Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Vasopressin: Hormon chống bài niệu

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Vasopressin

Loại thuốc

Hormon chống bài niệu.

Dạng thuốc và hàm lượng

Vasopressin: 20 đvqt/1 ml (thuốc tiêm, nhỏ mũi).

Chỉ định

Vasopressin thuốc chỉ định điều trị trong các trường hợp sau:

  • Đái tháo nhạt do thùy sau tuyến yên hoặc do chấn thương sọ não, hoặc sau phẫu thuật thần kinh để phòng và kiểm soát đái nhiều, uống nhiều, tình trạng mất nước.
  • Hồi sức tim mạch trong ngừng tim do rung thất, nhịp nhanh thất không mạch, vô tâm thu hoặc phân ly điện - cơ tim.
  • Dùng để chẩn đoán (test kích thích tuyến yên để giải phóng hormon tăng trưởng và corticotropin). 
  • Xuất huyết đường tiêu hóa: Thuốc bổ trợ trong điều trị tạm thời xuất huyết ồ ạt, cấp tính do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, loét dạ dày tá tràng, để làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa và tăng đông máu và cầm máu, nhưng không loại bỏ được các biện pháp khác (như truyền máu, ép thực quản, liệu pháp làm xơ cứng, hoặc phẫu thuật cấp cứu).
  • Sốc do giãn mạch (trong sốc nhiễm khuẩn) khi các thuốc adrenergic thông thường không tác dụng. 
  • Trướng bụng: Đã được sử dụng để kích thích nhu động ruột trong điều trị liệt ruột , chướng bụng sau phẫu thuật, và chướng bụng biến chứng tràn dịch phổi hoặc ngộ độc máu.
  • Quy trình chụp X - quang bụng: Đã được sử dụng trước quy trình chụp X quang bụng để xua tan bóng khí gây nhiễu và/hoặc để tập trung chất cản quang.

Dược lực học

Vasopressin là một hormon polypeptid do vùng các neuron của nhân trên bắt chéo thị giác và cận não thất của vùng dưới đồi tiết ra và lưu trữ ở thùy sau tuyến yên, có tác dụng trực tiếp chống lợi tiểu, nên được gọi là hormon chống bài niệu (ADH).

Vai trò sinh lý chủ yếu của Vasopressin là duy trì độ thẩm thấu của huyết thanh trong phạm vi bình thường.

Vasopressin làm cho nước tiểu cô đặc tương đối bằng cách tăng tái hấp thu nước ở ống thận qua adenosin monophosphat (AMP) vòng. Vasopressin cũng tăng tái hấp thu urê ở ống góp, tăng tái hấp thu natri và giảm tái hấp thu kali, nhưng không gây phù.

Vasopressin có tác dụng co mạch tương đối ít ở người có huyết động bình thường, nhưng khi huyết động bị đe dọa (giảm mạnh thể tích máu, tụt huyết áp), Vasopressin nội sinh trở thành một chất co mạch mạnh, được tăng tiết để ngăn chặn trụy tim mạch trong thời gian mất máu nặng và/hoặc giảm mạnh huyết áp.

Vasopressin tỏ ra có hiệu quả tương tự như epinephrin ở người bị ngừng tim do rung thất hoặc do phân ly điện - cơ tim. 

Vasopressin gây co mạch, đặc biệt ở các mao mạch và tiểu động mạch, nên làm giảm lưu lượng máu đến nội tạng, động mạch vành, đường tiêu hóa, tụy, da và cơ.

Khi tiêm vào động mạch tạng hoặc động mạch mạc treo ruột trên, Vasopressin làm co các động mạch dạ dày - tá tràng, dạ dày trái, mạc treo ruột trên và lách; tuy nhiên, các động mạch không co lại, mà lại tăng lưu lượng máu đến gan. Ở đường ruột, Vasopressin làm tăng nhu động ruột, đặc biệt đại tràng.

Vasopressin cũng làm tăng áp lực ở cơ thắt ở đường tiêu hóa và làm giảm bài tiết dịch dạ dày nhưng không có tác dụng đến nồng độ acid dạ dày. Thuốc cũng gây co cơ trơn túi mật và bàng quang.

Động lực học

Hấp thu

Vasopressin bị trypsin phá hủy ở đường tiêu hóa, do đó phải tiêm hoặc nhỏ mũi. Hấp thu Vasopressin qua niêm mạc mũi tương đối kém. Sau khi tiêm dưới da hoặc tiêm bắp dung dịch Vasopressin trong nước, thời gian tác dụng chống bài niệu thay đổi, nhưng thường duy trì được 2 - 8 giờ

Phân bố

Vasopressin được phân bố khắp dịch ngoài tế bào, chưa có bằng chứng về sự liên kết với protein huyết tương.

Chuyển hóa

Phần lớn Vasopressin bị phá hủy nhanh ở gan và thận.

