Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

6 Dấu hiệu cho thấy bạn đang thiếu vitamin B9 trầm trọng

Ngày 23/08/2021
Kích thước chữ

Vitamin B9 đóng vai trò hết sức quan trọng đối với cơ thể chúng ta, để tránh thiếu hụt vitamin B9 bạn cần chú ý những dấu hiệu sau đây nhé!

Vitamin B9 có tên khoa học là folic acid, đây là một trong những loại vitamin thiết yếu cho cơ thể con người. Vậy bạn có đang thiếu hụt vitamin B9 không? Và dấu hiệu nào cho thấy bạn đang thiếu? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Vitamin B9 có tác dụng gì đối với cơ thể

Vitamin B9 là một loại vitamin thuộc nhóm B, cơ chế vitamin B9 là tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa của cơ thể, đóng vai trò hết sức quan trọng vào quá trình sản xuất các tế bào mới như hồng cầu, bạch cầu. Đặc biệt vitamin B9 còn có nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong việc hình thành, tổng hợp, nhân đôi và tránh đột biến ADN. Chính vì thế thai phụ và trẻ sơ sinh là hai đối tượng đáng lưu ý để tránh tình trạng thiếu hụt vitamin B9.

6-dau-hieu-cho-thay-ban-dang-thieu-vitamin-b9-tram-trong-3

Vitamin B9 là một loại vitamin thuộc nhóm B, tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa của cơ thể

Đối với nam giới, vitamin B9 tham gia vào quá trình tạo ra tinh trùng, giúp tăng số lượng cũng như chất lượng của tinh trùng.

Thuốc vitamin b9 có tác dụng gì? Vitamin B9 còn giúp hạn chế tình trạng xơ vữa mạch vành, làm giảm lượng homocystein, rất tốt đối với bệnh nhân nhồi máu cơ tim và người bị đau thắt ngực.

Axit folic tham gia vào quá trình tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh, tránh mắc các bệnh như tự kỷ, trầm cảm, rối loạn thái độ. Vì thế bạn nên bổ sung đầy đủ vitamin B9 để thần kinh hoạt động tốt hơn nhé!

Bên cạnh đó, vitamin B9 có tác dụng cần thiết đối với những người thường xuyên sử dụng các loại thuốc giảm đau, hạ đường huyết, kháng sinh, chống sốt rét,... Công dụng của vitamin B9 còn là giúp cơ thể chúng ta sản sinh tế bào máu, từ đó hạn chế tối thiểu tình trạng thiếu máu.

6 dấu hiệu cho thấy bạn đang thiếu vitamin B9 trầm trọng

1. Lưỡi bị sưng và loét ở miệng

Đây được xem là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy cơ thể bạn đang thiếu hụt vitamin B9 trầm trọng. Lúc này đầu lưỡi cũng như khu vực quanh lưỡi sẽ bị sưng đỏ, gây khó chịu cho người bệnh. Ngoài ra khi bạn thiếu hụt axit folic cũng gây nên tình trạng nhiệt miệng, ảnh hưởng đến việc ăn uống cũng như sinh hoạt của bản thân.

2. Cảm thấy khó thở

Như bạn đã biết, vitamin B9 đóng vai trò như là “chất xúc tác” để sản sinh ra hồng cầu và bạch cầu cho cơ thể. Vậy thiếu vitamin b9 gây bệnh gì? Khi cơ thể ở trong tình trạng thiếu hụt vitamin B9 sẽ gây nên hiện tượng thiếu máu hồng cầu, đây là một bệnh rất nguy hiểm dẫn tới những hệ lụy khó lường.

3. Mất vị giác - dấu hiệu cho thấy bạn đang thiếu vitamin B9

Khi thiếu hụt axit folic sẽ gây nên tình trạng sưng đỏ ở lưỡi, khiến bạn mất vị giác khi ăn. Lúc này lưỡi không thể gửi thông tin đến não bộ thông qua hệ thần kinh.

6-dau-hieu-cho-thay-ban-dang-thieu-vitamin-b9-tram-trong-2

Mất vị giác - dấu hiệu cho thấy bạn đang thiếu vitamin B9

4. Da tái nhợt

Trong hồng cầu có chứa một loại protein là hemoglobin, đây là chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển oxy. Với trường hợp thiếu Vitamin B9 nặng, cơ thể bạn sẽ không đủ hồng cầu và hemoglobin để cung cấp đầy đủ lượng oxy cần thiết cho tất cả các bộ phận trên cơ thể. Điều này dẫn đến tình trạng tê buồn chân tay, mệt mỏi, da nhợt nhạt và cơ thể yếu ớt.

