Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Khàn tiếng: Nguyên nhân, điều trị và phương pháp phòng ngừa

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nếu giọng nói của bạn trở nên thô và khàn, có thể bạn đang có triệu chứng khàn tiếng. Tình trạng này có thể xảy ra sau khi bạn nói quá to, nói liên tục, sau khi viêm họng hoặc cũng có thể là một dấu hiệu của các bệnh lý tiềm ẩn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Khàn tiếng là gì?

Khàn tiếng (hay còn gọi là khàn giọng) xảy ra khi giọng nói của bạn trở nên thô ráp, khàn, yếu hoặc âm thanh không trong như bình thường. Âm lượng (giọng to hoặc nhỏ) và cao độ (giọng cao hoặc thấp) của giọng nói cũng có thể bị thay đổi.

Khàn tiếng là một tình trạng khá phổ biến. Trong dân số chung, có khoảng một phần ba số người sẽ mắc triệu chứng khàn tiếng vào một thời điểm nào đó trong đời.

Giọng nói phụ thuộc vào sự hoạt động của dây thanh quản, thanh quản và các cấu trúc khác liên quan đến âm sắc và âm lượng. Dây thanh quản (dây thanh âm) là một trong những dây chằng của thanh quản. Khi bạn nói, không khí từ phổi đi ra và làm rung động hai dây thanh quản tạo ra giọng nói. Nếu dây thanh quản dày và chùng, rung động chậm dẫn đến tần số sóng thấp sẽ khiến giọng nói bạn trầm. Ngược lại, nếu dây thanh mảnh và căng, giọng nói bạn sẽ cao.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của khàn tiếng

Các triệu chứng có thể xuất hiện khi bạn bị khàn tiếng là:

  • Giọng nói nhỏ, yếu, có thể kèm theo tiếng thở thô hoặc hụt hơi;
  • Thay đổi cao độ của giọng nói;
  • Có thể nuốt khó, nuốt nghẹn hoặc khó thở;
  • Nếu có tình trạng nhiễm trùng vùng hầu họng có thể xuất hiện thêm: Đau họng, hắt hơi, ho, sổ mũi, sốt,...

Biến chứng có thể gặp khi mắc phải khàn tiếng

Khàn tiếng có thể là dấu hiệu chỉ điểm của một số bệnh lý nguy hiểm như:

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu khàn tiếng không tự khỏi trong vòng một đến hai tuần và gây khó khăn trong công việc, khiến chất lượng cuộc sống giảm, hoặc khàn tiếng liên quan đến các triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, nuốt khó, sưng hạch bạch huyết vùng cổ, bạn cần đến các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa Tai mũi họng để được bác sĩ đánh giá về tình trạng của mình.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến khàn tiếng

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến khàn tiếng mà bạn cần lưu ý. Một số nguyên nhân có thể không ảnh hưởng lớn đến đến sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, có một số nguyên nhân gây khàn tiếng đáng lo ngại và bạn cần được điều trị kịp thời. Các nguyên nhân bao gồm:

Sử dụng giọng nói của bạn quá nhiều: Nếu bạn nói quá lâu, hét quá to, hát quá nhiều hoặc nói ở âm vực cao hơn hoặc thấp hơn bình thường, bạn có thể bị khàn tiếng.

Lão hóa: Dây thanh quản của bạn sẽ mỏng và yếu đi theo quá trình lão hóa. Việc giọng nói của bạn trở nên khàn hơn khi bạn già đi là điều hoàn toàn bình thường.

Cảm cúm hoặc viêm xoang cấp: Khàn tiếng sẽ tự thoái lui trong vòng một đến hai tuần.

Viêm thanh quản: Tình trạng này xảy ra khi dây thanh quản của bạn tạm thời bị sung huyết và sưng nề do dị ứng, cảm cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal Reflux Disease - GERD): Với triệu chứng điển hình là ợ nóng. GERD xảy ra khi acid dạ dày trào ngược lên thực quản. Đôi khi acid có thể dâng cao lên đến tận nếp gấp thanh quản và gây tổn thương cấu trúc này. Bệnh lý này được gọi là trào ngược họng - thanh quản (Laryngopharyngeal Reflux - LPR).

Khàn tiếng: Nguyên nhân, điều trị và phương pháp phòng ngừa 4
Trào ngược dạ dày thực quản có thể là nguyên nhân gây khàn tiếng

Xuất huyết dây thanh quản: Nếu giọng nói của bạn đột nhiên biến mất hoặc bạn có thể nói nhưng không hát được, có thể bạn đã bị xuất huyết dây thanh quản. Điều này xảy ra khi một hoặc vài mạch máu trên dây thanh quản bị vỡ, khiến máu tràn vào các mô cơ.