Thải trừ

Vasopressin có nửa đời trong huyết tương khoảng 10 - 20 phút. Khoảng 5% liều Vasopressin tiêm dưới da thải qua nước tiểu sau 4 giờ dưới dạng không biến đổi; sau khi tiêm tĩnh mạch, 5 - 15% tổng liều Vasopressin thấy ở nước tiểu.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Các thuốc gây giải phóng hormon chống bài niệu như thuốc chống trầm cảm ba vòng, clorpromazin và carbamazepin, khi phối hợp với Vasopressin, sẽ làm tăng tác dụng chống bài niệu, gây nguy cơ ứ nước trong cơ thể và làm tăng gánh nặng thêm cho hệ tim mạch, có thể gây ra tác dụng có hại cho người bệnh bị suy tim, đau thắt ngực và các bệnh tim mạch khác.

Tương tác với thực phẩm 

Rượu có thể ngăn chặn hoạt động chống bài niệu của Vasopressin.

Tương kỵ thuốc 

Không trộn chung với furosemid, phenyltoin natri.

Chống chỉ định

Thuốc Vasopressin không dùng trong các trường hợp sau:

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng Vasopressin

Người lớn

Thuốc Vasopressin dùng trong điều trị đái tháo nhạt do thùy sau tuyến yên: 

  • Liều thông thường ở người lớn, tiêm bắp hoặc dưới da: 5 - 10 đvqt/lần, 2 - 4 lần/ngày, nếu cần, liều dao động từ 5 - 60 đvqt/ngày. 
  • Liều giảm dần, cách nhau 24 giờ, để bài niệu nhẹ và tránh ngộ độc nước.

Thuốc Vasopressin dùng trong hồi sức tim mạch:

  • Người lớn liều khuyến cáo, Vasopressin 1 liều duy nhất 40 đvqt tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm trong tủy xương.
  • Theo kinh nghiệm nhiều nước Châu Âu, thường cần thiết phải dùng 2 liều Vasopressin, bổ sung thêm 1 liều adrenalin: Đầu tiên, cho Vasopressin 1 liều 40 đvqt; 30 phút sau nếu tuần hoàn chưa tự phát trở lại, cho thêm liều thứ 2 Vasopressin 40 đvqt.
  • Nếu tuần hoàn tự phát vẫn chưa hồi phục sau liều Vasopressin thứ 2, tiêm tĩnh mạch adrenalin (epinephrin) 1 mg.

Thuốc Vasopressin dùng để chẩn đoán:

  • Test kích thích giải phóng hormon tăng trưởng và corticotropin: Tiêm bắp 10 đvqt cho người lớn. Lấy máu để làm xét nghiệm 2 hormon đó.

Thuốc Vasopressin dùng trong xuất huyết đường tiêu hóa:

  • Để tiêm truyền tĩnh mạch hoặc trong động mạch, Vasopressin thường pha loãng với dung dịch natri clorid 0,9% hoặc dextrose 5% để có nồng độ 0,1 - 1 đvqt/ml.
  • Liều lượng Vasopressin cho theo kinh nghiệm và phụ thuộc từng người bệnh, phải dùng liều thấp nhất có hiệu quả vì nhiều tai biến phụ.
  • Liều bắt đầu thường là truyền với tốc độ 0,2 - 0,4 đvqt/phút và tăng dần tới 0,9 đvqt/phút nếu cần. Tiêm truyền trong động mạch đòi hỏi chuyên khoa cao. Sau 24 giờ, tốc độ truyền phải giảm dần tùy theo đáp ứng của người bệnh. Vasopressin đã từng được dùng trong 3 ngày tới 2 tuần.

Sốc do giãn mạch (sốc nhiễm khuẩn):

  • Chưa xác định được liều tối ưu. Truyền tĩnh mạch liên tục 0,02 - 0,1 đvqt/phút.

Thuốc Vasopressin dùng khi trướng bụng:

  • Tiêm bắp: Liều khởi đầu 5 đvqt đã được dùng với các liều tiếp theo cứ sau 3 - 4 giờ và liều tăng lên 10 đơn vị nếu cần.

Quy trình chụp X-quang bụng: 

  • Tiêm bắp hoặc tiêm dưới da.
  • Thông thường, hai mũi tiêm 10 đvqt (mũi tiêm đầu tiên cách 2 giờ và mũi tiêm thứ hai cách 30 phút) trước khi chiếu phim X quang.

Trẻ em 

Điều trị đái tháo nhạt do thùy sau tuyến yên: 

  • Tiêm bắp hoặc tiêm dưới da 2,5 - 10 đvqt/lần, 2 - 4 lần/ngày. Có thể dùng Vasopressin qua đường mũi.

Dùng để chẩn đoán:

  • Test kích thích giải phóng hormon tăng trưởng và corticotropin: Tiêm bắp 0,3 đvqt/kg cho trẻ em. Lấy máu để làm xét nghiệm 2 hormon đó;
  • Trướng bụng và quy trình chụp X - quang bụng: Tham khảo liều lượng người lớn.

