Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bạch cầu thấp có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa và điều trị bạch cầu thấp

Ngày 25/03/2024
Kích thước chữ

Trong số các loại tế bào máu, bạch cầu có vai trò như “người bảo vệ”, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Chỉ số bạch cầu cao hay thấp hơn so với giới hạn bình thường đều phản ánh các bất thường về sức khỏe. Vậy chỉ số bạch cầu thấp có nguy hiểm không?

Tế bào máu gồm có hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu. Bạch cầu tuy không phải tế bào máu chiếm số lượng nhiều nhất nhưng lại có vai trò cực kỳ quan trọng khi nó bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi khuẩn. Một người trong trạng thái khỏe mạnh bình thường sẽ có chỉ số bạch cầu ở ngưỡng bình thường. Khi chỉ số này cao hay thấp hơn ngưỡng bình thường đó, sức khỏe bạn có thể đang có vấn đề. Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc bạch cầu thấp có nguy hiểm không?

Bạch cầu và chức năng của bạch cầu

Bạch cầu là gì? Đây là một loại tế bào trong máu, bên cạnh hồng cầu và tiểu cầu. Bạch cầu có nguồn gốc từ các tế bào gốc sinh máu trong tủy xương. Chức năng của bạch cầu là chống lại vi khuẩn và tác nhân lạ tấn công cơ thể. 

Bạch cầu được chia thành mấy loại? Có 5 loại bạch cầu khác nhau và chúng đảm nhận những nhiệm vụ khác nhau. Nhưng tựu chung lại, chúng đều có nhiệm vụ là bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây hại. Cụ thể:

  • Bạch cầu hạt trung tính với đặc điểm là có khả năng vận động và thực bào mạnh sẽ làm nhiệm vụ tạo ra hàng rào bảo vệ đầu tiên để cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn sinh mủ.
  • Bạch cầu hạt ưa acid có nhiệm vụ chính là khử độc các chất lạ và protein.
  • Bạch cầu hạt ưa base có vai trò quan trọng trong các phản ứng dị ứng.
  • Bạch cầu lympho gồm bạch cầu lympho T và bạch cầu lympho B. Trong đó, bạch cầu Lympho T được hoạt hóa sẽ tấn công các kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể. Bạch cầu lympho B làm nhiệm vụ sản xuất ra kháng thể.
  • Bạch cầu mono sẽ phát triển thành các đại thực bào tại mô liên kết của các cơ quan. Các đại thực bào sẽ ăn các mô hoại tử, phân tử có kích thước lớn nên giúp dọn sạch vùng mô đang bị tổn thương. Loại bạch cầu này cũng góp phần khởi động quá trình sản xuất ra kháng thể.
Bạch cầu thấp có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa và điều trị bạch cầu thấp 1
Bạch cầu được ví nhưng người “bảo vệ” thầm lặng của cơ thể

Chỉ số bạch cầu bao nhiêu là thấp?

Vì bạch cầu có vai trò rất quan trọng, nên nhiều người quan tâm bạch cầu thấp có nguy hiểm không. Trước hết, chúng ta sẽ tìm hiểu chỉ số bạch cầu như thế nào là bình thường và chỉ số bạch cầu như thế nào là thấp.

Chỉ số bạch cầu bao nhiêu là bình thường? Chỉ số bạch cầu trong giới hạn bình thường khi ở mức là 4.000 - 10.000/mm3 máu. Chỉ số bạch cầu có thể giảm trong nhiều trường hợp. Có nhiều loại bạch cầu, trong đó bạch cầu trung tính chiếm số lượng lớn lại có vai trò như “tuyến phòng thủ” của hệ miễn dịch. Vì vậy, ngoài chỉ số bạch cầu nói chung, chúng ta cần quan tâm đặc biệt đến việc giảm chỉ số bạch cầu trung tính.

Ở một người khỏe mạnh bình thường, chỉ số bạch cầu trung tính trung bình là 1500/1 microlit máu. Nếu dưới chỉ số này, người lớn được coi là có bạch cầu giảm. Giảm bạch cầu trung tính có 3 mức độ gồm:

  • Giảm bạch cầu nhẹ: Chỉ số bạch cầu trung tính ở mức 1.000 – 1.500/1 microlit máu.
  • Giảm bạch cầu trung bình: Chỉ số bạch cầu trung tính ở mức 500 – 1.000/1 microlit máu.
  • Giảm bạch cầu trung tính nặng: Chỉ số bạch cầu trung tính ở mức dưới 500/1 microlit máu.

Tình trạng giảm bạch cầu trung tính cũng có thể phân thành hai loại gồm cấp tính (diễn ra trong thời gian ngắn, đột ngột) và mãn tính (diễn ra trong thời gian dài) hoặc giảm bạch cầu theo chu kỳ. Cũng có người bị giảm bạch cầu trung tính bẩm sinh, giảm bạch cầu trung tính mắc phải ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ.

Bạch cầu thấp có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa và điều trị bạch cầu thấp 2
Chỉ số bạch cầu trung tính từ 1000 tế bào/ microlit máu trở xuống cảnh báo nguy hiểm

Bạch cầu thấp có nguy hiểm không?

Bạch cầu thấp có thể xảy ra do nguyên nhân nào và tình trạng giảm bạch cầu xuống mức thấp hơn bình thường có đáng ngại không?

Bạch cầu thấp có đáng lo không?