Các bệnh lý và rối loạn thần kinh: Nếu bạn bị đột quỵ não hoặc bệnh Parkinson, các bệnh lý này có thể đã ảnh hưởng đến phần não chịu trách nhiệm điều khiển hoạt động của các cơ trong thanh quản.

Hạt dây thanh, u nang và polyp dây thanh quản: Các hạt, polyp và u nang là những khối tăng trưởng không phải ung thư (lành tính) có thể hình thành trên dây thanh quản. Chúng hình thành do ma sát hoặc áp lực quá lớn khi bạn nói quá to hoặc nói quá nhiều trong một khoảng thời gian kéo dài.

Liệt dây thanh quản: Liệt dây thanh quản có nghĩa là một hoặc cả hai dây thanh quản không hoạt động bình thường. Một hoặc cả hai có thể không mở hoặc không đóng. Nguyên nhân chính thường khó nhận biết ngay, trong đó bao gồm chấn thương, ung thư vùng đầu - cổ - ngực hoặc các khối u lành tính chèn ép, nhiễm trùng, bệnh đa xơ cứng, bệnh nhược cơ, đột quỵ não, bệnh Parkinson.

Ung thư thanh quản: Khàn tiếng kéo dài hơn ba tuần có thể là một triệu chứng báo động của ung thư thanh quản.

Bệnh u nhú đường hô hấp tái phát hay còn gọi là u nhú thanh quản (Recurrent Respiratory Papillomatosis - RRP): Bệnh này gây ra các khối u không phải ung thư (lành tính) trên đường dẫn khí trong hệ thống hô hấp của bạn.

Khó phát âm do căng cơ: Là sự thay đổi trong âm lượng và cao độ của giọng nói do các cơ vùng thanh quản bị căng quá mức. Chính sự căng này ngăn cản giọng nói của bạn hoạt động hiệu quả. Khó phát âm do căng cơ là một dạng rối loạn cơ có thể xuất hiện trong quá trình viêm thanh quản và vẫn tồn tại cả sau khi dây thanh quản đã hết sung huyết. 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải khàn tiếng?

Bất kỳ ai ở bất kỳ độ tuổi nào đều có thể bị khàn tiếng. Tuy nhiên, có một số đối tượng có nguy cơ mắc khàn tiếng hơn, bao gồm:

  • Những người thường xuyên ợ nóng, ợ trớ, đầy bụng, khó tiêu có thể mắc trào ngược dạ dày thực quản hoặc trào ngược họng thanh quản gây khàn tiếng.
  • Sử dụng những loại đồ uống có cồn hoặc caffeine.
  • Từng la hét cổ vũ hoặc lạm dụng dây thanh quản trong thời gian gần đây.
  • Hít phải các chất độc hại.
  • Ho quá nhiều.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải khàn tiếng

Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến khàn tiếng là:

  • Người hút thuốc lá: Cần lưu ý rằng hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng. Thói quen này ảnh hưởng xấu đến cấu trúc của dây thanh quản. Những người hút thuốc lá nếu có triệu chứng của khàn tiếng, cần đến gặp bác sĩ Tai mũi họng ngay lập tức để được theo dõi tình hình sức khỏe.
  • Những nghề nghiệp thường xuyên sử dụng giọng nói như giáo viên, ca sĩ, người bán hàng, điện thoại viên,...
Khàn tiếng: Nguyên nhân, điều trị và phương pháp phòng ngừa 5
Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ gây khàn tiếng

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán khàn tiếng

Bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng sẽ tiến hành đánh giá các triệu chứng của bạn, hỏi các yếu tố nguy cơ gây ra khàn tiếng và thăm khám thực thể. Một số câu hỏi bác sĩ có thể hỏi bạn trong quá trình khám như sau:

  • Bạn bị khàn tiếng bao lâu?
  • Bạn đột ngột bị khàn tiếng hay mức độ khàn tiếng tăng dần?
  • Trước khi bị khàn tiếng, bạn có các tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên như cảm, cúm, viêm họng, ho,... hay không?
  • Các triệu chứng khác kèm theo là gì?
  • Bạn có hút thuốc lá không? Nếu có, bạn đã hút bao lâu?
  • Bạn có dùng rượu hoặc các chất kích thích khác không?

