Long Châu

Suy thận mạn là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thận là cơ quan trong hệ tiết niệu, đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể: Lọc máu, điều chỉnh các chất điện giải, duy trì sự ổn định của huyết áp và tham gia vào quá trình tạo máu. Khi chức năng thận suy giảm dẫn đến rối loạn chức năng, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, thậm chí tử vong.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Suy thận mạn là gì? 

Suy thận mạn là hậu quả cuối cùng của các bệnh thận – tiết niệu mạn tính, làm suy giảm dần chức năng thận tương ứng với số lượng nephron của thận bị tổn thương và mất chức năng không hồi phục. Suy thận mạn gây giảm mức lọc cầu thận, rối loạn điện giải, thiếu máu mạn tính và tăng huyết áp.

Suy thận mạn tiến triển dần và nặng lên theo từng đợt và dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối, chức năng thận mất hoàn toàn buộc phải điều trị thay thế thận: Lọc máu, ghép thận,... ảnh hưởng đến đời sống vật chất, tinh thần của người bệnh. Vì vậy, suy thận mạn cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhằm cải thiện triệu chứng cũng như kéo dài thời gian chuyển sang suy thận giai đoạn cuối, kéo dài tuổi thọ người bệnh.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy thận mạn

Suy thận mạn thường không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi xuất hiện các tổn thương thận nặng nề. Các triệu chứng có thể gặp là:

  • Thiếu máu: Hoa mắt chóng mặt, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt. Mức độ thiếu máu tương ứng với mức độ nặng của bệnh. Suy thận càng nặng thì thiếu máu càng nhiều dẫn đến bệnh nhân mệt mỏi, ăn kém, giảm các hoạt động thường ngày.

  • Tăng huyết áp: Triệu chứng hay gặp nhất, tăng huyết áp lâu ngày và không được kiểm soát có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, suy tim, xơ vữa động mạch,…

  • Triệu chứng về tim mạch: Viêm màng ngoài tim do urê máu cao.

  • Triệu chứng thần kinh – cơ: Chuột rút, kiến bò, bỏng rát ở chân.

  • Về hệ xương khớp: Viêm xương, loãng xương, đau xương thường gặp trong giai đoạn cuối của bệnh. X–Quang thấy hình ảnh loãng xương, xét nghiệm canxi máu tăng.

  • Triệu chứng về tiêu hóa: Buồn nôn, chán ăn, loét miệng, loét đường tiêu hóa, tiêu chảy, xuất huyết tiêu hóa.

  • Hôn mê do urê máu cao: Bệnh nhân ngủ gà, thờ ơ, co giật, rối loạn tâm thần rồi dần hôn mê.

  • Các triệu chứng khác: Phù do viêm cầu thận hay giai đoạn cuối của bệnh.

Biến chứng có thể gặp khi mắc suy thận mạn

Khi chức năng thận không còn hoạt động bình thường khiến giảm mức lọc cầu thận, các chức năng nội tiết của thận bị rối loạn dẫn đến các biến chứng nguy hiểm:

  • Tăng huyết áp đột ngột, nguy cơ đột quỵ cao;

  • Các bệnh lý tim mạch;

  • Viêm màng ngoài tim;

  • Thiếu máu;

  • Tích tụ chất lỏng trong phổi của bệnh nhân hoặc các khu vực khác: Phù tay, chân;

  • Nồng độ kali máu tăng cao, đe dọa đến tính mạng;

  • Thiếu tập trung, thay đổi tính cách;

  • Giảm khả năng sinh sản, giảm ham muốn tình dục;

  • Suy giảm hệ miễn dịch, nguy cơ nhiễm trùng cao;

  • Tổn thương thận phải lọc máu, ghép thận để duy trì sự sống;

  • Thiếu vitamin D, ảnh hưởng đến sức khỏe xương của bệnh nhân: Loãng xương;

  • Tổn thương thần kinh có thể dẫn đến co giật.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn

Bệnh thận mạn có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên, khoảng 2/3 trường hợp mắc bệnh có liên quan đến tiểu bệnh đường và tăng huyết áp.

Ngoài bệnh tiểu đường và huyết áp cao, một số bệnh lý khác cũng có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thận mạn tính:

  • Các bệnh lý ở cầu thận: Viêm cầu thận cấp/mạn, hội chứng thận hư,…

  • Bệnh ống kẽ thận mạn do nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn.

  • Bệnh thận bẩm sinh và di truyền: Thận đa nang, loạn sản thận, hội chứng Alport,…

  • Bệnh tự miễn: Lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì,…

  • Nhiễm trùng thận tái phát.

  • Nhiễm độc trong thời gian dài.

  • Một số loại thuốc sử dụng chữa trị các rối loạn bệnh lý cũng có thể gây tổn thương thận, dẫn đến suy thận mạn.

  • Bất kỳ trường hợp nào làm giảm lượng máu cung cấp cho thận, làm tổn thương thận hoặc làm tắc nghẽn nước tiểu sau khi rời khỏi thận đều có thể là nguyên nhân gây bệnh: Tắc mạch động mạch thận, nhiễm trùng tiết niệu, suy tim sung huyết,…

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải suy thận mạn

Suy thận mạn có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào. Có thể hạn chế suy thận mạn bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.