Bạch cầu thấp có nguy hiểm không? Ở một số người, chỉ số bạch cầu trung tính có thể thấp hơn mức trung bình nhưng họ không bị tăng nguy cơ nhiễm trùng. Nhưng thông thường, chỉ số bạch cầu trung tính giảm đến mốc 1000 tế bào/microlit máu đã có thể gây nguy hiểm. Vi khuẩn có thể dễ dàng tấn công da, miệng, xoang, nướu hay các cơ quan nội tạng của người có bạch cầu thấp. Thiếu bạch cầu khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn, khi bị nhiễm trùng thường diễn tiến nhanh hơn và hậu quả nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân dẫn đến bạch cầu thấp

Nguyên nhân khiến chỉ số bạch cầu trung tính của một người bị giảm xuống mức thấp thường là:

  • Người đó bị bệnh lao, nhiễm trùng hoặc sốt xuất huyết.
  • Cơ thể bị nhiễm một số loại virus, điển hình như virus viêm gan, virus cảm cúm, virus lao, HIV,…
  • Dùng một số thuốc thần kinh, chống trầm cảm, thuốc chữa bệnh đa xơ cứng, thuốc cai nghiện, thuốc điều trị động kinh, kháng sinh, thuốc huyết áp cũng có thể khiến bạch cầu giảm.
  • Bạch cầu giảm do các bệnh lý về xương, bệnh về máu như: Thiếu máu bất sản, lách to, hội chứng Myelodysplastic,…
  • Người bị mắc bệnh ung thư, bệnh bạch cầu nên tủy xương bị tổn thương và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất bạch cầu.
  • Các rối loạn bẩm sinh như hội chứng Myelokathexis, hội chứng Kostmann,... cũng làm giảm bạch cầu.
  • Các rối loạn miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, bệnh Crohn,… khiến hệ miễn dịch nhầm lẫn bạch cầu là thành phần cần được tiêu diệt nên tấn công nhầm bạch cầu.
  • Nếu cơ thể bị thiếu hụt dinh dưỡng, đặc biệt là các chất như vitamin B12, folate, đồng, kẽm,... tình trạng giảm bạch cầu cũng rất dễ xảy ra.
  • Những người đang phải điều trị bệnh bằng phương pháp cấy ghép tủy xương, hóa trị, xạ trị, quá trình sản xuất bạch cầu của tủy xương cũng bị ức chế gây giảm bạch cầu.
Bạch cầu thấp có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa và điều trị bạch cầu thấp 3
Người đang mắc bệnh hoặc đang điều trị bệnh thường có bạch cầu giảm thấp

Điều trị bạch cầu giảm thấp bằng cách nào?

Để điều trị tình trạng bạch cầu thấp, các bác sĩ cần xác định được loại bạch cầu nào đang bị giảm và nguyên nhân dẫn đến giảm loại bạch cầu này là gì. Một số phương pháp điều trị giảm bạch cầu phổ biến như:

  • Dùng thuốc kích thích quá trình sản sinh bạch cầu kết hợp thuốc điều trị nguyên nhân gây giảm bạch cầu như thuốc kháng sinh, thuốc kháng nấm.
  • Thay đổi phương pháp điều trị làm giảm bạch cầu như hóa trị, xạ trị hoặc điều chỉnh tần suất hóa trị, xạ trị để cải thiện dần chỉ số bạch cầu.
  • Sử dụng một số loại protein đặc biệt để kích thích sản xuất bạch cầu.
  • Ngay tại nhà, người bệnh cần được chăm sóc bằng chế độ dinh dưỡng khoa học, cung cấp đủ dưỡng chất thiết yếu. Việc nghỉ ngơi, thư giãn cần hợp lý, hạn chế căng thẳng và làm việc quá sức để phục hồi sức khỏe và tăng lượng bạch cầu.

Như vậy, bạch cầu thấp có nguy hiểm không còn tùy từng trường hợp. Nhưng nhìn chung tình trạng này không có lợi cho sức khỏe. Ở những người có chỉ số bạch cầu thấp hay bạch cầu trung tính giảm, một số cách để giảm nguy cơ nhiễm trùng họ nên áp dụng như:

  • Tránh tối đa việc tiếp xúc gần với người đang bị bệnh.
  • Lựa chọn, chế biến, bảo quản đồ ăn, thức uống đúng cách để tránh vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống. Họ không nên ăn thực phẩm sống hay chế biến tái.
  • Có thói quen rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn nhiều lần trong ngày, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, sau khi đến nơi công cộng…
  • Không nên dùng dung đồ dùng cá nhân (dụng cụ ăn uống, bàn chải răng, khăn mặt, đồ trang điểm… ) với người khác.
  • Không nên dùng tay trần để xử lý phân động vật hay vệ sinh cho vật nuôi, không đi chân trần ra đất, không bơi ở ao hồ, sông ngòi.
Bạch cầu thấp có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa và điều trị bạch cầu thấp 4
Bạch cầu thấp cần chủ động phòng ngừa nhiễm trùng

Bạch cầu thấp có nguy hiểm không? Trong hầu hết các trường hợp, câu trả lời là có. Hệ quả rõ ràng nhất là người có chỉ số bạch cầu thấp sẽ bị suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Vì vậy, họ cần điều trị giảm bạch cầu sớm, đồng thời đề cao ý thức phòng ngừa nhiễm trùng khi chỉ số bạch cầu chưa về mức bình thường. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin