, Sinh cam thảo 2g, Cát cánh 2g.

Thực hiện: Các vị tán nhỏ, hòa tan với nước đun sôi để nguội mà uống.

Bài thuốc chữa viêm họng

Chuẩn bị: Cỏ nhọ nồi và Bồ công anh mỗi vị 20g, thân rễ cây Xạ can 12g, Kim ngân hoa 16g, Cam thảo đất 16g, cho tất cả vào nồi sắc lấy nước uống. Dùng mỗi ngày một lần, liên tục trong 3 - 5 ngày.

Xạ can 6
Bài thuốc chữa viêm họng với Xạ can

Bài thuốc chữa các triệu chứng báng bụng to, da đen sạm

Chuẩn bị: Xạ can tươi.

Thực hiện: Giã nhỏ Xạ can tươi, vắt lấy nước uống, hễ thấy lợi tiểu tiện thì thôi.

Bài thuốc ôn Phế hóa đàm, chỉ khái định suyễn

Chuẩn bị: Xạ can 12g, Ma hoàng 12g, Sinh khương 12g, Tử uyển 12g, Khoản đông hoa 12g, Bán hạ 12g, Ngũ vị tử 6g, Tế tân 4g, Đại táo 3 quả.

Thực hiện: Sắc nước, chia làm 3 lần uống trong ngày, uống ấm. Phương này có tác dụng chữa ho mà khí nghịch lên, trong họng có nước khò khè như gà kêu.

Bài thuốc này có tên là Xạ can Ma hoàng thang nằm trong cuốn Kim Quỹ Yếu Lược của Trương Trọng Cảnh.

Bài thuốc trị họng sưng đau

Chuẩn bị: Xạ can 20g.

Thực hiện: Xạ can thái nhỏ, sắc với 1,5 chén nước còn 8 phân, bỏ bã, cho ít mật vào và uống.

Bài thuốc này có tên là Xạ can thang nằm trong quyển Thánh Tế Tổng Lục.

Bài thuốc trị vú sưng mới phát

Chuẩn bị: Xạ can, lựa loại gốc giống hình con Tằm nằm chết cứng, cùng với rễ cỏ Huyên. Thực hiện: Tán bột, trộn với mật, đắp vào.

Bài thuốc trị bạch hầu

Xạ can 3g, Sơn đậu căn 3g, Kim ngân hoa 15g, Cam thảo 6g. Sắc uống.

Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng cây Xạ can:

  • Chú ý khi sử dụng cho người bị dị ứng hoặc quá mẫn với thuốc.
  • Người Tỳ Vị hư hàn, phụ nữ có thai không được dùng.
  • Không được sử dụng trong thời gian dài sẽ khiến cho cơ thể hết sức mệt mỏi, dễ bị tiêu chảy.
  • Sử dụng cây Xạ can ở những cơ sở y tế, bệnh viện, nhà thuốc uy tín để đảm bảo chất lượng dược liệu không lẫn tạp chất có hại khác.
  • Dùng đúng liều lượng và sự chỉ dẫn của Bác sĩ Y học cổ truyền.
Xạ can 7
Tham khảo ý kiến Bác sĩ Y học cổ truyền trước khi dùng Xạ can để đảm bảo an toàn

Xạ can là một thảo dược được sử dụng từ lâu với nhiều tác dụng khác nhau, đặc biệt trong việc điều trị yết hầu sưng đau, đờm nghẹn ở cổ, viêm amidan. Tuy nhiên, việc sử dụng nên tuân theo chỉ dẫn của Bác sĩ Y học cổ truyền, vì không phải ai cũng có thể sử dụng vị thuốc Xạ can. Việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn mới mang lại hiệu quả đối với mỗi bệnh lý khác nhau, đồng thời tránh gặp các tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng thuốc không đúng chỉ định.

Nguồn tham khảo