Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Lamotrigine

Lamotrigine: Thuốc chống động kinh

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Lamotrigine (Lamotrigin)

Loại thuốc

Thuốc chống động kinh

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén 25 mg, 50 mg, 100 mg, 200 mg

Viên nén nhai/phân tán 2 mg, 5 mg, 25 mg, 100 mg

Chỉ định

Động kinh ở người lớn và thanh thiếu niên từ 13 tuổi trở lên:

  • Điều trị hỗ trợ hoặc đơn trị liệu đối với động kinh cục bộ và động kinh toàn thể, bao gồm động kinh co cứng-co giật.
  • Động kinh liên quan đến hội chứng Lennox-Gastaut.

Trẻ em và thanh thiếu niên từ 2 đến 12 tuổi:

  • Điều trị hỗ trợ động kinh cục bộ và toàn thể, bao gồm động kinh co cứng-co giật và co giật liên quan đến hội chứng Lennox-Gastaut.
  • Đơn trị liệu các cơn động kinh vắng ý thức điển hình.

Rối loạn lưỡng cực ở người lớn từ 18 tuổi trở lên: Phòng ngừa các giai đoạn trầm cảm ở bệnh nhân rối loạn lưỡng cực I chủ yếu bị các giai đoạn trầm cảm.

Dược lực học

Lamotrigine là một chất chẹn các kênh natri phụ thuộc điện thế. Thuốc ức chế sự kích hoạt lặp đi lặp lại liên tục của tế bào thần kinh và ức chế giải phóng glutamate (chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các cơn co giật động kinh).

Những tác dụng này có thể góp phần vào tác dụng chống co giật của lamotrigine.

Động lực học

Hấp thu

Lamotrigine hấp thu nhanh và hoàn toàn ở ruột, quá trình chuyển hoá lần đầu không đáng kể. Nồng độ đỉnh đạt được sau 2,5 giờ. Thức ăn ảnh hưởng đến tốc độ hấp thu nhưng không ảnh hưởng mức độ hấp thu.

Phân bố

Lamotrigine gắn với protein huyết tương khoảng 55%. Thể tích phân bố 0,92-1,22 L/kg.

Chuyển hóa

Lamotrigine chuyển hoá nhờ enzyme UDP-glucuronyl transferase.

Thải trừ

Độ thanh thải huyết tương ở người khoẻ mạnh là 30 mL/phút. Thời gian bán thải khoảng 33 giờ. Thời gian bán thải bị ảnh hưởng nhiều bởi các thuốc dùng chung.

Lamotrigine thải trừ chủ yếu qua nước tiểu, chỉ khoảng 2% thải trừ qua phân.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác:

Các thuốc gây cảm ứng hoặc ức chế quá trình glucuronid hóa có thể ảnh hưởng đến độ thanh thải của lamotrigine. Các chất cảm ứng mạnh hoặc trung bình CYP3A4 cũng có thể làm tăng chuyển hóa lamotrigine.

Thuốc ức chế glucuronid hoá lamotrigine: valproate. Thuốc cảm ứng glucuronid hoá lamotrigine: phenytoin, carbamazepine, phenobarbitone, primidone, rifampicin, lopinavir/ritonavir, ethinyloestradiol/levonorgestrel, atazanavir/ritonavir.

Tương tác liên quan đến thuốc chống động kinh

Valproate làm giảm sự chuyển hóa của lamotrigine và tăng thời gian bán thải trung bình của lamotrigine lên gần hai lần. Phenytoin, carbamazepine, phenobarbitone và primidone làm tăng cường chuyển hóa lamotrigine.

Có báo cáo về việc giảm nồng độ lamotrigine khi dùng kết hợp với oxcarbazepine. Do đó, ở những bệnh nhân đang điều trị đồng thời với oxcarbazepine, nên sử dụng phác đồ điều trị bổ trợ lamotrigine không có valproate và không có chất cảm ứng glucuronid hóa lamotrigine.

Thuốc tránh thai nội tiết

Sử dụng kết hợp ethinyloestradiol/levonorgestrel làm tăng độ thanh thải của lamotrigine lên khoảng hai lần, dẫn đến giảm nồng độ lamotrigine, liên quan đến việc mất kiểm soát cơn động kinh.

Chống chỉ định

Quá mẫn với lamotrigine hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Liều lượng & cách dùng

Động kinh ở người lớn và trẻ từ 13 tuổi trở lên

Đơn trị liệu: Tuần 1-2: 25 mg/lần/ngày. Tuần 3-4: 50 mg/lần/ngày. Liều duy trì thường dùng: 100-200 mg/ngày chia 1-2 lần.

