Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm cầu thận mạn là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm cầu thận mạn là một hội chứng viêm mạn tính tại cầu thận, bệnh tiến triển qua nhiều tháng, nhiều năm. Nguyên nhân chủ yếu là do viêm cầu thận cấp hoặc ở những người có bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh tự miễn hoặc do sử dụng thuốc làm xơ hóa một phần hoặc tất cả các cầu thận của hai bên thận, cuối cùng là dẫn đến suy thận mạn. Khởi đầu là những đợt cấp của viêm cầu thận và sau 10 - 15 năm trở thành suy thận mạn không thể hồi phục được.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm cầu thận mạn là gì?

Viêm cầu thận mạn tính là một trong những nhóm bệnh thận đặc trưng bởi tình trạng viêm và xơ hóa của các cầu thận. Viêm cầu thận mạn thường tiến triển chậm trong nhiều năm và bệnh có thể diễn tiến âm thầm không tạo ra các triệu chứng ngay từ đầu. Khi các triệu chứng và dấu hiệu xuất hiện, chúng thường bao gồm: Tiểu ra máu, phù nề, huyết áp cao, nước tiểu có bọt (do protein niệu) và đi tiểu đêm thường xuyên.

Viêm cầu thận mạn làm tổn thương bộ phận lọc máu của thận (gọi là cầu thận). Khi cầu thận bị tổn thương, cầu thận không thể loại bỏ chất thải và chất lỏng thừa trong cơ thể. Nếu tình trạng bệnh tiếp tục diễn ra, thận có thể ngừng hoạt động hoàn toàn, dẫn đến suy thận.

Tỷ lệ và quá trình tiến triển từ viêm cầu thận cấp đến viêm cầu thận mạn có thể khác nhau tuỳ thuộc vào nguyên nhân của viêm cầu thận cấp và hậu quả cuối cùng là bệnh thận giai đoạn cuối, cần phải điều trị bằng chạy thận nhân tạo hoặc thay thế thận. 

Một số nguyên nhân gây bệnh có thể gây ra viêm cầu thận mạn tính, chẳng hạn như: Di truyền hoặc các bệnh miễn dịch. Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân gây bệnh chính xác không rõ ràng. Tăng huyết áp và đái tháo đường là hai bệnh thường dẫn đến xơ sẹo ở cầu thận và suy giảm chức năng thận. Ở Mỹ, viêm cầu thận mạn tính là nguyên nhân đứng hàng thứ ba của bệnh thận mạn (CKD - Chronic Kidney Disease) và chiếm khoảng 10% tổng số bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Ở Nhật Bản và một số nước châu Á, bệnh viêm cầu thận mạn tính chiếm tới 40% số bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo.

Sự tiến triển của viêm cầu thận cấp tính thành viêm cầu thận mạn tính do một số nguyên nhân như:

  • Bệnh thận IgA: Đây là dạng viêm cầu thận phổ biến nhất trên toàn thế giới. Đặc trưng bởi sự lắng đọng phức hợp miễn dịch IgA trong cầu thận, là một hội chứng viêm thận, một dạng viêm cầu thận mạn. Bệnh thận IgA xảy ra ở mọi lứa tuổi, có yếu tố di truyền với đỉnh khởi phát ở lứa tuổi từ 10 đến 20 tuổi. Các biểu hiện bệnh thận IgA thường gặp là đái máu đại thể dai dẳng hoặc tái phát hoặc đái máu vi thể không triệu chứng kèm theo protein niệu mức độ nhẹ. Trong giai đoạn cấp có thể xuất hiện đau thắt lưng và sốt nhẹ. Tuy nhiên, cũng có một số bệnh nhân bệnh thận IgA không xuất hiện triệu chứng lâm sàng. 