Có rất nhiều yếu tố có thể tăng nguy cơ mắc bệnh này như:

  • Những người có tiền sử mắc các bệnh lý về thận: Bệnh lý cầu thận, sỏi thận, nhiễm khuẩn,…

  • Người bị đái tháo đường, tăng huyết áp, Lupus ban đỏ hệ thống;

  • Sử dụng thuốc gây suy giảm chức năng thận: Kháng sinh, NSAIDs;

  • Hút thuốc;

  • Béo phì;

  • Bị bệnh tim mạch;

  • Cholesterol cao;

  • Trên 65 tuổi.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy thận mạn

Các triệu chứng rất có giá trị để chẩn đoán suy thận mạn:

  • Tăng urê máu > 3 tháng.

  • Hội chứng tăng urê máu kéo dài (khi không xác định được thời gian tăng urê máu).

  • Định lượng creatinin trong máu tăng cao, mức lọc cầu thận giảm ≤ 60ml/ phút, kéo dài > 3 tháng.

  • Chẩn đoán hình ảnh (X–Quang, UIV, siêu âm) cho thấy: Kích thước thận không đều cả 2 bên hoặc giảm đều, sỏi thận, nang thận, dị dạng thận,…

  • Xét nghiệm nước tiểu: Hồng cầu niệu, protein niệu, trụ niệu.

  • Một số yếu tố khác: Tiền sử bệnh thận – tiết niệu, tăng huyết áp, thiếu máu, phù.

Phương pháp điều trị suy thận mạn

Không có biện pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn suy thận mạn. Tuy nhiên, có thể làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện các triệu chứng, hạn chế nguy cơ các biến chứng.

Điều trị nguyên nhân: Điều trị nguyên nhân là then chốt, kiểm soát chặt chẽ đường huyết và huyết áp.

Điều trị bằng chế độ ăn, sinh hoạt: Thay đổi lối sống, bỏ rượu, bia, thuốc lá, giảm lượng protein, giảm muối trong khẩu phần ăn hàng ngày, tập thể dục hàng ngày, tránh các hoạt động mạnh.

Điều trị các triệu chứng:

  • Tăng huyết áp: Thuốc huyết áp nhóm ức chế men chuyển (UCMC) hoặc ức chế thụ thể (UCTT), lợi tiểu,...

  • Kiểm soát rối loạn lipid máu: Nhóm thuốc có thể sử dụng: Statin, gemfibrozil.

  • Điều trị thiếu máu: Erythropoietin tiêm dưới da, bổ sung sắt, acid folic.

  • Điều trị loãng xương: Hạn chế phospho trong khẩu phần ăn, bổ sung Vitamin D và canxi, giúp cho xương khỏe mạnh.

  • Điều trị rối loạn điện giải: Thường gặp là tăng kali máu, nếu không được điều trị có thể dẫn tới rối loạn nhịp tim, ngừng tim và các vấn đề liên quan tới thần kinh cơ.

Điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối: Lọc máu, ghép thận.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của suy thận mạn

Suy thận mạn không chỉ nguy hiểm mà việc điều trị còn rất tốn kém. Vì vậy, cần xây dựng thói quen sinh hoạt và lối sống lành mạnh để phòng tránh bệnh hoặc hạn chế diễn tiến của bệnh, nhất là với những người có sẵn bệnh lý nền hoặc người cao tuổi.

  • Kiểm tra đúng lịch hẹn bác sĩ để quá trình theo dõi điều trị được liên tục.

  • Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc không có trong đơn thuốc của bác sĩ.

  • Lắng nghe và làm theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.

  • Xây dựng chế độ ăn hợp lý, ít protein, ít kali.

  • Theo dõi cẩn thận lượng nước uống cũng như lượng nước tiểu hàng ngày, hạn chế tình trạng ứ nước trong phổi, gây phù phổi cấp.

  • Nếu đang mắc bệnh: Tăng huyết áp, tiểu đường, suy tim sung huyết và nhiễm trùng, cần theo dõi chỉ số huyết áp thường xuyên và duy trì ổn định.

  • Tránh xa thuốc lá và thức uống có cồn, rèn luyện thể chất và duy trì cân nặng ổn định.

  • Ngủ đủ giấc, dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. 

Phương pháp phòng ngừa suy thận mạn

Điều trị triệt để các bệnh lý viêm cầu thận cấp tính, bệnh lý nhiễm khuẩn tại thận, sỏi thận,...

Phát hiện bệnh sớm ở các đối tượng nguy cơ cao: Người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và gia đình có người bệnh thận. Những đối tượng này cần xét nghiệm tầm soát sức khỏe định kỳ hằng năm và tích cực điều trị sớm tránh bệnh thận tiến triển đến giai đoạn cuối.

Có thể ngăn ngừa suy thận bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh:

  • Người trên 65 tuổi không nên uống quá một ly rượu mỗi ngày;
  • Duy trì kiểm soát tốt huyết áp của bệnh nhân;
  • Kiểm soát đường huyết nếu bệnh nhân đái tháo đường;
  • Cân nặng hợp lý;
  • Từ bỏ thuốc lá;
  • Sử dụng thuốc có khả năng gây tổn thương thận theo hướng dẫn của bác sĩ/dược sĩ.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.mayoclinic.org/

  2. https://www.kidney.org/atoz/content/about-chronic-kidney-disease

  3. https://www.nhs.uk/conditions/kidney-disease/

  4. https://ada.com/

  5. https://www.kidneyfund.org/

Các bệnh liên quan

  1. Viêm tuyến tiền liệt

  2. Viêm niệu đạo

  3. Nước tiểu vàng

  4. Hội chứng thận hư bẩm sinh

  5. Nang niệu quản

  6. Tăng natri máu

  7. U tuỷ thượng thận

  8. Sỏi tiết niệu

  9. Ghép thận

  10. Bệnh nang tủy thận