Đối tượng khác 

  • Bệnh nhân suy gan: Không có khuyến nghị về liều lượng cụ thể. Điều chỉnh liều để có hiệu lực.
  • Bệnh nhân suy thận: Không có khuyến nghị về liều lượng cụ thể. Điều chỉnh liều để có hiệu lực.
  • Bệnh nhân lão khoa: Lựa chọn liều lượng một cách thận trọng, thường bắt đầu ở cuối khoảng liều thấp, vì có thể có sự giảm chức năng gan, thận hoặc tim liên quan đến tuổi và bệnh đồng thời hoặc điều trị bằng thuốc khác.

Cách dùng

Vasopressin có thể tiêm bắp, tiêm dưới da, hoặc bôi tại chỗ (thuốc xịt mũi).

Thuốc cũng có thể tiêm tĩnh mạch, vào trong tủy xương (trong hồi sức cấp cứu tim mạch), truyền tĩnh mạch hoặc động mạch (động mạch mạc treo ruột trên) trong xuất huyết đường tiêu hóa (giãn tĩnh mạch thực quản).

Tác dụng phụ

Khi sử dụng thuốc Vasopressin, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR).

Thường gặp 

  • Nhức đầu.
  • Đau bụng, buồn nôn, ợ hơi.

Ít gặp 

  • Chóng mặt, mệt mỏi, co cứng cơ. Nôn, ỉa chảy. Ở phụ nữ có thể gây co cơ tử cung.
  • Điều trị thuốc mà không hạn chế uống nước có thể dẫn đến ứ nước trong cơ thể, gây quá tải cho hệ tim mạch.
  • Khi dùng thuốc dạng xịt (niêm mạc mũi) có thể gây sung huyết, kích thích và loét niêm mạc mũi.

Không xác định tần suất 

  • Trong điều trị xuất huyết do giãn tĩnh mạch thực quản, tác dụng gây co mạch toàn thân có thể gây ra tác hại như nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim, thiếu máu cục bộ ở mạc treo ruột, ở chi và tai biến mạch máu não.
  • Hạ natri máu
  • Giảm số lượng tiểu cầu, xuất huyết 
  • Tăng bilirubin huyết thanh
  • Suy thận
  • Đái tháo nhạt (có thể hồi phục).

Lưu ý

Lưu ý chung

  • Phải dùng thận trọng ở người bệnh rối loạn cân bằng nước và điện giải và người bệnh có nguy cơ tăng áp suất nội sọ hoặc tăng huyết áp, bệnh nhân bị rối loạn co giật, đau nửa đầu, hen suyễn, suy tim, bệnh thận, bướu cổ có biến chứng tim, xơ cứng động mạch.
  • Nên tránh dùng Vasopressin hoặc phải dùng rất thận trọng, với liều nhỏ, cho người bị bệnh về mạch máu, đặc biệt bệnh mạch vành.
  • Có thể gây nhiễm độc nước.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Phân loại C.

Do kinh nghiệm lâm sàng còn ít, thuốc chỉ được dùng cho người mang thai khi thật cần thiết.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Hiện còn chưa có tài liệu khoa học về mức độ tiết Vasopressin vào sữa mẹ. Tuy nhiên không chắc thuốc có thể được hấp thu nguyên vẹn qua đường tiêu hóa của trẻ.

Cân nhắc việc khuyên phụ nữ đang cho con bú hút và vắt bỏ sữa mẹ trong 1,5 giờ sau khi dùng thuốc để giảm thiểu khả năng tiếp xúc với trẻ sơ sinh.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Do tác dụng không mong muốn thường gặp có thể là nhức đầu, ít gặp như chóng mặt mệt mỏi nên thận trọng khi lái xe và vận hành máy móc.

Quá liều

Quá liều Vasopressin và xử trí

Quá liều và độc tính

  • Ngộ độc do ứ nước. 
  • Phù não,  
  • Đau thắt ngực.

Cách xử lý khi quá liều

Nếu xảy ra ngộ độc do ứ nước, không được dùng thêm các dịch.

Trong trường hợp nặng, có thể dùng một lượng nhỏ dung dịch natri clorid ưu trương. Trường hợp phù não, truyền urê và manitol có thể có ích. Nếu người bệnh bị đau thắt ngực, cho ngửi amyl nitrit hoặc đặt dưới lưỡi glyceryl trinitrat.

Quên liều và xử trí

Thuốc thường được dùng tại cơ sở y tế nên ít xảy ra tình trạng quên liều. Nếu có, hãy dùng ngay khi nhớ ra, tuy nhiên không dùng nếu gần tới liều kế tiếp. Không dùng gấp đôi liều để bù liều đã quên.

Nguồn tham khảo

Tên thuốc: Vasopressin

1) Dược thư quốc gia Việt Nam 2015, trang1458

2) Drugs.com: https://www.drugs.com/monograph/vasopressin.html#unlbl-use

Ngày cập nhật: 25/7/2021