  • Viêm thận di truyền: Là một hội chứng viêm thận gây ra bởi đột biến gen và có tính di truyền. Có các triệu chứng đặc trưng của viêm thận như: Protein niệu, tăng huyết áp, đái máu… cuối cùng là suy thận, thường kèm theo bị điếc thần kinh và tổn thương mắt (ít gặp). Viêm thận di truyền làm xơ hóa cầu thận và xơ hóa khoảng kẽ gây tổn thương cấu trúc và suy giảm chức năng thận.

  • Bệnh màng đáy mỏng là một loại của hội chứng viêm thận, là sự mỏng màng đáy cầu thận lan tỏa từ rộng 300 - 400 nm ở các cơ thể bình thường đến 150 - 225 nm. Đây là bệnh di truyền, tỷ lệ mắc khoảng từ 5 đến 9%. Hầu hết các bệnh nhân đều không có triệu chứng và tình cờ được phát hiện đái máu vi thể trên xét nghiệm nước tiểu thường quy. 

Trong tất cả các nguyên nhân gây viêm cầu thận cấp dẫn đến viêm cầu thận mạn thì viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu và bệnh thận IgA được xem là có một tiến triển tương đối lành tính và số bệnh nhân tiến triển đến bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối có tỷ lệ thấp.

Bốn hình thái lâm sàng của bệnh lý cầu thận mạn bao gồm: Hội chứng viêm cầu thận cấp tính, hội chứng viêm cầu thận mạn tính, hội chứng thận hư, nước tiểu biến đổi bất thường (protein niệu, hồng cầu niệu mà không có triệu chứng lâm sàng). Trong suốt quá trình tiến triển của bệnh, bốn hình thái này biến đổi luân phiên nhau, kéo dài hàng tháng hay hàng năm và cuối cùng dẫn đến suy thận mạn tính.

Điều trị bệnh viêm cầu thận mạn tùy vào nguyên nhân gây bệnh. Những người bị viêm cầu thận mãn tính có thể được khuyên giảm tiêu thụ protein, kali và muối; kiểm soát tốt huyết áp như nếu bị cao huyết áp bằng chế độ ăn ít muối, tập thể dục và dùng thuốc; bổ sung canxi để phòng loãng xương. Thuốc lợi tiểu có thể sử dụng để điều trị phù nề trong trường hợp cần thiết.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm cầu thận mạn

Dạng viêm cầu thận mạn tính có thể tiến triển trong vài năm mà không có hoặc rất ít triệu chứng. Vì vậy, gây khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị sớm. 

Viêm cầu thận mạn tính có thể có sự phát triển chậm của các triệu chứng tương tự như dạng cấp tính. Một số triệu chứng bao gồm:

  • Có máu hoặc protein dư thừa trong nước tiểu của bạn, có thể rất ít và được phát hiện trong các xét nghiệm nước tiểu.

  • Huyết áp cao.

  • Sưng phù vùng mặt hoặc phù mềm ở cổ chân, ấn vào mắt cá chân thấy bị lõm.

  • Đi tiểu đêm thường xuyên.

  • Nước tiểu có rất nhiều bọt.

  • Đau bụng.

  • Chảy máu cam thường xuyên.

Viêm cầu thận mạn có thể tiến triển đến mức bạn bị suy thận. Một số triệu chứng của tình trạng này bao gồm: Mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn và ói mửa, mất ngủ, da ngứa khô, chuột rút cơ vào ban đêm.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm cầu thận mạn

Viêm cầu thận mạn có thể dẫn đến hội chứng thận hư, khiến bạn mất một lượng lớn protein trong nước tiểu. Việc này dẫn đến việc cơ thể của bạn giữ lại một lượng lớn chất lỏng và muối. Bạn có thể bị cao huyết áp, cholesterol cao và sưng phù khắp cơ thể… Cuối cùng, hội chứng thận hư nếu không được kiểm soát sẽ dẫn đến bệnh thận giai đoạn cuối.

Viêm cầu thận cấp cũng có thể dẫn tới các tình trạng bệnh lý như:

  • Suy thận cấp tính.

  • Bệnh thận mạn tính.

  • Mất cân bằng điện giải, chẳng hạn như nồng độ natri hoặc kali cao.

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính.

  • Suy tim sung huyết.

  • Phù phổi.

  • Huyết áp cao.

  • Tăng huyết áp ác tính, có tổn thương cơ quan đích như não, tim, thận, mắt.

  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi bạn có các dấu hiệu hoặc có nguy cơ cao của bệnh viêm cầu thận như: Huyết áp cao, đau thắt lưng, tiểu đêm thường xuyên, phù nề ... Chẩn đoán và điều trị sớm, giảm tình trạng tăng nặng của bệnh, giúp người bệnh mau chóng phục hồi sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân viêm cầu thận mạn

Tiền sử gia đình có người mắc một bệnh di truyền có thể gây viêm cầu thận mạn tính như: Bệnh thận IgA, viêm thận di truyền xảy ra ở nam thanh niên có thị lực kém và thính giác kém, bệnh màng đáy mỏng.

Một số trường hợp viêm cầu thận mạn gây ra bởi những thay đổi trong hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nguyên nhân gây bệnh viêm cầu thận không được biết đến. Đôi khi, bạn bị một đợt cấp tính của bệnh viêm cầu thận và có khả năng thận của bạn tiến triển thành viêm cầu thận mạn tính nhiều năm sau đó.

Các nguyên nhân khác có thể bao gồm: Tiền sử ung thư, tiếp xúc với một số dung môi hydrocarbon…

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm cầu thận mạn?

Một số bệnh nếu bạn mắc phải có thể dẫn đến viêm cầu thận mạn, chẳng hạn như:

  • Bệnh miễn dịch: Lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng Goodpasture (bệnh kháng thể - kháng màng đáy cầu thận), bệnh thận IgA.

  • Viêm mạch máu.

  • Phơi nhiễm các dung môi hydrocarbon trong môi trường làm việc.

  • Một số loại ung thư: Ung thư phổi, u đa tủy, ung thư máu dòng bạch cầu lymphô mạn.

  • Sau khi nhiễm liên cầu khuẩn ở họng hoặc ở da, bạn cũng có thể bị viêm cầu thận. Do đó, cần điều trị triệt để bệnh nhiễm khuẩn nếu bạn mắc phải.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) viêm cầu thận mạn 

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) viêm cầu thận mạn, bao gồm:

  • Khi bệnh nhân mắc viêm thận di truyền (hội chứng Alport).

  • Viêm cầu thận cấp tính tiến triển thành mạn tính nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

  • Tình trạng viêm mạch (viêm động mạch bất thường).

  • Hút thuốc trong thời gian dài.

  • Tiếp xúc với hóa chất chứa dung môi hydrocarbon trong môi trường làm việc như: Sơn, nhiên liệu (xăng dầu, các sản phẩm dầu khí), khí thải xe cộ, keo và chất kết dính, dung môi hữu cơ, thuốc trừ sâu… có thể làm tăng nguy cơ.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm cầu thận mạn

Các phương pháp xét nghiệm được thực hiện để chẩn đoán bệnh:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Chẩn đoán được dựa vào có bất kỳ dấu hiệu bất thường như: Đái máu đại thể, đặc biệt trong vòng hai ngày bị bệnh có tổn thương niêm mạc kèm theo đau thắt lưng hoặc sốt.

  • Đánh giá lâm sàng, chẩn đoán bệnh dựa trên tiền sử gia đình.

  • Sinh thiết thận: Chẩn đoán xác định, khi có các triệu chứng trung bình hoặc nặng, tìm nguyên nhân gây đái máu.

  • Xét nghiệm di truyền phân tử: Ở giai đoạn sớm, bệnh màng đáy mỏng có thể khó phân biệt với viêm thận di truyền vì những điểm tương đồng về mô học. Phân tích di truyền phân tử có thể giúp phân biệt hai bệnh này.

  • Các xét nghiệm hình ảnh: Chụp CT, siêu âm thận, X - quang ngực, chụp X - quang tiết niệu bằng đường tĩnh mạch.