Kết hợp với valproate: Tuần 1-2: 12,5 mg/lần/ngày (25 mg dùng cách ngày). Tuần 3-4: 25 mg/lần/ngày. Liều duy trì thường dùng: 100-200 mg/ngày chia 1-2 lần.

Không kết hợp với valproate nhưng với chất cảm ứng glucuronic lamotrigine: Tuần 1-2: 25 mg/lần/ngày. Tuần 3-4: 50 mg/lần/ngày. Liều duy trì thường dùng: 100-200 mg/ngày chia 1-2 lần.

Động kinh ở trẻ em 2-12 tuổi

Đơn trị cho động kinh vắng ý thức điển hình: Tuần 1-2: 0,3 mg/kg/ngày chia 1-2 lần.

Tuần 3-4: 0,6 mg/mg/ngày. Liều duy trì thường dùng: 1-15 mg/kg/ngày chia 1-2 lần.

Kết hợp với valproate: Tuần 1-2: 0,15 mg/kg/ngày dùng 1 lần. Tuần 3-4: 0,3 mg/mg/ngày dùng 1 lần. Liều duy trì thường dùng: 1-5 mg/kg/ngày chia 1-2 lần.

Không kết hợp với valproate nhưng với chất cảm ứng glucuronic lamotrigine: Tuần 1-2: 0,6 mg/kg/ngày chia 2 lần. Tuần 3-4: 1,2 mg/mg/ngày chia 2 lần. Liều duy trì thường dùng: 1-15 mg/kg/ngày chia 1-2 lần.

Rối loạn lưỡng cực ở người lớn 18 tuổi trở lên

Đơn trị: Tuần 1-2: 25 mg/lần/ngày. Tuần 3-4: 50 mg/ngày chia 1-2 lần. Tuần 5: 100 mg/ngày chia 1-2 lần. Liều ổn định mục tiêu từ tuần 6: 200 mg/ngày chia 1-2 lần.

Phối hợp với valproate: Tuần 1-2: 12,5 mg/lần/ngày (25 mg/lần cách ngày). Tuần 3-4: 25 mg/lần/ngày. Tuần 5: 50 mg/ngày chia 1-2 lần. Liều ổn định mục tiêu từ tuần 6: 100 mg/ngày chia 1-2 lần.

Không kết hợp với valproate nhưng với chất cảm ứng glucuronic lamotrigine: Tuần 1-2: 50 mg/lần/ngày. Tuần 3-4: 100 mg/ngày chia 2 lần. Tuần 5: 200 mg/ngày chia 2 lần. Liều ổn định mục tiêu từ tuần 6: 300 mg/ngày chia 2 lần.

Đối tượng khác

Người cao tuổi: Không cần hiệu chỉnh liều.

Suy giảm chức năng thận: Cần thận trọng. Ở bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, những liều đầu tiên của lamotrigine nên xác định dựa vào các thuốc dùng kèm. Có thể cần giảm liều duy trì.

Suy giảm chức năng gan: Liều khởi đầu, tăng liều và liều duy trì nên giảm 50% ở người suy gan trung bình (Child-Pugh độ B) và giảm 75% ở suy gan nặng (Child-Pugh độ C).

Tác dụng phụ

Thường gặp

Hung hăng, cáu kỉnh, nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt, run, mất ngủ, kích động, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, khô miệng, phát ban da, đau khớp, mệt mỏi, đau nhức, đau lưng.

Ít gặp

Mất điều hoà, nhìn đôi, mờ mắt, rụng tóc, phản ứng nhạy cảm ánh sáng.

Hiếm gặp

Các bất thường huyết học (giảm bạch cầu trung tính, giảm bạch cầu, thiếu máu...), hội chứng hoạt hoá đại thực bào, hội chứng quá mẫn, lú lẫn, ảo giác, rung giật nhãn cầu, viêm màng não vô khuẩn, không ổn định, rối loạn vận động, trầm trọng bệnh Parkinson, tác dụng ngoại tháp, viêm kết mạc, suy gan, rối loạn chức năng gan, hoại tử thượng bì nhiễm độc, phản ứng giống lupus.

Không xác định tần suất

Hạ đường huyết, ác mộng, nổi hạch, viêm màng bồ đào.

