Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Acid folic (vitamin B9) quan trọng thế nào đối với cơ thể?

Ngày 15/06/2020
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Acid folic thực chất là vitamin B9 với rất nhiều công dụng cho sức khỏe đặc biệt là mẹ bầu và mẹ cho con bú. Việc thiếu hay thừa vitamin B9 đều gây ra những hậu quả khôn lường. Bổ sung đúng cách là điều rất quan trọng.

Chúng ta thường hay nghe nói về sự cần thiết bổ sung acid folic đối với phụ nữ mang thai. Vậy acid folic là gì và có tác dụng như nào đối với sức khỏe? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này?

Acid folic là gì?

Acid folic hay còn có tên khác là vitamin B9, folate là một vitamin nhóm B, tan trong nước, không tan trong dung môi hữu cơ, dễ bị phân hủy bởi ánh sáng và nhiệt độ cao. 

Acid folic gồm 2 dạng chính: tự nhiên và tổng hợp. Trong tự nhiên, acid folic có nhiều trong một số thực phẩm như: trứng, sữa, ngũ cốc, quả bơ, nước cam, các loại đậu, hạt, các loại rau như: bông cải xanh, cải bó xôi, măng tây, bắp cải và các loại nấm. 

Acid folic tổng hợp thường được bào chế dưới dạng viên nén ở dạng kết hợp với sắt hoặc các loại vitamin nhóm B khác.

Acid folic (vitamin B9) quan trọng thế nào đối với cơ thể? 1

Acid folic vitamin B9

Bổ sung acid folic bao nhiêu là đủ?

Nhu cầu acid folic khác nhau theo từng đối tượng:

  • Trẻ dưới 12 tháng tuổi: 80 mcg/ngày
  • Trẻ 1 - 3 tuổi: 160 mcg/ngày
  • Trẻ 4 - 6 tuổi: 200 mcg/ngày
  • Trẻ 7 - 9 tuổi: 300 mcg/ngày
  • Trẻ trên 10 tuổi và người lớn: 400 mcg/ngày
  • Phụ nữ mang thai: 600 mcg/ngày
  • Bà mẹ cho con bú: 500 mcg/ngày

Tác dụng của acid folic

Acid folic có nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể, đặc biệt, acid folic vô cùng cần thiết đối với việc đảm bảo sức khỏe thai phụ cũng như hạn chế các dị tật ở thai nhi:

  • Đảm bảo cho sự phát triển và phân chia tế bào diễn ra bình thường: Acid folic là dưỡng chất cần thiết cho quá trình tổng hợp nhân tế bào ADN, ARN và protein.
  • Tham gia vào quá trình tạo máu: Cụ thể là quá trình sản sinh hồng cầu, giúp ngăn ngừa và điều trị các triệu chứng thiếu máu không do vitamin B12 và tổn thương tủy sống.
  • Đối với thai nhi: acid folic tham gia vào quá trình hình thành ống thần kinh của thai nhi. Bổ sung acid folic đầy đủ trong quá trình mang thai đảm bảo cho thai nhi phát triển bình thường, hạn chế được các dị tật bẩm sinh về não và tủy sống như: khiếm khuyết ống thần kinh, nứt đốt sống, não úng thủy hoặc khuyết não,…
  • Đối với thai phụ: bổ sung acid folic đầy đủ giúp giảm tình trạng thiếu máu và hạn chế được các nguy cơ do thiếu máu gây ra như: nguy cơ sảy thai, sinh non, trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng bào thai,…
  • Đối với trẻ em: acid folic có tác dụng trong việc phát triển trí não của trẻ, cụ thể, làm giảm nguy cơ chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ. 
  • Phòng tránh ung thư như ung thư vú, ung thư ruột kết và ung thư tử cung.
  • Điều trị các bệnh tuổi già như: chứng mất trí nhớ, nghe kém, lão hóa cơ quan, loãng xương, đau dây thần kinh, đau cơ bắp, bồn chồn, khó ngủ,…

Acid folic (vitamin B9) quan trọng thế nào đối với cơ thể? 2

Acid folic giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh cho thai nhi

Thiếu acid folic gây ảnh hưởng gì?