Phương pháp điều trị viêm cầu thận mạn hiệu quả

Việc lựa chọn phương pháp điều trị viêm cầu thận mạn tùy thuộc vào loại và nguyên nhân gây bệnh. Mục tiêu điều trị là bảo vệ thận khỏi những tổn thương nghiêm trọng hơn, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

Thuốc ức chế men chuyển (ACEi) như: Captopril, Lisinopril, Perindopril hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARBs) như: Losartan, Irbesartan, Valsartan được chỉ định để điều trị tăng huyết áp, đái máu đại thể thường xuyên, đau thắt lưng hoặc protein niệu. Corticosteroid và cyclophosphamide: Chỉ định khi có tổn thương tăng sinh hoặc viêm cầu thận tiến triển nhanh, viêm cầu thận IgA.

Ghép thận được chỉ định chỉ khi xuất hiện urê máu cao, suy thận giai đoạn cuối. Chống chỉ định tuyệt đối ghép thận ở bệnh nhân có bệnh đồng mắc như ung thư, bệnh tim nặng do có ảnh hưởng đến sự sống còn của mô ghép.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm cầu thận mạn

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị về chế độ dinh dưỡng, cũng như trong việc sử dụng thuốc.

  • Duy trì lối sống tích cực, ngủ đủ giấc từ 6 - 8 giờ, bệnh nhân cần nghỉ ngơi đầy đủ.

  • Tránh xa khói thuốc thụ động, bỏ hút thuốc lá. Không uống rượu bia.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị như: Sốt, đau thắt lưng, huyết áp cao, tiểu đêm thường xuyên, phù nề…

  • Bổ sung calcium từ thức ăn, sữa hay các thực phẩm chức năng có chứa calcium.

  • Tích cực kiểm soát tình trạng thiếu máu và loạn dưỡng xương, kiểm soát tốt các bệnh đang mắc phải như tim mạch, đái tháo đường (bằng thuốc uống/ thuốc tiêm theo toa của bác sĩ và tái khám định kỳ).

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh viêm cầu thận mạn thường âm thầm ít hoặc không có triệu chứng vì vậy có thể làm chậm lại sự tiến triển của bệnh nếu được phát hiện và điều trị sớm và để bác sĩ tìm hướng điều trị mới nếu bệnh của bạn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

Bệnh nhân bị viêm cầu thận mạn chức năng thận đã bị suy giảm, bạn cần thay đổi chế độ ăn để làm chậm tiến triển của bệnh.

Bạn nên chọn lựa và chế biến thực phẩm ít muối và Natri.

Tại sao? Để giúp kiểm soát huyết áp của bạn, cũng như để giảm thiểu hoặc ngăn chặn việc tích lũy nước dẫn đến phù nề.

Chế độ ăn uống tiêu chuẩn là 2 g natri, 2 g kali và đạm (protein) là 40 - 60 g/kg thể trọng/ ngày. Bạn nên chế biến thức ăn bằng cách luộc hoặc hấp. 

Để kiểm soát được lượng natri (một phần của muối) được thêm vào, bạn nên mua thực phẩm tươi sống, tự chuẩn bị thức ăn của riêng mình. Tránh thức ăn nhanh (fast food), thực phẩm đóng hộp chế biến sẵn có hàm lượng Natri cao hoặc nếu có sử dụng sản phẩm này bạn nên rửa sạch rau, đậu, thịt và cá đóng hộp với nước trước khi chế biến các món ăn.

Những người mắc viêm cầu thận nên giảm đạm (protein) nhưng vẫn phải đảm bảo chế độ ăn đầy đủ chất đạm (protein) ăn vào mỗi ngày để giảm gánh nặng cho thận, giúp thận phục hồi và làm chậm sự tích tụ chất thải trong máu, đặc biệt là để phòng urê trong máu tăng. Chọn thực phẩm chứa protein tốt như: Cá, thịt gà, thịt nạc heo... Không nên sử dụng nhiều các chất đạm từ nội tạng động vật, như: Lòng, tim, gan, cật...