5. Mắc các vấn đề về nhận thức

Vitamin B9 đóng vai trò đặc biệt đối với hệ thần kinh trung ương. Khi cơ thể bạn bị thiếu hụt axit folic sẽ dẫn đến tình trạng mất tập trung, dễ cáu kỉnh, hay quên và thậm chí là trầm cảm. Không những thế, thiếu vitamin B9 còn làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh như Alzheimer, chứng mất trí nếu không kịp thời điều trị.

6. Các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng

  • Gây thiếu máu hồng cầu.
  • Giảm chức năng cơ học của ống tiêu hóa.
  • Gây dị tật bẩm sinh về thần kinh ở trẻ nếu không được bổ sung ở thời kỳ mang thai, điển hình là dị tật chẻ đôi đốt sống ở thai nhi. Ngoài ra khi bà mẹ mang thai thiếu hụt vitamin B9 sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch ở thai nhi.
  • Tăng nguy cơ tạo cục máu đông và tổn thương thành mạch máu làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Vitamin b9 có trong thực phẩm nào?

1. Các loại đậu

Vitamin b9 hấp thu ở đâu? Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trong một khẩu phần ăn hằng ngày chứa 50g đậu sẽ cung cấp khoảng 15% lượng vitamin B9 cần thiết cho cơ thể. Đây là nhóm phẩm chứa rất nhiều dinh dưỡng, bạn có thể sử dụng các loại đậu phổ biến như: đậu xanh, đậu đen, đậu hà lan, đậu đỏ,..

2. Măng tây - loại thực phẩm giàu vitamin b9

Trung bình trong 90g măng tây đã qua chế biến đáp ứng được 35% lượng axit folic cần thiết cho nhu cầu cơ thể. Măng tây được biết đến là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, trong măng tây có chứa vitamin K, C, A, chất xơ, chất béo và đặc biệt là vitamin B9. Các chất này có công dụng làm giảm đường huyết, hỗ trợ hệ tiêu hóa, rất tốt cho quá trình giảm cân.

3. Quả bơ

Bơ là một loại trái cây nhiệt đới phổ biến ở nước ta, bên cạnh hương vị thơm ngon vốn có, quả bơ còn chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Bơ chứa ít đường, giàu chất béo không bão hòa và vitamin B9. 
Theo các nghiên cứu chỉ ra rằng, trong nửa quả bơ chín có chứa tới 85 mcg folate, cung cấp khoảng 20% nhu cầu cơ thể đối với loại vitamin này.

4. Trứng gà

Đây là loại thực phẩm rất giàu vitamin B9. Trong 100g trứng gà luộc có chứa tới 47 mcg folate, 700 mcg vitamin A và các dưỡng chất khác như protein, chất béo, các khoáng chất như kali, kẽm, sắt, canxi. Bạn nên sử dụng để mang lại hiệu quả tốt nhất nhé!

6-dau-hieu-cho-thay-ban-dang-thieu-vitamin-b9-tram-trong-1

Vitamin b9 có trong thực phẩm nào

Nhu cầu vitamin B9 hàng ngày của cơ thể

Nhu cầu vitamin B9 khác nhau với từng đối tượng mà cách uống vitamin B9 cụ thể như sau: 

  • Trẻ còn bú, phụ nữ có thai, cho con bú: 500mcg.
  • Trẻ từ 1 - 3 tuổi: 100mcg.
  • Trẻ từ 4 - 12 tuổi: 200mcg.
  • Trẻ từ 13 tuổi trở lên: 300mcg.

Lưu ý, ngưỡng giới hạn an toàn của cơ thể với loại vitamin này là 800mcg. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý rằng vitamin B9 chống chỉ định khi dùng đơn độc trong trường hợp thiếu máu do thiếu vitamin B12, thiếu máu ác tính, thiếu máu không rõ nguyên nhân.

Theo một nghiên cứu từ các nhà khoa học của Hà Lan và Thụy Sỹ đã chứng minh, nếu người già bổ sung 800mcg vitamin B9 hàng ngày sẽ giúp duy trì thính lực, cải thiện trí nhớ và tăng khả năng nhận thức.

Ngoài những loại thực phẩm trên chúng ta cũng có thể bổ sung vitamin B9 bằng cách sử dụng thuốc vitamin B9. Vậy vitamin b9 giá bao nhiêu? Tùy theo số lượng và nhà sản xuất mà mỗi loại sẽ có một mức giá khác nhau, dao động từ vài trăm cho đến trên một triệu đồng mỗi lọ. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn cho mình loại thuốc bổ sung axit folic phù hợp.

Hiện nay, các căn bệnh do thiếu hụt vitamin B9 xuất hiện ngày càng nhiều và người tỉ lệ người mắc phải ngày càng trẻ. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại khi mọi người dường như không để ý tới. Bạn nên bổ sung lượng axit folic cần thiết để tránh mắc phải các căn bệnh không mong muốn nhé. Chúc bạn có sức khỏe thật tốt nhé! 

Thủy Phan

(Nguồn: Tổng Hợp)

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Vitamin b