Một số xét nghiệm cận lâm sàng được bác sĩ Tai mũi họng chỉ định để theo dõi mức độ tổn thương và tìm nguyên nhân gây khàn tiếng là:

  • Nội soi họng - thanh quản: Bác sĩ sẽ dùng một ống kim loại hoặc một ống mềm với camera và nguồn sáng để tiến hành quan sát các cấu trúc bên trong họng và thanh quản của bạn. Đồng thời, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn phát âm và hít thở để theo dõi quá trình di động của hai dây thanh quản.
  • Sinh thiết: Các khối u nhú hoặc khối sùi bất thường, bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu tại khối u đó và tiến hành giải phẫu bệnh để biết đặc điểm mô bệnh học của khối u.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) và chụp cộng hưởng từ (MRI): Nếu nghi ngờ nguyên nhân gây ra khàn tiếng có liên quan đến sự bất thường của các cấu trúc khác ở vùng đầu - cổ - ngực.
Khàn tiếng: Nguyên nhân, điều trị và phương pháp phòng ngừa 6
Nội soi họng thanh quản hỗ trợ chẩn đoán khàn tiếng

Phương pháp điều trị khàn tiếng hiệu quả

Điều trị khàn tiếng cần sự phối hợp giữa bác sĩ và người bệnh, giúp tăng khả năng hồi phục và cải thiện triệu chứng. Một số phương pháp điều trị dưới đây phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra khàn tiếng của bạn:

  • Khàn tiếng do lạm dụng giọng nói: Nghỉ ngơi và hạn chế sử dụng giọng nói, tránh nói to hoặc la hét và cũng không nên nói giọng trầm và thì thầm vì việc này sẽ làm tổn thương thêm dây thanh quản.
  • Khàn tiếng do cảm, cúm, các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm thanh quản hoặc trào ngược dạ dày thực quản: Bác sĩ sẽ kê toa thuốc giảm triệu chứng hoặc kháng sinh phù hợp với tình trạng bệnh của bạn.
  • Khàn tiếng do các bệnh lý hoặc rối loạn thần kinh: Bác sĩ Tai mũi họng sẽ phối hợp với chuyên khoa Nội Thần kinh tiến hành điều trị các bệnh căn nguyên.
  • Liệt dây thanh quản: Tùy vào mức độ nặng của bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật hoặc phẫu thuật để điều chỉnh dây thanh về vị trí trung gian.
  • Ung thư thanh quản: Các phương pháp trị liệu bao gồm hóa trị, xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích hoặc phẫu thuật.
  • U nhú thanh quản: Các thủ thuật được áp dụng để loại bỏ sự tăng trưởng của u nhú, đảm bảo đường thở được thông thoáng.

Ngoài ra, để cải thiện chất lượng giọng nói, các bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn đến chuyên viên trị liệu giọng nói để được hướng dẫn cách sử dụng giọng nói sao cho tránh tái phát khàn tiếng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của khàn tiếng

Chế độ sinh hoạt:

  • Cho họng - thanh quản được nghỉ ngơi, tránh nói to, nói quá nhiều gây tăng áp lực lên hai dây thanh.
  • Loại bỏ các tác nhân gây dị ứng khỏi môi trường sống của bạn bằng việc dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ ga giường mền gối.
  • Không sử dụng các ống thông mũi để điều trị khàn giọng vì chúng có thể tăng kích ứng và làm khô cổ họng.

Chế độ dinh dưỡng: 

  • Uống nước thường xuyên giúp làm ẩm và giảm cảm giác khó chịu vùng họng. Hạn chế uống nước đá lạnh. Bổ sung các loại thức uống ấm và cải thiện giọng như trà gừng, trà chanh mật ong, trà hoa cúc,...
  • Tránh các chất kích thích như thuốc lá, rượu, cà phê,...

Phương pháp phòng ngừa khàn tiếng hiệu quả

Để phòng ngừa khàn tiếng, bạn cần thực hiện một số thói quen sau đây:

  • Không hút thuốc lá (chủ động và thụ động);
  • Rửa tay thường xuyên để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp;
  • Uống đủ nước mỗi ngày;
  • Tránh đồ uống có cồn hoặc chứa caffeine;
  • Hạn chế hắng giọng;
  • Tránh thức ăn cay nóng;
  • Tránh hò hét, sử dụng giọng nói quá lâu hoặc quá lớn.
Khàn tiếng: Nguyên nhân, điều trị và phương pháp phòng ngừa 7
Nghỉ ngơi giúp thanh quản được hồi phục
Nguồn tham khảo
  1. Hoarseness: https://www.nidcd.nih.gov/health/hoarseness
  2. Why Does My Voice Sound Raspy?: https://www.verywellhealth.com/hoarseness-causes-and-treatment-2248928
  3. Everything You Need to Know About Hoarseness: https://www.healthline.com/health/hoarseness
  4. Hoarseness: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/hoarseness
  5. What can cause a hoarse voice and how is it treated?: https://www.medicalnewstoday.com/articles/hoarse-voice

Các bệnh liên quan

  1. Phổi tắc nghẽn mãn tính

  2. Xẹp phổi

  3. MERS

  4. Sốc

  5. Bụi phổi silic

  6. Viêm phế quản co thắt

  7. Hội chứng hít phân su

  8. Sarcoidosis

  9. Viêm phổi do Metapneumovirus

  10. Viêm phổi do nấm