Giảm kali: Việc tăng kali quá mức do bệnh thận sẽ gây ảnh hưởng đến nhịp tim và nguy hiểm cho người bệnh. Thực phẩm chứa nhiều kali bao gồm: Chuối, cam, cà chua, khoai tây ...

Để giúp kiểm soát huyết áp và làm giảm bớt gánh nặng cho thận trong khi chức năng của thận bị suy yếu, bạn nên hạn chế lượng chất lỏng vào cơ thể. Hạn chế uống quá nhiều nước hay sử dụng  quá nhiều các loại nước ép trái cây, cam, táo, rau diếp và cần tây… 

Nên sử dụng nguồn chất béo không bão hòa từ đậu nành, đậu phộng, bơ, dầu ô liu và dầu cá. Không nên dùng chất béo từ động vật (mỡ). 

Người bệnh cần hạn chế phốt pho khi chức năng thận suy yếu, lượng phốt pho trong máu tăng lên có thể dẫn đến bệnh tim và xương. Phốt pho thường có mặt trong sản phẩm như: Các loại đậu Hà Lan, bơ đậu phộng, kem, sữa chua và các loại hạt. Bên cạnh đó, cần hạn chế các chất phụ gia vì chúng có chứa phốt pho để tăng cường hương vị, bảo quản thực phẩm chế biến và kéo dài hạn sử dụng.

Cần đảm bảo cung cấp cho cơ thể đủ vitamin (vitamin A, vitamin C, vitamin E…) và khoáng chất từ thực phẩm hay vitamin tổng hợp. Chế độ ăn nhiều rau xanh như: Bầu, bí xanh, bí ngô, mướp, mướp đắng, su su, củ cải, su hào, cải xanh, cải bắp, cải thìa, dưa chuột, cải cúc... Các loại trái cây như: Táo, thanh long, nhãn, nho …

Phương pháp phòng ngừa viêm cầu thận mạn hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh viêm cầu thận mạn hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Khám bệnh định kỳ 6 tháng/lần.

  • Kiểm soát lượng đường trong máu của bạn: Bệnh đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và suy thận. 

  • Kiểm soát tốt huyết áp của bạn: Chế độ ăn giảm muối hoặc dùng thuốc. 

  • Duy trì cân nặng hợp lý: Béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến suy thận, chẳng hạn như đái tháo đường và huyết áp cao.

  • Có chế độ ăn uống có lợi cho tim mạch: Một chế độ ăn uống lành mạnh đó là một chế độ ăn ít đường và cholesterol; giàu chất xơ, trái cây và rau củ quả.

  • Đảm bảo uống đủ nước, hạn chế uống rượu bia và không hút thuốc lá.

  • Hạn chế dùng thuốc giảm đau không kê đơn: Ở liều cao, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như aspirin, ibuprofen và naproxen làm giảm lượng máu đến thận, gây hại cho thận.

  • Giảm căng thẳng: Giảm căng thẳng và lo lắng có thể làm giảm huyết áp, tốt cho thận của bạn.

  • Tập thể dục thường xuyên, bạn có thể tập luyện một môn thể thao yêu thích, phù hợp với sức khỏe của từng người như: Bơi lội, đi bộ hay chạy bộ..., có thể giúp giảm căng thẳng, duy trì cân nặng hợp lý, kiểm soát bệnh tiểu đường và huyết áp cao.

  • Nếu bạn biết mình bị bệnh thận, hãy tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi chức năng thận. Mặc dù bệnh thận mạn tính không thể hồi phục, nhưng sự tiến triển của nó có thể được làm chậm lại bằng phương pháp điều trị phù hợp.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/vi-vn/chuyen-gia/rối-loạn-di-truyền/bệnh-cầu-thận/tổng-quan-về-hội-chứng-viêm-cầu-thận

  2. https://emedicine.medscape.com/Chronic Glomerulonephritis

Các bệnh liên quan