Thông thường, nhu cầu acid folic của cơ thể gần như được đáp ứng thông qua một chế độ ăn uống đầy đủ. Nguyên nhân thiếu acid folic thường xuất phát từ quá trình ăn uống kém trong thời gian dài, gây những ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe, cụ thể:

  • Thiếu acid folic gây bệnh thiếu máu hồng cầu to, tương tự như với triệu chứng thiếu máu do thiếu vitamin B12. Bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ đang mang thai do tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu, sinh non, trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng,...
  • Thiếu acid folic gây bệnh tiêu chảy và rối loạn hấp thu mỡ, bệnh hay gặp ở vùng nhiệt đới với các biểu hiện: thiếu máu, viêm lưỡi, viêm miệng, thiếu dịch vị, tiêu chảy phân nhầy mỡ,...
  • Thiếu acid folic còn là nguyên nhân gây nên các dị tật bẩm sinh ở trẻ như: dị tật ống thần kinh, tật nứt đốt sống, khuyết sọ hoặc vô sọ,...

Thừa acid folic gây ảnh hưởng gì?

Acid folic là một vitamin tan trong nước, lượng dư thừa thường được cơ thể đào thải ra bên ngoài thông qua nước tiểu. Do vậy, thường ít gặp các triệu chứng thừa acid folic. Tuy nhiên, nếu sử dụng acid folic có hàm lượng quá cao, vượt quá nhu cầu của cơ thể trong thời gian dài có thể dẫn đến một số nguy cơ sau:

  • Ngộ độc acid folic với các biểu hiện: buồn nôn, chóng mặt, ăn không ngon, rối loạn giấc ngủ,…
  • Thừa acid folic có thể làm mờ các triệu chứng của thiếu vitamin B12 trên lâm sàng.
  • Khiến cơn co giật nặng nề hơn ở những người bị rối loạn co giật.
  • Đối với phụ nữ mang thai, quá liều acid folic có thể dẫn đến các triệu chứng như đầy hơi, chán ăn, buồn nôn,rối loạn thần kinh trung ương dễ nhầm lẫn với các triệu chứng ốm nghén. Bên cạnh đó, điều này còn hạn chế quá trình trao đổi chất ở thai nhi. Đặc biệt là quá trình hấp thu kẽm gây nên nguy cơ trẻ sinh ra nhẹ cân, kém phát triển thể chất và trí tuệ sau này.

Acid folic (vitamin B9) quan trọng thế nào đối với cơ thể? 3

Thừa acid folic làm mờ dấu hiệu thiếu vitamin B12

Những lưu ý khi bổ sung acid folic

Để đảm bảo an toàn cho quá trình sử dụng, việc bổ sung acid folic cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Lượng bổ sung acid folic cần đủ nhu cầu theo từng đối tượng cụ thể, tránh bổ sung quá ít hoặc quá nhiều.
  • Không sử dụng kèm thuốc chống viêm, thuốc dạ dày, thuốc hạ mỡ máu hoặc rượu bia do những chất này làm càn trở quá trình hấp thu acid folic tại ruột.
  • Thời gian tốt nhất để bổ sung acid folic là sau ăn 30 phút kèm với nước lọc.
  • Đối với phụ nữ, cần bổ sung acid folic 3 - 6 tháng trước khi có dự định có thai.
  • Xin ý kiến chuyên gia y tế trước khi sử dụng.
  • Tới ngay cơ sở y tế nếu có bất kì dấu hiệu bất thường trong quá trình sử dụng thuốc.

Trên đây là những thông tin liên quan đến acid folic. Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu thêm về vai trò cũng như cách bổ sung acid folic như thế nào cho hiệu quả. Chúc bạn luôn mạnh khỏe và thành công!

Lâm Khuê

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:VitaminAxit folic