Lưu ý

Lưu ý chung

Phát ban da:

  • Đã có báo cáo về các phản ứng có hại trên da, thường xảy ra trong vòng tám tuần đầu tiên sau khi bắt đầu điều trị bằng lamotrigine.
  • Phần lớn phát ban là nhẹ và tự giới hạn, tuy nhiên phát ban nghiêm trọng cần nhập viện và phải ngừng lamotrigine cũng đã được báo cáo, như hội chứng Stevens – Johnson (SJS), hoại tử biểu bì nhiễm độc (TEN) và phản ứng thuốc với Tăng bạch cầu ái toan và Các triệu chứng toàn thân (DRESS). Cũng đã có báo cáo về các phản ứng nhạy cảm với ánh sáng liên quan đến việc sử dụng lamotrigine.

Viêm màng não vô khuẩn:

  • Viêm màng não vô khuẩn có thể hồi phục khi ngừng thuốc trong hầu hết các trường hợp, nhưng tái phát trong một số trường hợp khi tiếp xúc lại với lamotrigine.
  • Không nên bắt đầu lại lamotrigine ở những bệnh nhân đã ngưng dùng do viêm màng não vô khuẩn liên quan đến điều trị lamotrigine trước đó.

Hội chứng hoạt hoá đại thực bào (HLH):

  • HLH đã được báo cáo ở những bệnh nhân dùng lamotrigine. HLH được đặc trưng bởi các dấu hiệu và triệu chứng, như sốt, phát ban, các triệu chứng thần kinh, gan lách to, nổi hạch, bạch cầu, ferritin huyết thanh cao, tăng triglyceride máu và các bất thường về chức năng gan và đông máu.
  • Các triệu chứng thường xảy ra trong vòng 4 tuần sau khi bắt đầu điều trị, HLH có thể đe dọa tính mạng.

Tình trạng lâm sàng chuyển biến xấu và nguy cơ tự tử:

  • Ý tưởng và hành vi tự sát đã được báo cáo ở những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc chống động kinh trong một số chỉ định. Cơ chế của nguy cơ này chưa được biết và dữ liệu hiện có không loại trừ khả năng tăng nguy cơ đối với lamotrigine.
  • Ở những bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực, các triệu chứng trầm cảm trở nên trầm trọng hơn và / hoặc xuất hiện tình trạng tự tử có thể xảy ra cho dù họ có đang dùng thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực, bao gồm lamotrigine hay không. Do đó bệnh nhân dùng lamotrigine cho rối loạn lưỡng cực nên được theo dõi chặt chẽ về tình trạng lâm sàng xấu đi và tình trạng tự tử, đặc biệt là khi bắt đầu một đợt điều trị, hoặc tại thời điểm thay đổi liều lượng.

Suy thận:

Có thể có sự tích tụ của chất chuyển hóa glucuronid ở người suy thận, do đó cần thận trọng khi điều trị bệnh nhân suy thận.

Ảnh hưởng lên sự phát triển ở trẻ em:

Không có dữ liệu về ảnh hưởng của lamotrigine đối với sự tăng trưởng, trưởng thành giới tính và phát triển nhận thức, cảm xúc và hành vi ở trẻ em.

Thận trọng liên quan đến bệnh động kinh:

  • Ngưng lamotrigine đột ngột có thể gây ra các cơn động kinh trở lại. Nên giảm liều dần trong khoảng thời gian hai tuần.
  • Không nên dùng lamotrigine cho bệnh nhân hiện đang điều trị bằng bất kỳ chế phẩm nào khác có chứa lamotrigine mà không hỏi ý kiến ​​bác sĩ.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Nếu cần dùng lamotrigine cho phụ nữ có thai, phải dùng liều thấp nhất có hiệu quả. Cần theo dõi các tác dụng không mong muốn sau khi sinh.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Lamotrigine có thể bài tiết vào sữa mẹ. Lợi ích của việc bú mẹ nên được đánh giá so với nguy cơ các tác dụng có hại cho trẻ. Nếu tiếp tục bú mẹ, cần theo dõi các tác dụng không mong muốn ở trẻ, bao gồm an thần buồn ngủ, phát ban và chậm lên ký.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Lamotrigine có thể gây ra các rối loạn thần kinh như hoa mắt chóng mặt, nhìn đôi. Do đó, bệnh nhân không nên lái xe và vận hành máy móc cho đến khi biết rõ ảnh hưởng của thuốc lên cơ thể.

Quá liều

Quá liều Lamotrigine và xử trí

Quá liều và độc tính

Triệu chứng quá liều bao gồm rung giật nhãn cầu, mất điều hòa, suy giảm ý thức, co giật nặng và hôn mê.

Cách xử lý khi quá liều

Bệnh nhân nên được nhập viện và được điều trị hỗ trợ thích hợp. Biện pháp giảm hấp thu (như dùng than hoạt tính) nên được thực hiện nếu có chỉ định. Xử trí tiếp theo dựa trên tình trạng lâm sàng.

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Nguồn tham khảo